Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 09-11-2021] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Chào các bạn đồng tu! Từ lâu tôi đã nghĩ đến việc đặt bút viết lại hành trình tu luyện của mình, về việc sản xuất tài liệu giảng thanh chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Vì tôi chưa học hết cấp một nên tôi không có nhiều kỹ năng và thậm chí rất thiếu can đảm. Tôi muốn chia sẻ lại cho mọi người về hành trình của tôi từ một người không biết bật máy tính đến có thể tự thiết kế và sản xuất tài liệu phơi bày cuộc bức hại.
Học kỹ năng IT và in tài liệu
Vào một ngày năm 2000, đơn vị của tôi thông báo cho toàn thể nhân viên rằng phải tham gia khoá huấn luyện để học cách sử dụng máy tính và sau đó sẽ có bài kiểm tra. Kết quả kiểm tra sẽ được dùng để đánh giá thành tích của chúng tôi cho việc thăng chức trong tương lai. Tất cả mọi người trong bộ phận của chúng tôi đã tham dự lớp học.
Ngày đầu tiên giáo viên dạy mọi người cách mở máy tính lên và đề cập đến các từ như “Windows” và “Word”. Hai từ này được nhắc đi nhắc lại trong lớp mỗi ngày. Giáo viên giúp tôi bật chiếc PC và tôi tìm kiếm hai từ “Windows” và “Word”. Khoá đào tạo kéo dài 13 ngày và ngày nào tôi cũng tìm kiếm các thuật ngữ nhưng sau khi tốt nghiệp tôi vẫn không thể nhận ra chúng. Tôi đã bực đến mức mất ăn mất ngủ. Thậm chí cả khi ngủ tôi cũng mơ thấy hai từ “Windows” và “Word”. Sau 13 ngày, tôi vẫn không biết cách làm thế nào để mở và tắt chiếc máy tính của mình.
Đầu năm 2002, em gái tôi muốn vứt chiếc máy tính để bàn cũ và một chiếc máy in phun mực đi. Tôi bảo em đưa chúng cho tôi vì tôi muốn sản xuất tài liệu giảng chân tướng. Những tài liệu mà chúng tôi có đều do các học viên mang về từ các vùng khác và không bao giờ có đủ để phát.
Tôi nhờ con trai tôi dạy tôi cách sử dụng máy tính. Lúc đầu, tôi thậm chí còn không biết cách cầm chuột và không thể phân biệt được chuột trái và chuột phải. Khi di chuyển con chuột, tôi không biết nó đang trỏ đến đâu. Sau đó tôi mới nhận ra rằng tôi đã cầm ngược con chuột. Tôi đã mất ba ngày để tự làm quen với cách dùng con chuột và những thao tác như nhấp chuột phải, nhấp chuột trái, và ý nghĩa của mọi biểu tượng trên PC. Cuối cùng tôi đã có thể sử dụng con chuột.
Kế đến tôi có nhờ một học viên chỉ tôi cách in tài liệu. Cô ấy đã tận tình hướng dẫn tôi từng bước từng bước một. Nhưng tôi vẫn không hiểu hay nhớ gì cả. Cuối cùng tôi nói với cô ấy rằng: “Hãy để bác cầm con chuột, rồi cháu chỉ bác nhấp vào chỗ nào thì bác sẽ nhấp vào chỗ đó.” Tôi viết xuống chi tiết từng bước sử dụng và sau đó làm đi làm lại theo bản ghi chú. Đó là cách mà tôi đã học cách in tài liệu.
Tháng 10 năm 2003, một học viên ở vùng khác đến thành phố của chúng tôi và đề nghị chúng tôi lập điểm in tài liệu. Chúng tôi nói: “Chúng tôi không biết cách làm và cần những học viên có kỹ năng chỉ cho chúng tôi.” Vài ngày sau, học viên này quay lại cùng với một thanh niên trẻ tuổi đến để hướng dẫn chúng tôi cách làm.
Chúng tôi nhanh chóng lập được một điểm sản xuất tài liệu. Chúng tôi mua hai cái máy in laser và một máy in màu. Tôi phụ trách việc sản xuất tài liệu cho các học viên để họ đi phát. Tôi cũng in tuần báo Minh Huệ và các bài kinh văn mới của Sư phụ. Lúc đầu tôi chỉ có thể in một mặt. Nhưng không lâu sau đó tôi đã biết cách in các tập sách bằng máy in laser và máy in màu.
Tôi đưa vị học viên này đến điểm sản xuất tài liệu. Cậu ấy mở chiếc máy tính lên, cài đặt máy in và hướng dẫn tôi cách lắp đặt: “Cáp này gắn vào cổng này, bác phải ghi lại các bước này. Khi in tài liệu, bác sẽ biết được tài liệu nào đi ra từ máy in nào. Nếu nó có vấn đề, bác sẽ biết máy in nào đang có vấn đề và có thể dễ dàng sửa.”
Tôi bị lóa mắt khi nhìn thấy ba chiếc máy in hoạt động cùng lúc. Liệu tôi có thể quản được công việc này không? Vị học viên vừa làm vừa giải thích mọi thứ cho tôi. Cậu này thậm chí còn bảo tôi in mặt khác của tờ giấy sau khi mặt đầu tiên đã in ra. Tuy nhiên vài ngày sau đó, tôi hầu như không học được gì.
Đó là một quá trình tu luyện. Sau nhiều lần làm thử cho tôi xem, vị học viên bắt đầu mất kiên nhẫn và nói năng thô lỗ. Tôi không nói gì nhưng thầm nghĩ trong bụng: “Cậu thanh niên này thật hỗn. Con trai mình còn lớn tuổi hơn cả cậu ta và nó chưa từng bao giờ nói với mình bằng giọng như vậy. Làm sao một người ở tuổi như cậu ta mà dám nói với mình bằng một giọng hỗn hào như vậy? Cậu ta đang ở nhà mình và mình còn cho cậu ta ăn.” Tôi càng cảm thấy bực bội thì cậu thanh niên này càng trở nên thô lỗ và tôi càng học càng kém.
Có lần, cậu này bảo tôi lấy cái trống máy in ra để đổ thêm mực vào. Tôi lấy cái trống ra khỏi máy in và tháo nó ra. Cậu ta đã hét vào mặt tôi bằng giọng giận dữ: “Tại sao bác lại tháo banh nó ra thế? Lẽ ra bác nên hỏi cháu xem cần mở phần nào ra chứ!” Tôi trả lời bằng giọng thách thức: “Cháu đã không bảo bác cách mở nó thế nào mà chỉ nói tháo nó ra thì bác tháo nó ra thôi.” Cậu ta nói: “Ngày nào cháu cũng mở nó ra để châm mực. Chẳng lẽ bác không hề xem cháu làm nó thế nào à? Tại sao bác lại không biết cách làm?” Tôi nói: “Bác nhìn không rõ.” Cậu ta nói: “Tại sao bác không hỏi cháu?” Nhìn thấy nét giận dữ trên khuôn mặt của tôi, cậu ta nói: “Ngày mai cháu sẽ về và nhờ người khác đến dạy bác cách dùng.”
Tôi cảm thấy lo lắng. Chúng tôi đã lập một điểm sản xuất tài liệu lớn như vậy, và cần rất nhiều tài liệu. Nếu cậu ấy bỏ về thì ai sẽ hướng dẫn chúng tôi? Các học viên đang chờ tài liệu để cứu chúng sinh. Với thái độ ngoan cố của mình, chẳng phải tôi đang phạm tội sao? Khi về đến nhà, chúng tôi ngồi học Pháp cùng nhau. Tôi đã bình tĩnh lại sau khi đọc sách Chuyển Pháp Luân. Tôi đã hướng nội. Chẳng phải đây là tâm bất bình khi bị người khác chỉ trích gây nên hay sao? Tôi nhìn thấy cái tôi của mình, tâm phẫn uất, đố kỵ, muốn trả đũa và tâm hư vinh. Tôi biết những suy nghĩ này không phải là của mình. Tôi cầu xin Sư phụ giúp và tôi phải loại bỏ những tư tưởng xấu này.
Tôi đã xin lỗi cậu thanh niên này: “Bác xin lỗi. Bác đã cư xử quá tệ. Cháu hãy tiếp tục ở lại dạy bác. Bác sẽ cố gắng học thật tốt. Hãy làm theo cách mà cháu vẫn làm. Bác sẽ cầm chuột và cháu chỉ bác chỗ cần nhấp vào và bác sẽ viết nó xuống.” Tôi đã có thể học được kỹ năng sử dụng chỉ trong vài ngày.
Cậu học viên này cũng tận tình chỉ tôi cách lấy cái trống in ra và đổ thêm mực vào, cách sửa máy mỗi khi bị kẹt giấy và cách vệ sinh máy in và cách đóng gáy sách. Tôi đã viết lại toàn bộ quá trình. Khi tự làm tôi mở sách ra và làm theo hướng dẫn. Không lâu sau tôi đã có thể tự vận hành mọi thứ một cách trơn tru. Khi những vấn đề nhỏ xuất hiện, tôi có thể giải quyết chúng.
Sau vài năm sản xuất tài liệu và làm việc với mọi loại máy in, tôi nhận ra rằng bất cứ khi nào máy in không hoạt động bình thường, thì đó là lúc tôi cần đề cao tâm tính.
Có lần, trong khi đang in sách, trên giấy xuất hiện các vệt đỏ và máy báo lỗi sắp hết mực, chuyện này đã xảy trong mấy ngày liên tục. Sau khi vệ sinh máy in tôi in được 12 tập tài liệu, nhưng sự cố vẫn chưa giải quyết được. Tôi đã chuyển sang chế độ in ảnh và nó chạy được hai ngày tuy nhiên vấn đề trên lại lặp lại. Tôi đã nói chuyện với cái máy in và phát chính niệm nhưng mọi thứ vẫn không thay đổi. Tôi đóng gói chiếc máy in lại và lên kế hoạch sẽ đem nó đi sửa vào ngày thứ Bảy.
Tuy nhiên thứ Bảy tôi lại bận nên không có thời gian mang máy đi sửa. Đến Chủ nhật, sau khi ăn trưa xong, khi tôi chuẩn bị mang máy đi sửa thì trong đầu lại nảy ra một ý nghĩ: “nóng đỏ.” Tôi chợt nhận ra và nói chuyện với chiếc máy in: “Bạn không bị sao cả, lỗi là do ta cứ bực bội gia đình mình. Xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến việc cứu độ chúng sinh của bạn. Chúng ta không cần phải đến tiệm sửa nữa.” Tôi bật máy in lên, chuẩn bị tài liệu và bắt đầu in. Mọi thứ lại hoạt động bình thường.
Vào một lần khác, tôi mua một chiếc máy in phun màu mới. Mới in chưa đầy hai ngày thì xuất hiện các vệt màu xanh. Tôi đã vệ sinh máy vài lần nhưng chỉ in được vài tờ thì nó lại xuất hiện. Tôi đã mang nó đến tiệm để kiểm tra hai lần nhưng họ vẫn không thể tìm được nguyên nhân. Đến lần thứ ba, cửa tiệm đang bận nên họ yêu cầu tôi quay lại sau ba ngày để nhận máy. Khi về đến nhà tôi đã hướng nội. Tôi có mâu thuẫn với gia đình và đã không từ bi khi xử lý sự việc. Nhận ra vấn đề, tôi đã giải quyết mâu thuẫn của mình.
Ngày hôm sau tôi đến lấy lại chiếc máy in. Tôi hỏi: “Cô đã sửa nó chưa?” Cô ấy đáp: “Chưa!” Tôi nói: “Vậy không cần sửa nữa.” Tôi nói với cái máy in: “Bạn không sao cả. Về nhà thôi.” Người phụ nữ cười và nói: “Bà thật hài hước.” Tôi mỉm cười với cô gái trẻ và mang máy in về nhà. Khi tôi mở lên để dùng thì nó lại hoạt động bình thường.
Học cách tải tài liệu về từ Internet
Điểm sản xuất tài liệu đầu tiên của chúng tôi là nơi được chúng tôi thuê và ở đó không thể truy cập Internet. Hàng tuần chúng tôi đều phải đến một nơi khác để lấy đĩa (ổ dữ liệu) sau đó đem đĩa về nhà để in. Vào thời điểm đó, các học viên trong khu vực đó thường bị bắt giữ. Tôi cảm thấy việc này không an toàn nên đã bỏ ra 3.000 nhân dân tệ để mua một chiếc máy tính xách tay cũ. Tôi đã nhờ một học viên lên mạng ở chỗ của anh ấy để tải thông tin về.
Một ngày kia, cửa của điểm sản xuất tài liệu đột nhiên mở ra và người chủ nhà bước vào. Ông ấy nhìn thấy việc chúng tôi đang làm nhưng không nói gì cả. Chúng tôi nghĩ chúng tôi không nên tiếp tục tại nơi này nữa nên quyết định chuyển đi. Nhưng chúng tôi có thể chuyển đi đâu được nhỉ? Nếu chúng tôi thuê một nơi khác, liệu điều tương tự có xảy ra nữa không? Cuối cùng chúng tôi quyết định chuyển địa điểm đến nhà tôi. Nhưng sau đó vị học viên vẫn hay lên mạng để tải tài liệu về đã bị bắt giữ và máy tính xách tay của anh bị tịch thu.
Vậy chúng tôi phải làm gì đây? Chúng tôi không thể quay lại và tiếp tục dựa vào các học viên ở vùng khác. Tôi cầu xin Sư phụ giúp đỡ: “Sư phụ ơi, con muốn học được cách để lên mạng.” Đêm đó tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy một thanh niên chỉ cho tôi cách lên mạng. Đầu tiên cậu này chỉ tôi cách cầm chuột sau đó chỉ tôi cách nhấp vào đâu, vào đâu. Tôi có thể làm mọi thứ. Tuy nhiên khi đến bước cuối cùng, tôi không biết phải nhấp vào chỗ nào. Khi tôi gọi cho cậu ta, cậu ta nói, “Bác nên làm lại từ đầu.” Tôi đã làm lại nhưng vẫn không biết phải làm gì. Tôi cảm thấy lo lắng và thức giấc.
Ngày hôm sau, tôi gặp một học viên biết cách truy cập Internet. Tôi nhờ cô ấy dạy tôi. Tôi viết xuống cách truy cập và làm đi làm lại cho đến khi nhớ.
Nhưng những file tải xuống từ trang web Minh Huệ có tên đều ở dạng bính âm và tôi không thể đọc được các chữ cái tiếng Anh. Hằng ngày tôi đều phải mở các file từng cái từng cái một để tìm ra file tôi cần. Một học viên khác đã dạy tôi cách copy và paste các file vào trong một thư mục sau khi tải chúng về từ trang web. Sau đó tên của chúng sẽ chuyển sang ký tự tiếng Trung.
Năm đó, hai đĩa DVD giảng chân tướng có nhan đề “Trời đất nổi giông bão” và “Chúng tôi nói về tương lai” ra mắt. Tôi có nhờ một người học viên sống ở vùng khác cài đặt phần mềm chép đĩa CD vào máy tính của tôi. Người học viên này nhìn chiếc máy tính của tôi và nói: “Dì ơi, cái máy của dì cũ lắm rồi, cấu hình lại thấp! Thật kỳ diệu là nó có thể in tài liệu và lên mạng. Nhưng nếu dì muốn chép đĩa CD thì cái máy này sẽ không thể làm được. Hơn nữa, tại sao dì chưa cài phần mềm vượt tường lửa? Khi dì lên mạng, dì có bị chặn không?” Tôi nói: “Dì không biết nữa, dì đã làm việc này hơn một năm rồi, dì chưa bao giờ bị chặn, và tốc độ Internet của dì rất tốt. Qua trải nghiệm này tôi biết rằng Sư phụ đã luôn giúp đỡ tôi trong suốt thời gian qua.
Tôi nhất quyết nhờ cậu ấy cài đặt phần mềm chép đĩa CD cho tôi. Tôi nhờ cậu ấy chỉ tôi cách dùng sau khi cài đặt. Cậu ấy đã tận tình chỉ tôi cách dùng. Sau vài phút một chiếc đĩa được chép xong. Khi tôi kiểm tra lại đĩa thì thấy hình ảnh được chép vào rất rõ ràng. Dưới sự hướng dẫn của học viên này tôi đã học được cách dùng phần mềm này chỉ sau vài phút và sau đó tôi đã biết cách chép đĩa CD.
Học cách chỉnh bài và dàn trang
Chúng tôi muốn in một tập sách mỏng giảng chân tướng, và một học viên đã giúp tôi tìm kiếm các bài viết. Tôi cảm thấy lo lắng sau khi nhìn thấy nó vì tôi không biết cách sắp xếp và dàn trang. Tôi chỉ biết cách lấy file và bỏ thư mục. Tôi nói chuyện với Sư phụ: “Sư phụ ơi, con cũng muốn sản xuất loại tài liệu này. Nhưng con không biết cách dàn trang và chỉnh sửa các bài viết, giờ con phải làm sao?”
Hai ngày sau, có một học viên ở một vùng khác đến chỗ tôi. Tôi rất vui và liên tục cảm ơn Sư phụ. Học viên này hỏi: “Tại sao bác lại xúc động như vậy?” Tôi kể cho cậu ấy nghe tâm nguyện của tôi. Cậu ấy đã chỉ tôi cách dàn trang và chỉnh sửa lại tài liệu. Tôi làm theo hướng dẫn và viết lại toàn bộ các bước. Kinh nghiệm này đã đặt định cơ sở vững chắc cho tôi trong việc sản xuất tài liệu vạch trần cuộc bức hại trong khu vực của tôi.
Năm 2008-2009, có 47 học viên ở trong khu vực của tôi bị bắt. 12 người bị kết án tù và 6 người bị đưa vào trại lao động, 7 điểm sản xuất tài liệu bị phá huỷ – bức hại rất nghiêm trọng.
Để vạch trần bức hại, tôi đã tải xuống thông tin về cuộc bức hại ở các khu vực khác từ trang Minh Huệ. Tôi đã sử dụng nó để làm bản mẫu và cố gắng in nhãn dán, viết báo cáo về các vụ bắt giữ học viên và biến nó thành tờ bướm để gửi cho Minh Huệ. Mỗi lần bài được đăng trên Minh Huệ đều có rất nhiều thay đổi, nhiều chữ sai được chỉnh lại (do tôi không biết bính âm và phải viết thông tin bằng tay). Tôi cảm ái ngại vì khiến các học viên khác phải làm thêm việc.
Sau đó, Minh Huệ đã đăng nhiều bài viết chỉ cách viết báo cáo để vạch trần bức hại. Tôi cẩn thận so sánh bản thảo của mình với các bài đã được biên tập viên Minh Huệ chỉnh sửa lại. Tôi đã suy nghĩ mãi tại sao họ lại thay đổi như vậy, tại sao lại tách ra thành nhiều đoạn, tại sao dấu chấm câu này lại được chỉnh sửa v.v… Dần dần kỹ năng viết của tôi được cải thiện. Tôi đã học được cách sử dụng các dấu câu thích hợp và sắp xếp các đoạn văn. Tôi nhấc điện thoại và gọi cho con trai khi có chữ nào đó mà tôi không biết viết. Tôi muốn cố gắng và làm mọi thứ dễ dàng hơn cho các học viên đang làm việc cho trang Minh Huệ. Các tờ bướm tôi dàn trang trông đẹp mắt hơn. Khi nhìn thấy các tấm ảnh đẹp trên mạng, tôi thường tải chúng về cất chúng vào một thư mục để có thể sử dụng làm tư liệu sau này.
Có lần tôi muốn viết một báo cáo tóm tắt về việc bức hại các học viên trong khu vực của tôi và xuất bản nó thành một ấn bản đặc biệt. Để tăng độ tin cậy, tôi đã đính kèm các bức ảnh của từng đồng tu bị giam giữ bất hợp pháp trong các nhà tù và trại lao động. Sau một tháng với rất nhiều nỗ lực, tôi đã có được tất cả các bức ảnh và chỉ thiếu một bức.
Một trong hai ảnh là ảnh của vài người chụp cùng nhau. Tôi phải cắt những người không liên quan ra. Nhưng không biết làm thế nào và phải nhờ con trai. Nhưng con trai tôi lại không biết cách thay phông nền, nên đành phải dán nó vào một tờ giấy trắng. Tôi nghĩ cách làm này cũng không được nên đã đem ảnh đến một tiệp photocopy để nhờ họ thay phông nền.
Hai ngày sau, tôi đã nhận được bức ảnh của học viên còn lại, và nó cũng là một bức ảnh chụp tập thể. Tôi đã mang tấm ảnh đến tiệm ảnh để nhờ xử lý tách lấy ảnh của học viên kia. Nhưng đầu và vai bị nghiêng. Cô gái trẻ nói: “Bác có muốn cháu chỉnh lại đầu và vai không?” Tôi nói: “Vâng hãy giúp tôi chỉnh lại nó cho đẹp.” Cuối cùng cô gái đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và tính phí cho tôi 5 nhân dân tệ. Tôi vui vẻ cầm ảnh về nhà.
Về đến nhà, tôi lấy hai tấm hình được chỉnh phông nền ở tiệm photocopy ra và đem nó so sánh với tấm hình vừa được chỉnh ở tiệm ảnh. Có sự khác biệt rất lớn. Tôi tự nhủ, nếu bức ảnh này được đăng trên trang Minh Huệ thì cả thế giới sẽ xem, nhưng nó lại trông xấu quá. Như thế này không được, ngay cả khi phải bỏ ra 10 nhân dân tệ, tôi cũng sẽ đem ra tiệm ảnh để nhờ cô gái trẻ ở đó chỉnh lại giúp. Vào thời điểm đó tôi đang gặp khó khăn về tài chính và phải suy nghĩ về việc chi tiêu dù chỉ một xu. Tôi cầm hai tấm ảnh, chạy ngay đến tiệm ảnh bất chấp cơn mưa. Tôi nhờ cô gái trẻ ở tiệm ảnh giúp tôi chỉnh lại. Tôi rất vui khi nhìn hai tấm ảnh đã được chỉnh lại đẹp đẽ và hỏi giá. Cô gái nói: “Hai nhân dân tệ.” Khi về đến nhà tôi đứng trước bức chân dung của Sư phụ và rưng rưng nước mắt nói: “Con xin cảm tạ Sư phụ”.
Khi đã đầy đủ mọi thứ, tôi bắt đầu sản xuất ấn bản đặc biệt. Tôi đính kèm từng bức ảnh vào mỗi trường hợp và sử dụng những hình ảnh mà tôi đã lưu vào những vị trí thích hợp trong tài liệu. Ở cuối tài liệu, tôi muốn dùng một thư viện các bức ảnh về các phương pháp tra tấn khác nhau được sử dụng trong cuộc bức hại. Tôi tìm kiếm trên mạng nhưng không tìm được ảnh phù hợp. Không còn lựa chọn nào khác tôi đành phải sử dụng một bức ảnh. Tôi muốn thêm vào một vài câu để khuyên các nhân viên cảnh sát đừng nên tham gia bức hại. Tuy nhiên, tôi không thể tìm được câu chữ phù hợp để biểu đạt suy nghĩ của mình. Tôi nói với Sư phụ: “Con thực sự không biết viết nó thế nào. Con cũng không hài lòng với bức ảnh. Con sẽ phải làm phiền các học viên Minh Huệ để giúp con chỉnh cho tài liệu được hoàn thiện hơn.” Tôi đã gửi ấn bản đặc biệt cho Minh Huệ.
Bốn ngày sau, tài liệu được công khai. Tôi đã tải về và nó chính xác là những gì tôi muốn. Vài chỗ trong bài viết được chỉnh lại để khiến nó hoàn hảo hơn. Tôi quỳ trước chân dung Sư phụ và cảm ơn sự giúp đỡ của Sư phụ.
Sau khi đi qua rất nhiều năm tháng, tôi đã trải nghiệm điều Sư phụ giảng:
“Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)
“…chư Thần thấy cá nhân chư vị tốt thì mới cấp trí huệ cho chư vị, mới để chư vị sáng tạo ra những điều ấy;” (Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco năm 2005)
Tôi đã nhiều lần cầm bút lên nhưng đều bị quan niệm con người cản trở vì tôi còn chưa học hết cấp 1 và còn học kém. Tôi đã không coi đó là cơ hội để các học viên ở Trung Quốc phối hợp chỉnh thể và đề cao trong tu luyện. Tôi viết bài chia sẻ này sau khi nhận ra mình đã sai khi không báo cáo với Sư phụ và chia sẻ kinh nghiệm của mình với các đồng tu.
Tôi biết rằng khi tôi không có kỹ năng, Sư phụ đã an bài để học viên giúp tôi. Mọi thứ đều do Sư phụ cấp cho. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ.
Một lần nữa, con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!
[Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org]
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/9/433165.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/10/196533.html
Đăng ngày 11-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.