Bài viết của Lý Duy Yên và Lưu Văn Tân, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 25-03-2022] Ngày 20 tháng 3 năm 2022, các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Đài Trung, Trường Hóa, Vân Lâm và Nam Đầu đã tụ họp tại Trường Trung học Trí Dụng để học Pháp và thảo luận về quá trình áp dụng nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của họ.
Các học viên đọc các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp tại trường Trung học Trí Dụng ở Đài Trung, hôm 20 tháng 3 năm 2022
Các em nhỏ học Pháp và thảo luận
Tu bỏ tâm oán hận
Cô Thái Ninh cho biết cô phải mất một khoảng thời gian mới tu bỏ được những niệm đầu tiêu cực và oán hận. Cô và chồng quen nhau 2 tháng trước khi cưới. Bố mẹ chồng miễn cưỡng chấp nhận cô, và chị chồng thường nói xấu sau lưng cô.
Một lần, khi bố mẹ chồng cô đi chơi, cô Thái Ninh chợt nảy ra một niệm đầu tồi tệ, khiến cô hoảng hốt: “Làm sao mà tôi lại có thể có ý nghĩ đáng sợ như vậy? Tôi luôn coi bản thân mình là một người tốt và không làm hại người khác,” cô chia sẻ, “ Bởi vậy tôi không hiểu suy nghĩ xấu đó đến từ đâu”. Khi cô tiếp tục đọc các bài giảng, cô biết đó là nghiệp tư tưởng.
Cô đã ngẫm lại cuộc đời của mình để cố gắng tìm ra gốc rễ của vấn đề. Cha cô qua đời khi cô còn nhỏ, vì vậy cô và chị gái được bà ngoại nuôi dưỡng. Cuộc sống khó khăn khiến hai chị em cô bị suy dinh dưỡng trong nhiều năm. Nhưng cô không bao giờ oán hận số phận của mình. Bằng cách đọc các bài giảng, cô dần dần ngộ ra rằng một người có thể tích lũy rất nhiều quan niệm người thường và những suy nghĩ xấu. Cô giải thích: “Những quan niệm này đã được các tà linh lợi dụng để tạo ra tâm oán hận và tật đố trong tôi, cố gắng hủy hoại việc tu luyện của tôi.”
Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, cô Thái Ninh biết mình phải làm gì. Cô chia sẻ: “Bất cứ khi nào những niệm đầu bất hảo xuất hiện, tôi không thuận theo chúng và cố gắng điều chỉnh bản thân theo các nguyên lý của Đại Pháp. Tôi biết chúng là một phần của tu luyện – tiêu trừ nghiệp lực và không ngừng đề cao bản thân.” Cô nói thêm: “Từng chút một, tình hình được cải thiện. Tôi đã có thể tu bỏ tâm oán hận và tật đố. Cả thân lẫn tâm tôi đều cảm thấy nhẹ nhàng. Mọi việc giờ đã tốt hơn rất nhiều.”
Cô đã mời bố mẹ chồng và chị chồng đi xem biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun. Các mối quan hệ trong gia đình cô trở nên tốt đẹp hơn bao giờ hết.
“Chồng tôi thường nói anh rất biết ơn Pháp Luân Đại Pháp”
Cô Ngô Tư Huệ và chồng đều là chuyên gia công nghệ thông tin. Ở độ tuổi 30, họ còn phải nuôi ba đứa con, và bận rộn với công việc và việc nhà. Áp lực quá lớn khiến cô Ngô thường xuyên nổi nóng, mất bình tĩnh. Cuộc hôn nhân của họ suýt đổ vỡ. Hầu như ngày nào cô cũng la mắng các con, trách móc chồng và nói đến chuyện ly hôn. Với tính cách mạnh mẽ, cô không nhường nhịn hay xin lỗi ngay cả khi mình sai.
Khoảng hai năm trước, cô Ngô để ý thấy một nhóm người đang ngồi thiền tại công viên gần nhà. Cô bị thu hút bởi biểu ngữ màu vàng với dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp”. Cô liền tìm kiếm thông tin về Pháp Luân Đại Pháp trên mạng, và thấy một liên kết đến một video chia sẻ của một học viên phương Tây. Cô Ngô nói: “Người học viên đó cho biết việc tu luyện không chỉ giúp anh ấy có sức khỏe tốt, mà còn giúp anh ấy trở thành một người tốt hơn. Nghĩ về tính khí xấu của mình, tôi đã quyết định thử.”
Cô cho biết sau khi bước vào tu luyện và hành xử chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn, nhiều thứ đã thay đổi. Chẳng hạn, cô trở nên quan tâm và bao dung hơn đối với người khác. “Trước đây, tôi luôn nghĩ tất cả chúng ta đều có quyền như nhau, và tại sao người phụ nữ phải làm nhiều việc nhà hơn và còn phải chăm sóc con cái? Giờ đây tôi hiểu mọi người nên đánh giá mọi việc dựa trên các giá trị truyền thống, và tôi hiểu rõ những gì tôi nên làm.”
Cô Ngô Tư Huệ và con gái út
Khi cô bắt đầu thay đổi, gia đình cô cũng trở nên hòa thuận hơn. “Một người bạn nói với tôi rằng chồng tôi thường nói anh rất biết ơn Pháp Luân Đại Pháp.” Dù không tu luyện nhưng chồng cô rất quan tâm đến người khác. Anh cũng lấy thông tin về Pháp Luân Đại Pháp mang đến công ty và chia sẻ với các đồng nghiệp của mình. Anh còn khuyến khích họ xem Shen Yun và ca ngợi các giá trị truyền thống của loại hình biểu diễn này.
Cô Ngô cho biết từ khi còn nhỏ cô đã luôn tò mò về cuộc sống. Cô có rất nhiều câu hỏi nhưng không ai có thể trả lời. Cô thường mơ thấy mình là một tiên nữ giáng trần. Cô cho biết: “Chính Pháp Luân Đại Pháp đã kết nối tất cả những điều này, và chỉ ra cho tôi một con đường để quay trở lại chân ngã của mình.“
Để chia sẻ thông tin với nhiều người hơn, cô và ba người con của mình đã lập một điểm luyện công tại Công viên Rừng Wen-Xin gần đó. Cô nói thêm: “Tôi hy vọng có thêm nhiều người và nhiều gia đình nhận được thụ ích từ môn tu luyện này như chúng tôi.”
Không phải lo lắng về con cái
Việc giáo dục con cái là một ưu tiên – và đôi khi là một vấn đề đau đầu – của các bậc cha mẹ. Cô Lý Quân Trân, một chuyên gia tài chính với 18 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại hối, hoàn toàn đồng ý với điều này. Cô chia sẻ: “Trong xã hội ngày nay, có nhiều đứa trẻ nổi loạn và cha mẹ chúng cảm thấy bất lực.“
Cô giải thích đó là lý do tại sao cô gửi cả ba con đến trường Minh Huệ. Bằng cách học Pháp và luyện công với những trẻ nhỏ khác mỗi ngày, các con của cô giờ đây đã có lối cư xử tốt. Cô cho biết: “Các con tôi biết điều gì đúng và điều gì sai, và cũng có kỷ luật tự giác tốt, giúp chúng hòa đồng với mọi người.”
Cô Lý Quân Trân và hai con gái sinh đôi, đứng giữa là Vy Sam
“Vy Sam là một bé gái rất ngoan,” các giáo viên tại trường Minh Huệ cũng khen ngợi cháu. Một trong hai cô con gái sinh đôi của cô Lý Quân Trân, bé Vy Sam trông trưởng thành hơn các bạn cùng lứa tuổi, và cháu không cử động nhiều trong khi tọa thiền như những các bạn nhỏ khác. Cô Lý cho biết: “Cả hai con gái sinh đôi của tôi đều đang làm tốt – cả về việc học lẫn tính cách. Tự coi mình là học viên, chúng biết những gì nên làm và không nên làm. Vì vậy, tôi không phải lo lắng về chúng.“
Vy Sam đồng ý với điều đó. Ngay khi biết đọc, cháu đã bắt đầu đọc Hồng Ngâm (tập thơ của Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp). “Cháu đã học được rất nhiều điều từ đó [Hồng Ngâm] và các bài giảng khác của Pháp Luân Đại Pháp. Đó là một trải nghiệm bổ ích.”
Hướng nội
Bà Hoàng Tú Anh, sống ở ngoại ô Đài Trung, cho biết: “Các học viên nên liên tục hướng nội để đề cao.” Bà đã gặp một học viên bắt đầu tu luyện cách đây bảy tháng. Bà nói: “Tôi thực sự đã học được rất nhiều điều từ cô ấy, bởi vì cô ấy là một học viên rất tinh tấn.”
Một lần khác, bà Hoàng cần phối hợp với học viên Lan trong một hạng mục. Nghĩ rằng cô Lan có một số thiếu sót, bà Hoàng cảm thấy khó khăn khi làm việc với cô. Điều đặc biệt là thời gian trôi qua nhưng hạng mục vẫn gặp khó khăn. Cuối cùng, bà Hoàng đã phàn nàn với người điều phối hạng mục và hỏi tại sao cô Lan không tiến bộ sau khi được góp ý nhiều lần. Bà giải thích: “Tôi quên rằng mình cũng là một học viên, và không có việc gì tôi gặp phải là ngẫu nhiên – chúng là cơ hội để tôi hướng nội và đề cao.“
Ngộ ra việc chú ý vào điểm thiếu sót của cô Lan là sai, bà Hoàng đã thay đổi suy nghĩ của mình. Bà nhận thấy cô Lan rất nhẫn nại và cô ấy đã đóng góp rất nhiều cho hạng mục. Bà nói: “Tôi đã rất vui khi nhận ra điều này. Sau đó, tôi ngồi thiền cảm thấy rất thoải mái.”
Bà nói thêm: “Tôi đã học được rất nhiều điều từ trải nghiệm này. Chỉ khi hướng nội, chúng ta, những học viên chân chính, mới có thể thấy được những lời giảng của Pháp Luân Đại Pháp sâu sắc như thế nào.”
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/3/25/440483.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/3/30/199723.html
Đăng ngày 15-04-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.