Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Quebec, Canada

[MINH HUỆ 25-08-2021]

Gần đây tôi hồi tưởng lại quá trình tu luyện trong hai năm qua của mình, nhằm tìm ra những thiếu sót trong tu luyện của bản thân để nhanh chóng đề cao, không lưu lại bất kỳ hối tiếc nào, tôi cố gắng dùng tâm thái chân thực để đối diện với chính mình và cùng chia sẻ với quý đồng tu.

Trên phương diện cân bằng giữa việc học và tu luyện, tôi cũng giống như mọi người, hiểu rằng chúng ta phải làm tốt những việc của đệ tử Đại Pháp – học Pháp, phát chính niệm, giảng chân tướng, lại không thể trì hoãn việc học, còn phải xử lý tốt mọi sự việc phát sinh trong ngày.

Mùa thu năm ngoái, tôi bắt đầu học chuyên ngành mới. Bài tập của chuyên ngành này bộn bề, thường xuyên có sinh viên phải tạm gác việc học vì áp lực quá lớn. Nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức sắp xếp thời gian để tham gia hạng mục chứng thực Đại Pháp. Ví dụ, hoạt động thu thập chữ ký phản bức hại vào thứ Bảy kéo dài khoảng một giờ. Tôi tự hỏi bản thân: Nếu thời gian một tiếng này không đi thu thập chữ ký, mình có thật sự hoàn thành tốt công việc khác một cách hiệu quả không? Câu trả lời thường là không, vì tôi thường lãng phí thời gian.

Vì vậy, tôi đã không ngần ngại đến quảng trường, phát chính niệm trước, sau đó làm theo cách thức chia sẻ của các đồng tu khác, mạnh dạn tiếp cận người đi đường, chân thành biểu thị thái độ lấy làm tiếc khi làm phiền đối phương một chút, sau đó giải thích bản thân đang làm gì, vì sao lại làm vậy, nội dung xin chữ ký, v.v. Nhìn thấy những người ngồi xung quanh quảng trường, tôi bước đến nói chuyện với từng người. Phần lớn mọi người đều rất thiện lương, khi nói về những tội ác như: Trung Cộng che giấu dịch bệnh, sự kiểm soát Hồng Kông, lợi dụng các trại tập trung để bức hại người tốt, thu hoạch nội tạng sống từ học viên Pháp Luân Công. Người dân bày tỏ thái độ hoàn toàn đồng tình việc ký tên ngăn chặn cuộc bức hại. Một số người đã từng nghe về hành động xấu xa của Trung Cộng, một số người chưa từng nghe về những điều này.

Khi gặp một vài người không đồng ý ký tên, tôi bắt đầu có chút suy nghĩ muốn trốn tránh, tôi nói vài câu cảm ơn rồi rời đi. Có lần tôi hỏi xin chữ ký một người đi đường, ban đầu anh ấy không ký, tôi lại giảng cho anh ấy mục đích của ký tên và anh ấy đã đồng ý. Điều này khiến tôi hiểu rằng, tôi không nên bị che mắt trước biểu hiện của con người. Qua đó tôi cũng phát hiện bản thân có tâm sợ hãi và tâm tranh đấu, tôi nhắc nhở bản thân phải thuần tịnh hơn, phải thực sự hòa tan trong Pháp. Trạng thái tốt và dưới sự gia trì của Sư phụ, trong một tiếng tôi có thể thu thập được bốn tờ giấy đầy ắp chữ ký. Tôi hiểu rằng nếu không có sự gia trì của Sư phụ, chỉ dựa vào năng lực của bản thân thì mãi mãi không thể làm được như vậy. Đồng thời, tôi cũng nhắc nhở bản thân không được nảy sinh tâm hoan hỷ, sau khi đối phương ký tên phải chân thành cảm ơn sự ủng hộ thiện lương của họ.

Một giờ đồng hồ trôi qua vô cùng trọn vẹn, sau khi trở về tôi cảm thấy ngày hôm nay trôi qua thật có ý nghĩa.

Ngoài việc học và hoạt động chứng thực Đại Pháp, trong cuộc sống thường nhật còn có rất nhiều điều khác, nhưng đôi khi tôi cảm thấy tôi chỉ có thể đảm bảo những phần việc cơ bản nhất. Một lần khi tôi thảo luận với các bạn học về cách để có thể tổ chức một hoạt động nhóm, đồng tu hỏi tôi khi nào rảnh? Tôi trả lời: “Tuần này không được rồi, tôi quá bận, tuần sau có hai buổi kiểm tra, tuần sau nữa có bài thi thí nghiệm…” Kết luận là: Cả tháng này đều không được, không có thời gian.

Một bạn học khóa trên muốn tôi chọn ra khoảng thời gian rảnh rỗi và câu trả lời của chị ấy làm tôi ngạc nhiên, chị ấy rất đồng tình nói: “Đúng vậy, có điều chúng tôi cũng rất bận.” Chị ấy là người rất có năng lực, trước đó đã hoàn thành việc học ở trường Luật, những lời chị ấy nói làm tôi ngạc nhiên, chị ấy vốn dĩ đã gánh vác nhiều trách nhiệm, đối với việc tổ chức thêm một hoạt động lại có vẻ rất bình thường, chị ấy không có thái độ gì khác. Trước đây, tôi thường quen với việc sắp xếp công việc thành một thời gian biểu, một thời điểm chỉ có thể chuyên tâm nghĩ về một việc, làm một việc, ngoài đó ra không muốn nghĩ đến, nhưng đối với chị ấy thì sự bận rộn của tôi không tính là gì! Đúng vậy, nếu vì thường ngày bận rộn mà gác việc cần làm sang lúc khác, vậy vĩnh viễn không thể hoàn thành được công việc ngày hôm đó.

Tôi hiểu ra rằng, bận là trạng thái. Sau khi thích nghi với một khoảng thời gian, độ nhạy cảm với sự bận rộn cũng giảm xuống, nó giống như thiết lập máy móc của đường cơ sở được đặt lại về 0. Nếu trạng thái lúc rảnh là đường cơ sở hiện tại, vậy khi bận đến mức 80% thì sẽ cảm thấy áp lực, nhưng nếu giống như máy móc, qua một đoạn thời gian ngắn, trạng thái mới này lâu dần sẽ trở thành một trạng thái mới khác, tức là đường cơ sở lại trở về 0. Nói một cách đơn giản là đưa trạng thái “bận” sang trạng thái mới – “bình thường”. Khi đó, không phải sẽ có nhiều thời gian rảnh hơn để sắp xếp thêm nhiều hạng mục hơn sao?

Có lần một đồng tu khi kết thúc một ngày làm việc, đứng tại ban công trò chuyện rằng: “Tranh thủ thời gian khi bận rộn.” Đúng là như vậy, sắp xếp mọi việc khi bận rộn vào những khi rảnh rỗi, thực hiện xong mọi việc rồi coi khoảng thời gian làm công việc khác trở thành thời gian nghỉ ngơi.

Hưởng lợi ích từ học Pháp tập thể

Tôi là thành viên của Đoàn nhạc Tian Guo tại địa phương. Vào tháng 1 năm 2020, đoàn nhạc thành lập nhóm học Pháp, đọc cuốn “Chuyển Pháp Luân” vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày, sau đó luyện công một giờ đồng hồ. Lúc đầu chủ yếu là thanh niên tham gia, khi đông có thể lên tới 10 người. Khi một đồng tu không thể thức dậy, sẽ có đồng tu khác gọi điện thoại nhắc người đó. Mọi người tỷ học tỷ tu, thúc đẩy tạo thành một môi trường tu luyện rất tốt. Tôi đã được hưởng rất nhiều lợi ích từ đó, vì trước đó tôi có kinh nghiệm dậy sớm học thuộc Pháp, nhưng không thể kiên trì, vì vậy khi các đồng tu đề xuất tổ chức nhóm học Pháp, tôi đã vô cùng tích cực tham gia.

Các đồng tu đã phó xuất rất nhiều tâm huyết để duy hộ môi trường này. Ví dụ, để mọi người được thuận tiện, đồng tu sẽ phát chuông chính niệm cho mọi người trên mạng, sau khi học Pháp xong sẽ bật nhạc luyện công. Mặc dù mặt kỹ thuật không phức tạp, nhưng mỗi lần như vậy đồng tu đều phải bật hai chiếc máy tính và tôi chưa từng nghe bất cứ lời phàn nàn nào từ vị đồng tu này. Không lâu sau, có một đồng tu lớn tuổi tham gia nhóm học Pháp sáng sớm, vì các đồng tu đã rất hao tâm để có thể duy hộ được nhóm học Pháp này nên khi thấy đồng tu không tham gia đúng giờ, cô ấy mỗi ngày đã chủ động gọi điện thoại nhắc nhở đồng tu. Vì vậy, ban đầu chỉ có vài người tham gia nhưng không lâu sau đã trở thành hơn 10 người, trường học Pháp từ bi tường hòa, nhưng cũng rất tráng lệ.

Cảm tạ sự phó xuất vô tư của đồng tu!

Vì việc học của tôi ngắt quãng một vài tháng vào mùa hè, sau đó trường học bắt đầu lại vào mùa thu, cơ bản tôi đã từ bỏ niệm đầu tham gia nhóm học Pháp buổi sáng sớm. Có một ngày, buổi sáng tôi nhận được điện thoại của đồng tu thúc giục tôi tham gia nhóm. Ban đầu, mặc dù tôi cảm thấy xấu hổ nhưng lại thiếu kiên nhẫn, trong tâm nghĩ: Tôi có cần bạn gọi tôi dậy học Pháp đâu, nhưng đồng thời tôi lại biết trạng thái bây giờ của tôi cách quá xa ngày trước, thậm chí tôi không thể đảm bảo mỗi ngày tôi có thể đọc một bài giảng cuốn “Chuyển Pháp Luân”. Luyện công lại càng không cần nhắc đến!

Trong trạng thái đó, tôi không nhận ra bản thân có tâm an dật, bị sự lười biếng bủa vây. Sư phụ từ bi, không bỏ rơi tôi, cấp cho đệ tử hết lần này đến lần khác cơ hội. Cuối cùng, khi đồng tu gọi cho tôi vào một ngày nọ, mặc dù tôi rất khó chịu khi thức dậy nhưng rất nhanh cảm thấy toàn cơ thể được tịnh hóa một lượt, nhân tố buồn ngủ đã tan thành mây khói. Kể từ ngày hôm đó, tôi trở lại nhóm học Pháp buổi sáng. Đồng tu này còn trường kỳ làm việc trên nền tảng RTC, vô cùng vất vả. Tôi rất biết ơn đồng tu đã không vì biểu hiện ban đầu của tôi mà bỏ rơi tôi.

Cùng nhau giúp đỡ tìm lại những đồng tu trẻ ngày trước

Trong một lần trao đổi với đồng tu, tôi đã thảo luận cách để giúp đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi bước ra ngoài giảng chân tướng và tìm lại những đồng tu ngày trước. Đồng tu kiến nghị tôi phụ trách việc liên lạc với những đồng tu này, gọi điện thoại cho họ. Tôi ưa thể diện, thái độ miễn cưỡng của tôi bộc lộ ra ngoài, tôi sợ bị đồng tu cho rằng tôi làm phiền đến họ mà từ chối tôi, tâm sợ hãi mình sẽ không được báo đáp. Đồng tu nói với tôi rằng: “Có những đồng tu buổi sáng gọi rất nhiều cuộc điện thoại cũng không ai bắt máy, bạn may mắn hơn nhiều rồi, chuông điện thoại reo vài hồi là có người bắt máy.” Ồ, mình có thể kiên trì tham gia nhóm học Pháp buổi sáng, không phải cũng nhờ vào sự giúp đỡ của đồng tu mới có thể kiên trì lại được hay sao? Giống như bạn gọi đồng tu, đồng tu gọi bạn, nếu không sao có thể hình thành được môi trường tu luyện tập thể tốt đẹp đây? Mình đã được hưởng lợi từ sự phó xuất của đồng tu, cố gắng hết sức giúp đỡ đồng tu khác là việc mình cần phải làm.

Tôi hiểu ra và bắt đầu liên lạc với từng đồng tu trẻ tuổi trước đây từng học Pháp chung. Trong quá trình đó, tôi không ngừng khắc chế tâm chấp vào thể diện, tâm chứng thực bản thân, tâm cao ngạo; thay vào đó là coi nhẹ bản thân, cố gắng nghĩ cho người khác nhiều hơn, không khởi tâm phàn nàn. Thật ngạc nhiên, các đồng tu không những không thiếu kiên nhẫn, mà còn cảm ơn tôi đã gọi điện thoại cho họ. Đây là điều trước đây tôi chưa từng thấy.

Một ngày nọ tôi nghĩ: Các đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi trường kỳ không bước ra ngoài, nếu có cơ hội giao lưu, làm quen với các đồng tu khác vậy rất có thể sẽ có nhiều đồng tu hơn nữa bước ra. Vậy là tôi kiến nghị tổ chức một hoạt động tiệc nướng ngoài công viên, thử dùng tình cảm của con người để thúc đẩy học viên làm những công việc chứng thực Đại Pháp. Nhưng tôi cảm thấy cách thức này không đúng lắm, nhưng lại không nghĩ ra cách nào tốt hơn. Và khi người điều phối kiến nghị chỉ tổ chức một buổi liên hoan đơn thuần, hợp lý nhất là thanh niên cùng nhau làm việc chứng thực Pháp, giảng chân tướng, trong tâm tôi vẫn lo lắng về phản ứng của đồng tu trẻ tuổi. Thật bất ngờ, khi thảo luận đến vấn đề này với đồng tu, hầu hết mọi người đều tán thành kiến nghị của người điều phối, cảm thấy việc này rất có ý nghĩa. Chính niệm của đồng tu khích lệ tôi rất nhiều, tôi cảm thấy thật may mắn khi có thể tu luyện trong một môi trường tốt như vậy.

Ngày hôm đó, hơn mười đệ tử Đại Pháp trẻ tuổi cùng nhau luyện công tập thể tại điểm giảng chân tướng, chúng tôi cùng xin chữ ký, giảng chân tướng. Độ tuổi từ thiếu niên đến gần 30 tuổi, trong đó có đồng tu một thời gian rất dài không hoạt động trong chỉnh thể tu luyện, có người lần đầu tiên xin chữ ký, có người đột phá tâm an dật thoải mái và nhiều rào cản trong tư tưởng. Một đệ tử trẻ tuổi chủ động cầm bản thu thập chữ ký giải thích cho những người qua đường. Sự thuần chân của cô ấy đã cảm động người qua đường, cũng như nhắc nhở tôi phải nỗ lực thực tu, tìm lại sự thuần chân của mình.

Các cô đồng tu âm thầm chuẩn bị thức ăn sau hoạt động, khích lệ đồng tu trẻ chúng tôi làm tốt hơn nữa, thực sự hòa nhập vào chỉnh thể. Người điều phối nói, điểm chân tướng có trường năng lượng rất mạnh khi có nhóm đồng tu trẻ luyện công, người qua đường đều chú tâm theo dõi các bạn.

Trong hoạt động này, có rất nhiều người thường đến tìm hiểu chân tướng, chụp ảnh, ký tên vào tờ thu thập chữ ký. Sau khi học viên trẻ rời đi, một số người thường đứng ở vị trí trước đó của chúng tôi và mô phỏng lại các động tác luyện công, vừa nhìn vừa học theo, cảnh tượng rất cảm động lòng người. Cảm ơn sự phó xuất vô tư và bao dung các đồng tu, con xin cảm tạ sự an bài tài tình của Sư tôn đã cấp cho đệ tử trẻ tuổi một cơ hội đề cao.

Tịch mịch

Thời gian gần đây, vì một vài lý do nên tôi chuyển đến một thành phố xa xôi, tôi cảm thấy có chút cô đơn. Vì vậy, tôi đã cố gắng dùng cách thức của người thường để giảm bớt cảm giác thống khố này. May mắn thay, dưới sự giúp đỡ của Sư phụ và trong khi chia sẻ với đồng tu tôi nhận ra rằng: Dùng cách thức của người thường không thể giải quyết được vấn đề tu luyện.

Sư phụ giảng rằng:

“Làm một sinh mệnh mà nói, kể cả chư vị hưng phấn của thời đầu đắc Đại Pháp, tự hào khi đắc được Đại Pháp này, cảm giác khi chư vị đắc được điều mà người khác không đắc được, vì sao bây giờ không còn [những cảm giác đó] nữa? Là không tinh tấn? Phải không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Đúng vậy, tại sao lại không tinh tấn? Tâm thái đắc Pháp thuở xưa đi đâu rồi? Khi đó thật sự cảm thấy khổ nạn nào cũng có thể nhẫn chịu được, gặp quan nạn có thể vượt qua được, khi khó loại bỏ chấp trước sẽ thật sự cần mẫn bước đi, sau đó cảm nhận được một sự thay đổi thoát thai hoán cốt. Sợ chịu khổ, không muốn chịu đựng khó khăn, muốn truy cầu sự an dật, vui vẻ của người thường, vậy sao có thể là người tu luyện được đây…? Nghĩ đến những điều này, tôi cảm thấy rất xấu hổ. Mặc dù thỉnh thoảng có cô, chú đồng tu từ bi khen ngợi tôi “trạng thái tu luyện tốt”, đó chỉ là vì tôi tuổi còn trẻ mà khích lệ mà thôi, thực ra tôi vẫn còn một chặng đường rất dài phải đi.

Kể từ nhỏ tôi đã có một khuyết điểm: Việc gì làm được tốt, sau khi nhận được lời khen của người lớn xong liền không muốn nỗ lực nữa, vì người lớn đã hài lòng rồi, vậy tôi đã đạt được mục đích rồi nên không muốn nỗ lực làm tốt hơn nữa. Vì dù cho nỗ lực hơn thì sự khen ngợi cũng chỉ như vậy, trong khi đó sự phó xuất của tôi phải nhiều hơn gấp bội. Mặc dù trong tâm biết mình làm chưa đủ tốt, nhưng đã quen với việc hài lòng những thứ trên bề mặt, cảm thấy phương diện phải đề cao là vô tận, nhưng thống khổ tương ứng phải phó xuất cũng là vô tận. Vì sợ phải chịu nhiều khổ hơn, nên tôi cứ hài lòng với thực tại.

Khi tôi mới bước vào tu luyện, tôi cảm thấy rất khẩn trương, cảm thấy giờ không nhanh chóng đề cao thì sẽ không có thời gian nữa, sợ sẽ bị rớt lại. Vì vậy tôi luôn cố gắng để bản thân dũng mãnh tiến lên. Bây giờ, khi tôi thấy đồng tu bên cạnh biểu hiện ra tiêu chuẩn thấp hơn tôi tưởng tượng, mặc dù cảm thấy rất kinh ngạc, nhưng cũng thuận theo đó mà tự hạ thấp yêu cầu đối với bản thân, cảm giác khẩn trương ngày đó ngày càng xa rời tôi.

Một lần thảo luận với đồng tu về bài chia sẻ trên Minh Huệ Net có tiêu đề“Đừng coi nhẹ vấn đề luyện công với tư thế không chính xác”, tôi không lý giải được, bèn hỏi đồng tu: Sư phụ giảng động tác không nhất thiết phải “…[giống nhau] như từ một khuôn đúc ra” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Đồng tu trả lời: Đó là vì Sư phụ từ bi, Sư phụ cũng giảng rằng:

“Chư vị nghe tôi nói từ từ mà làm, chư vị liền nói: ‘Sư phụ bảo rằng từ từ mà làm, vậy từ từ mà làm’. Không thể được! Chư vị phải có yêu cầu thật nghiêm khắc đối với bản thân mình; nhưng chúng tôi cho phép chư vị đề cao một cách từ từ.” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi bừng tỉnh đại ngộ! Cũng minh bạch ra Sư phụ đang mượn lời của đồng tu để điểm hóa tôi, nhắc nhở tôi không được lơ là, tu luyện Đại Pháp chỉ có thể tinh tấn và không ngừng tinh tấn cho đến khi Sư phụ kết thúc Chính Pháp, đệ tử Đại Pháp bước đến tu luyện viên mãn. Không được nắm chặt một đoạn Pháp của Sư phụ mà cho rằng làm đến vậy là đủ rồi, không cần dũng mãnh tinh tấn nữa.

Sư phụ từng giảng một đoạn Pháp:

“Con lại lên cao hơn một chút nào.” (Chuyển Pháp Luân)

Là một đệ tử trẻ tuổi, tôi phải tiến lên bước cao hơn nữa. Tôi tìm ra được tâm tự thỏa mãn, tâm cầu an dật, tâm thích nghe người khác khen ngợi, khi chúng bộc phát ra ngoài sẽ không để chúng có không gian để ẩn mình.

Sư phụ giảng rằng:

“Lẽ nào cảm thấy cô độc? Đi cứu độ chúng sinh, làm các việc mà đệ tử Đại Pháp nên làm, thì tuyệt đối sẽ không có loại cô độc ấy. Trong học Pháp, trong tinh tấn, liệu sẽ có loại cảm giác đó không? Không tinh tấn thì mới có thể nhàn rỗi đi cảm thụ loại cảm thụ kia của người thường, có phải vậy không?” (Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York 2004)

Đúng vậy, làm những việc mà đệ tử Đại Pháp nên làm mới là điều quan trọng nhất, tâm an dật của người thường không phải là điều tôi muốn. Khi còn nhỏ cùng nắm tay mẹ dạo phố, luôn sợ bị bỏ lại, tôi luôn nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, nắm chặt lấy tay con mẹ nhé!” Nhưng Sư phụ ơi, đệ tử muốn theo Sư phụ trở về nhà, xin Ngài nhất định hãy nắm chặt bàn tay con nhé!

Cảm tạ Sư phụ!

Cảm ơn đồng tu!

(Bài chia sẻ trình bày trong Pháp hội chia sẻ tâm đắc thể hội tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tại Canada năm 2021)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/25/430001.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/27/194812.html

Đăng ngày 01-12-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share