Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-12-2021] Một người phụ nữ từng rất ốm yếu ở thành phố Truy Bác, tỉnh Sơn Đông từng được tuyên bố rằng bệnh của bà nặng tới mức ngay cả bác sỹ lỗi lạc nhất trong lịch sử Trung Hoa cũng không thể cứu sống được bà. Tuy nhiên, bà Diêm Tú Linh đã hồi phục và hoàn toàn khoẻ mạnh sau khi học các bài công pháp của Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân cổ xưa với năm bài công pháp nhẹ nhàng đem lại lợi ích sức khoẻ to lớn cho các học viên tu luyện.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999, bà Diêm đã bị bắt giữ nhiều lần và bị cầm tù tổng cộng 2,5 năm vì từ chối từ bỏ pháp môn vốn đã cứu sống mình. Bà còn bị ép phải nộp gần 10.000 nhân dân tệ tiền phạt.

Được Pháp Luân Công cứu sống

Bà Diêm bị các vấn đề trao đổi chất từ năm 1996 và các chất thải từ sự trao đổi chất tích tụ trong cơ thể, khiến người bà trở thành một hồ chứa những chất thải bẩn. Tất cả các bác sỹ Tây y và Trung y mà bà tới khám chữa đều chịu bó tay. Có một bác sỹ từng nói với bà: “Tôi không thể làm gì được.”

Một người bạn của bà đã tra cứu thấy triệu chứng của bà giống như ghi chép trong một cuốn y thư của Hoa Đà, một danh y nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, và nói với bà Diêm rằng bệnh của bà là cửu tử nhất sinh, trừ khi được Trời ban hồng phúc, thì mới có thể sống được. Bởi lẽ kinh mạch toàn thân của bà không thông, Hoa Đà tại thế thì cũng không thể chữa được.

Vào lúc bà Diêm cảm thấy mình sống không bằng chết, thì năm 1998, một người bạn khác đã giới thiệu Pháp Luân Công cho bà. Sau khi luyện các bài công pháp và hành xử chiểu theo tiêu chuẩn của các bài giảng Pháp Luân Công, sự trao đổi chất của bà trở lại bình thường và các mạch lạc của bà không ngừng được đả thông và hoạt động trở lại. Kể từ đó, bà trở nên khoẻ mạnh và là một học viên Pháp Luân Công kiên định.

Bị giam giữ sau khi cố gắng lên tiếng cho Pháp Luân Công

Chưa đầy một năm sau khi bà tu luyện Pháp Luân Công, chính quyền cộng sản đã bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Bà Diêm đã tới Bắc Kinh để lên tiếng cho Pháp Luân Công và hy vọng có thể nói với các quan chức chính quyền trung ương rằng cuộc bức hại là sai. Trên đường tới Bắc Kinh, bà thường xuyên gặp cảnh sát khám xét và thẩm vấn bà.

Ngày 22 tháng 7 năm 1999, sau khi tới Bắc Kinh, bà không thể tới gần khu phức hợp của chính quyền trung ương ở Trung Nam Hải vì nó được vây kín bởi quân đội. Cảnh sát vây bắt các học viên và đưa họ từ xe buýt này đến xe buýt kia tới một sân vận động. Một số học viên vẫn đang bế những đưa bé sơ sinh đi cùng và một số học viên cao niên khác đã ngoài 70 và 80 tuổi.

Các quan chức Văn phòng Tỉnh Sơn Đông đóng ở Bắc Kinh đã đón bà Diêm vào buổi tối và tống bà vào một căn phòng cùng với 16 học viên khác đến từ tỉnh Sơn Đông. Sáng ngày hôm sau, cảnh sát từ thành phố Truy Bác đã tới đưa họ về Sơn Đông. Cảnh sát trưởng buộc bà Diêm đứng bên ngoài qua đêm trong khi vài cảnh sát khác giám sát bà. Bà và hàng chục học viên bị đưa tới khác sạn thuộc sở hữu của Nhà máy Giấy Truy Bác. Họ bị giam giữ ở đây hai tuần và bị vài nhân viên giám sát cả ngày lẫn đêm. Bà còn bị buộc phải trả 1.000 nhân dân tệ cho chi phí sinh hoạt.

Rời khỏi nhà do thường xuyên bị cảnh sát sách nhiễu

Các quan chức và cảnh sát địa phương kéo tới nhà sách nhiễu bà Diêm bất kể ngày đêm. Tháng 3 năm 2000, khi chính quyền trung ương tổ chức một cuộc họp quan trọng, cảnh sát địa phương đã vây bắt bà Diêm cùng các học viên khác với nỗ lực ngăn không cho họ tới Bắc Kinh để kháng nghị. Cảnh sát đã đưa họ vào khách sạn một tháng cho tới khi cuộc họp kết thúc. Sự việc còn tồi tệ hơn khi bà bị ép phải nộp 3.000 nhân dân tệ chi phí ăn ở khiến tài chính của bà càng trở nên eo hẹp hơn.

Phòng 610 của Công an Thành phố Truy Bác đã phát hiện bà Diêm in và phân phát những tờ tài liệu để nói với mọi người về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Hàng chục cảnh sát đã tập trung trước nhà bà vào ngày 1 tháng 10 năm 2000. Họ cho cúp điện và ngắt đường dây điện thoại bàn của bà sau khi chồng bà từ chối cho họ vào. Gia đình bà mắc kẹt trong nhà và không thể có cuộc sống bình thường. Vào nửa đêm ngày 6 tháng 10, bà Diêm đã trốn khỏi nhà và trèo xuống qua lối cửa sổ. Bà bị ngã từ tầng 5 xuống ban công của tầng 2 và bị thương.

Bất chấp việc bị thương ở chân và lưng, bà đã trốn thoát và tới ở nhờ nhà một người họ hàng ở nơi xa. Thông qua việc thường xuyên luyện các bài công pháp Pháp Luân Công, bà đã nhánh chóng hồi phục.

Bị tra tấn trong trại lao động cưỡng bức

Bà Diêm đã ở cùng với vài học viên và không về nhà để tránh bị bức hại thêm nữa. Bà làm việc vào ban ngày và phân phát tài liệu Pháp Luân Công vào ban đêm. Ngày 5 tháng 1 năm 2001, một cảnh sát mặc thường phục đã phát hiện và theo dõi bà. Hàng chục người của Phòng 610 đã bắt giữ bà cùng các học viên sống cùng bà, giam họ trong khách sạn ga xe lửa. Họ thẩm vấn bà và cấm bà ngủ trong 5 ngày liên tiếp trong khi vẫn còng tay bà vào ống sưởi. Hai tuần sau, họ cho bà được bảo lãnh tại ngoại và buộc bà nộp 5.000 nhân dân tệ tiền bảo lãnh.

Chưa đầy một tháng sau khi được trả tự do, cảnh sát đã bắt giữ bà Diêm lẫn nữa vào ngày 15 tháng 2 năm 2001 và tuỳ tiện đưa bà vào Trại Lao động Cưỡng bức Vương Thông để thụ án ba năm lao động cải tạo. Lính canh không cho bà ngủ vì bà từ chối ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ thường bắt bà làm việc tới nửa đêm (quấn dây quanh các các lõi điện tử để xuất khẩu). Bà được trả tự do vào ngày 1 tháng 4 năm 2003.

Ngày 12 tháng 5 năm 2010, các quan chức địa phương ở quận Lâm Truy đã bắt giữ bà Diêm và giam giữ bà tại Trại tạm giam Thành phố Truy Bác một tháng.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/27/435262.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/15/198147.html

Đăng ngày 24-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share