Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-02-2022]

Họ tên: Trương Sinh Phạm (张生范)
Giới tính: Nam
Tuổi:38
Thành phố: Song Thành
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Công nhân nhà máy
Ngày mất: 12 tháng 6 năm 2001
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: 9 tháng 6 năm 2001

Ngày 9 tháng 6 năm 2001, anh Trương Sinh Phạm đã bị đánh đập và bức thực bằng rượu sau khi bị bắt giữvì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Anh qua đời ba ngày sau đó và họ đã hỏa táng thi thể của anh mà không được sự đồng ý của gia đình. Hiện gia đình vẫn chưa biết tro cốt của anh đang ở đâu.

Bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công

Anh Trương là người thành phố Song Thành, tỉnh Hắc Long Giang. Khi mới được vài tháng tuổi, một bên chân của anh bị tàn tật sau một vụ tai nạn. Khi trưởng thành, anh đã tìm được việc làm tại một nhà máy địa phương. Nhưng chưa đầy một năm sau, cha anh qua đời, và 13 tháng sau đó, mẹ anh cũng đi theo cha anh. Việc cha mẹ qua đời đã giáng đòn nặng lên anh, anh bắt đầu uống rượu và hút thuốc, dẫn đến chứng viêm phế quản.

Năm 1995, người quản lý tại nơi làm việc đã giới thiệu Pháp Luân Công với anh. Ít lâu sau, anh đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Các vấn đề sức khỏe của anh đã biến mất và anh có cái nhìn tươi sáng về cuộc sống. Người thân vui mừng cho anh và nói rằng họ không còn phải lo lắng cho anh nữa.

Ngay cả sau khi bị cho thôi việc, anh cũng không đòi tiền bồi thường như nhiều đồng nghiệp khác. Anh nói: “Là một người tu luyện, tôi không nên tạo thêm gánh nặng cho nơi làm việc của mình“. Anh dạy kèm thêm cho các học sinh cấp hai và kiếm được một khoản thu nhập ít ỏi để trang trải cuộc sống.

2022-2-26-shuangcheng-zhang-shengfan_02--ss.jpg

Anh Trương đang tu luyện Pháp Luân Công trong sân nhà

2022-2-26-shuangcheng-zhang-shengfan_01--ss.jpg

Anh Trương đang chia sẻ về sự thay đổi của anh sau khi tu luyện Pháp Luân Công tại hội giao lưu tâm đắc tu luyện

Bị bắt giam vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động chiến dịch bức hại Pháp Luân Công trên phạm vi toàn quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, anh Trương đã vô cùng lo lắng. Ngày 27 tháng 12 năm 1999, anh đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt và đưa trở lại Song Thành. Anh bị giam tại Trại tạm giam Song Thành hơn 3 tháng. Không được dùng nạng, anh phải vừa nhảy lò cò một chân vừa dựa vào tường để di chuyển. Lính canh và tù nhân đã cười nhạo và sỉ nhục anh.

Ngày 8 tháng 7 năm 2000, Trương Quốc Phú, trưởng Đồn Công an Thành phố Song Thành, đã sách nhiễu anh Trương tại nhà. Bất chấp sự phản đối từ các anh trai của anh Trương, Trương Phú Quốc vẫn nhất quyết bắt anh. Các anh trai của anh Trương sau đó đã hối lộ cảnh sát 2.000 nhân dân tệ để anh Trương được thả.

Ngày 8 tháng 1 năm 2001, anh Trương lại bị bắt và giam trong trung tâm tẩy não vài tháng. Anh không được về nhà đón Tết cùng gia đình. Do anh Trương bị bắt và giam giữ, học sinh của anh không dám đến học ở chỗ anh nữa. Anh đã mất đi nguồn thu nhập duy nhất của mình.

Bắt giữ bạo lực

Lúc 7 giờ sáng ngày 9 tháng 6 năm 2001, trước khi anh Trương thức dậy, một số cảnh sát gồm Vương Thắng Lợi, Lý Đại Bân, Hoàng, và con rể của cảnh sát Trương Sỹ Dược, đã xuất hiện và hỏi rằng ai đã sản xuất các tài liệu Pháp Luân Công để anh phân phát. Anh Trương đã từ chối cung cấp cho họ bất kỳ thông tin gì. Sau đó cảnh sát nói rằng cảnh sát trưởng Trương Quốc Phú muốn nói chuyện với anh. Anh Trương từ chối đi cùng họ và khẳng định rằng mình không làm gì sai.

Cảnh sát đã gọi đội hỗ trợ, và họ cùng nhau lôi anh Trương ra khỏi nhà. Anh đã chống cự, bám chặt vào chiếc ghế băng gỗ dài. Mặt sau của băng ghế đã bị nứt toác, nhưng họ không thể kéo anh thêm được nữa, vì vậy họ đã khiêng cả anh ra cùng với băng ghế, rồi ném anh vào xe cảnh sát và đá anh.

Khoảng 20 người hàng xóm đã chứng kiến ​​hành vi bạo lực này của cảnh sát. Một người cho biết đã nhìn thấy anh Trương bị đẩy xuống dưới ghế. Anh đã rất cố gắng để ngồi dậy, nhưng các cảnh sát đã đá anh. Khi chiếc xe rời đi, họ vẫn có thể nhìn thấy cảnh sát đang đánh đập anh ở bên trong xe.

Cảnh sát không ngừng đánh đập anh Trương cho đến khi họ đến trại tạm giam Song Thành. Khi anh được đưa ra khỏi xe, anh đã bất tỉnh và bị trầy xước khắp người. Một tù nhân (người đã biết anh từ lần giam giữ trước đó) đã nhận ra anh và lên án cảnh sát vì đã đánh anh rất tàn nhẫn.

Vài giờ sau, anh Trương tỉnh lại và rên rỉ vì đau đớn. Khi các học viên Pháp Luân Công khác trong phòng giam và các tù nhân cảm thông hỏi anh thấy ra sao, anh đã nói với họ về vụ bắt giữ và đánh đập. Bởi vì anh vẫn còn quá yếu nên cảnh sát không thẩm vấn anh vào ngày hôm sau.

Ngày 11 tháng 6 (hai ngày sau khi vụ bắt giữ), hai cảnh sát đến thẩm vấn anh Trương. Anh vẫn nửa tỉnh nửa mê và không thể nói được. Cảnh sát tạt rượu và nước vào mặt và tát vào mặt anh. Để ngăn các tù nhân nhìn thấy họ đánh anh, cảnh sát đã ra lệnh cho các tù nhân đi ra ngoài. Nửa giờ sau, khi họ quay trở lại, cảnh sát ra lệnh đưa anh Trương về phòng giam. Chiều hôm đó, giám đốc trại là Trần Bội Tân đã ra lệnh cho các tù nhân chuyển anh Trương từ phòng giam số 1 sang phòng giam số 13, nơi không có các học viên Pháp Luân Công nào khác.

Tử vong sau khi bị bức thực bằng rượu

Sáng sớm ngày 12 tháng 6, anh Trương không thể ăn được do bị đánh một ngày trước đó. Vào lúc 8:30 sáng, bác sỹ trại tạm giam Na Ngạn Quốc, phó giám đốc Tưởng Thanh Ba, và các lính canh Từ Thành Sơn, Nhâm Quang, và Lữ Khắc Khôn đến thẩm vấn anh.

Họ mang theo một ống nhựa dài 90cm, rộng khoảng 2,5cm; một ống dẫn thức ăn dài 30cm, ba chai rượu và một cái chậu. Họ ra lệnh cho ba tù nhân khiêng anh Trương đến ghế sô pha, chọc ống truyền vào mũi và đổ rượu vào chậu. Sau đó, bác sỹ đã bức thực anh Trương bằng rượu.

Anh Trương la hét trong suốt quá trình bị bức thực. Ngay cả những tù nhân trong các phòng giam ở xa hơn cũng có thể nghe thấy tiếng thét của anh. Bác sỹ tiếp tục đổ rượu vào ống. Khi không thể chịu đựng được nữa, anh Trương giọng run run nói: “Ông không cần phải bức thực tôi. Tôi sẽ tự uống”.

Na quát: “Tại sao anh không nói sớm hơn? Bây giờ đã quá muộn rồi. Tiếp tục nào!”

Tiếng hét của anh Trương chỉ còn rất nhỏ trong lần bức thực cuối cùng, và sau đó mọi thứ đột ngột dừng lại, tiếp theo là sự im lặng kéo dài.

Khi lính canh Từ Thành Sơn vác anh Trương đến phía đông của trại tạm giam, các tù nhân nhìn thấy anh đã khoái chí nói: “Chẳng phải các anh có thể thăng thiên sao? Chẳng phải anh vẫn phải chịu thua chúng tôi sao?“

Họ để anh trong một căn phòng trống cho đến khi họ đưa anh đến bệnh viện lúc 9:50 sáng. Khi họ đến, bác sỹ nói rằng anh đã qua đời trước đó rồi.

Mãi đến 8 giờ sáng hôm sau trại giam không thông báo cho gia đình về cái chết của anh Trương. Họ cũng ngăn cản gia đình nhìn thấy thi thể của anh. Gia đình anh đã yêu cầu khám nghiệm tử thi. Một lính canh cho biết họ chỉ có thể thuê một bác sỹ pháp y được trại tạm giam chấp thuận và bác sỹ pháp y đó phải làm theo hướng dẫn của họ để khám nghiệm tử thi. Lính canh đó cũng từ chối cho gia đình biết thi thể của anh Trương đang để ở đâu.

Gia đình bị cản trở khi tìm kiếm công lý

Nhằm phong tỏa tin tức về cái chết của anh Trương, cảnh sát trưởng Trương Quốc Phú đã ra lệnh cho cấp dưới của mình đe dọa gia đình anh và yêu cầu họ ký tên vào một tuyên bố nói rằng anh Trương chết vì bệnh tim.

Khi gia đình không đồng ý, cảnh sát đã tìm đến từng người một. Ban đầu họ đến gặp người anh cả của anh Trương vào ngày 20 tháng 6. Đi cùng với cảnh sát còn có Trần Bội Tân, giám đốc trại tạm giam và giám đốc sở y tế địa phương, nơi anh trai đang làm bác sỹ.

Giám đốc sở y tế nói với anh trai của anh Trương: “Anh nên hợp tác với chính quyền và không can dự vào việc khám nghiệm tử thi của. Nếu anh làm vậy, anh có thể bị mất việc”. Cảnh sát trưởng Trương cũng ra lệnh cho anh và vợ thuyết phục những người anh em khác trong nhà hợp tác và không gây rắc rối cho họ. Vợ anh đã vô cùng hoảng sợ và sau đó bị ốm nặng.

Gia đình anh Trương đã nộp nhiều đơn khiếu nại lên Chính quyền Thành phố Song Thành, Công an Thành phố, Viện Kiểm sát, Hội đồng nhân dân thành phố, Văn phòng kháng cáo thành phố, Liên đoàn người khuyết tật thành phố và các cơ quan chính quyền khác, với lý do cảnh sát hành hung tàn bạo đã gây ra cái chết của anh Trương.

Gia đình đưa ra nghi vấn tại sao công an bắt giữ anh Trương mà không xuất trình giấy tờ tùy thân, tại sao lại đánh đập dã man một người tàn tật như vậy, và ai là người ra lệnh? Rõ ràng là việc bạo hành thể xác đã gây ra cái chết cho anh ấy, nhưng tại sao các nhà chức trách lại cho rằng anh tủ vong vì bị đau tim khi anh ấy chưa từng có tiền sử tim mạch? Gia đình cũng cáo buộc cảnh sát che giấu thông tin về việc các bác sỹ đã cố gắng hồi sức cho anh và những gì họ viết trong hồ sơ bệnh án của anh. Cuối cùng, tại sao cảnh sát không thông báo cho họ về cái chết của anh ngay lập tức, mà đợi đến ngày hôm sau và rồi còn ngăn cản họ xem thi thể của anh?

Hầu hết các nhân viên chính quyền đều bày tỏ sự cảm thông với gia đình anh Trương, nhưng không ai trong số họ dám có hành động gì cho anh ấy. Một người nói với gia đình: “Chúng tôi có trách nhiệm điều tra vụ việc này. Nhưng chúng tôi đã nhận được lệnh từ thị trưởng Chu Thanh Văn rằng chúng tôi không được can dự vào việc này. Nếu anh chị có thể nhận được sự cho phép từ ông ấy, chúng tôi sẽ phụ trách việc đó”.

Sau đó gia đình đã gửi đơn khiếu nại lên các cơ quan cấp tỉnh, nhưng chỉ nhận được những phản hồi tương tự. Các nhân viên chính quyền bày tỏ sự phẫn nộ về việc anh ấy đã chết vì bị tra tấn, tuy nhiên không thể đưa ra bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Sau đó, gia đình được biết một số cơ quan đã liên hệ với cảnh sát về vụ việc, nhưng cảnh sát trưởng Trương Quốc Phú lặp lại tuyên bố của họ rằng anh Trương chết vì bệnh tim.

Cái chết của anh Trương đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng địa phương. Một người hàng xóm của anh ấy nói: “Sao họ có thể tàn nhẫn với một người tàn tật như vậy? Quá tàn bạo, quá tàn bạo. Thật không thể chấp nhận được. Anh ấy vốn thấp bé, làm sao có thể chịu được sự tra tấn như vậy?”

Cưỡng chế hỏa táng

Trong hơn 50 ngày, cảnh sát liên tục từ chối cho phép gia đình nhìn thấy thi thể của anh Trương.

Ngày 1 tháng 8 năm 2001, giám đốc trại giam Trần Bội Tân đã gọi điện cho gia đình anh Trương nói rằng họ dự định sẽ hỏa táng thi thể anh vào chiều hôm sau và ông ta bảo họ hãy có mặt tại nhà tang lễ vào thời điểm đó.

Khi gia đình phản đối việc hỏa táng thi thể của anh Trương, Trần nói: “Cho dù các vị có đến hay không, việc hỏa táng vẫn diễn ra.”

Đầu giờ chiều ngày 2 tháng 8, hai lính canh của trại tạm giam và hai cảnh sát đã đến nhà anh Trương để đưa cho họ thông báo cuối cùng rằng thi thể của anh sẽ được hỏa táng vào buổi chiều. Gia đình một lần nữa yêu cầu một cuộc khám nghiệm tử thi độc lập trước khi họ có thể hỏa táng thi thể của anh. Những người kia không nói bất cứ điều gì và rời đi.

Vì gia đình không nhận được thêm thông tin từ trại tạm giam, họ đã gọi điện cho Trần 9 ngày sau đó và hỏi về điều đó. Trần nói với họ rằng họ đã hỏa táng thi thể của anh Trương và đã gửi tro cốt của anh đi kiểm tra, nhưng họ vẫn chưa nhận được kết quả. Trần cũng cho biết: “Chúng tôi đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ cho việc hỏa táng. Các vị phải trả số tiền đó.”

Gia đình đã rất tức giận: “Ông đã bắt anh ấy và tra tấn anh ấy đến chết. Bây giờ ông đang yêu cầu chúng tôi trả tiền? Người yêu cầu phải là chúng tôi mới đúng, ông hãy trả lại anh ấy cho chúng tôi!”

Vài ngày sau, gia đình anh Trương đã liên hệ với trại tạm giam về kết quả khám nghiệm tro cốt của anh. Các lính canh nói rằng họ vẫn đang đợi. Cho đến tận hôm nay, nhà chức trách vẫn chưa cung cấp cho gia đình bất cứ thông tin gì về việc tro cốt của anh đang ở đâu.

Thủ phạm bức hại gặp ác báo

Về sau, khi cảnh sát thẩm vấn các học viên Pháp Luân Công khác, một trong những cảnh sát đã khoe khoang: “Chúng tôi đã đánh Trương Sinh Phạm đến chết. Các vị vẫn dám đi ra ngoài và dán thông tin về Pháp Luân Công? Các vị không sợ chết sao? Thấy chưa, chúng tôi đã đánh chết hắn. Ngay cả khi các vị không chết, các vị cũng một phen trầy da tróc vẩy”. Thứ dụng cụ dùng đánh các học viên mà cảnh sát nhắc đến trông giống như một cái bàn là.

Đã 21 năm trôi qua kể từ cái chết thương tâm của anh Trương. Mặc dù một số thủ phạm vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật và có thể còn được thăng chức khi tham gia vào cuộc bức hại, công lý vẫn đang được thực thi với một số người tham gia bức hại theo cách này hay các khác.

Khi Trương Quốc Phú làm cảnh sát trưởng từ năm 1999 đến 2005, nhiều học viên ở thành phố Song Thành đã bị bắt, phạt tiền, kết án tù nặng, hoặc bị tra tấn đến chết. Sau này ông ta đã bị ốm nặng và phải nghỉ việc. Kể từ đó ông ta hiếm khi xuất hiện trước công chúng.

Bác sỹ của trại tạm giam Na Ngạn Quốc vốn tuân theo lệnh của Trương để tra tấn các học viên đã bị đuổi việc vào năm 2004. Vợ ông ta cũng bỏ ông ta và sau đó ông ta còn bị đột quỵ.

Phó giám đốc trại tạm giam là Tưởng Thanh Ba đã mắc bệnh ung thư và qua đời.

Chính trị viên của trại tạm giam là Vương Văn Sơn vốn là người thường đưa các học viên ra hành lang vào ban đêm và phát các chương trình truyền hình hoặc phát thanh phỉ báng Pháp Luân Công. Ông ta đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi.

Một lính canh khác của trại tạm giam tên là Lý Hoài Tân cũng chết trong một vụ tai nạn xe hơi.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/2/27/439436.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/3/199388.html

Đăng ngày 06-05-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share