Bài viết của một phóng viên Minh Huệ
[MINH HUỆ 11-03-2022] [Ghi chú của Ban biên tập: Trong văn hóa Trung Hoa và văn hóa phương Tây, thuyết về nghiệp lực luân báo, tức là mỗi người cuối cùng đều phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, được chấp nhận rộng rãi. Đạo lý căn bản của Pháp Luân Công là Chân-Thiện-Nhẫn. Vũ trụ sẽ ban thưởng cho những hành động thuận theo đạo lý này, còn khi đánh đập, tra tấn và sát hại sinh mệnh sẽ phải gánh chịu quả báo. Nói cách khác là thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Bài viết này là một lời nhắc nhở từ bi đối với những ai đã từng làm việc xấu.]
Cuộc bức hại Pháp Luân Công đã kéo dài gần 23 năm ở Trung Quốc. Hàng triệu học viên đã bị bức hại vì đức tin của họ vào Chân-Thiện-Nhẫn. Tính riêng trong năm 2021, đã ghi nhận tổng cộng 16.413 trường hợp học viên đã bị bắt hoặc bị sách nhiễu vì đức tin của họ.
Cuộc bức hại này không chỉ nhắm vào các học viên vô tội mà còn khiến những thủ phạm bức hại trở thành nạn nhân. Nhiều người mù quáng tuân theo các chính sách bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phải gánh chịu những hậu quả bi thảm.
Trong số đó có 155 lãnh đạo các cơ quan cảnh sát, từ cấp tỉnh tới các cấp thấp hơn. 84 trường hợp đã được trang web Minh Huệ báo cáo, trong khi 71 trường hợp còn lại là do các kênh truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát, đưa tin.
Trong 155 trường hợp này có 130 giám đốc cảnh sát đang bị điều tra, 19 người đã qua đời vì nhiều nguyên nhân khác nhau, 4 người bị kết án tù, 1 người bị kỷ luật cảnh cáo, và 1 người đã gặp nhiều sự việc không may mắn khác.
Những sự việc này xảy ra ở 28 tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, trong đó tỉnh Quảng Đông đứng đầu danh sách với 14 trường hợp, tiếp đến là tỉnh Liêu Ninh và Sơn Đông (mỗi tỉnh 13 trường hợp), tỉnh Hà Bắc (12 trường hợp), tỉnh Sơn Tây (10 trường hợp), và các khu vực còn lại ghi nhận dưới 10 trường hợp.
Dưới đây là một số ví dụ.
Đột tử
Một số giám đốc cảnh sát đã qua đời vì tai nạn hoặc bệnh tật nhưng lại được ĐCSTQ ca ngợi như những anh hùng hay cán bộ mẫu mực để dẫn dụ thêm nhiều người [sẵn sàng] xả thân cho chính quyền này.
Một thành viên của Dự án Lá chắn Vàng
Phan Đông Thăng, giám đốc Sở Cảnh sát Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, được truyền thông Trung Quốc đưa tin là đã “đột ngột lâm bệnh do làm việc quá sức” vào tháng 9 năm 2021. Ca cấp cứu không thành công và ông ta đã qua đời ở tuổi 57. Phan không chỉ là giám đốc và Bí thư của Sở Cảnh sát Phúc Châu, mà còn là phó thị trưởng thành phố kiêm phó Bí thư của Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) Phúc Châu.
Trong nhiều năm qua, Phan đã có nhiều ‘thành tích’ trong việc bức hại Pháp Luân Công. Chẳng hạn, vào năm 2000, ông ta được bổ nhiệm làm phó giám đốc của Phòng Giám sát Mạng lưới An ninh Phúc Kiến. Năm 2010, Phan được đề bạt làm giám đốc của Phòng Khoa học và Công nghệ Truyền thông của Sở Cảnh sát Phúc Kiến. Trong suốt những năm này, ông ta là thành viên chủ chốt của Dự án Lá chắn Vàng, một mạng lưới giám sát do ĐCSTQ triển khai. Cả thành phố Phúc Châu và thành phố Tam Minh, nơi mà Phan Đông Thăng đã làm việc, đều là những khu vực mà các học viên Pháp Luân Công bị bức hại tàn khốc nhất.
Phan Đông Thăng
Mạng lưới giám sát mà Phan tham gia đã trở thành một trong những công cụ quan trọng trong cuộc bức hại Pháp Luân Công trong những năm gần đây. Nhiều báo cáo Minh Huệ Net đã thu thập được cho thấy ngày càng có nhiều học viên đã bị bắt giữ hay sách nhiễu sau khi bị ghi hình trong các video giám sát.
ĐCSTQ đã cố gắng tìm mọi cách để che đậy cái chết đột ngột của Phan. Phúc Kiến đã truy tặng Phan danh hiệu “Đảng viên xuất sắc cấp tỉnh” và “Cán bộ của năm ở Phúc Kiến”, còn Ban Tuyên giáo Trung ương đã truy tặng Phan Đông Thăng là “Cán bộ gương mẫu thời đại” và được chọn làm “Anh hùng cống hiến của năm”.
Thủ đoạn của ĐCSTQ là khích lệ những người tham lam tiếp tục liều mạng và hy sinh cho nó, nhưng nó không thể thay đổi được bản chất và kết quả của thiện và ác. Không ai có thể trốn thoát khỏi nghiệp lực của bản thân mình. Huân chương và giải thưởng không thể cứu được tính mạng của Phan hay che đi máu của những người vô tội đã vì ông ta mà chết.
Cảnh sát trưởng ở Thành phố Ngô Châu, tỉnh Quảng Tây
Câu chuyện của Khuông Bá Bưu ở tỉnh Quảng Tây cũng tương tự như vậy. Giống với Phan Đông Thăng, Khuông là Chủ tịch kiêm Bí thư Đảng ủy Thành phố Ngô Châu và là phó bí thư của PLAC Ngô Châu. Khuông đã chết vì bệnh tật vào ngày 10 tháng 6 năm 2021, ở tuổi 56.
Khuông Bá Bưu
Thành phố Hà Trì và thành phố Ngô Châu, hai địa phương mà Khuông từng làm lãnh đạo trước đó, là hai trong số những khu vực bức hại Pháp Luân Công tàn khốc nhất. Vào tháng 3 năm 2017, bà Lục Hội Bích, một học viên 54 tuổi, tới huyện Mông Sơn để phát tặng các tài liệu về Pháp Luân Công thì bị nhiều cảnh sát mặc thường phục theo dõi và sau đó bắt giữ bà. Bà bị kết án ba năm tù giam và bị bí mật đưa tới Nhà tù Nữ Quảng Tây vào tháng 9 năm 2018.
Sau khi chết, Khuông được truy tặng là cán bộ mẫu mực giống như Nhậm Trưởng Ưu, nguyên cảnh sát trưởng ở thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, người đã chết trong một tai nạn xe hơi bất thường vào năm 2004, trong khi tất cả những người còn lại trong xe vẫn an toàn.
Phó cảnh sát trưởng huyện Đạo Ngoại, tỉnh Hắc Long Giang
Lưu Học Cương là đồn phó Đồn Cảnh sát Đạo Ngoại ở thành phố Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang. Ngày 24 tháng 9 năm 2021, Lưu đã qua đời vì bệnh ở tuổi 51. Trong nhiều năm qua, Đồn Cảnh sát Đạo Ngoại đã tích cực tham gia bức hại Pháp Luân Công. Lấy ví dụ, bà Chu Phong Lan đã nhiều lần bị bắt giam và gia đình bà thường xuyên bị sách nhiễu.
Lưu Học Cương
Cũng giống như Phan Đông Thăng và Khuông Bá Bưu, Lưu Học Cương đã được Bộ Công an truy tặng danh hiệu cán bộ gương mẫu.
Cái chết của cảnh sát trưởng huyện Thái Hồ, tỉnh An Huy
Vương Tiết là phó chủ tịch huyện Thái Hồ, tỉnh Anh Huy kiêm bí thư và trưởng Phòng Cảnh sát Thái Hồ. Trước khi chết, Vương đã được Bộ Công an trao tặng bằng khen. Vài tháng sau khi được chính quyền tỉnh An Huy khen thưởng, Vương đã chết bởi bệnh ung thư tuyến tụy ở tuổi 52, vào tháng 9 năm 2021.
Vương Tiết
Vương và nhiều quan chức khác phải chịu trách nhiệm đối với cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở huyện Thái Hồ. Vào tháng 5 năm 2016, khi ông Bằng Chí Giang đang phổ biến cho người dân về Pháp Luân Công, ông đã bị cảnh sát huyện Thái Hồ bắt giữ và kết tội, theo đó ông Bằng phải nhận bản án 3 năm tù giam.
“Cán bộ gương mẫu” gây ra cái chết của các học viên
Một cảnh sát trưởng khác được ĐCSTQ vinh danh là Lý Nghênh Thần, nguyên giám đốc Trại tạm giam Thành phố Hạc Cương, tỉnh Hắc Long Giang. Lý qua đời vào đầu năm 2021, ngay sau khi được đề bạt làm đồn phó Đồn Cảnh sát Hưng An.
Nhiều báo cáo trên Minh Huệ đã vạch trần những việc làm xấu xa của Lý Nghênh Thần. Đặc biệt, ông ta đã áp đặt nhiều hình thức tra tấn đối với các học viên, bao gồm cả các nữ học viên, bị giam giữ tại trại tạm giam Hạc Cương.
Chẳng hạn, sức khỏe của ông Đàm Diên Quân trở nên rất yếu sau khi bị ngược đãi tại trại tạm giam Hạ Cương vào năm 2004. Ông mắc các căn bệnh như thủng màng nhĩ, viêm cột sống dính khớp, viêm xương khớp hai bên hông, lao, tim đập nhanh, viêm xoang, và mất khả năng đi lại. Ngoài ra, cổ, vùng thắt lưng và hai chân của ông không thể cử động được. Cuối cùng, Lý Nghênh Thần và nhiều người khác đã quẳng ông Đàm ở ngõ gần nhà ông rồi để người mẹ 65 tuổi của ông phải kéo lê ông hơn 100m vào nhà.
Sau khi vào nhà, ông Đàm bảo với người chị gái của mình: “Em bước ra khỏi đây trên hai chân. Nhưng vì sự bức hại của ĐCSTQ mà giờ đây em phải bò lê bằng hai tay”. Ông không thể ngồi thẳng hay nằm xuống vì sức khỏe yếu và chỉ có thể ngồi dựa vào tường. Không thể ăn hay ngủ, ông thường xuyên nôn ra máu và hít thở khó khăn.
Tất cả những điều này khiến ông Đàm ngày càng hốc hác và sức khỏe của ông ngày một suy kiệt. Vào trưa ngày 27 tháng 2 năm 2005, ông Đàm đã qua đời trong nước mắt khi ông nhìn con trai và con gái còn thơ bé của mình. Khi đó ông chỉ mới 40 tuổi.
Bị cấp dưới sát hại nhưng lại được vinh danh là “hy sinh vì nhiệm vụ”
Tháng 2 năm 2021, theo một thông báo từ Sở Cảnh sát Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, phó cảnh sát trưởng huyện Từ Văn, Ngô Tông Ba, đã bị đồn trưởng của đồn cảnh sát là Từ Mỗ Hưng bắn chết.
Ngô Tông Ba
Mặc dù Ngô bị cấp dưới sát hại nhưng ĐCSTQ sau đó đã che giấu sự việc này và tuyên bố rằng Ngô đã “hy sinh vì nhiệm vụ”. Nhiều bài viết trên Minh Huệ đã cung cấp tư liệu về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở huyện Từ Văn. Lấy ví dụ, vào tháng 3 năm 2018, hơn chục cảnh sát đã tới nhà bà Hà Thúy Cầm. Ngoài việc lục soát nhà và lấy đi tất cả các sách Pháp Luân Công, một số cảnh sát còn túc trực 24/7 để theo dõi bà.
Nhiều quan chức đang bị điều tra
Dưới đây là một sộ trường hợp cảnh sát trưởng bị điều tra với các tội danh khác nhau.
Cựu giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh
Tháng 7 năm 2021, các kênh truyền thông tin tức đưa tin rằng Lý Văn Hỷ, cựu giám đốc Sở Công an Tỉnh Liêu Ninh, đã bị cách chức và cáo buộc phạm tội.
Lý Văn Hỷ
Lý Văn Hỷ sinh năm 1950 và trở thành phó chủ tịch thành phố Bản Khê kiêm giám đốc và bí thư đảng ủy của Sở Cảnh sát Bản Khê vào tháng 5 năm 1996. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, Lý đã nhiều lần được đề bạt bởi ‘thành tích’ bức hại Pháp Luân Công. Vào tháng 1 năm 2000, Lý làm phó giám đốc kiêm phó bí thư đảng ủy của Sở Công an tỉnh Liêu Ninh. Tháng 5 năm 2002, ông ta được chỉ định làm giám đốc và bí thư đảng ủy Sở Công an tỉnh Liêu Ninh. Tháng 9 năm 2006, Lý tiếp tục giữ chức giám đốc Sở Công an tỉnh Liêu Ninh, đồng thời bắt đầu kiêm nhiệm vị trí mới là trợ lý cho chủ tịch tỉnh Liêu Ninh. Vì tuổi tác cao nên ông ta đã rời khỏi Sở Công an Liêu Ninh vào tháng 3 năm 2011, và trở thành phó chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát Trung Quốc kiêm chủ tịch Hiệp hội Cảnh sát Liêu Ninh.
Trong khoảng thời gian từ tháng 1 năm 2000 tới tháng 3 năm 2011, khi Lý còn đương chức tại Sở Công an Tỉnh Liêu Ninh, tỉnh này đã trở thành một trong những tỉnh bức hại các học viên Pháp Luân Công tàn khốc nhất. Vào năm 2013, một báo cáo của Minh Huệ cho thấy hơn 3.600 học viên đã qua đời vì bị tra tấn trong khi giam giữ và 400 người trong số họ là ở tỉnh Liêu Ninh.
Cá nhân Lý Văn Hỷ phải chịu trách nhiệm cho những thảm kịch này. Bằng việc chỉ đạo và lập kế hoạch cho cuộc bức hại trên toàn tỉnh, Lý đã buộc nhiều cảnh sát phải bức hại các học viên Pháp Luân Công vô tội. Lý cũng lệnh cho các lực lượng cảnh sát tỉnh Liêu Ninh bắt bớ hàng loạt các học viên và tra tấn họ. Điều này đã dẫn tới vô số thảm kịch trong Nhà tù Thẩm Dương, Trại Lao động Mã Tam Gia, Nhà máy Nhựa hóa Thi thể Người Đại Liên và Trại tập trung Tô Gia Đồn. Hơn nữa, nhiều tội ác ghê rợn đã diễn ra tại nhiều nhà tù, trại lao động, trại tạm giam và trung tâm tẩy não ở Bản Khê, Bàn Cẩm, Đại Liên và nhiều thành phố khác.
Giám đốc Sở Công an Giang Tô
Ngày 12 tháng 10 năm 2021, Viện kiểm sát Tối cao đã bắt giữ Vương Lập Khoa vì tội nhận hối lộ. Vương là bí thư của PLAC Giang Tô và giám đốc Sở Công an tỉnh Giang Tô.
Vương Lập Khoa
Một số người cho rằng đây là quả báo cho việc bức hại Pháp Luân Công của Vương. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu tháng 7 năm 1999, ông ta đã giữ nhiều chức vụ cấp cao, ban đầu ở tỉnh Liêu Ninh, sau đó là ở tỉnh Giang Tô. Các chức danh của Vương ở tỉnh Liêu Ninh gồm có: giám đốc Sở Cảnh sát Bắc Ninh (từ tháng 12 năm 1999), phó giám đốc Sở Cảnh sát Cẩm Châu (tháng 6 năm 2002), giám đốc Sở Cảnh sát Hồ Lô Đảo (tháng 12 năm 2006), giám đốc Sở Cảnh sát Đại Liên (tháng 12 năm 2009). Tại tỉnh Giang Tô, Lý là cục trưởng Cục Công an tỉnh Giang Tô (tháng 12 năm 2013) và Bí thư đảng ủy của PLAC Giang Tô (tháng 11 năm 2015).
Trong suốt những năm này, Vương đã trực tiếp chỉ đạo cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công ở cả hai tỉnh Liêu Ninh và Giang Tô, theo đó có ít nhất 99 học viên đã chết, hơn 3.000 học viên bị bắt giữ và hàng trăm học viên bị bỏ tù. Ông ta cũng nhận được rất nhiều bằng khen của Bộ Công an.
Giám đốc Sở Cảnh sát Trương Gia Khẩu
Tháng 10 năm 2021, Trình Úy Thanh, cựu giám đốc Sở Cảnh sát Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc đã chết vì u não ở tuổi 51. Trình đã từng lập nhiều ‘thành tích’ trong cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Trình Úy Thanh
Trình Úy Thanh từng công tác ở Sở Tư Pháp tỉnh Hà Bắc, PLAC Hà Bắc, Phòng 610 Hà Bắc và nhiều nơi khác. Các chức vụ của ông ta gồm có giám đốc Sở Cảnh sát Thạch Gia Trang, phó chủ tịch Thành phố Hành Thủy, giám đốc Sở Cảnh sát Hành Thủy, phó chủ tịch thành phố Trương Gia Khẩu, bí thư đảng ủy kiêm giám đốc Sở Cảnh sát Trương Gia Khẩu.
Sau khi trở thành phó chủ tịch thành phố và giám đốc Sở Cảnh sát Trương Gia Khẩu, từ năm 2002 tới năm 2021, đã có 118 học viên Pháp Luân Công bị bắt. Trong số đó có 11 người bị kết án tù, 53 người bị đưa tới các trung tâm tẩy não. Ngoài ra, hơn 100 học viên đã bị lục soát nhà và tịch thu nhiều tài sản cá nhân, hơn 200 học viên đã bị sách nhiễu và nhiều người đã buộc phải sống lưu vong.
Trưởng công an huyện Khai Giang, tỉnh Tứ Xuyên
Tháng 2 năm 2021, Chu Trung Bình, phó chủ tịch kiêm trưởng công an huyện Khai Giang, đã bị bắt vì nhận hối lộ và dung túng cho nhiều tổ chức xã hội đen.
Chu Trung Bình
Giống như nhiều quan chức được nhắc tới ở trên, Chu cũng đã can dự sâu vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Tháng 7 năm 2016, Chu trở thành bí thư của Phòng Cảnh sát Khai Giang. Vào tháng 8 năm 2018, Chu được được đề bạt làm giám đốc kiêm bí thư đảng ủy của Phòng Cảnh sát Khai Giang. Kể từ đó, nhiều học viên trong vùng đã bị theo dõi và bắt bớ. Ví dụ, ông Đặng Đạo Hằng bị bắt vào năm 2018 vì lưu giữ nhiều sách Pháp Luân Công và bị kết án 8 năm tù giam vào năm 2020. Ông Ngô Ứng Quốc thường xuyên bị sách nhiễu, chính điều này đã khiến ông qua đời.
Phó Bí thư Cục Công an tỉnh Hắc Long Giang
Cao Đức Nghĩa, nguyên phó bí thư của Cục Công an tỉnh Hắc Long Giang, đã bị chết đuối vào tháng 8 năm 2021. Trước đó, Cao đã tích cực tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công.
Cao Đức Nghĩa
Từ tháng 8 năm 1986 tới tháng 1 năm 2016, Cao là trưởng phòng của Cục Công an tỉnh Hắc Long Giang. Sau đó, ông ta trở thành cảnh sát trưởng kiêm phó bí thư PLAC của Đại Hưng An Lĩnh. Tiếp đó, Cao được đề bạt làm giám đốc và bí thư đảng ủy của Sở Cảnh sát Tề Tề Cáp Nhĩ trước khi trở thành phó bí thư của Cục An ninh tỉnh Hắc Long Giang vào tháng 8 năm 2020.
Trong suốt những năm đó, một số học viên ở những khu vực này đã thiệt mạng vì bị bức hại. Bà Lâm Quốc Anh rơi vào trạng thái thực vật rồi đau buồn mà qua đời. Ông Lý Huệ Phong bị cầm tù trong 12 năm ròng, trong suốt thời gian đó ông đã bị tra tấn tàn bạo, bao gồm cả việc tra tấn bằng dùi cui điện 100 kV. Ông qua đời tháng 1 năm 2020, ở tuổi 48.
Nguyên giám đốc Cục Anh ninh Liêu Ninh
Tiết Hằng, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát tỉnh Liêu Ninh, cũng đã bị điều tra vào tháng 8 năm 2021.
Theo bản tin ngày 3 tháng 8 năm 2021, Tiết Hằng, nguyên phó chủ tịch của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Tỉnh Liêu Ninh và nguyên Cục trưởng Cục An ninh tỉnh Liêu Ninh, đã bị điều tra vì vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và luật pháp. Tiết đã phải tự nguyện ra đầu thú. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, Tiết đã tích cực thi hành chính sách bức hại của tập đoàn tội phạm Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công.
Tiết Hằng
Tiết trở thành cục trưởng Cục An ninh tỉnh Liêu Ninh vào tháng 3 năm 2011, sau đó trở thành phó chủ tịch rồi phó bí thư đảng ủy của PLAC Liêu Ninh. Ông ta được chỉ định làm phó chủ tịch vào tháng 3 năm 2013.
Lấy danh nghĩa “duy trì ổn định”, Tiết đã chỉ đạo cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công trên toàn tỉnh. Cụ thể, ông ta ra lệnh theo dõi các học viên, tiếp đến là bắt bớ hàng loạt. Trong khoảng thời gian khi Tiết là giám đốc cảnh sát Liêu Ninh, nhiều học viên trên toàn tỉnh đã bị bắt giữ, giam cầm và tra tấn. Điều này đã khiến ít nhất 29 học viên thiệt mạng.
Giám đốc cảnh sát Mai Châu, tỉnh Quảng Đông
Trần Tuấn Khâm từng là phó chủ tịch thành phố Mai Châu, giám đốc Sở Cảnh sát Mai Châu kiêm phó bí thư PLAC Mai Châu. Trước khi bị cách chức vào tháng 10 năm 2021, Trần đã chỉ đạo nhiều hoạt động bức hại đối với các học viên Pháp Luân Công.
Trần Tuấn Khâm
Chẳng hạn, khi Trần đương chức tại Sở Cảnh sát Mai Châu, PLAC Mai Châu và Phòng 610 Mai Châu, nhiều học viên đã bị bắt và kết án, trong đó có bà Quách Nhã Phân, bà Tăng Hải Bình, bà Lý Quần Chiêu, bà Lý Y Tú, cùng nhiều học viên khác. Ngoài ra, Trần còn tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền chống lại Pháp Luân Công.
Bị kết án sau khi bức hại Pháp Luân Công
Một số quan chức đã đàn áp Pháp Luân Công cũng đã bị bắt giữ và kết án. Dưới đây là một vài ví dụ.
Phó giám đốc cảnh sát Tam Hà, Hà Bắc
Triệu Minh Trí đã từng là phó giám đốc Sở Cảnh Sát Thành phố Tam Hà. Sau khi bị kỷ luật cảnh cáo và cách chức vào tháng 11 năm 2015, Triệu đã bị kết án 6,5 năm tù giam vào tháng 2 năm 2021 vì dung túng cho nhiều tổ chức xã hội đen.
Triệu Minh Trí
Triệu Minh Trí trở thành phó giám đốc Sở Cảnh sát Tam Hà vào tháng 3 năm 2005, sau đó được đề bạt làm giám đốc Sở Cảnh sát Yên Dao từ tháng 7 năm 2010 tới tháng 11 năm 2015. Trong suốt khoảng thời gian này, có ít nhất 11 học viên ở Tam Hà đã thiệt mạng và 3 học viên bị tàn phế bởi tra tấn, 15 học viên bị kết án tù, 29 học viên bị đưa tới các trại lao động và 108 học viên bị đưa tới các trung tâm tẩy não. Ngoài ra, còn có nhiều vụ sách nhiễu, khám nhà và tịch thu tài sản cá nhân. Chính bởi những điều này mà Triệu đã bị Tổ chức Thế giới Điều tra về Cuộc bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) liệt vào một trong những thủ phạm chính với mã số định danh là E000150250.
Phó giám đốc Sở Cảnh sát Thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc
Từ tháng 7 năm 1999 đến tháng 8 năm 2005, Tôn Húc Văn từng là trưởng phòng tại Sở Cảnh sát Tam Hà, phó trưởng Phòng Cảnh sát Yến Giao và trưởng Đồn Công an Cao Lâu. Trong những năm đó, ông ta đã tích cực đàn áp Pháp Luân Công. Trong 8 năm tiếp theo, khi giữ chức phó giám đốc Sở Cảnh sát Tam Hà, Tôn đã trực tiếp chỉ đạo cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công trong thành phố này.
Tôn Húc Văn
Tháng 2 năm 2021, Tôn bị kết án 7,5 năm tù giam vì tội dung túng cho nhiều tổ chức xã hội đen.
Giám đốc Sở Cảnh sát Thành phố Thái Châu, tỉnh Chiết Giang
Ngũ Kiến Lợi từng là giám đốc trại tạm giam Ôn Châu, giám đốc Phòng Cảnh sát huyện Văn Thanh và huyện Lê Thanh. Sau đó, Ngũ trở thành phó chủ tịch thành phố Thái Châu và giám đốc Sở Cảnh sát Thái Châu.
Ngũ Kiến Lợi
Phó trưởng Phòng Công an Huyện Mã Sơn, tỉnh Quảng Tây
Ngày 20 tháng 12 năm 2021, Tòa án Quận Giang Nam, thuộc tỉnh Quảng Tây đã mở phiên tòa xét xử Chung Chí Cương, nguyên phó giám đốc Phòng Cảnh sát huyện Mã Sơn. Chung đã bị kết án 8 năm tù giam cùng khoản tiền phạt 300.000 Nhân dân tệ.
Trong khoảng thời gian Chung làm đồn trưởng Đồn Cảnh sát Hợp Quần (2006-2015) và phó trưởng Phòng Cảnh sát Mã Sơn (2012-2019), ông ta là một trong những nhân vật chủ chốt phụ trách việc bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Trên đây là tổng hợp của nhiều vụ việc ở Trung Quốc, nơi mà thủ phạm đã gặp quả báo sau khi bức hại Pháp Luân Công. Chúng tôi chân thành hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều quan chức rút ra được bài học và ngừng tham gia vào một trong những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất trong xã hội hiện đại này.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/11/2021/439489.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/22/199621.html
Đăng ngày 14-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.