[MINH HUỆ 19-05-2022] Tôi là người Mỹ, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào mùa xuân năm 2018. Tôi hiểu rằng mình là sinh mệnh may mắn nhất và tôi vô cùng cảm tạ cơ duyên đắc Pháp trân quý nghìn năm khó gặp này.

Thế sự đang thay đổi nhanh chóng, ngày càng có nhiều người muốn liễu giải Pháp Luân Đại Pháp. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Sư phụ Lý Hồng Chí hồng truyền Pháp Luân Đại Pháp ra công chúng vào ngày 13 tháng 5 năm 1992, tôi muốn chia sẻ câu chuyện tu luyện của bản thân với hy vọng bài viết này sẽ giúp mọi người phần nào lý giải được Pháp Luân Đại Pháp.

1. Phát hiện ra kho báu

Lần đầu tiên tôi đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân”, tôi thiết nghĩ: “Đây chính là điều mà mình sẽ mãi mãi theo đuổi.”

Mặc dù tôi đã từng nghiên cứu các môn tôn giáo và triết học trong suốt thời gian dài học tập trong trường đại học, thậm chí tôi còn đích thân trải nghiệm một vài tôn giáo và vài môn triết học, nhưng không có gì đọng lại trong tâm trí tôi hoặc không thể hoàn toàn thuyết phục được tôi. Trong số đó, duy chỉ có Phật giáo là có sức thu hút nhất với tôi nhưng ngay cả Phật giáo cũng không thể giải đáp hết thảy những nghi vấn của tôi. Tuy nhiên, sau khi đọc xong cuốn “Chuyển Pháp Luân”, tôi hiểu ra phía sau trang bìa giản dị kia của “Ông” là một kho báu được cất giữ trong một kho tàng quý giá chứa đựng lời giải đáp cho hết thảy những điều mà tôi vẫn đang miệt mài tìm kiếm.

Tất nhiên, những lý giải ban đầu của tôi vô cùng nông cạn, tôi không cách nào nhìn ra bản thân có rất nhiều chấp trước; tôi cho rằng “cảm tạ trời, cảm tạ đất, con không cần phải lo lắng về chấp trước này nữa, vì con không đố kị”, hay như, “mình đã giải quyết được vấn đề này rồi, vì từ trước đến giờ mình không tranh đấu hơn thua.”

Bây giờ khi hồi tưởng lại, tôi cảm thấy khi đó bản thân thật hài hước. Khi đó tôi nghĩ: “Chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn sẽ không khó đâu, vì vốn dĩ mình cũng đang hành xử như vậy rồi.” Tôi không hiểu vì sao Sư phụ lại nhiều lần đề cập rằng tu luyện vốn không hề khó. Đó là vì tôi không hiểu ra rằng, lý giải được những khái niệm trong sách chỉ là một phương diện, làm sao để có thể áp dụng vào thực tế thì lại là một chuyện khác hẳn.

2. Học cách hướng nội tìm bản thân

Khi mới đắc Pháp, tôi tranh thủ thời gian đọc tất cả các kinh văn của Sư phụ theo trình tự từ đầu đến cuối, điều này đã giúp ích rất nhiều cho việc liễu giải Pháp của tôi.

Nhưng cho dù là vậy, ban đầu tôi cũng rất khó để nhận ra chấp trước của bản thân. Tôi biết tôi có một số chấp trước, nhưng tôi lại không biết làm cách nào để phân biệt được chúng. Khi tôi nghe các đồng tu khác đàm luận về những chấp trước của họ, tôi ngạc nhiên khi họ có thể dễ dàng chia sẻ những điều này. Tôi nghĩ: “Nếu mình có những chấp trước không tốt, mình không nghĩ mình sẽ có thể công khai thừa nhận chúng.”

Mặc dù tôi không nhìn ra chấp trước của bản thân, nhưng tôi lại có thể nhìn rất rõ chấp trước của người khác. Thậm chí có lúc tôi nghĩ, tại sao mình lại nhìn rõ chấp trước hoặc quan niệm của người khác, mà lại không nhìn ra chấp trước của bản thân đây?

Cho đến một ngày, tôi đột nhiên giật mình tỉnh ngộ! Hóa ra những chấp trước mà tôi thấy từ người khác thực ra lại chính là chấp trước của bản thân phản ánh ra cho tôi thấy. “Khoảnh khắc được vầng sáng chiếu rọi” này đã giúp tôi học được cách hướng nội.

Một trở ngại khác nữa là, tôi không muốn thừa nhận mình có chấp trước, ngay cả khi đó là chấp trước của mình thì tôi cũng không muốn thừa nhận, đặc biệt là khi tôi cho rằng chúng thật tồi tệ hoặc chúng khiến tôi cảm thấy xấu hổ. Nếu tôi thừa nhận chúng, điều đó có nghĩa là tôi đã buông bỏ quan niệm rằng “mình là một kiểu người nào đó” đã được hình thành từ trước đến giờ, tôi phải buông bỏ những thứ mà trong mắt người khác đánh giá là rất tốt và tôi phải tự tra khảo lại những mặt không tốt của bản thân.

Tôi thật sự không muốn tra khảo bản thân nên thường nhắm mắt làm ngơ. Tôi đã mất nhiều tháng để nhận ra tâm chấp trước vào danh của mình mạnh mẽ đến thế nào. Một khi tôi nhận ra được điểm này, tôi mới có thể hướng nội sâu sắc hơn. Khi tôi xin lỗi người khác, hoặc khi tôi chia sẻ với người khác về trải nghiệm tu luyện của mình, tôi đã có thể thừa nhận những khuyết điểm của bản thân với người khác.

Kể từ khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nguyện vọng muốn trở thành một người tốt hơn nữa mạnh mẽ hơn rất nhiều mong muốn giữ chặt những vật chất bất hảo của bản thân. Vì vậy, tôi không chỉ sẵn sàng buông bỏ chúng, mà sau khi trải nghiệm trạng thái thân tâm nhẹ nhàng và những vật chất bất hảo xung quanh được cải biến, tôi nhìn rõ chúng, tóm thật chặt chúng không buông, chúng đều là những hành vi thật ngu ngốc.

3. Nhận thức ra chấp trước

Điều khá thú vị là, chấp trước đầu tiên mà tôi phát hiện ra lại chính là chấp trước mà tôi chắc chắn rằng mình không có – tâm tranh đấu. Nhiều năm qua, tôi cùng bạn bè đàm luận về vấn đề những người trong trường y có tính cách hiếu thắng hơn thua ra sao, còn tôi thì không nằm trong số đó. Tôi thậm chí còn tự hào về “sự thật” này. Trên thực tế, chấp trước này vô cùng thâm căn cố đế, đến mức nó bị chôn vùi trong những chấp trước khác, trong chấp trước tự tin sai lầm của tôi và tôi thậm chí không thể nhận thức ra được chúng.

Tôi nhớ cái ngày mà bản thân đã ngạc nhiên đến mức nào khi tôi phát hiện ra tâm chấp trước này. Tôi nhận ra rằng, mình nhất định phải chú ý đến suy nghĩ và hành vi của bản thân, xem xem liệu chúng có biểu hiện ở phương diện nào – và quả nhiên chúng đã xuất hiện! Tôi đã sốc khi phát hiện ra rất nhiều lần trong ngày tôi có suy nghĩ cố gắng vượt trội hơn người khác. Dù chỉ là trên những phương diện nhỏ nhặt, vụn vãnh. Tôi ý thức được, tôi có năng lực hơn người khác, thậm chí còn coi thường người khác vì những khuyết điểm mà họ có. Đào sâu hơn một bước, tôi hiểu ra mình còn có một chấp trước khác mà tôi từng nghĩ mình sẽ không có – đó là tâm tật đố. Tôi nhận ra, giống như Sư phụ đã giảng, tâm tật đố và tâm tranh đấu có mối liên hệ với nhau.

Khi tôi cố gắng loại bỏ từng tầng, từng tầng chấp trước này thì chúng lại hết lần này đến lần khác bị phơi bày ra cho tôi thấy. Tôi còn nhận ra rất nhiều những chấp trước khác của mình, chẳng hạn như: tâm hiển thị, tâm lười biếng, an dật, thích hưởng thụ vật chất, không muốn chịu khổ, tâm oán hận, tình (đặc biệt là đối với con trai) và tâm biện minh, v.v.

Một chấp trước lớn khác của tôi là điều mà tôi vốn luôn cảm thấy tự hào – đó là “sống thực dụng”.

Sư phụ đã giảng rằng:

“bởi vì họ khôn, họ sẽ biết lấy lòng người, họ có thể được nhiều thứ tốt, người khác do vậy sẽ phải nhận nhiều thứ xấu; bởi vì họ khôn, nên họ cũng không thể chịu thiệt, họ không dễ chịu thiệt, và người khác phải chịu thiệt. Họ ngày càng coi trọng những lợi ích thực tiễn nhỏ nhoi ấy, như vậy bụng dạ của họ ngày càng hẹp hòi, họ ngày càng cho rằng lợi ích vật chất có được ở nơi người thường mới là những thứ không thể buông bỏ được, họ cũng nhận rằng bản thân họ coi trọng hiện thực, họ cũng không chịu thiệt thòi.” (Chuyển Pháp Luân)

Bây giờ tôi nhận ra rằng, sống thực dụng là một cách để trốn tránh mọi mất mát hoặc không muốn chịu đựng khó khăn. Nó khiến tâm thái của con người mắc kẹt trong lợi ích cá nhân và những chuyện vụn vặt, khiến con người không có cái nhìn thoáng đạt và vô tư vô ngã nhìn nhận vấn đề, đó là biểu hiện của tâm an dật và tâm mong muốn gặp những chuyện vừa ý.

Tôi còn phát hiện, mặc dù suy nghĩ muốn sống một cuộc sống thoải mái, bình yên là quan niệm và biểu hiện từ chấp trước của tôi nhưng nó lại dễ bị coi là vài suy nghĩ khi nhất thời. Thoạt nhìn thấy chúng có vẻ không ảnh hưởng quá nhiều đến tôi, thậm chí có lúc tôi không chú ý hoặc bỏ qua không để tâm đến chúng. Trên thực tế, chính vì những nguyên nhân như vậy nên những chấp trước này mới là nguy hiểm nhất, chúng dễ dàng dần dần hủy hoại người tu luyện.

4. Vượt quan

Quan nạn có rất nhiều hình thức và biểu hiện lớn nhỏ khác nhau, nhưng bất luận là lớn hay nhỏ đều là một phần trong quá trình tu luyện của chúng ta. Lần đầu tiên tôi vượt quan tâm tính và nó đã để lại cho tôi một ấn tượng khó phai mờ trong tâm trí tôi.

Trong một lần khám sức khỏe tại nhà cho một cặp vợ chồng, người chồng tuổi tác đã cao, ông nói mình không nghe thấy lời tôi nói. Tôi đã cố gắng nói lớn tiếng hơn, nhưng ông ấy lại tỏ ra vô cùng khó chịu và nói tôi không phải là một người chuyên nghiệp, đáng lý tôi cần có biểu hiện của một người chuyên nghiệp. Tôi càng nói càng khàn giọng đi mà ông ấy thì vẫn không nghe được tôi nói và cáu gắt khó chịu. Cuối cùng, tôi giận dữ nói những lời khó nghe với ông ấy, rằng có lẽ chúng ta không nên có buổi khám bệnh này và rằng tôi sẽ để người khác làm thay, vì tôi không cách nào nói to hơn được nữa. Ông ấy trả lời một cách tức tối: “Không được, tôi muốn khám bệnh ngay bây giờ.” Tôi hít một hơi thật sâu, sau đó tự nhắc nhở mình phải nhớ Pháp lý của Đại Pháp.

Sư phụ giảng:

“Thế nào là tâm Đại Nhẫn? Đã làm người luyện công thì trước hết phải làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, phải Nhẫn. Nếu không, thì chư vị là người luyện công [loại] gì vậy? Có người nói: ‘Nhẫn đến như thế khó làm lắm, tính tôi vốn nóng nảy’. Nóng tính thì phải sửa; người luyện công nhất định phải Nhẫn.” (Chuyển Pháp Luân)

Ông tiếp tục mắng nhiếc tôi, nói từ việc tôi không chuyên nghiệp, tự cho rằng bản thân chuyện gì cũng biết nhưng thực ra tôi không biết cái gì, đến việc nói tôi là một người mẹ tồi tệ, là hình mẫu xấu cho con trai của tôi; lúc đó tôi cảm thấy tâm của mình bất động. Tôi thiết nghĩ: “Cho dù ông ấy có la mắng mình cả ngày thì mình cũng sẽ không ghét bỏ ông ấy.” Ông ấy cứ như vậy trong vòng năm phút, còn tôi thì mỉm cười nhẫn nại lắng nghe. Sau khi ông nói xong, tôi chỉ trả lời rằng: “Được ạ.”

Sau đó, chuyện kỳ diệu đã xảy ra. Bởi vì tôi không động tâm, tôi buông nhẹ được chấp trước vào danh tiếng, tâm thích nghe lời dễ nghe, muốn được tôn trọng, muốn phân tranh, ưa thể diện và tự ngã của bản thân nên hoàn cảnh xung quanh tôi đã ngay lập tức thay đổi. Người này đột nhiên nghe được lời tôi nói, trong quá trình khám bệnh, tôi không cần phải cao giọng để nói thật to với ông ấy nữa.

Và người này cũng thay đổi cái nhìn về tôi, ông bắt đầu nói những lời thiện chí. Thậm chí sau khi khám bệnh xong, ông ấy còn nán lại một hồi lâu để chia sẻ những câu chuyện và ảnh chụp gia đình của mình cho tôi. Tôi đã được đích thân trải nghiệm sức mạnh thần kỳ của Đại Pháp: Khi tôi thay đổi, những sự việc quanh tôi cũng thuận theo đó mà đổi thay.

Một trải nghiệm khác là, tôi đột nhiên mất việc mà đó lại là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Sự cố này kéo dài trong vài tháng, tạo thành căng thẳng tài chính rất lớn và cũng kéo theo áp lực kinh tế nặng nề lên chồng tôi. Chồng tôi thường ngày rất hiền hòa, nhưng giờ lại trở nên gắt gỏng với tôi và gây ra nhiều áp lực cho tôi, bắt tôi phải đi tìm việc làm mới. Cuối cùng, khó khăn này dẫn đến việc chúng tôi có khả năng sẽ mất nhà và không thể không đến nhà người thân ở nhờ.

Đúng trong thời điểm đó, xe của tôi cần đi kiểm định, nhưng vì một chiếc đèn nhỏ gặp vấn đề nên đã không vượt qua được kỳ kiểm định này. Điều này khiến tôi không có xe để di chuyển, và chi phí sửa chữa cũng tốn kém. Người mà chúng tôi quen biết nói rằng, họ có thể giúp đỡ chúng tôi giải quyết vấn đề này, sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được một khoản lớn và đỡ áp lực hơn. Nhưng tôi biết tôi nhất định phải dùng cách thức chính thường và thành thật để giải quyết vấn đề, nên tôi không vì thế mà bị động.

Vào thời điểm đó, khảo nghiệm vô cùng khó khăn này khiến chúng tôi không biết cách nào để kiếm đủ tiền chi trả cho việc sửa chữa xe. Cuối cùng, chúng tôi đã tìm một người sửa xe giỏi với giá sửa chữa thấp hơn rất nhiều giá niêm yết trong cửa hàng. Vì tôi đã lựa chọn cách giải quyết đúng đắn, nên con đường thoáng đạt phía trước đã được mở ra và vấn đề cuối cùng đã được giải quyết.

Tôi cũng trải qua những khảo nghiệm khác nhau, chẳng hạn như cha tôi để lại khối tài sản hàng triệu đô la cho anh họ tôi mà lại không để lại cho tôi bất cứ thứ gì. Người xung quanh tôi đều nói phần tài sản đó đáng lý là của tôi, rằng tôi nên thuê một luật sư để đòi lại quyền lợi. Tôi cho rằng đây là một khảo nghiệm.

Tôi nhớ lại Pháp mà Sư phụ đã giảng:

“Do đó chúng ta giảng ‘tuỳ kỳ tự nhiên’; có lúc chư vị thấy rằng thứ ấy là [của] chư vị, người ta cũng nói với chư vị rằng thứ ấy là [của] chư vị; kỳ thực nó không phải [của] chư vị. Chư vị có thể cho rằng đó là của mình, [nhưng] rốt cuộc nó lại không phải của chư vị; qua đó thấy được rằng đối với sự việc này chư vị có thể vứt bỏ được không; vứt bỏ không được thì chính là tâm chấp trước; chính là dùng cách này để chư vị vứt bỏ tâm [chấp trước] vào lợi ích ấy; chính là vấn đề này.” (Chuyển Pháp Luân)

5. Cố gắng tinh tấn hơn

Tu luyện không hề dễ dàng, nhưng đó là vì chúng ta không muốn buông bỏ chấp trước – đây mới là điểm mấu chốt khiến chúng ta cảm thấy khó.

Sư phụ giảng:

“Làm người tu luyện chân chính có quyết tâm, họ có thể Nhẫn được vững chắc; với các chủng lợi ích trước mắt họ có thể vứt bỏ các tâm chấp trước, có thể coi chúng rất nhẹ, chỉ [những ai] có thể làm được như thế thì mới thấy không khó. Người nào mà nói là khó, thì chính là vì họ không vứt bỏ được những thứ ấy. Bản thân công pháp tu luyện không hề khó, bản thân việc đề cao tầng cũng không khó gì hết, mà chính là tâm con người không vứt xuống được, nên họ mới nói là khó. Bởi vì đang trong lợi ích hiện thực thì rất khó vứt bỏ nó được, lợi ích kia đang ở đó, chư vị nói xem cái tâm ấy vứt bỏ như thế nào đây?” (Chuyển Pháp Luân)

Khi tôi gặp phải sự việc khiến tôi động tâm, hoặc gặp những việc bản thân cho rằng không thể buông bỏ, tôi sẽ thử lùi một bước, sẽ nghĩ đến đoạn Pháp này của Sư phụ. Tôi cũng cố gắng nhớ lại cách hướng nội tìm: Động cơ của mình là gì? Dùng một tâm thái thuần khiết nhất để đối đãi sự việc thay vì đưa tâm chấp trước này để sửa sai cho chấp trước khác. Đôi khi tôi làm được tốt và cũng có lúc tôi làm không được tốt, nhưng tôi luôn chú trọng uốn nắn bản thân, tiếp tục cố gắng. Đó chính là tu luyện.

Tôi hiểu rằng, ngày càng có nhiều người hơn nữa đến tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, họ sẽ được thể nghiệm sự vĩ đại của Đại Pháp. Chúng ta là những sinh mệnh thật may mắn, bởi vì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là con đường phản bổn quy chân, là con đường quay trở về gia viên thực sự của chúng ta.

Con xin cảm tạ Sư phụ từ bi đã ban cơ hội vạn cổ khó gặp cho tất cả chúng sinh trong vũ trụ rộng lớn này, chúng con nhất định sẽ không bỏ lỡ cơ duyên vạn cổ này.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/19/442283.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/21/201418.html

Đăng ngày 12-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share