Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-11-2021] Kính chào Sư phụ! Kính chào các đồng tu!
Từ năm 2020, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thực hiện một chiến dịch “xóa sổ” nhằm bức ép tất cả học viên Pháp Luân Đại Pháp nằm trong danh sách đen của chính phủ từ bỏ tu luyện. Chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc đã và đang sử dụng đủ loại thủ đoạn hòng khiến các học viên tại địa phương phải từ bỏ. Vì thế, các học viên đã trải qua một khảo nghiệm tâm tính và tâm kiên định đối với Pháp Luân Đại Pháp. Sau đây, tôi xin chia sẻ tôi đã vượt qua khảo nghiệm này và đề cao bản thân như thế nào trong quá trình này.
Vòng đầu tiên: Không nhượng bộ trước sự đe dọa của ĐCSTQ
Tôi là một kế toán về hưu của một trường trung học, năm nay 73 tuổi. Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 4 năm 1999.
Ngày 13 tháng 2 năm 2021, một ngày sau Tết Nguyên Đán, có 7 người không mời mà đột nhiên xuất hiện tại nhà tôi. Họ nói họ đến từ đồn cảnh sát địa phương và các văn phòng cộng đồng địa phương.
“Bà vẫn đang tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, đúng không? Bà vẫn ra ngoài phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Đại Pháp, phải không?”, một người trong họ hỏi.
Tôi đáp, “Tại sao không? Mọi bệnh tật của tôi đã khỏi sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, không có lý do gì để tôi phải ngừng tu luyện.”
“Nếu bà bị ốm, bà có thể đến bệnh viện hoặc tập một môn nào đó khác”, một người trong họ nói tiếp.
Tôi giải thích, “Các vị nghĩ rằng tôi chưa từng thử sao? Tôi đã đi khám ở nhiều bệnh viện lớn nhỏ và chữa trị bằng Trung Y, Tây Y một thời gian dài. Tôi thậm chí đã thử các liệu pháp dân gian khác. Một thầy lang còn lấy hơn 700 nhân dân tệ cho một lần điều trị, đó là số tiền rất lớn đối với gia đình tôi tại thời điểm đó. Nhưng không đâu có hiệu quả cả. Tôi đã tiêu tốn rất nhiều tiền mà vẫn bị bệnh tật hành hạ. Ngược lại, từ khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi không phải tốn một xu nào cho việc điều trị y tế. Chỉ đơn giản bằng cách tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn và luyện các bài công pháp mà mọi bệnh tật của tôi đã biến mất.”
“Chính phủ cấm môn tu luyện này rồi. Thế thì bà viết tuyên bố cam kết không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nữa nhé! Bà vẫn có thể tập ở nhà thì không ai làm phiền bà cả”, một cán bộ nói.
“Tôi đã được hưởng lợi từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tôi không thể làm trái với lương tâm của mình. Tất cả những gì tôi nói với các vị đều là sự thật. Khi tôi mắc bệnh nan y, ngày nào cũng dài như cả năm, và tôi cảm thấy như thể mình sắp hết đời rồi vậy. Con gái tôi thậm chí còn nói với mẹ chồng nó rằng tôi không còn sống được bao lâu nữa. Pháp Luân Đại Pháp đã cho tôi cuộc đời thứ hai.” Tôi cũng nói với họ rằng tự do tín ngưỡng được bảo vệ bởi Hiến pháp Trung Quốc và cuộc bức hại do Giang Trạch Dân phát động là không có cơ sở pháp lý.
“Đây không còn là thời của Giang Trạch Dân nữa. Nếu bà không chịu viết tuyên bố, các cháu của bà sẽ bị ảnh hưởng khi đăng ký học đại học hoặc khi tìm việc làm – chúng sẽ không vượt qua được các bài kiểm tra về lý lịch chính trị”, một cán bộ nói.
Tôi hỏi, “Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về những việc tôi đã làm. Tại sao các vị phải khiến người nhà tôi liên lụy?”
Viên cảnh sát trả lời: “Thực ra, bài kiểm tra lý lịch chính trị bao gồm cả người điền đơn lẫn người thuộc ba thế hệ trước và ba thế hệ sau họ [nếu liên quan].”
Đầu tháng 3 năm nay, lại có bốn người nữa đến sách nhiễu tôi. Một người trong họ nói, “Chúng tôi đã soạn bản tuyên bố để bà [từ bỏ Pháp Luân Đại Pháp] rồi đây – Bà ký đi!”
Tôi nói với họ, “Thanh niên các cậu đúng ra có nhiều điều tốt đẹp hơn để làm hơn là cứ phải theo dõi bà già như tôi.”
Một trong họ trả lời, “Chúng tôi chỉ làm theo mệnh lệnh của cấp trên.”
“Nhưng nếu mệnh lệnh này sai thì sao?” Tôi hỏi. Sau đó, tôi kể với họ trải nghiệm cá nhân của tôi trong cuộc Cách mạng Văn hóa.
Lúc đó, tôi còn là giáo viên. Cấp trên đã giao cho tôi một nhiệm vụ khó khăn, đó là công khai phê bình một giáo viên vật lý, mà ông ấy vốn là một người tốt. Tôi không biết phải làm thế nào vì giáo viên này vừa tài năng, lại vừa dạy giỏi. Nhưng thời đó, không ai dám chống lệnh cấp trên cả. Tôi nảy ra ý tưởng rằng giáo viên này đã thêu một bông hoa trên quần áo mới của con tôi. Tôi bèn lấy đó để phê phán ông ấy đã làm băng hoại gia đình tôi bằng tư tưởng tư sản. Khi người giáo viên này nghe thấy lời chỉ trích nực cười của tôi ở nơi công cộng, ông ấy chỉ có thể cười bất lực và cay đắng.
Tôi giải thích, “Tôi hối hận vì những gì đã làm. Thật mù quáng làm sao khi làm tổn thương một người tốt chỉ vì tôi được ra lệnh phải làm! Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân. Chúng ta đừng bao giờ mù quáng nghe theo đảng. Các học viên Pháp Luân Đại Pháp tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn để trở thành người tốt. Các vị sẽ hối hận nếu nghe theo đảng và tham gia vào cuộc bức hại này.”
Đó là lần đầu tiên tôi trực tiếp bị ĐCSTQ uy hiếp và đe dọa. Tôi nghĩ tôi đã làm những gì tôi phải làm với tư cách một học viên.
Tôi đã chia sẻ trải nghiệm của mình với các đồng tu khi học Pháp nhóm. Mọi người động viên tôi và nói rằng tôi đã làm rất tốt. Rốt cuộc, mỗi người trong chúng tôi đều được hưởng lợi từ việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cả về thể chất lẫn tinh thần. Và kinh nghiệm của chúng tôi đã cho thấy Pháp Luân Đại Pháp vĩ đại như thế nào. Với rất nhiều lợi ích mà Pháp Luân Đại Pháp mang lại cho xã hội, các học viên chúng tôi sẽ luôn làm theo lương tâm của mình bằng cách giữ vững đức tin. Sao chúng tôi có thể viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình đây?
Sư phụ giảng,
“Là đệ tử Đại Pháp, hết thảy những gì của chư vị đều cấu thành từ Đại Pháp, [nó] hết sức chính, chỉ có khả năng làm chính lại hết thảy những gì bất chính; cớ sao lại cúi đầu trước tà ác? Cớ sao lại trước tà ác mà bảo chứng [cam kết] này khác? Dẫu rằng [đó] không phải thực tâm, nhưng cũng là thoả hiệp với tà ác; điều này ở nơi con người đã là hành vi không tốt; Thần tuyệt đối không làm những việc như thế.” (“Đại Pháp kiên cố không thể phá”, Tinh Tấn Yếu Chỉ II)
Chúng tôi động viên nhau rằng dù áp lực có lớn đến mấy, chúng tôi cũng sẽ không bao giờ viết hay ký cam kết từ bỏ Đại Pháp.
Áp lực gia tăng
Sau khi chia sẻ với các đồng tu, tôi đã minh bạch về những gì tôi nên làm khi đối mặt với chiến dịch “xóa sổ”. Tuy nhiên, cuộc bức hại ngày càng leo thang và khảo nghiệm ngày càng gay gắt hơn.
Gây chia rẽ giữa tôi và người thân
Lúc đầu, chính quyền địa phương gọi chồng tôi đến văn phòng của họ và đe dọa, yêu cầu ông ấy giúp họ “cải tạo” tôi. Sau đó, mỗi lần trước khi đến nhà tôi, họ đều thông báo trước cho chồng tôi và buộc ông phải mở cửa và làm việc với họ nhằm thuyết phục tôi từ bỏ đức tin của mình.
Chồng tôi là một cán bộ chính trị thuộc ban kiểm tra kỷ luật của Đảng và ông ấy biết rất rõ các thủ đoạn mà chế độ này sử dụng để bức hại người dân. Trong các cuộc vận động chính trị trước đây, bất cứ ai dám đứng lên chống lại Đảng đều không có kết cục tốt đẹp. Ông ấy lo lắng cho tôi và luôn thuyết phục tôi viết bản tuyên bố. Sự sách nhiễu liên tục khiến tình trạng tim của ông ấy trở nên tồi tệ hơn và còn khiến ông bị căng thẳng về tinh thần. Ông không thể chịu đựng được nữa. Khi những người đó đến, ông đã mở cửa cho họ, rồi lập tức rời đi vì ông không thể đối mặt với sự sách nhiễu này.
Thấy chồng tôi từ chối làm việc với các cán bộ này, họ lại chuyển sang hai con gái tôi mà dọa rằng: “Nếu mẹ các cô không chịu viết bản tuyên bố, tương lai của con các cô sẽ bị ảnh hưởng vì chúng không đạt ở vòng kiểm tra lý lịch chính trị. Mẹ các cô cũng sẽ bị đưa đến các lớp giáo dục [chính trung tâm tẩy não].” Họ đến nhà tôi mỗi tuần một lần. Mỗi lần như vậy, họ đều bắt con gái lớn của tôi phải dẫn đường đến nhà tôi và mở cửa cho họ. Con tôi cũng bị buộc phải tham gia cùng họ để thuyết phục tôi viết bản tuyên bố.
Con gái lớn của tôi là cán bộ cộng đồng ở một huyện khác, vì vậy họ đã xem nó như một đảng viên trong hệ thống của họ và buộc nó phải tham gia vào chiến dịch “xóa sổ” này. Họ quan sát lập trường của nó, cách nó hành xử và xem nó đã thuyết phục tôi mạnh mẽ thế nào. Một gia đình bị bức hại thế này… thật là tàn nhẫn.
Vào thời điểm đó, con trai của con gái lớn của tôi đang chuẩn bị cho kỳ thi tuyển vào một vị trí thuộc phòng tổ chức của tỉnh. Nếu được nhận và tốt nghiệp chương trình này, nó sẽ trở thành một viên chức chính phủ. Con trai của con gái thứ của tôi đang chuẩn bị thi đại học. Cả hai cô con gái của tôi đều kỳ vọng rất nhiều vào tương lai của các cháu. Khi nghe tương lai của chúng sẽ bị ảnh hưởng nếu tôi không chịu từ bỏ đức tin, hai con gái của tôi cảm thấy như trời sập.
Dưới áp lực quá lớn, con gái lớn của tôi không kìm được mà hét vào mặt tôi, “Mẹ ký bản tuyên bố đi! Chúng con không có lựa chọn khác. Chúng con thực sự không còn cách nào!”
Con gái thứ của tôi cứ khóc mãi, “Sao mẹ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình vậy? Sao mẹ có thể bắt tất cả chúng con phải hy sinh cho mẹ? Nếu cha chúng con phải chết vì áp lực thì mẹ chỉ còn một mình. Mẹ ích kỷ quá.”
Tôi tan nát cõi lòng.
Vì bị sách nhiễu ngày càng nhiều nên chồng tôi ngày càng lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên. Ông ấy bảo tôi, “Nếu tiền đồ của các cháu bị ảnh hưởng vì bà, bà sẽ hối hận suốt phần đời còn lại.” Để tránh bị sách nhiễu, hàng ngày ông ấy đi ra ngoài sau 2 giờ chiều và trở về lúc khoảng 6 giờ chiều trong tâm trạng lo lắng.
Con gái thứ của tôi cũng nói: “Cho dù mẹ không quan tâm đến chúng con thì mẹ cũng phải nghĩ đến bản thân chứ. Nếu họ đưa mẹ vào trung tâm tẩy não và tra tấn mẹ hàng ngày thì mẹ cũng không đọc sách Đại Pháp hay luyện công được, vậy mẹ định thế nào?”
Vì người nhà không thể lay chuyển được tôi, các cán bộ này đã tăng cường bức hại và tìm cách bắt và giam giữ tôi phi pháp.
Ngày 15 tháng 3, có bảy người đến nhà tôi hòng ép tôi ký vào bản tuyên bố. Họ đã tìm đủ mọi cách để thuyết phục tôi. Cuối cùng, họ nói nếu đến hạn mà tôi không ký vào bản tuyên bố thì họ sẽ đưa tôi vào trung tâm tẩy não, sau đó là bỏ tù. Mỗi khi họ đến, con gái lớn của tôi sẽ dẫn đường và mở cửa cho họ mà không cần gõ cửa (nó có chìa khóa dự phòng của nhà tôi). Đôi khi tôi đang học Pháp thì họ đến và tôi hầu như không có thời gian để cất sách đi. Tôi lo lắng lỡ một ngày nào đó họ lại tịch thu sách của tôi.
Một ngày cuối tháng 4, đột nhiên con gái lớn của tôi mở cửa nhà tôi và các cán bộ từ cơ quan, cộng đồng và đồn cảnh sát bước vào. Tôi vội vàng giấu cuốn Chuyển Pháp Luân đi. Một cảnh sát đã đi thẳng vào phòng ngủ của tôi và lấy máy MP3 của tôi. Tôi không thể để họ lấy chiếc máy vì nó chứa các bản thu âm các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã cố gắng hết sức để lấy lại chiếc máy MP3 từ họ nhưng thẻ nhớ bị rơi ra ngoài. Một số người đã với lấy chiếc thẻ. Tất cả những gì tôi nghĩ đến là phải ngăn họ phạm tội với Đại Pháp, vì vậy tôi đã chiến đấu hết sức để giành lấy chiếc thẻ. Họ đã quay video toàn bộ sự việc và coi đó là bằng chứng về việc tôi “cản trở việc thi hành công vụ”. Họ định gọi cảnh sát và tìm người đưa tôi đi, nhưng con gái tôi đã ngăn họ lại.
“Củ cà rốt và cây gậy”
Những người thực hiện chiến dịch “xóa sổ” biết rất rõ rằng hành vi sách nhiễu dữ dội của họ có thể hủy hoại ý chí của nạn nhân và gia đình của họ. Họ được chính phủ trả lương và làm việc toàn thời gian để bức hại các học viên. Để đạt được mục đích, họ đã sử dụng thủ đoạn “củ cà rốt và cây gậy”. Không chỉ gây áp lực cho tôi và gia đình, họ còn cố dụ tôi rơi vào bẫy của họ.
Chẳng hạn, một người trong họ nói với tôi, “Tôi viết bản tuyên bố cho bà rồi. Bà chỉ cần ký tên thôi. Sau đó, chúng tôi sẽ không bao giờ làm phiền bà nữa, miễn là bà chỉ tu luyện ở nhà.” Chồng tôi cũng cố gắng thuyết phục tôi, “Sư phụ của bà biết bà không phải thật tâm muốn ký vào bản tuyên bố mà, và Ngài sẽ không trách bà đâu. Vậy bà cứ tùy nghi mà lựa chọn khôn ngoan được không?”
Tôi bị rối trí trước áp lực lớn ấy, gia đình khóc lóc và sự cám dỗ của việc trốn tránh nguy hiểm. Cảm giác như thể cuộc bức hại này không có hồi kết. Tôi bắt đầu phàn nàn về gia đình đã không mạnh mẽ đứng lên bảo vệ tôi, tôi sợ bị tẩy não hoặc bị kết án và gia đình tôi sẽ tan vỡ. Mọi ý niệm xấu ùn ùn kéo đến trong tâm tôi như sóng thủy triều. Tôi không biết phải làm sao nữa.
Minh bạch trên con đường của mình
Tôi đã chia sẻ với các đồng tu về sự rối trí và căng thẳng của mình. Chúng tôi đã đọc lại Kinh văn của Sư phụ.
Sư phụ giảng:
“Nghĩa là, mỗi người đều có mệnh của mình, hơn nữa người còn trong tu luyện tâm chỉ có thể đặt vào trong tu luyện mà tinh tấn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu)
Master also said,
Sư phụ cũng giảng,
“Nhất là tu luyện [ngay] giữa lợi ích hiện thực của người thường, quả thực quá khó khăn; lợi ích đủ loại phương diện đều đang mê hoặc người tu luyện, [chỉ cần] hơi không chú ý, [thì] tư tưởng của chư vị, nhận thức của chư vị, thậm chí nhân tâm đều sẽ xô đẩy người ta cuốn theo dòng; như vậy loại phương thức tu luyện này khó khăn phi thường. Vì khó khăn đó, cũng là thể hiện từ một phương diện khác, hôm nay làm đệ tử Đại Pháp mà xét thì họ có thể tu luyện lên cao. [Nếu] hoàn cảnh không khó khăn, thì khảo nghiệm trực tiếp đối với bề mặt con người của người tu luyện, [với] chủ thể sinh mệnh của cá nhân ấy đã không gay gắt thế này.”
“…còn cá nhân đó đang nằm trong khảo nghiệm trực tiếp vào lợi ích hiện thực.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Canada 2005, Giảng Pháp tại các nơi VII)
Tôi nhận ra qua nhiều năm học Pháp, chúng ta đều biết chúng ta là tu luyện chủ nguyên thần. Những người tu luyện phó nguyên thần thì né tránh xã hội người thường. Do đó, họ tu luyện trong núi sâu hoặc chùa chiền, đồng thời tiêu trừ nghiệp lực bằng cách chịu khổ trong khi thiền định và loại bỏ chấp trước. Ngược lại, chúng ta đang tu luyện trong xã hội người thường phức tạp, nơi mà cám dỗ từ lợi ích cá nhân và được mất là khảo nghiệm là trực tiếp nhất.
Một trong những lý do khiến tôi bị rối trí và choáng ngợp là vì tôi chưa hiểu rõ hình thức tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp. Đó là, chủ nguyên thần của tôi đã bị mê mờ, bị cuốn theo và bị cám dỗ bởi những lợi ích thiết thực trong thế giới người thường.
Pháp của Sư phụ “chỉ là ‘tuyển trạch’” (Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003) liên tục hiện lên trong đầu tôi. Tôi tin rằng đây là Sư phụ từ bi đã khai sáng cho tôi, khích lệ và củng cố chính niệm của tôi. Vì tôi đã chọn tu luyện Đại Pháp, tôi nên tuân theo những gì Đại Pháp yêu cầu. Đối mặt với mọi thứ lợi ích cá nhân, nếu tôi có thể gạt chúng sang một bên và buông bỏ thì tôi sẽ tự đứng vào hàng ngũ của Thần, chứ không phải với người thường. Giữa lợi ích cá nhân và việc bảo vệ Đại Pháp, nếu tôi chọn bảo vệ Đại Pháp, thì tôi đang làm những gì mà một đệ tử Đại Pháp cần làm.
Khi đã minh bạch Pháp lý, chính niệm của tôi cũng mạnh lên, nói năng cũng có phong thái khác hẳn. Chẳng hạn, khi các cán bộ lại đến sách nhiễu và đe dọa về tương lai của con cháu tôi, tôi đã thẳng thắn nói với họ rằng “mỗi người đều có số phận của riêng mình” (Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu). Khi tôi nhìn mọi việc từ góc độ của người tu luyện, mọi đe dọa của đặc vụ Trung Cộng cũng chẳng còn tác dụng gì nữa.
Tôi nói với hai con gái đang nức nở, “Nếu các con muốn các con và các cháu có tương lai tốt đẹp thì các con hãy làm theo lương tâm và tin rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt. Nếu các con chân thành tôn kính Đại Pháp thì các con sẽ được phúc báo và có một tương lai tươi sáng. Nhưng nếu mẹ làm theo ý của các con mà ký vào bản tuyên bố, trái với lương tâm của mẹ, thì mẹ chính là đẩy các con về phía đối lập với Đại Pháp và vĩnh viễn hủy hoại sinh mệnh của các con. Làm như vậy, mẹ sẽ có tội, các con cũng có tội. Mẹ không thể làm hại các con như vậy được.”
Khi tôi đối xử với gia đình mình theo Pháp, tâm tôi rộng mở và tôi thấy rất rõ ràng những gì tôi cần làm. Dần dần, tôi đã thoát ra khỏi sự trói buộc của tình.
Nơi gọi là “vạch phân cách”
Tôi nhớ rất rõ giấc mơ vào đêm ngày 12 tháng 5. Tôi đang đi bộ đến một nơi có tên là “Vạch phân cách”. Hai bên đường có những vách đá, con đường thì chênh vênh và có hố sụt. Tôi đi thẳng đến địa danh Vạch phân cách đó. Tỉnh dậy, tôi không thể sao ngộ ra Sư phụ muốn điểm hóa điều gì cho tôi trong giấc mơ với cái tên “Vạch phân cách” ấy.
Ngày 12 tháng 5 năm 2021, con gái lớn gọi cho tôi và bảo tôi đợi cháu ở nhà vào ngày hôm sau. Sáng hôm sau, tôi đến nhóm học Pháp và các đồng tu đã khích lệ tôi đối mặt với sự sách nhiễu sắp tới bằng chính niệm.
Lúc 4 giờ chiều, con gái tôi đã đến cùng một số cán bộ. Một trong số họ là một cán bộ mới được chuyển đến cộng đồng để phụ trách chiến dịch “xóa sổ” tại địa phương. Ông ấy nói rất nhiều, còn tôi chỉ tập trung phát chính niệm. Cuối cùng, ông ta nói: “Thật khó mà thay đổi đức tin của một người. Thực ra, chúng tôi rất áp lực và phải miễn cưỡng làm thôi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hoàn thành công việc. Đây là công việc, là kế sinh nhai của chúng tôi. Bà đặt mình vào vị trí của chúng tôi mà xem.”
Tôi có thể nói rằng họ đều thấy rõ chiến dịch “xóa sổ” đã thất bại. Tôi lập tức nhớ đến lời giảng của Sư phụ, “tất cả con người thế gian toàn thế giới đều từng là thân nhân của tôi” (Giảng Pháp tại Tết Nguyên Tiêu năm 2003). Họ cũng là người thân của tôi. Tôi biết mình vừa đạt được một bước đột phá trong tu luyện của bản thân.
Tôi hiểu công việc của họ khó khăn như thế nào. Tâm từ bi của tôi khởi lên và tâm oán hận cũng như sự khinh bỉ của tôi đối với họ biến mất. Tôi chân thành nói với họ, “Sư phụ của tôi đã nói ‘tất cả con người thế gian toàn thế giới đều từng là thân nhân của tôi’, tôi hiểu tình thế của các vị. Nhưng tôi không thể ký vào bản tuyên bố, bởi vì làm vậy sẽ không tốt cho các vị.”
“Nếu tôi ký vào bản tuyên bố này, thì nó sẽ trở thành bằng chứng cho việc chư vị chống lại Đại Pháp và bức hại các học viên. Các vị sẽ phải trả giá như thế nào cho tội ác của mình trong tương lai? Nếu tôi ký vào bản tuyên bố, thì tôi không chỉ làm hại các vị, mà còn làm hại người nhà tôi. Bởi vì chiếc thẻ nhớ này chứa các bài giảng Pháp, và tôi không muốn các vị phải đối mặt với sự trừng phạt của Thần. Tôi có thể thấy các vị đang mệt mỏi và đau khổ khi thực thi chiến dịch quấy nhiễu xóa sổ này.”
Trước khi họ rời đi, người cán bộ nói, “Bà là người tốt.” Cuộc bức hại mang tên “xóa sổ” kéo dài ba tháng đối với tôi như vậy đã kết thúc, và gia đình tôi lại tiếp tục cuộc sống bình thường.
Điều này khiến tôi lại suy nghĩ về ý nghĩa của “vạch phân cách” trong giấc mơ của mình. Tôi hiểu ý nghĩa của nó là ranh giới giữa việc lựa chọn duy hộ Đại Pháp hay đầu hàng tà ác để bảo vệ lợi ích cá nhân của tôi. “Vạch phân cách” phân định giữa người và Thần. Tôi vô cùng biết ơn Sư phụ từ bi đã khai ngộ và khích lệ tôi.
Lời kết
Trong buổi học Pháp nhóm tiếp theo, tôi đã kể cho các đồng tu về những gì đã xảy ra. Một số đồng tu đã chỉ ra những thiếu sót của tôi. Chẳng hạn, tôi đã nói với cán bộ nọ rằng “Tôi hiểu khó khăn của anh. Tôi sẽ không ký vào bản tuyên bố, nhưng khi đoàn thanh tra đến, tôi sẽ giữ im lặng”. Một học viên nói, “Tôi không đồng ý với điều đó. Là đệ tử Đại Pháp, chúng ta nên đường đường chính chính mà giảng chân tướng, chứng thực Đại Pháp, và vạch trần cuộc bức hại này. Làm sao chúng ta có thể không giảng được?”
Tôi cảm thấy như vậy cũng hợp lý. Nếu họ vu khống Đại Pháp vì bị lừa dối bởi tuyên truyền của ĐCSTQ, tôi có nên giữ im lặng không? Tôi không nên hợp tác với cuộc bức hại tà ác này dưới bất kỳ hình thức nào.
Đến Lễ hội Thuyền Rồng, con gái lớn của tôi lúc về nhà, nói cấp trên của nó vẫn thúc nó thuyết phục tôi từ bỏ đức tin. Nó đã trả lời rằng, “Điều đó là không thể. Chúng tôi thậm chí dọa chết cũng không ép được mẹ tôi từ bỏ.” Sau đó, cấp trên của con gái tôi bảo nó hãy lấy “cam kết” của tôi để chứng minh rằng tu luyện Pháp Luân Đại Pháp là lựa chọn cá nhân của tôi và không liên quan gì đến các con tôi.
Tôi không nghĩ mình nên hứa hẹn bất kỳ điều gì, nhưng sau đó tôi nghĩ, “Chỉ cần tôi không ký vào bản tuyên bố thì sẽ không có vấn đề gì.” Tôi đã viết một tờ giấy và đưa cho con gái tôi để nó có lời giải thích với cấp trên.
Tuy nhiên, sau khi tôi chia sẻ suy nghĩ của mình với các học viên khác khi học Pháp nhóm, tôi nhận ra mình lại sai thêm lần nữa. Sư phụ không thừa nhận cuộc bức hại, và chúng ta phải phủ nhận hoàn toàn cuộc bức hại do cựu thế lực an bài. Nhưng tôi đã làm theo hướng dẫn của tà Đảng mà viết “cam kết”, như thể là thừa nhận cuộc bức hại này. Đó chẳng phải là hợp tác với cuộc bức hại tàn khốc dưới một hình thức khác sao?
Tôi nhận ra rằng để phủ nhận hoàn toàn an bài của cựu thế lực, tôi phải đảm bảo rằng không có ý nghĩ nào của tôi tuân theo cựu thế lực. Vì vậy, tôi đã cầu xin Sư phụ giúp tôi lấy lại “bản cam kết”. Và Sư Phụ đã giúp tôi – con gái tôi đã vẫn giữ nó mấy ngày liền, và nó đã trả lại cho tôi khi tôi hỏi. Tôi liền đốt mảnh giấy đi.
Tôi rất biết ơn Sư phụ đã cho tôi cơ hội sửa chữa sai lầm này. Do đó, cuộc bức hại “xóa sổ” đối với tôi đã thất bại hoàn toàn.
Sư phụ giảng:
“Trong tu luyện, dù chư vị gặp phải sự việc hay hay sự việc dở, đó đều là việc tốt cả, bởi vì chính là chư vị tu luyện rồi thì [chúng] mới xuất hiện.” (“Gửi Pháp hội Chicago”, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Lần trải nghiệm chống lại chiếc dịch “xóa sổ” có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân tôi. Tôi nhận ra rằng nếu tôi hành xử theo Pháp thì xú sự sẽ biến thành hảo sự và vượt qua mọi ma nạn.
Cảm tạ Sư phụ đã giúp con vượt qua khảo nghiệm và đề cao bản thân. Cảm ơn sự giúp đỡ và khích lệ vô ngã của các đồng tu.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/11/17/433163.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/21/196675.html
Đăng ngày 07-01-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.