Bài viết của một đệ tử Đại Pháp ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 21-03-2022] Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, tâm tính của tôi đã trở nên ổn định hơn.

Trước đây tôi từng là người rất kiêu ngạo và tự cao, tôi không có chút kiên nhẫn nào và không thể chịu nổi những hành vi sai trái. Kể từ khi tu luyện tôi đã kiên nhẫn hơn và có thể từ một góc độ viên dung, toàn diện và khách quan để nhìn thế giới, con người và mọi thứ xung quanh.

Đồng nghiệp và cấp trên của tôi rất vui khi chứng kiến những thay đổi ở tôi – họ không còn phải chứng kiến một đồng nghiệp khôn ngoan, cứng đầu, khó đối phó, mà thay vào đó là một người dễ tính và tốt bụng.

Khi đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, vị hiệu trưởng đã nói với tôi rằng: “Chúng tôi đã bàn bạc và tất cả đều đồng ý rằng chị nên tiếp tục tu luyện. Nếu chị quay trở lại như trước đây, chúng tôi sẽ không biết phải làm thế nào. Nhưng chị phải chú ý an toàn.” Lúc đó, tôi cảm thấy rằng mình đã tu luyện khá tốt, từ đồng nghiệp đến bạn bè và người thân, mọi người đều cho rằng tôi đã trở thành một người hoàn toàn khác.

Vì kiên định với niềm tin của mình nên tôi đã bị tạm giam và bị đàn áp, sau khi thoát khỏi trại tạm giam trở về, tôi đã không được phép giảng dạy nữa và bị giáng cấp xuống làm tạp vụ. Tuy nhiên tôi vẫn vui vẻ làm các công việc dọn dẹp mà không phàn nàn điều gì. Một giáo viên thấy vậy đã nói với tôi rằng: “ĐCSTQ đã không khiến chị trở thành một người tốt nhưng Pháp Luân Đại Pháp đã làm được.”

Đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện

Năm 2000, tôi đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương. Tôi chưa bao giờ tự đi du lịch và thậm chí còn không biết cách mua vé tàu. Nhà tôi lúc đó đang bị theo dõi nhưng tôi đã tìm cách để rời đi. Sư phụ đã điểm hóa cho tôi rằng tôi nên đi tàu đến Bắc Kinh. Tôi không có nhiều tiền và chỉ đủ khả năng đặt chỗ một chuyến tàu chậm đến Bắc Kinh, dự kiến sẽ khởi hành sau ba ngày.

Trong 3 ngày sau đó tôi đã ở sảnh ga xe lửa để chờ chuyến tàu. Để tiết kiệm tiền, tôi hầu như không ăn gì. Hai thanh niên ngồi cạnh tôi chuẩn bị đi đến một thành phố khác làm thuê. Chúng tôi bắt đầu trò chuyện và khá hiểu nhau. Trước khi lên tàu, một người trong số họ đã cho tôi số điện thoại của anh trai mình và nhấn mạnh rằng tôi hãy gọi cho anh ấy nếu cần giúp đỡ ở Bắc Kinh. Cậu ấy nói với tôi rằng anh trai mình là một đầu bếp và tôi chỉ cần nói rằng tôi là bạn của cậu ấy là được.

Tôi hỏi: “Cậu không sợ rằng tôi sẽ lừa anh trai của cậu ư?” Cậu ấy lắc đầu và cười: “Tôi có thể cảm nhận được chị là người có học. Bây giờ đang là tháng 3 và chị vội vàng đi đến Bắc Kinh, chắc hẳn chị có công việc quan trọng cần giải quyết. Tôi thấy chị không giống những người bình thường khác. Chị là một người tốt bụng và trung thực. Chị hẳn phải có công việc chính đáng cần làm. Tôi không có tiền nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp chị.” Tôi liền cảm ơn cậu ấy. Tôi cũng muốn để lại cho cậu ấy số điện thoại của mình nhưng lại lo lắng về sự an toàn của cậu ấy. Sau đó tôi đã xé mảnh giấy có số liên lạc của anh trai cậu ấy.

Trong khi lên tàu, một bà mẹ trẻ 29 tuổi đến từ vùng nông thôn đã nhờ tôi giúp đỡ. Cô đã bế theo bé gái sơ sinh rời khỏi nhà để trốn Ủy ban Kế hoạch Sinh đẻ của làng. Cô ấy nói với tôi rằng cô đang đến thành phố Thập Yển ở tỉnh Hồ Bắc để tìm chồng đang làm thuê ở đó. Hành lý duy nhất của cô là một vỏ bao tải phân bón bên trong có vài bộ quần áo và một túi tinh bột lớn. Cô dự định sẽ sử dụng chỗ tinh bột này để mở một quầy hàng ăn nhỏ để nuôi sống bản thân sau khi đến Thập Yển.

Tôi thử bế đứa bé nhưng đứa bé khóc lớn nên tôi đã giúp cô cầm chiếc bao tải. Thời gian đó là những ngày cuối trong kỳ nghỉ Tết và rất nhiều người đang quay trở lại thành phố. Chuyến tàu mà chúng tôi đi được bổ sung tạm thời để đáp ứng nhu cầu của hành khách. Toa tàu của chúng tôi đông đúc và chúng tôi chỉ có thể đứng. Tôi đếm tiền trong ví và lấy ra hơn một chục nhân dân tệ để mua một chiếc ghế đẩu nhựa cho cô ấy ngồi. Đoàn tàu chuyển động chậm chạp và ở mỗi trạm đều dừng lại rất lâu, bất kể trạm đó lớn hay nhỏ thế nào.

Đến ngày thứ hai, tôi không thể đứng được nữa. Tôi hỏi cô ấy liệu tôi có thể ngồi lên túi của cô ấy không nhưng cô ấy nói không được vì lo lắng rằng tôi sẽ làm vỡ nó. Tôi chưa kịp nói gì thì một người đàn ông gần đó đã nói với cô ấy: “Cô có ích kỷ quá không? Tôi thấy chị ấy đã mua ghế đẩu cho cô ngồi. Chị ấy đã đứng từ khi chúng ta lên tàu ngày hôm qua. Cái túi rách này của cô – tại sao không thể để chị ấy ngồi lên đó? Nếu cô không muốn chị ấy ngồi lên nó thì hãy để chị ấy ngồi lên chiếc ghế đẩu. Cô có thể đứng.” Tôi không muốn làm to chuyện nhưng khi những hành khách xung quanh nghe thấy người đàn ông nói vậy, họ không để tôi tiếp tục đứng và nhất định yêu cầu tôi ngồi lên chiếc túi của người mẹ trẻ ấy. Cô ấy rất xấu hổ.

Rõ ràng người mẹ trẻ ấy không biết cách chăm sóc con mình. Cô ấy giải thích rằng ở nhà đã có bà ngoại chăm sóc cho đứa bé. Cô ấy không cho con ăn gì và khi đứa bé khóc, cô ấy cũng khóc theo. Cô ấy cũng để em bé tự đi vệ sinh trên sàn tàu. Những người xung quanh rất bức xúc. Cô ấy cảm thấy được mọi người xung quanh không hài lòng với mình nên cũng rất lo lắng. Cô ấy không biết phải làm gì.

Để giúp cô ấy, tôi đã chi thêm tiền và mua một túi bánh quy giòn và một túi cam nhỏ. Tôi đập bánh quy thành vụn để cho đứa bé ăn và vắt nước cam vào miệng cháu. Với một cái bụng căng đầy, cuối cùng đứa bé cũng chìm vào giấc ngủ. Tôi tìm một tờ báo cũ, lau sạch nước tiểu và phân của em bé rồi vứt vào thùng rác.

Một người đàn ông trẻ gần đó hỏi tôi: “Trông chị không có vẻ gì là họ hàng với cô ấy cả. Khi chị đi đổ rác, chúng tôi đã hỏi cô ấy. Cô ấy nói rằng cô ấy không biết chị và thậm chí không biết tên của chị. Có đúng vậy không? ” Tôi gật đầu. Cậu ấy thậm chí còn tò mò hơn: “Hai người không biết nhau, nhưng chị đã giúp cô ấy rất nhiều. Tại sao? Chị giúp cô ấy để làm gì? Nếu là tôi thì sẽ không làm vậy. Chị thực sự tốt. Tôi rất ngạc nhiên khi ngày nay vẫn còn những người như chị!”

Trên tàu có nhiều cảnh sát đi lại kiểm tra hành khách. Tôi đã không nói với người thanh niên rằng tôi là một học viên Đại Pháp. Tuy nhiên, khi tôi quay lại, một người đàn ông lớn tuổi mỉm cười với tôi: “Tôi biết cô là ai. Cô là một học viên Pháp Luân Đại Pháp.” Tôi đã rất ngạc nhiên. Ông ấy tiếp tục: “Làng chúng tôi có nhiều học viên. Họ đều là những người tử tế, giống như cô vậy.” Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe thấy điều đó. Tôi nói với ông ấy: “Xin đừng nói với bất kỳ ai. Tôi sẽ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện với chính phủ và tôi không muốn bị dừng lại trước khi đến đó.” Ông ấy nói: “Đừng lo. Tôi sẽ không nói gì cả.”

Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng lẽ ra tôi nên nói với người thanh niên mà tôi gặp ở ga xe lửa rằng tôi là một học viên. Vì sự ích kỷ và lo sợ của mình mà tôi đã bỏ lỡ cơ hội. Tuy nhiên, Sư phụ đã an bài để tôi ở đây, được bao quanh bởi những sinh mệnh tốt bụng và trân quý này. Tôi không thể bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào, nếu không, tôi sẽ hối tiếc. Vì vậy, tôi đã nói với mọi người xung quanh rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp và tôi sẽ đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính phủ.

Hơn một chục người xung quanh tôi đều đến Bắc Kinh làm thuê. Họ ngạc nhiên khi nghe thấy dự định của tôi và cho rằng điều đó thật đáng khâm phục. Trong đó có một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, có vẻ là người từng trải, một mình tới Bắc Kinh làm đầu bếp. Anh ấy nhờ tôi viết tên cuốn sách Chuyển Pháp Luân vào sổ tay của mình. Anh ấy nói với tôi rằng một người bạn của mình cũng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và đã kể về môn tập này nhưng anh ấy không tin. Anh cho rằng các môn khí công ngày nay đều là giả. Tuy nhiên, câu chuyện của tôi khiến anh tò mò về Pháp Luân Đại Pháp. Anh nói khi về nhà sẽ tìm cuốn Chuyển Pháp Luân để đọc.

Một người đàn ông đã cảnh báo tôi: “Chị không thể đến Bắc Kinh. Chúng tôi đã thấy các học viên ở Thiên An Môn bị cảnh sát bắt và bị đánh đập. Rất nguy hiểm cho chị khi đến đó. Nếu chị không có nơi nào để đi, hãy đến chỗ chúng tôi và chúng tôi sẽ giúp chị.” Tôi đã cảm ơn lòng tốt của họ.

Chuyến tàu đã đến nhà ga ở Bắc Kinh. Với 30 tệ còn lại, tôi bắt taxi đến Quảng trường Thiên An Môn.

“Chị thật dũng cảm”

Lần thứ hai đến Bắc Kinh, tôi đem theo đứa con 5 tuổi của mình. Tôi đã biết cách chăm sóc bản thân và con mình. Tôi cũng có vài trăm nhân dân tệ trong ví. Tuy nhiên, hai mẹ con tôi cùng một tiểu đồng tu 14 tuổi đến từ Bắc Kinh đã bị cảnh sát quận Hoài Nhu bắt và giam giữ trong hai ngày. Chúng tôi được thả vào tối ngày thứ ba.

Ba người chúng tôi đi được một đoạn thì tình cờ gặp hai người bán nước ngọt trên phố. Tôi nói với họ rằng chúng tôi là học viên Pháp Luân Đại Pháp và các học viên đã bị tra tấn như thế nào tại trại tạm giam. Những người bán hàng rất thông cảm với chúng tôi. Một trong số họ nói: “Có khá nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp trong làng của chúng tôi. Tôi cũng đã từng luyện tập. Chị đợi ở đây. Tôi sẽ gọi taxi để đưa chị đến ga tàu điện. Sau đó, chị cần ba nhân dân tệ để đi tàu điện ngầm đến Ga xe lửa phía Tây. Mau đưa con về nhà đi.”

Xe taxi đến, chúng tôi đã thương lượng xong với tài xế giá tiền là 150 tệ. Sau khi trừ số tiền vé tàu về quê, trong ví tôi chỉ còn lại vài chục tệ và không đủ để trả cho tài xế. May mắn thay, tiểu đồng tu 14 tuổi có 50 nhân dân tệ mà một học viên khác đã đưa cho cô bé.

Khi đó là những ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ dài trong tháng 10, có nhiều người đi về quê. Một cô gái trẻ không có vé đã chiếm chỗ của tôi trên tàu. Sau khi tất cả hành khách lên tàu và ổn định chỗ ngồi, tôi là người duy nhất còn đứng. Khi cô gái trẻ phát hiện ra rằng cô ấy đã chiếm chỗ của tôi, cô ấy đã rất xấu hổ. Tôi đã nói với cô ấy rằng chúng tôi có thể cùng ngồi ở chỗ này.

Chuyến tàu này khởi hành từ vùng Đông Bắc. Hành khách dần dần thân thiện hơn và bắt đầu trò chuyện. Một hành khách nói rằng khi lên tàu ở vùng Đông Bắc, mọi người đều bị yêu cầu mạ lỵ Pháp Luân Công. Họ đều rất bối rối và tự hỏi chuyện gì đang xảy ra – tại sao ĐCSTQ lại làm to chuyện như vậy với Pháp Luân Công?

Có một ông lão ngoài 60 tuổi, tính cách có vẻ cổ quái và không ai muốn nói chuyện với ông. Khi tôi bảo con tôi chào ông ấy, ông ấy rất vui và gật đầu với chúng tôi. Khi cuộc trò chuyện chuyển sang chủ đề Pháp Luân Công, ông ấy đã lên tiếng. Ông ấy nói một cách chậm rãi, nhưng chắc chắn: “Để tôi kể cho mọi người nghe. Tôi biết Pháp Luân Công. Đó là một môn tu luyện tốt.”

Có người hỏi ông: “Tại sao ông biết?” Ông ấy không trả lời nên tôi đã trả lời: “Ông ấy nói đúng. Pháp Luân Công rất tốt. Tôi là một học viên Pháp Luân Công.” Mọi người quay lại và nhìn tôi đầy hoài nghi nhưng cũng đầy ngưỡng mộ. Một người phụ nữ trung niên nói: “Chà. Chị thật dũng cảm. Nếu ở vùng Đông Bắc có lẽ chị đã bị bắt.”

Khi chúng tôi về đến nhà, mẹ tôi nói với tôi rằng cảnh sát địa phương đã liên tục gọi điện để tìm hiểu xem tôi đang ở đâu. Tuy nhiên, khi tôi đi làm trở lại, mọi việc vẫn bình thường.

Một cái vẫy tay

Vì cuộc bức hại mà tôi phải sống xa nhà. Vào ngày đầu năm mới năm 2001, tôi đã mua vé tàu cho mình cùng hơn 10 học viên tại một thị trấn miền núi xa xôi và một vài học viên ở thành phố của tôi. Hơn 20 người chúng tôi đã đến Bắc Kinh.

Ngày hôm đó, tại Quảng trường Thiên An Môn, có rất nhiều người hô lớn “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và các biểu ngữ Đại Pháp có ở khắp nơi. Tôi đứng ở ngay cổng vào Thiên An Môn và tham gia cùng họ, hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!”

Lúc đầu, tôi sợ sẽ làm mất túi xách nên tôi đã đeo nó trên lưng, sau đó, tôi nghĩ trong trường hợp ngã xuống, tôi sẽ dùng túi của mình chắn để không bị thương – những suy nghĩ miên man này đã xuất hiện trong đầu tôi. Tuy nhiên, ngay sau khi tôi giơ tay lên trong tư thế luyện công, những suy nghĩ miên man đó đã biến mất. Lúc đó tôi chỉ nghe thấy những khách du lịch xung quanh nói với nhau: “Nhìn kìa! Pháp Luân Công đó!”

Hai nhân viên cảnh sát chạy về phía tôi. Họ chỉ cách tôi vài thước nhưng tôi phát hiện ra họ như thể đang ở một chiều không gian khác, chạy chậm như trong phim. Tôi tiếp tục hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo! Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Khi giọng tôi gần như lạc đi không hô tiếp được nữa, họ mới tiến gần đến tôi. Một người nắm lấy tay tôi và người kia cố gắng bịt miệng tôi. Tôi vẫy tay nhẹ một cái, cả hai người đều ngã về phía sau.

Máy bộ đàm của họ phát ra tiếng: “Có bao nhiêu người? Một phụ nữ sao? Bịt miệng cô ta lại.” Một viên cảnh sát kêu gọi trợ giúp: “Chúng tôi không có đủ nhân lực. Chúng tôi cần hỗ trợ.” Người ở đầu dây bên kia không hiểu: “Anh đang nói với tôi rằng hai người các anh không thể xử lý một người phụ nữ sao?”

Sau đó có thêm hai cảnh sát vũ trang đến, bốn người họ kéo tôi sang một bên. Tôi bị bắt và bị giam ở huyện Duyên Khánh thuộc Bắc Kinh. Rất nhiều học viên Pháp Luân Đại Pháp đã bị giam giữ ở đó, đến mức hầu như tất cả các tù nhân hình sự đã được thả để nhường chỗ.

Mùa đông ở Bắc Kinh thật lạnh lẽo. Chúng tôi phải nằm trên những tấm ván trơ trụi, không có giường và cũng không có máy sưởi. Hàng chục học viên bị giam giữ đã tuyệt thực trong vài ngày. Một số học viên bị thương trong khi bị thẩm vấn và không thể cử động được.

Tôi không biết mình phải làm gì. Ngay khi đó, một cô gái trẻ đã đọc lớn đoạn kinh văn mới của Sư phụ, tôi liền để ý đến đoạn:

“Một vị Thần hạ xuống độ nhân, con người lại đem Thần đóng đinh lên thập tự giá, con người có tội lớn nhường nào, đến hôm nay vẫn còn đang hoàn trả. Nhưng mà đó không chỉ là con người làm ra, mà do sinh mệnh tầng thứ cao hơn đã bại hoại mà tạo thành.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [2000], Đạo hàng)

Tôi lập tức ngộ ra và nói: “Chúng ta không thể ở lại đây. Chúng ta xuống thế gian này để cứu người, giống như những vị Thần. Nếu như con người thế gian bức hại chúng ta, họ sẽ phạm đại tội, giống như đóng đinh Chúa Jesus vào thập tự giá. Chúng ta khôn ngại chịu khổ, nhưng những kẻ bức hại chúng ta sẽ bị hủy diệt. Với tất cả những gì mà chúng ta phải chịu đựng hôm nay, chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu không có Sư phụ bảo hộ và chịu đựng thống khổ thay cho chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không thể ở lại đây. Chúng ta phải ra khỏi đây. Chúng ta phải sử dụng trí tuệ của mình, lý trí và bình tĩnh.”

Cảnh sát và các nhân viên ở đó đã rất bối rối. Một vị quan chức ở đó hét lên: “Lão Giang Trạch Dân đáng chết (cựu lãnh đạo ĐCSTQ – người đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Đại Pháp)! Ông ta không làm được việc gì tốt cả, chỉ gây ra những rắc rối này một cách vô cơ. Chúng ta có rất nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam giữ ở đây tại huyện Duyên Khánh. Nếu tất cả đều chết, tin tức sẽ lan truyền trước khi tôi về đến nhà tối nay. Tại sao chúng ta không giam giữ những kẻ xấu mà lại đi bắt người tốt? Chuyện gì đang xảy ra vậy?! Nếu muốn đàn áp Pháp Luân Công, hãy mang cho tôi một lệnh chính thức bằng văn bản! Tôi không nhận được gì ngoài “lời nói” từ cấp trên. Dựa vào cái gì? Ai sẽ chịu trách nhiệm? Ai chịu trách nhiệm?! ”

Cuối ngày hôm đó, tất cả các học viên bị giam giữ đã được trả tự do theo từng đợt. Khi bước ra khỏi trại tạm giam, tôi nhận ra tuyết đang rơi dày đặc. Mọi người nói rằng đường cao tốc đang bị phong tỏa rồi. Tôi cùng ba học viên lớn tuổi vẫy một chiếc taxi nhưng không biết rằng người lái xe đã bị thay thế bởi một cảnh sát mặc thường phục.

Anh ấy đưa chúng tôi đến một đồn cảnh sát địa phương và bảo chúng tôi bước ra ngoài. Nhiều cảnh sát đã bao vây chúng tôi. Họ không đến gần mà theo dõi chúng tôi từ xa. Chúng tôi đã bị mắc kẹt và không thể đi đâu cả. Tôi ngồi dưới tuyết và ba học viên lớn tuổi cũng ngồi xuống. Tuyết tiếp tục rơi và phủ lên chúng tôi như một tấm chăn dày.

Sau nhiều giờ ngồi dưới tuyết, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi đi đến gần và chạm vào ống tay áo của tôi: “Quần áo mỏng quá. Cô gái này chắc hẳn đến từ miền Nam. Cô sẽ chết trong cái lạnh này mất.” Vào lúc đó, tôi trở nên cực kỳ nhạy cảm với âm thanh và đầu óc tôi trở nên nhạy bén. Tôi nghe thấy một giọng nói từ bên kia đường: “Đường bị phong tỏa rồi. Hãy đi tàu đến Bắc Kinh.”

Tôi nhanh chóng nghĩ ra một kế hoạch. Tôi siết nhẹ tay một học viên lớn tuổi và ra hiệu cho bà ấy lại gần tôi. Tôi thì thầm với bà ấy toàn bộ kế hoạch của mình. Ngay lúc đó tôi mới nhận ra rằng bốn người chúng tôi là một chỉnh thể, giống như bốn sư đồ Đường Tăng trong Tây Du Ký. Chúng tôi cần phải phối hợp với nhau để thoát khỏi tình huống này.

Chúng tôi nắm tay nhau hỗ trợ lẫn nhau cùng đi về phía ga xe lửa. Chúng tôi cứ bước đi trong tuyết cho đến khi bị lạc và không thể đi được nữa. Những người lớn đi ngang qua phớt lờ lời cầu cứu của chúng tôi nhưng một nhóm trẻ em đã giúp đưa chúng tôi đến ga xe lửa. Một học viên nhìn quanh và đếm có hơn một trăm cảnh sát và nhân viên mặc thường phục ở nhà ga xe lửa, tất cả chỉ đang chờ bốn người chúng tôi.

Một cô bé nói với chúng tôi: “Ở đây không có chuyến tàu nào đến Bắc Kinh, chỉ có tàu đến Trương Gia Khẩu.” Làm thế nào bây giờ? Tuy nhiên, một lúc sau cô bé quay lại và nói: “Thưa cô. Cháu xin lỗi. Cháu đã nói dối. Những người đó bảo cháu nói dối. Cháu nhớ mẹ cháu đã dạy rằng một đứa trẻ ngoan sẽ không nói dối. Chuyến tàu đó quả thực sẽ đến Bắc Kinh và nó sắp chuyển bánh.”

Chúng tôi nghe ngóng được rằng có thể lên tàu trước rồi mua vé sau nên chúng tôi quyết định lên tàu. Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch hô lớn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo,” nếu cảnh sát cố ngăn chúng tôi lại. Chúng tôi sẽ nói cho mọi người biết tất cả những điều tồi tệ mà cơ quan thực thi pháp luật đã làm và vạch trần những việc làm xấu xa của họ.

Chúng tôi đã lên tàu đi Bắc Kinh. Bốn người chúng tôi nhanh chóng di chuyển đến một toa tàu khác để tránh những người đang đuổi theo chúng tôi. Khi đến ga Bắc Kinh, chúng tôi tách nhau ra để xuống tàu. Sau khi nhanh chóng hòa vào đám đông, tôi lấy cặp kính ra khỏi túi và đeo lên. Tôi cũng mượn một chiếc lược để chải tóc.

Một lớp tuyết dày đã tích tụ trên mặt đất giống như một chiếc chăn bông mềm mại. Mọi người đều gặp khó khăn khi đi trên tuyết dày nhưng tôi cảm thấy nhẹ như một quả bóng bay. Ngay khi tôi dừng lại ở lề đường, một chiếc taxi đã lao tới ngay trước mặt tôi. Một hành khách bước ra và tôi đã bước lên chiếc xe taxi.

Qua khung cửa sổ, tôi thấy những đám đông đứng hai bên đường chờ vẫy taxi. Người lái xe nói: “Cứ như thể tôi đến đây để đón chị vậy. Người phụ nữ kia khăng khăng rằng tôi phải đi đến tận đây và dù thế nào cũng không muốn xuống xe sớm. Trên đường đi có nhiều người vẫy nhưng bà ấy không cho tôi dừng lại. Tôi không có cách nào khác. Nhưng ngay khi xe dừng lại, chị lập tức bước vào.“

Tôi biết rằng mọi việc đều do Sư phụ an bài.

(Còn tiếp)

Bài viết dựa trên nhận thức cá nhân của tác giả. Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/21/439256.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/4/14/199911.html

Đăng ngày 01-06-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share