Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 22-12-2021] Trong cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài hơn 23 năm qua, bà Cát Linh, một dược sĩ hưu trí, đã trải qua 12 năm bị giam trong các nhà tù và trại cưỡng bức lao động. Bà Cát, 71 tuổi, ở huyện Vĩnh Tu, tỉnh Giang Tây, đã bị tra tấn triền miên bởi bà từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Bà Cát tin rằng pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân này đã chữa khỏi bệnh cho bà. Hiện tại, bà Cát đang bị tàn tật do những tra tấn và lạm dụng trong khi bị giam giữ. Gia đình bà còn bị tổn thất về tài chính, tổn thương tinh thần đáng kể và sống trong nghèo khổ.

Lần bà Cát bị bắt giữ gần đây nhất là vào ngày 21 tháng 4 năm 2016. Bà đã trải qua 4 năm bị tra tấn trong Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây và một chân bị cắt bỏ.

2021-12-21-jiangxi-geling--ss.jpg

Bà Cát Linh

Ngày 20 tháng 4 năm 2021, một năm sau khi bà Cát mãn hạn tù, Cục Bảo hiểm Xã hội và Nguồn Nhân lực Huyện Vĩnh Tu dã thông báo cho lãnh đạo cơ quan cũ của bà, Bệnh viện Trung y Huyện Vĩnh Tu, rằng họ sẽ đình chỉ lương hưu và bảo hiểm y tế của bà cũng như tìm cách thu hồi 270.741 nhân dân tệ lương hưu đã chi trả cho bà trong khoảng thời gian từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 4 năm 2021.

Cục Bảo hiểm Xã hội đã viện dẫn một văn kiện, trong đó nói rằng học viên Pháp Luân Công bị cầm tù vì đức tin của họ sẽ không được hưởng lương hưu trong thời gian thụ án. Tuy nhiên, họ không giải thích được lý do tại sao họ đình chỉ lương hưu của bà trong thời gian bà bị cầm tù hay tại sao họ tìm cách thu hồi khoản lương hưu đã chi cho bà từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 4 năm 2021, trong khi thời gian bà thụ án tù gần đây nhất là từ tháng 4 năm 2016 đến tháng 4 năm 2020.

Ngoài ra, quy định này là do Bộ Dân chính ban hành, chứ không phải do bất kỳ cơ quan lập pháp nào của Trung Quốc ban hành.

Không có cơ sở pháp lý cho việc đình chỉ lương hưu

Bản thân việc kết án tù bà Cát vì đức tin của bà vốn là hành vi vi hiến và vi phạm nhân quyền. Do đó, càng không nên căn cứ vào tiền đề phi pháp này (án tù) mà tước đoạt lương hưu, vốn là thu nhập hợp pháp của công dân. Hành vi tước lương hưu của bà Cát được thực hiện dựa trên một chính sách chứ không phải theo luật định và là không có căn cứ.

Tại Trung Quốc, lương hưu của công dân được luật pháp bảo vệ, bao gồm nhưng không giới hạn bởi các điều luật sau:

Điều 73 Luật Lao động quy định: “Người lao động được hưởng các đãi ngộ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật khi nghỉ hưu. Điều kiện, tiêu chuẩn hưởng bảo hiểm xã hội của người lao động được do pháp luật và pháp quy quy định. Quỹ bảo hiểm xã hội cho người lao động phải được đóng đúng hạn và đầy đủ.”

Điều 34 về Bảo vệ Quyền và Lợi ích của người cao tuổi quy định: “Người cao tuổi cần được hưởng dưỡng lão, điều trị cùng các đãi ngộ khác theo quy định của pháp luật. Các cơ quan hữu quan phải kịp thời chi trả đầy đủ cho người cao tuổi; không được khấu trừ, trì hoãn, hoặc dùng tiền đó cho các mục đích khác.“

Hơn nữa, Điều 16 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định: “Cá nhân tham gia bảo hiểm dưỡng lão cơ bản sẽ được hưởng tiền dưỡng lão cơ bản hàng tháng nếu thời gian đóng góp lũy kế của cá nhân đó không dưới 15 năm tính đến tuổi nghỉ hưu theo luật định. Nếu thời gian đóng góp lũy kế của cá nhân đó không đủ 15 năm tính đến tuổi nghỉ hưu theo luật định, cá nhân đó có thể được lĩnh bảo hiểm dưỡng lão cơ bản hàng tháng sau khi cá nhân đã đóng góp bổ sung đủ số tiền cần thiết cho 15 năm theo luật định”. Rõ ràng không có điều khoản ngoại trừ nào ở đây.

Căn cứ vào Điều 16, một người đã nghỉ hưu sẽ được hưởng đầy đủ lương hưu cơ bản hàng tháng miễn là người đó đã đóng đủ 15 năm theo luật định.

Như vậy việc Bảo hiểm Xã hội Huyện đình chỉ và tước đoạt lương hưu của bà Cát là một hành vi phi pháp.

Cuộc đời được cứu rỗi nhờ tu luyện Pháp Luân Công

Bà Cát Linh, sinh năm 1951, xuất thân trong một gia đình đặc thù với các thành viên gia đình đều làm việc trong các cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Bố của bà từng tham gia kháng chiến chống Nhật và sau đó làm nhân viên kế toán trong chính quyền. Bởi ông không thông đồng với đồng nghiệp để biển thủ quỹ cứu trợ nên họ đã trả đũa ông. Họ đã hai lần tìm cách tống ông vào tù và cuối cùng, ông đã mang theo nỗi oan mà treo cổ tự sát. Mẹ của bà Cát phải sống cả đời cực khổ và đã chết vì ung thư.

Chứng kiến bố mình chịu đựng chuyện bất công như vậy, bà Cát lớn lên trong sự chán nản và cay đắng, mất hết hy vọng và ý nghĩa cuộc sống. Bà thường bị vết bầm tím khắp cơ thể do số lượng tiểu cầu chỉ bằng phân nửa người bình thường. Sau đó, bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư bạch huyết và bị sụt cân nhanh chóng. Mạch máu ở chân phải của bà bị tắc khiến chân bà bị phù nề nghiêm trọng, và bà gần như không thể đi lại được.

Năm 1974, bà nhận bằng cao đẳng y khoa và bắt đầu làm việc tại bệnh viện dành cho nhân viên của Cục Kỹ thuật Thủy điện Giang Tây. Bà được điều về Bệnh viện Trung y Huyện Vĩnh Tu và được cấp giấy chứng nhận dược sĩ vào năm 1994.

Suốt 30 năm, bà Cát đã theo mẹ đến chùa bái Phật, và từng quy y làm cư sỹ. Ngoài ra, bà còn luyện qua nhiều môn khí công để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, sức khỏe của bà tiếp tục suy giảm. Cơn đau và sự khốn khổ khiến bà muốn sớm kết thúc sống kiếp nhân sinh đầy đau khổ của bản thân.

Năm 1996, một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Công cho bà. Trong vòng ba tháng, bà đã tăng hơn 13 kg và da dẻ trở nên hồng hào. Bà trở nên khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Kể từ đó, bà không còn phải đi khám bệnh hay uống thuốc nữa.

Mười hai năm bị cầm tù và bị tra tấn dẫn đến thương tật vĩnh viễn

Tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công. Bà đã nhiều lần đến Bắc Kinh để nói với quan chức chính phủ và công chúng rằng cuộc đàn áp này là sai. Cảnh sát đã bắt bà và tống bà vào Trại Lao động Cưỡng bức Mã Gia Lũng thuộc thành phố Cửu Giang và Trại Lao động Cưỡng bức Nữ tỉnh Giang Tây với thời gian giam giữ tổng cộng 5 năm. Lính canh bức thực bà và làm bà bị gãy nhiều chiếc răng của bà. Họ còn đánh đập bà và không cho gia đình vào thăm bà.

Tháng 3 năm 2001, trong khi bà còn đang thụ án tại trại lao động, gia đình đã giúp bà nộp hồ sơ nghỉ hưu bởi vì bà đã đến tuổi hưu theo quy định (lúc đó là 50 tuổi).

Ngày 1 tháng 11 năm 2008, một người nào đó đã tố giác bà với cảnh sát khi bà đang phát tờ rơi giới thiệu về Pháp Luân Công. Bà bị Đồn Công an Tam Khê Kiều bắt giữ và bị kết án 3 năm tù.

Tháng 3 năm 2009, bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây. Trong suốt một năm ròng, bà bị bắt ngồi bất động với lưng phải giữ thẳng trong suốt 20 tiếng mỗi ngày. Có lần, một tù nhân đã nhét một chiếc tất bẩn vào sau trong cổ họng của bà khiến bà gần như chết ngạt, chỉ bởi bà không từ bỏ đức tin của mình. Chiếc tất thấm đẫm máu khi được kéo ra khỏi miệng bà.

Lính canh ra lệnh cho một tù nhân hình sự “chuyển hóa” bà bằng mọi cách có thể, kể cả “thủ đoạn lưu manh”. Tù nhân này thường bắt bà đứng bất động, xem bà như bao cát và đấm vào ngực và lưng bà. Có lần, cô ta ngăn bà sử dụng nhà vệ sinh nên bà phải đi đại tiện trong quần. Có lúc, cô ta lột quần áo của bà rồi đặt chiếc quạt trước mặt bà. Từ năm 2010 đến năm 2011, do liên tục bị bắt đứng bất động và giảm thân nhiệt, bà bị sa tử cung cấp độ 4. Tử cung của bà bị tuột hẳn ra ngoài cơ thể.

Ngày 21 tháng 4 năm 2016, bà Cát lại bị bắt và bị kết án 4 năm tù. Đến tháng 2 năm 2017, bà bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Giang Tây. Lính canh không cho bà ngủ và chỉ cung cấp cơm trắng cho mỗi bữa ăn của bà. Họ cũng không cho phép bà mua đồ thiết yếu hàng ngày kể cả là giấy vệ sinh.

Vào mùa đông, họ lấy đi áo ấm của bà và vứt chiếc chăn dầy đi, chỉ để lại cho bà tấm trải giường mỏng. Thời tiết lạnh buốt khiến bà không thể ngủ được vào ban đêm. Bà bị lạnh cột sống dẫn đến đau lưng.

Cuối cùng, chân trái bà bị tím đen và sưng vù do nhiễm trùng da nghiêm trọng. Bà bị sốt cao nguy hiểm đến tính mạng. Để trốn tránh trách nhiệm, một lính canh đã vội vã đưa bà đến bệnh viện. Bác sĩ đề nghị cắt bỏ chân của bà mới có thể giữ được mạng sống của bà.

Sự tra tấn, bệnh tật và ngược đãi đã tàn phá nghiêm trọng sức khỏe và thân thể của bà Cát. Chiều cao của bà bị giảm đi 7cm. Người nhà và bạn bè không thể nhận ra bà sau khi bà được trở về nhà.

Sống trong nghèo khổ và áp lực bị đưa trở lại nhà tù

1. Gia đình cũng chịu nhiều thống khổ do cuộc bức hại và phải sống trong nghèo túng

Tháng 4 năm 2020, khi bà được thả ra thì gia đình cũng tan vỡ. Cuộc bức hại cùng việc bà nhiều lần bị cầm tù đã khiến con trai chịu áp lực tinh thần to lớn. Anh từng sống và làm việc tại Bắc Kinh, nhưng rồi bị mất việc, ly hôn vợ và phải nhờ bố mẹ giúp nuôi dưỡng con cái. Con gái bà Cát hiếm khi đến thăm hay qua lại với bà vì lo sợ bị nhà cầm quyền trả thù. Do mong muốn kiếm tiền để thoát nghèo, chồng của bà bị rơi vào bẫy nợ tài chính. Họ phải bán nhà và hiện đang sống cùng với bố chồng của bà.

Hầu hết quần áo bà mặc đều do những đồng nghiệp cũ tặng và bà phải sống nhờ vào thức ăn thừa của người khác. Bà còn phải dựa vào sự chăm sóc hàng ngày của chồng, đặc biệt khi bà cần đi vệ sinh do di chứng của bệnh sa tử cung.

Mặc dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó như vậy, bà Cát cũng không hề oán hận những người làm việc cho chính quyền địa phương hay lãnh đạo cũ của bà, những người vốn chịu trách nhiệm cho sự khốn khổ của bà. Bà từ chối nhận trợ cấp dành cho tù nhân sau khi mãn hạn tù và tự dùng tiền tiết kiệm để làm 6 chiếc răng giả để thay cho những chiếc răng đã bị gãy trong khi bị bức thực tại Trại lao động cưỡng bức Mã Gia Lũng.

2. Nguồn thu nhập duy nhất bị đình chỉ, lương hưu bị yêu cầu truy thu

Tháng 5 năm 2021, Cục Bảo hiểm Xã hội Huyện Vĩnh Tu đã đình chỉ lương hưu và bảo hiểm y tế của bà Cát, dựa theo một văn bản do Bộ Nguồn nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc bàn hành năm 2012. Lương hưu là nguồn thu thập duy nhất của bà.

Bà đã đến gặp các ủy viên huyện Vĩnh Tu, quan chức huyện và người lãnh đạo đơn vị làm việc cũ để khiếu nại quyết định này. Cuối cùng, bắt đầu từ tháng 11 năm 2021, ban lãnh đạo tại nơi làm việc cũ của bà là Bệnh viện Trung y Huyện Vĩnh Tu, đã trả cho bà 500 nhân dân tệ mỗi tháng. Tuy nhiên, Cục Bảo hiểm Xã hội Huyện vẫn đình chỉ lương hưu của bà nhằm đòi “nợ” bà.

Cán bộ Cục Bảo hiểm Xã hội đã phát đi hai thông báo đến bà Cát vào ngày 8 tháng 12 năm 2021. Một thông báo tuyên bố dẫn rằng chính quyền “phát hiện bà Cát Linh đã nhận thừa lương hưu trong thời gian bà thụ án tù… và cần phải hoàn trả lại 270.741 nhân dân tệ mà bà đã nhận từ tháng 10 năm 2014 đến tháng 4 năm 2021.” Họ yêu cầu bà phải hoàn lại số tiền trên trong vòng bảy ngày.

Thông báo thứ hai cáo buộc bà Cát vi phạm Quy định Xử phạt tội Tham ô và Lừa đảo Quỹ Bảo hiểm Xã hội. Họ yêu cầu bà Cát nộp lại “khoản nợ” này trước ngày 14 tháng 12 năm 2021, và đe dọa rằng nếu bà không hoàn trả, bà sẽ bị lĩnh khoản phạt gấp “từ 2 đến 5 lần số tiền mà bà đã nợ theo Luật Bảo hiểm Trung Quốc.” Sau đó, họ yêu cầu gia đình bà phải nộp tiền trong vòng bảy ngày. Nếu không, Cục Bảo hiểm Xã hội sẽ “thực hiện các thủ tục pháp lý và chuyển vụ việc cho cơ quan tư pháp.”

Tại thời điểm báo cáo, lương hưu của bà Cát Linh vẫn bị đình chỉ. Không rõ Cục Bảo hiểm Xã hội đã tiến hành thủ tục pháp lý hay chưa.

Bài liên quan:

Dược sỹ bị bỏ tù vì đức tin của bà, gia đình bị từ chối thăm viếng

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/12/22/435163.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/1/7/198027.html

Đăng ngày 21-02-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share