Bài viết của đệ tử Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 11-11-2021]

Kính chào Sư phụ tôn kính!
Chào các bạn đồng tu!

Tôi là đệ tử Đại Pháp ở nông thôn, chỗ tôi không có đồng tu ở các thôn làng lân cận, cũng không có hoàn cảnh học Pháp nhóm và giao lưu chia sẻ. Quanh năm, thỉnh thoảng cũng có một hai lần cơ hội tiếp xúc với đồng tu ở địa phương khác, thời gian còn lại là tôi một mình độc tu. Điều khiến tôi cảm thấy an ủi chính là mình có thể vào Minh Huệ Net, chỉ với cái này thôi, tôi đã thấy rất mãn ý và trọn vẹn rồi.

Từ giữa tháng 1 đến tháng 8 năm 2021, tổng cộng đã có 71 người đồng ý thoái xuất khỏi tổ chức Đảng, Đoàn, Đội của Trung Cộng sau khi tôi giảng chân tướng. Đối với các đồng tu tinh tấn mà nói, con số này thực sự không đáng là bao, nhưng tôi lại cho rằng không dễ chút nào để làm tam thoái cho bấy nhiêu người. Dưới đây, tôi viết xuống thể hội trong quá trình giảng chân tướng cho 71 người để báo cáo với Sư phụ và giao lưu với quý đồng tu.

Cuối năm ngoái, tôi đã đọc một bài chia sẻ trên Minh Huệ Net, đồng tu bàn luận phân tích về số người tam thoái. Đọc nó xong, trong tâm tôi vừa lo lắng vừa khó chịu. Từ tổng số người tam thoái mỗi ngày như trong bài viết, suy ra đệ tử Đại Pháp có thể cứu được bao nhiêu người đến khi Chính Pháp kết thúc, tiến trình chậm như vậy, Sư phụ chính Pháp lúc nào sẽ kết thúc? Sư phụ dùng sự chịu đựng lớn lao để kéo dài mỗi ngày, thân là đệ tử, chúng ta làm thế nào đứng tại góc độ của Sư phụ để nhìn nhận đối đãi với vấn đề này?

Tôi không rõ trạng thái chỉnh thể đồng tu thế nào, nhưng tôi tu một mình không ổn, cảnh giới còn xa mới đạt tới tiêu chuẩn viên mãn. Nghĩ tới nghĩ lui, cuối cùng tôi đã minh bạch mình không thể nhìn vào người khác. Nếu ai cũng nhìn người khác thì mọi người sẽ dậm chân tại chỗ. Tôi nên cố gắng đi cứu người mới phải.

Tôi là người ăn nói vụng về, tính cách hiền lành. Lúc ở nhà, vợ tôi thường xuyên quở mắng tôi, cô ấy nói tôi không có bản lĩnh. Ở công ty, tôi rất ít nói, cơ bản là tôi không có chủ động bắt chuyện với người khác. Tôi biết mình nói năng vụng về, phản ứng chậm chạp, nên giảng chân tướng khuyên tam thoái thật là khó. Nhưng đây không phải là lý do, Sư phụ không có nói đệ tử ăn nói vụng về không thể giảng chân tướng, tôi nên làm tốt việc cần làm ở trong hoàn cảnh của mình, hay nhất là có thể làm được đến điểm này. Nếu không biết giảng chân tướng thế nào, thì tôi sẽ học và xem nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm của đồng tu làm tốt về phương diện này trên Minh Huệ Net.

Trong quá trình này, xác thực tôi đã bỏ nhiều công sức, bởi vì tôi phải đột phá rất nhiều nhân tâm. Ví dụ như, vợ thường dạy đời tôi: “Anh cứ ra ngoài làm bẽ mặt tôi, anh có thể dừng lại một chút được không? Anh để cho cái nhà này bình yên qua ngày được không? Anh muốn mất việc à, tôi sẽ ly hôn với anh!” Đồng nghiệp thân thiết với tôi trong công ty cũng khuyên nhủ: “Lãnh đạo đều biết anh nói chuyện Pháp Luân Công với người ta, anh hãy cẩn thận chút, đừng để đánh mất chén cơm!” Người quen cũng cười nhạo tôi: “Anh nghĩ anh là Cứu Thế Chủ à? Anh có thể cứu ai chứ? Ai thèm tin anh?”

Ở làng mở cuộc họp lãnh đạo của các công ty trong toàn làng, một vị lãnh đạo đặc biệt nói: Công ty nào đó (chỉ công ty tôi) còn có người học Pháp Luân Công, thế này thế này. Bạn bè nói với tôi: “Việc của anh (chỉ việc tôi học Đại Pháp) cả làng đều biết, anh phải chú ý đấy! Đừng ra ngoài rêu rao, anh có thể làm lại Đảng Cộng sản sao?”

Quả là trùng trùng khó khăn nguy hiểm, nhưng trong tâm tôi biết rõ ràng: Mình không thể bị những chướng ngại trên bề mặt này cản đường, mình là người có sứ mệnh, từ niên đại xa xưa đi đến hôm nay, mình không thể dừng tại đây, cho nên mình vẫn phải tiếp tục giảng chân tướng.

Tôi ghi lại những người đồng ý tam thoái sau khi giảng chân tướng vào một cuốn sổ nhỏ, một người thoái thì tôi lại ghi một người. Thông thường, tôi sẽ giảng chân tướng riêng cho từng người. Đối diện với một người, tôi có thể giảng đầy đủ trọn vẹn và nắm chắc khuyên tam thoái thành công. Tính đến tháng 4 năm nay, đã có hơn 30 người làm tam thoái sau khi nghe tôi giảng chân tướng Đại Pháp. Đến tháng 8, tại thời điểm tôi viết bài chia sẻ này, đã có 71 người làm tam thoái. Con số này là một sự khích lệ đối với tôi, trong tâm tôi tràn ngập niềm vui, nhìn thấy số người có thay đổi, tôi lại đặt mục tiêu không ngừng tăng lên. Dưới sự gia trì của Sư phụ và trợ giúp từ kinh nghiệm của đồng tu, tôi phát hiện mình ngày càng biết ăn nói hơn.

Một đồng tu ở trong thành phố nói với tôi: “Người nông thôn các anh đôn hậu và giản đơn, giảng chân tướng và làm tam thoái dễ dàng.” Tôi nói: “Không phải. Giảng chân tướng không giống như việc xúc đất, xúc từng xẻng từng xẻng. Tà đảng tuyên truyền bịa đặt tin đồn về Pháp Luân Công, không nơi nào không bị ảnh hưởng, trong làng có rất nhiều người vừa nói tới Pháp Luân Công, là nghe theo một bộ những thứ kia trên TV, căn bản là họ không biết sự thật, tất cả mọi người đều bị tà đảng lừa dối.” Trong làng, hễ tôi vừa nhắc đến ba chữ “Pháp Luân Công”, thì người coi nhẹ sẽ không lên tiếng, nhưng ánh mắt của họ không đúng chút nào; còn người coi trọng sẽ đẩy tôi vào ngay chân tường, tôi vốn hiền lành, nói chuyện không gây phiền phức cho người ta, nên cũng thường xuyên bị người khác làm cho mất hết thể diện. Nhưng tôi không nản lòng và cũng không nghĩ mình thế cô sức yếu. Tôi chỉ nghĩ, Phật độ người hữu duyên, tôi cầu Sư phụ giúp mình, an bài người hữu duyên đến để đệ tử cứu họ. Tôi dựa vào điểm này và sự bảo hộ gia trì của Sư phụ, số người tôi cứu mới từ từ tăng lên.

Người hàng xóm bướng bỉnh đã làm tam thoái

Một người hàng xóm của tôi rất chống đối Đại Pháp, nhiều lần tôi giảng chân tướng cho ông, nhưng lần nào cũng không thuận lợi, có khi ông không lên tiếng, có khi ông trừng mắt tranh cãi với tôi, như thể ông còn minh bạch mọi việc hơn tôi. Tôi phát chính niệm thanh trừ nhân tố tà linh ở phía sau ông ấy. Lúc giảng lại, ông cũng không tiếp thu, liên tục lắc đầu, và nói liền một mạch: “Anh lại nói chuyện đó nữa à? Anh nói chuyện khác cho tôi xem…” Ông không chịu tiếp thu, tôi cũng không thể ép buộc, nhưng hàng xóm thường xuyên gặp mặt nhau, ông không chịu tam thoái, không được bình an, luôn bị tâm bệnh, thế nên tôi cũng tự trách mình: “Ngay cả hàng xóm cũng cứu không nổi, mình còn có thể cứu ai đây?” Trong tâm tôi cảm thấy khó chịu và khổ sở.

Có một ngày, đúng lúc tôi đang học Pháp, bỗng nhiên lại nhớ tới ông hàng xóm, tôi nghĩ: “Tại sao ông ấy không thoái nhỉ? Hay là mình có vấn đề?” Với ý nghĩ này, tôi lập tức tỉnh ngộ: “Ai da, thực sự là mình có vấn đề. Lúc bình thường mình đối đãi tốt với ông là có mục đích, là muốn ông làm tam thoái, nếu ông thoái thì chẳng phải có thêm một người trong danh sách tam thoái của mình sao? Đây là mong muốn thành tích.” Cái tâm này ẩn giấu rất sâu, ngay cả lúc nói chuyện với người thường, trong tiềm ý thức của tôi cũng có niệm đầu này, quá là tự tư! Đây là cứu người sao? Ôm giữ suy nghĩ này lẽ nào có thể thuận lợi cứu người được? Cựu thế lực có thể không đảo loạn sao? Lại nói, ông hàng xóm nhất mực không chịu thoái, rõ ràng là đang chờ tôi đề cao tâm tính.

Sư phụ giảng:

”… đều nói ‘các vị phải cứu tôi, các vị phải cứu tôi’, nhưng hình thức biểu hiện không có giống như nhận thức luận lý của thế gian, [rằng khi yêu] cầu người cần phải rất lễ phép, rất khiêm tốn mới được: ‘các vị cứu tôi, tôi phải trước tiên cảm kích các vị, tôi cung cấp thuận tiện cho các vị’, nhưng không phải thế đâu. Như họ xem xét, ‘các vị muốn có thể cứu tôi, các vị phải có thể đạt tới tầng thứ của tôi mới được, các vị phải có uy đức ấy, các vị mới có thể cứu tôi được. Các vị không có uy đức ấy, các vị không đạt đến cao như tôi, thì cứu tôi sao đây?’ Vậy họ bèn để chư vị vấp ngã, chịu khổ, trừ bỏ chấp trước của chư vị, sau đó khiến uy đức chư vị được kiến lập, chư vị tu luyện đến tầng thứ nào đó rồi, chư vị mới có thể cứu họ được, [họ] đều làm như thế cả.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp)

Sau khi nhận ra vấn đề, tôi lập tức quy chính bản thân, thực sự muốn tốt với ông ấy từ trong tâm và tống khứ tâm tự tư của bản thân. Sức khỏe ông không tốt, không thể làm việc nặng, lúc nhà ông có việc sẽ tìm đến tôi, tôi xem đó như công việc của mình mà làm, hết lòng giúp đỡ ông ấy. Thỉnh thoảng đi ngang qua nhà ông, bắt gặp ông đang làm vườn, tôi liền bước tới giúp một tay, ví dụ như: trồng rau, phun thuốc, khiêng đồ nặng v.v. Làm việc trong bùn trong nước, tôi cũng không ngại, làm xong tôi liền rời đi. Đôi khi làm xong việc, ông bảo tôi vào nhà uống ngụm nước, tôi bèn từ chối. Không chút khách sáo giả dối, ông ấy ngày càng gần gũi thân thiết với tôi hơn.

Mùa xuân năm nay, ông nhờ tôi giúp chẻ củi. Tôi đồng ý ngay. Tôi gác lại việc trong nhà, đi qua nhà ông. Đây là công việc đòi hỏi sức khỏe, ông lại bị bệnh, làm không được nhiều, gần như một mình tôi làm hết. Đầu tiên, tôi vác cây đến bên cạnh cái cưa bàn, chẻ ra một đống củi, rồi buộc chúng lại thành từng bó. Tôi bận bịu làm việc suốt cả ngày mới chẻ xong gần 4, 5 nghìn cân củi. Sau đó, tôi lại giúp ông chất mấy khúc củi lớn đã chẻ xong. Ông thấy tôi làm việc vất vả, mồ hôi nhễ nhại, người dính đầy mạt cưa, mà chẳng oán than lời nào, nên ông rất cảm động, ông còn nói tôi là người tốt. Nhân cơ hội đó, tôi đã nói với ông Pháp Luân Đại Pháp là gì, vì sao cần phải tam thoái, tam thoái có ý nghĩa gì đối với người ta. Lúc nói chuyện, tôi chỉ nghĩ: Thoái hay không là lựa chọn của ông ấy, mình chỉ là giúp ông minh bạch chân tướng Đại Pháp.

Nhưng lần này, điều khiến tôi cảm thấy bất ngờ chính là: Ông không bác bỏ tôi, nút thắt trong tâm đã được tháo gỡ, ông nhanh chóng đồng ý: “Tôi thoái nhé!” Tôi nhìn ông, cảm thấy vui mừng thay cho ông ấy, và cũng cảm thấy cứu ông thực sự không dễ chút nào.

Vợ ông đã từng vào Đoàn và Đội, bà thấy chồng làm tam thoái nên cũng vội thoái. Ông hàng xóm thường hay khen tôi trước mặt người khác: “Anh bạn đó là số một!” Người trong thôn cũng khen ngợi tôi.

Mặc dù cả nhà ông đã làm tam thoái, nhưng tôi cũng chú ý một điểm: Khi nhà ông có việc, tôi nên giúp thì vẫn giúp, gần gũi thân thiết với ông, chứ không thể đối đãi khác nhau giữa trước và sau khi ông làm tam thoái. Vì sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì có một lần, tôi vào trong thành phố, đã từng nghe người thường nói thế này: “Người của Pháp Luân Công hơi kỳ quái, lúc khuyên thoái Đảng thì họ thân mật gần gũi, nói chuyện nhiệt tình. Sau khi người ta đồng ý tam thoái xong, lúc gặp lại nhau thì thái độ của họ đã thay đổi, dường như không muốn nói chuyện với bạn nữa. Tôi thật không thể hiểu nổi mấy người này đang làm gì nữa?” Tôi nghĩ hiện tượng này tuy là cá biệt nhưng ảnh hưởng rất không tốt, đây là biểu hiện của văn hóa Đảng: Lúc cần người ta thì tươi cười niềm nở, ngon ngọt hết lời; lúc không cần nữa thì lạnh lùng như băng, thậm chí là giậu đổ bìm leo. Đệ tử Đại Pháp là tu Thiện, Thiện là duy trì thường hằng, không thể đem đến cho thế nhân ấn tượng như thế kia được, chúng ta nhất định phải thay đổi! Chúng ta không phải đơn giản là khuyên người ta thoái Đảng, khuyên tam thoái còn thể hiện tâm tính của chúng ta, đó là thể hiện của tầng thứ tu luyện.

Gần gũi gắn bó với bạn bè để cứu người

Trong 71 người đã tam thoái, đa số là tôi tận dụng cơ hội đi ăn đám để khuyên thoái. Ở dưới quê có nhiều dịp như đám cưới, đám tang, sinh em bé, xây nhà xây cửa, mua nhà trong thành phố, nhập ngũ, mừng thi đỗ, mừng thọ 66 tuổi, mừng thọ 80 tuổi … sẽ đãi tiệc lớn. Vùng nông thôn nghèo, lại không có tiền, nên dân làng thường mượn dịp này để thu chút tiền. Tôi nghĩ đây là cơ hội tốt để mình cứu người, dù có quan hệ họ hàng bạn bè hay không, chỉ cần người ta mời thì tôi sẽ nhiệt tình đến dự bất kể có thân thiết hay không.

Thỉnh thoảng trên đường đi chạm mặt người quen trước đây chưa từng giao tế qua lại, tôi bèn nói: “Nhà anh có việc gì cứ nói tôi một tiếng, chúng ta đều là đồng hương, càng qua lại với nhau chẳng phải càng gần gũi thân thiết hơn sao?” Vì để cứu người, tôi nghĩ bỏ ra chút tiền lễ cũng đáng giá.

Dân làng hễ có dịp nào thì họ đều mời tôi tham dự. Tôi không phải đi ăn cỗ, mà là để cứu người, mỗi đám đãi vài chục bàn, người đến người đi, thể nào cũng có thu hoạch.

Một lần, nghe nói nhà của một hậu bối trong dòng họ có hỷ sự, dù là họ hàng đã hơn năm đời và tôi thuộc hàng cha chú không có tới lui với họ, nhưng tôi vẫn lái xe trèo đèo lội suối đến dự lễ cưới. Các cháu hết sức ngạc nhiên: “Cháu không nghĩ là ông sẽ tới dự! Đúng là nhận họ hàng mà!” Trên bàn tiệc, tôi giảng chân tướng Đại Pháp cho người ngồi bên cạnh, lặng lẽ thiết thực mà làm, và đã khuyên người ta làm tam thoái.

Trong những trường hợp thế này, đa số người trong dòng họ sẽ đến dự lễ, một số người không gặp mặt nhau đã mười mấy hay hai mươi mấy năm. Lúc gặp nhau, già trẻ lớn bé vô cùng thân thiết, sau khi hàn huyên xong, mọi người sẽ trò chuyện về tình hình hiện tại, tự nhiên nói tới chủ đề tam thoái bảo bình an, thời cơ chín muồi thì tôi có thể thoái vài người. Tôi còn nhớ lần đó đã có tám người làm tam thoái. Tôi thực sự rất vui.

Một lần khác, vào mồng 5 Tết, tôi lái xe đến thăm nhà của người họ hàng ở vùng núi sâu. Nhà họ đã từng nảy sinh mâu thuẫn gay gắt với cha tôi, mười mấy năm không qua lại với nhau. Đến hôm nay, cha tôi đã qua đời, tôi là đệ tử Đại Pháp, nên phải bù đắp thiếu sót của cha, tháo gỡ nút thắt trong tâm giữa hai nhà, đồng thời tôi phải gửi lời phúc âm của Đại Pháp cho họ. Lúc đi, tôi chở theo hai hộp quà tặng để chúc mừng năm mới nhà họ. Cả nhà lớn bé kéo nhau ra sân đón chào tôi. Người họ hàng bắt tay tôi không muốn buông: “Tôi có làm mơ cũng không ngờ anh lại tới đây!” Trưa hôm đó, họ thết đãi tôi một bữa cơm thịnh soạn. Trên bàn ăn, tôi giảng chân tướng Đại Pháp và tam thoái, lần đó cả nhà năm người đã đồng ý làm tam thoái. Tôi hết sức vui mừng.

Trong số họ hàng, có nhiều người chưa từng nghe tôi giảng chân tướng Đại Pháp và tam thoái. Tôi lần lượt giảng cho các bậc trưởng bối, anh chị em họ và con cháu. Có người đã thoái, có người chưa thoái, có người thì tôi phải kiên định hơn chút nữa. Trước đây tôi đã giảng qua cho họ, lúc gặp lại cũng từng nhắc một lần: Hãy ghi nhớ “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo!”

Công ty tôi có một vị giám đốc, tôi đã nhiều lần nói về tam thoái với ông, nhưng ông vẫn chưa thoái. Ông ấy là lãnh đạo, có lẽ là sợ tôi thoái cho ông thì sẽ có ảnh hưởng gì đó không tốt. Tôi phải nghĩ cho ông, suy xét đến nỗi lo âu và cảm thụ của ông. Một hôm, đột nhiên tôi nghe nói ông bị ốm, tôi nghĩ đây là cơ hội để giảng chân tướng, do đó tôi đã mua quà, rồi ghé thăm ông. Ông rất cảm động, liền nói: “Làm phiền anh rồi, tôi không ngờ là anh tới thăm tôi!” Lần này, tôi đã giảng chân tướng Đại Pháp và tam thoái cho ông. Vì ông đang ở nhà, nên nói chuyện cũng dễ hơn. Ông ấy đã nhanh chóng làm tam thoái.

Tôi có thể ngộ sâu sắc: Mỗi người tam thoái không dễ chút nào, nếu tôi hơi thiếu tín tâm một chút thì có lẽ họ vĩnh viễn mất đi cơ duyên được cứu độ. Do đó, bất kể đi đến đâu, tôi cũng mang theo lời phúc âm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo” tới chỗ đó. Lúc nói chuyện, tôi cố gắng giảng thấu chân tướng Đại Pháp, chứ không như người nóng vội xúc đất chỗ này một xẻng chỗ kia một xẻng đã đến mép ruộng, trong khi thảm cỏ ở phía sau vẫn còn y nguyên. Trong lúc giảng chân tướng, giảng cái nào cần làm rõ cái nấy, sau đó lại dặn dò người ta: “Việc tốt đừng giữ cho riêng mình, hãy nói người nhà ghi nhớ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ để họ cũng đắc phúc báo nhé!”

Nghiêm túc lấy tên tam thoái

Một lần, tôi ra phố có công việc. Trong lúc chờ người ta, tôi nhìn thấy một ông cụ đang bày bán hàng thức ăn ở phía trước. Tôi bèn ghé qua nói chuyện với ông, mới biết là ông từng bị nghẽn mạch máu não, cuộc sống khá vất vả cực nhọc, tâm tình phiền muộn, ông mượn việc bán thức ăn để ra ngoài cho khuây khỏa. Vì thời gian dư dả, nên tôi đã trò chuyện với ông khá lâu. Nói chuyện phiếm chỉ là làm nền, còn giảng chân tướng Đại Pháp và khuyên tam thoái mới là chủ đề chính.

Trò chuyện được một lúc, tôi bèn nói: “Đảng cộng sản tuyên truyền vô Thần luận, khiến cho xã hội ô yên chướng khí, con người không nói đạo đức, hàng giả và hàng kém chất lượng tràn lan khắp nơi, quan chức chỉ lo vơ vét, đâu thèm để ý đến sống chết của người dân phải không?” Ông rất tán đồng, tôi lại nói tiếp: “Ông xem, hiện nay dịch bệnh lây lan khắp nơi, không phải nó muốn đào thải Đảng cộng sản sao? Đảng cộng sản là do các tổ chức Đảng, Đoàn, Đội hợp thành, vậy dịch bệnh là đến để đào thải Đảng viên, Đoàn viên, Đội viên đúng không? Chúng ta thoái xuất khỏi chúng, chẳng phải sẽ được bình an hay sao?” Ông gật đầu biểu thị sự tán đồng, và nói rằng bản thân đã từng vào Đoàn. Trước đó nói chuyện tôi biết ông ấy họ Vương, tôi bèn nói: “Này ông anh, ông họ Vương, tôi lấy tên Vương Khang giúp ông thoái Đoàn và Đội có được không?” Ông vui vẻ nói: “Cái tên này nghe hay đó!” Ông dừng lại một chút, rồi nói tiếp: “Anh có biết nick WeChat của tôi tên là gì không?” Tôi hỏi: “Là gì vậy?” Ông kéo dài giọng nói: “Vương Khí!” Ông phát âm chữ “khí” nghe rất lạ. Nói tới đây, hai chúng tôi đều bật cười, tôi hỏi ông: “Sao ông anh đặt tên nghe lạ vậy?” Ông nói: “Trước đây tôi quán khí cho người ta, người ta trả tiền bằng WeChat, nên họ giúp tôi tạo cái nick có tên là Vương Khí. Nếu sớm biết cái tên Vương Khang này, thì tôi đã dùng nó rồi. Cái tên này nghe hay biết bao!” Ông nói tiếp: “Tôi mắc bệnh này, trong tâm thấy lo lắng, anh có biết không? Tôi đã tự tử mấy lần, nhưng bị người ta phát hiện nên tôi vẫn chưa chết.” Tôi nói: “Ông gặp nạn lớn không chết, ắt có phúc về sau! Chính là đợi chân tướng Đại Pháp và tam thoái này, có lẽ ông sẽ được phúc báo lớn! Ông phải tuyệt đối ghi nhớ chín chữ chân ngôn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ này nhé!” Ông nói: “Tôi nhớ rồi, nhớ rồi!”

Đầu xuân năm nay, tôi vào trong thành phố có việc, trên đường đi ngang qua một nhà máy. Có một cô gái trẻ đang đứng chờ xe bên đường, trời rất lạnh, cô bé đảo mắt ngó quanh. Tôi dừng xe lại, và bảo cô lên xe. Cô bé hỏi tôi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền ạ?” Tôi nghĩ, nếu mình nói không cần tiền thì sợ là cô bé sẽ e dè, thế nên tôi nói: “Cháu trả bao nhiêu cũng được.” Trên đường đi, tôi hỏi cô bé: “Cháu đã từng nghe qua tam thoái bảo bình an chưa?” Cô bé tỏ ra hơi căng thẳng, không nói năng gì, tôi nghĩ tà linh ở phía sau đang sợ, nó không dám nghe chân tướng Đại Pháp. Cho dù cô bé ấy nghĩ thế nào, thì cứu người cần gấp. Do đó, tôi đã nói về ‘vụ tự thiêu Thiên An Môn’ là lừa người, giảng Pháp Luân Công là gì, lúc nói đến giữa chừng, cô bé dường như đã minh bạch và cũng không còn căng thẳng nữa.

Tôi nói: “Hiện nay thiên tai nhân họa liên tục xảy ra, chúng ta cần học cách bảo vệ bản thân mình! Đảng cộng sản là vô Thần luận, dịch bệnh là ông Trời đang đào thải Đảng cộng sản, thoái xuất khỏi Đảng Đoàn Đội của Trung Cộng mới có thể bình an vượt qua kiếp nạn.” Tôi lại kể về “tàng tự thạch”, lời tiên tri về dịch bệnh v.v. Cuối cùng tôi nói: “Nếu lời tôi nói là giả, thì cháu hãy xem như nghe chuyện cười đi. Cháu cũng không mất mát gì cả. Nếu lời tôi nói là thật, thì cháu đúng là may mắn biết bao! Tôi lấy cho cháu cái tên Thiến Thiến để thoái Đoàn và Đội có được không? Tôi mong cháu càng lớn càng xinh, tương lai ngày càng tươi đẹp, như vậy tốt quá phải không?” Cô bé cười nói: “Dạ được!”

Vừa lúc chúng tôi đến trạm dừng, cô bé hỏi tôi: “Cho cháu hỏi bao nhiêu tiền ạ?” Tôi nói: “Tôi không cần tiền, cháu ghi nhớ ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’ là tôi vui rồi.” Cô bé lại nói: “Cháu cảm ơn ạ! Cháu cảm ơn ạ!”

Có một hôm, tôi gặp mẹ của một nhà thầu kinh doanh. Hai chúng tôi đã trò chuyện với nhau, khi nói tới hủ bại tham nhũng, bà cảm khái nói: “Thế đạo hôm nay xong cả rồi, người hãm hại người, cậu xem, người kia nợ tiền của nhà tôi, chạy trốn mất rồi, giờ vứt lại miếng đất trả nợ. Người dân kiếm tiền dễ thế sao? Phân chia phần tiền xương máu nhà tôi kiếm được!” Tôi hỏi bà: “Dì đã từng nghe qua chân tướng Đại Pháp chưa?” Bà nói: “Cháu trai chú bác ở nhà tôi học Pháp Luân Công, nó còn nói chuyện thoái Đảng với tôi nữa.” Tôi rất vui, bèn hỏi bà: “Vậy dì đã thoái chưa?” Bà lầm bầm nói: “Tôi không tin mấy cái đó!” Tôi nói: “Dì à, cháu trai dì nói thật đấy, đó là muốn tốt cho dì, dì phải thoái đấy nhé!”

Sau đó, tôi đã nói với bà “vụ tự thiêu Thiên An Môn” là trò bịp, nói về tàng tự thạch ở Quý Châu và lời tiên tri về đại dịch trong Thôi Bối Đồ của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang v.v. Nói đến giữa chừng, sắc mặt của bà sáng bừng lên, bà nói: “Cậu nói hay đấy, tôi đã từng vào Đoàn, thế tôi thoái nhé!” Tôi nói: “Cháu lấy cho dì hóa danh là An Thuận nhé, ý tứ là bình an và thuận lợi, dì thấy có được không?” Bà ấy nói: “Được lắm! Được lắm!” Bà cảm ơn tôi lần nữa. Tôi nói: “Dì hãy cảm ơn Sư phụ Đại Pháp, chính là Sư phụ bảo tụi cháu làm thế này.” Tôi lại nói với bà: “Dì phải thường xuyên thành tâm niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân Thiện Nhẫn hảo’, dì cũng cần nói cho chồng và các con cùng niệm nhé, cả nhà đắc phúc báo.” Bà đã vui vẻ nhận lời.

Tôi nghĩ việc lấy tên tam thoái rất quan trọng, người ta đều mong muốn cát tường, tên gọi nghe thuận tai, con người vừa nghe cát tường thuận tai, có lẽ đụng cái tên ấy là chịu thoái ngay. Do vậy, tôi rất nghiêm túc khi đưa tên tam thoái. Lúc bình thường không có việc gì, tôi nghĩ sẵn vài cái tên và ghi nhớ thuộc lòng, hễ có người thoái thì tôi đưa tên ngay, không cần đến lúc đó mới suy nghĩ, đối phương nghe tên thấy hay nên họ sẽ rất vui vẻ.

Tôi luôn nghĩ mình vẫn chưa thành thục trong tu luyện, số lượng người thoái còn ít, con số này thực sự không đáng là gì. Nghe nói trong thành phố có đồng tu ra ngoài có thể cứu hơn 20 người mỗi ngày, thật là quá tốt; nhưng tôi không nhìn vào người khác, chỉ là tự mình cố gắng hết sức làm cho tốt.

Tôi viết ra một chút thể hội giảng chân tướng cứu người để báo cáo với Sư phụ từ bi và giao lưu chia sẻ cùng quý đồng tu. Tôi sẽ cố gắng làm tốt ba việc trong hoàn cảnh của mình, lợi dụng tất cả các cơ hội và điều kiện, có thể cứu được người nào hay người nấy, viên mãn tùy Sư hoàn.

Đệ tử cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn các bạn đồng tu!

(Pháp hội giao lưu tâm đắc thể hội đệ tử Đại Pháp Trung Quốc Đại Lục lần thứ 18 trên Minh Huệ Net)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/11/11/明慧法會-七十一人三退名單的故事-433263.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/11/13/196566.html

Đăng ngày 21-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share