Bài chia sẻ của đệ tử Đại Pháp tại Bắc Mỹ

[MINH HUỆ 06-08-2021] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính!

Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi bước vào tu luyện đã được 20 năm, từ nhỏ đã cùng cha mẹ học Pháp luyện công, sau khi tốt nghiệp, tôi may mắn được làm việc trong hạng mục truyền thông. Sau đây là một số tâm đắc tu luyện của tôi trong hơn một năm qua:

1. Chuyển biến tư tưởng và phủ định an bài của cựu thế lực

Bắt đầu từ tháng 3 năm ngoái, virus Trung Cộng đã tấn công Hoa Kỳ, khiến các chính quyền địa phương ở Hoa Kỳ áp dụng chính sách “bán phong tỏa”. Trong chốc lát, New York giống như một thành phố chết, ngoại trừ nhân viên truyền thông chúng tôi vẫn đi làm, trên đường hầu như không có bóng người. Vậy là khảo nghiệm đầu tiên được an bài cho tôi đang đến rất gần.

Vì “bán phong tỏa” nên công ty không bắt buộc ai cũng phải đến Đài truyền hình làm việc, ở nhà làm việc cũng được, nhưng tôi biết ở nhà tôi là người rất không tự ước thúc bản thân, điều đó khiến tôi quyết định dù xảy ra bất cứ chuyện gì cũng đến công ty làm việc. Do người đi đường thưa thớt, nên những người vô gia cư ngày càng trở nên nổi bật hơn, tôi thường không để ý đến họ lắm, nhưng lúc đó tôi cảm thấy như họ ở khắp mọi nơi, một số thậm chí còn có những hành vi kỳ dị khiến tôi bất giác sợ hãi.

Vào một buổi sáng trên đường đến công ty, một người lạ đã chặn đường không cho tôi đi qua, thậm chí còn ném một thứ gì đó trên tay vào người tôi. Trong khi chờ xe buýt tối hôm đó, tôi đã gặp phải một người kỳ lạ đang làm một việc kỳ lạ. Nội trong một ngày xảy ra hai sự việc khiến tâm chấp trước sợ hãi đạt đến đỉnh điểm. Tôi nghĩ thầm: “Dù sao cũng không có yêu cầu mọi người nhất định phải đến công ty làm việc, hay là mình ở nhà làm việc nhỉ?” Sau khi không ngừng hướng nội tìm ra tâm sợ hãi, một niệm đầu đột nhiên lóe lên: “Không! Đã biết bản thân không thể làm việc ở nhà. Đây chẳng phải là an bài của cựu thế lực để khiến tôi ngày càng buông lơi sao? Ở công ty có thể cùng mọi người làm việc, học Pháp và luyện công, chẳng lẽ Sư phụ muốn mình vì tâm sợ hãi này mà buông lơi sao? Đây tuyệt không phải là con đường mà Sư phụ an bài! Đây là an bài của cựu thế lực!”

Trước đây đối với “an bài của cựu thế lực” tôi rất mơ hồ, không biết làm sao để phủ nhận nó, nhưng lần này tôi dường như đột nhiên có thể hiểu được an bài của cựu thế lực tỉ mỉ đến mức nào, tỉ mỉ đến mức nhất cử nhất động nhất tư nhất niệm, chỉ cần không đúng, thì chính là đã thừa nhận an bài của chúng, thậm chí là đi theo an bài của chúng.

Cũng vào lúc đó tôi vừa vặn đọc được đoạn Pháp này:

“Chư vị càng coi cái khó đó là lớn, thì việc càng khó làm, ‘tướng do tâm sinh’, vậy thì việc đó càng phiền phức hơn. ‘Tướng do tâm sinh’ còn có tầng ý nghĩa này, là vì chư vị đặt nó lên cao, đã coi tự mình thành nhỏ.” (Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên [2009])

“Đừng bị tà can nhiễu, đừng bị chúng lay động, vậy thì những nhân tố bất hảo sẽ không từ chính mình sinh ra, tà ác sẽ thành nhỏ bé, bản thân chư vị sẽ cao lớn, chính niệm sẽ đầy đủ. Thật sự đều là như thế. Văn hoá nửa-Thần là có nội hàm; ‘tướng do tâm sinh’ cũng có một tầng ý nghĩa như vậy. Vì con người trong hoàn cảnh xã hội là có một phạm vi của tự mình, tâm tình của bản thân mình sẽ ảnh hưởng đến việc của mình.” (Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên [2009])

Khi đọc đến đoạn Pháp này, tôi đã rất chấn động, chính tâm sợ hãi mãi không buông bỏ mà khiến cho trường không gian xung quanh tôi phát sinh biến hóa, đều là tâm mình không chính, khiến cảm xúc của bản thân và hoàn cảnh xung quanh cũng theo đó mà bị dẫn động. Kể từ đó, tôi tăng cường chính niệm của mình, khi đi đường không nghe nhạc pop nữa, mà chỉ nghe nhạc giao hưởng Thần Vận, thậm chí khi ngồi xe còn tận dụng thời gian để học Pháp nhiều hơn.

Cứ duy trì như vậy đến tháng Tư, nỗi sợ hãi trong lòng tôi đã vơi đi một chút, nhưng tôi biết rằng tôi vẫn chưa hoàn toàn buông bỏ được, khi đi trên đường tôi vẫn gặp rất nhiều người kỳ quặc mà các đồng tu khác sẽ không bao giờ gặp, có người gầm thét với tôi, thậm chí có người còn đụng vào tôi khi xin tiền, cứ lần này đến lần khác lại tích lũy thêm ác cảm của tôi đối với họ. Từ sự sợ hãi lúc bắt đầu đến cuối cùng chuyển thành vừa sợ vừa hận, cảm thấy những người kia chỉ dựa vào trợ cấp của chính phủ, chỉ biết ham ăn biếng làm, mà còn gây rối dọa người trên đường…. Cảm xúc tiêu cực của tôi càng ngày càng nhiều, mà bản thân càng tiêu cực lại càng dễ dàng gặp phải những sự việc mà những người khác đều không gặp phải.

Một buổi tối, khi tôi nghĩ rằng ngày hôm sau lại là một ngày làm việc, và con đường đến công ty là một con đường có rất nhiều những kẻ kỳ quái, nỗi sợ hãi lại tăng lên đến mức khiến tay chân tôi đều hoảng loạn, vào lúc đó tôi lập tức quyết định học Pháp, không nên để cảm giác sợ hãi vây hãm chính mình. Tôi mở “Hồng Ngâm” ra và đọc đến bài:

“Tu khứ danh lợi tình
Viên mãn thượng thương khung
Từ bi khán thế giới
Phương tùng mê trung tỉnh” (Viên mãn công thành)

Dịch nghĩa:

“Tu luyện vứt bỏ danh lợi tình
[Khi] viên mãn bèn lên trời xanh
Nhìn thế giới bằng tâm từ bi
Ngay trong cõi mê mà tỉnh giác”

Đọc đến câu thơ thứ hai trong lòng tôi nổi lên nghi hoặc, “Từ bi khán thế giới”, làm sao khi gặp phải những sự tình như thế mà vẫn có thể nhìn thế giới bằng tâm từ bi? Thế là tôi lại đọc lại bài thơ từ đầu một lần nữa, thì vào khoảnh khắc đọc xong câu thứ nhất “Tu khứ danh lợi tình” tôi đột nhiên được khai sáng: A! Chính là phải tu bỏ danh lợi tình! Tôi bắt đầu hướng nội tìm, phải chăng trong sự việc này đã động chạm đến chấp trước “danh lợi tình” nào của bản thân? Trong quan niệm của bản thân tôi, cảm thấy họ chính là những phế nhân lười biếng, còn tôi thì mỗi ngày đều làm việc chăm chỉ, tôi xem thường họ, tôi sống có trách nhiệm với cuộc sống của bản thân hơn họ, đây là “danh“, đồng thời cũng là “tâm hiển thị”. Tôi cảm thấy họ là kẻ siêng ăn nhác làm, còn mọi người lại phải làm việc chăm chỉ đề kiếm tiền nuôi họ, họ hoàn toàn là chiếm dụng tài nguyên xã hội, đây là “lợi“, cũng là tâm tật đố. Các chủng tâm sợ hãi, căm giận, khó chịu, thất vọng trên đều là “tình”.

Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy sức nặng đè nén lên thân thể tôi bỗng nhiên nhẹ đi một nửa, tuy không phải là hoàn toàn không sợ hãi nữa, nhưng dường như tôi có thể hiểu rõ hơn làm sao để thay đổi cách tư duy ​​của mình. Ngày hôm sau, trên đường đến công ty, tôi không ngừng đọc thuộc đoạn Pháp này của Sư phụ:

“Hỡi các đệ tử Đại Pháp, chư vị là ánh vàng kim nơi thế gian dơ bẩn, là hy vọng của con người thế gian, là đồ đệ của Pháp đang trợ giúp Sư phụ, là các Pháp Vương của tương lai.” (Lời Chúc, Tinh Tấn Yếu Chỉ 3)

Trong khi đọc thuộc, chính niệm của tôi càng ngày càng mạnh, đúng vậy! Rốt cuộc thì có gì phải sợ chứ?

Khi đọc thuộc câu đầu tiên: “Hỡi các đệ tử Đại Pháp, chư vị là ánh vàng kim nơi thế gian dơ bẩn”, tôi chợt nhớ lại một câu chuyện. Hồi đầu tháng 3, khi tôi đang đi dạo bên ngoài với một vài đồng tu thì có một người phụ nữ người phương Tây ở bên kia đường nhìn chúng tôi, khi chúng tôi băng qua đường và đi ngang qua cô ấy, cô ấy gọi chúng tôi dừng lại và nói: “Các bạn đến từ đâu? Tôi nhìn thấy trên thân thể các bạn có năng lượng rất mạnh mẽ.” Khi nghĩ đến điều này, tôi rất phấn khích, là Sư phụ vào thời điểm đó đã khéo léo an bài, chính là đã sắp đặt từ trước để nói với tôi và thậm chí khuyến khích tôi rằng: Các đệ tử Đại Pháp đều có năng lượng, đều là ánh vàng kim nơi thế gian ô trọc này, hết thảy đều không phải sợ, chỉ cần tôi làm tốt ba việc, Pháp thân của Sư phụ sẽ luôn dõi theo.

2. Tu bỏ tâm tật đố

Nỗi sợ hãi những người vô gia cư và những người kỳ lạ giờ đã kết thúc, bắt đầu từ tháng 5, một quan tâm tính khác liền đến. Vì dịch bệnh, để tránh những người thường không lý giải được chúng tôi, Đài truyền hình yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi đi thang máy, và hy vọng sau khi tan làm, những ai không còn việc gì có thể về nhà sớm hơn. Nhưng tôi thấy hết lần này lượt khác nhiều đồng tu không hề bận tâm đến điều đó, mà cứ muốn gì làm nấy, thậm chí khi người khác nhắc nhở họ, họ biểu hiện ra vẻ “bạn nhàm chán quá”. Lúc đó, sự phẫn nộ trong lòng tôi dần dần tăng lên: Chúng ta đều biết đệ tử Đại Pháp sẽ không sao cả, nhưng tại sao chúng ta không thể phối hợp với nhau cho tốt chứ?

Thực ra, lúc nóng giận cũng rất khó chịu, tại sao bản thân lại không thể nhẫn được? Rốt cuộc tôi phải hướng nội tìm cái gì? Khi trao đổi với các học viên khác về vấn đề này, một người trong số họ đã nói rằng: “Ghét cái xấu xa như kẻ thù, đó chính là chữ ‘ghét’. Đối với hành vi xấu hay bất hảo thì thấy không vừa mắt. Không vừa mắt chính là một chủng tâm tật đố.” Đúng vậy! Chính là tâm tật đố! Tôi tật đố với việc tại sao người khác có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, nhưng tôi lại phải ngoan ngoãn hợp tác. Đồng thời khi tôi học Pháp, đọc cuốn Pháp Luân Công, Sư phụ giảng rằng:

“Người có tâm tật đố là coi thường người khác.”

Điều đó dường như lại khiến tôi nhận thức sâu hơn nữa, ngoại trừ có tâm tật đố, thậm chí còn coi thường người khác! Mà coi thường người khác kỳ thực chính là cảm thấy mình giỏi hơn người khác, đó cũng là một chủng tâm hiển thị! Nói vòng vo qua lại thì vẫn là hai loại tâm này trói buộc tôi chặt chẽ nhất.

Hồi tháng 6, phong trào “Black Lives Matter” nổi lên. Bởi vì tôi đang làm cho một kênh về làm đẹp, nên tôi không cảm thấy phong trào này có liên quan gì đến chúng tôi. Khi đó tôi mới phát hiện ra rằng giới trẻ ở Hoa Kỳ sớm đã bị đầu độc bởi những tư tưởng cực tả này. Tất cả những người nổi tiếng trên Internet và tất cả các thương hiệu làm đẹp phải thông báo trên các nền tảng xã hội và nói rằng ủng hộ phong trào này. Nếu họ không làm vậy, sẽ có một nhóm người sẽ tấn công và chỉ trích một cách điên cuồng, không ngừng nghỉ. Tất nhiên, kênh truyền thông của chúng tôi sẽ không đưa ra những tuyên bố này, vì vậy chúng tôi đã trở thành mục tiêu tấn công chính, đặc biệt là các biên tập viên làm MC, thành những người đứng mũi chịu sào phải tiếp xúc trực tiếp nhất và trước tiên nhất với những tín tức tiêu cực này. Tâm trạng của tôi đã sụp đổ một thời gian, không biết phải làm thế nào. Lúc đó tôi thực sự cảm thấy như mình đang trải qua một cuộc Cách mạng Văn hóa phiên bản Mỹ.

Đồng thời tôi bắt đầu nghĩ, “Nhẫn” rốt cuộc là gì? Tại sao khi gặp chuyện lại không thể nhẫn được mà còn cảm thấy tức giận và ủy khuất cơ chứ? Cũng vào lúc đó tôi đọc đến một đoạn Pháp, trong “Giảng Pháp tại Pháp hội các phụ đạo viên ở Trường Xuân [1998]”, Sư phụ giảng:

“Kỳ thực ngay cả nhẫn thông thường ấy chư vị cũng chưa làm được. Bản thân chư vị ngồi đó nghĩ rằng có thể nhẫn, cái đó không là gì cả, đó là ‘không tưởng’.”

“Kỳ thực ngay cả nhẫn thông thường ấy chư vị cũng chưa làm được”, lời giảng của Sư phụ đã tác động mạnh vào tâm trí tôi. Cái “Nhẫn“ mà tôi tự cho rằng là mình đúng căn bản không là gì cả, hoàn toàn chưa làm được Nhẫn. Tôi bắt đầu nghĩ lại câu chuyện về Hàn Tín. Khi đó tôi mới nhận ra rằng, phản ứng đầu tiên của Hàn Tín khi bị kẻ lưu manh khiêu khích là “Ta chém đầu ngươi để làm gì?” Một người phải thật sự bất động tâm, không để tâm mới có thể xuất phát từ nội tâm mà nói ra lời như thế! Bởi trong tâm của ông thì sự việc này không thành vấn đề. Nghĩ đến đây tôi đột nhiên minh bạch, hóa ra “Nhẫn” chính là “bất động tâm”. Tôi vẫn luôn cho rằng, sau khi phát sinh một sự việc khiến mình tức giận khó chịu, nhưng tôi buộc bản thân phải nhẫn chịu, không để xảy ra động thủ hành sự chính là Nhẫn, kỳ thực Nhẫn chân chính là tâm hoàn toàn bất động. Cũng vì thế tôi bắt đầu suy nghĩ, rốt cuộc phải làm sao để khi gặp mâu thuẫn có thể đối đãi với hết thảy một cách rất thản nhiên, làm đến được bất động tâm? Nhưng câu hỏi đó cứ lởn vởn trong tâm trí tôi, không thể nghĩ ra câu trả lời, vì vậy vấn đề này tạm thời vẫn còn kìm nén đáy lòng tôi.

3. Tu bỏ tâm sắc dục

Đến tháng 7, bởi vì sự nổi dậy phong trào “Black Lives Matter” và các loại sự tình khác, tôi có thể cảm nhận được nghiệp lực ở nước Mỹ càng ngày càng lớn, sự phẫn nộ của con người càng ngày càng điên cuồng. Đồng thời ngày càng có nhiều cuộc tấn công bừa bãi. Tôi biết rằng bản thân vẫn chưa vượt qua được quan “sợ hãi gặp người kỳ quái” hồi tháng 3 tháng 4, lần này lại phải một lần nữa để trừ bỏ tâm chấp trước. Lúc đầu, tôi rất sợ không biết sẽ xảy ra chuyện gì khi đi trên đường, nhưng đồng thời tôi cũng không ngừng tăng cường phát chính niệm để thanh trừ nghiệp tư tưởng của bản thân, sự oán hận đối với những người này cũng càng ngày càng giảm, và tôi vẫn có thể suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, và thậm chí nhìn thấy được ưu điểm của chúng.

Cho đến một ngày, khi tôi đang trên đường đi làm với người bạn cùng phòng và nói chuyện với anh ấy về việc tà linh cộng sản đã ăn mòn nước Mỹ như thế nào, tôi cảm thấy sự tức giận và phẫn uất của mình lại trỗi dậy, quả nhiên, bởi vì tư tưởng của bản thân trở nên tiêu cực mà khiến cho trường xung quanh cũng phát sinh biến hóa, một kẻ lạ đang chờ chúng tôi ở phía trước, người vô gia cư kia muốn xin tiền chúng tôi, bạn cùng phòng tôi xua tay nói xin lỗi rồi tiếp tục đi về phía trước. Đi được mấy bước, thì kẻ lạ kia bất ngờ đẩy bạn cùng phòng tôi một lực rất mạnh, nhưng chúng tôi phớt lờ anh ta và tiếp tục đi. Lúc đó kẻ lạ kia liên tiếp đá vào bạn tôi, và một lần nữa nỗi sợ hãi trong tôi lại lên đến đỉnh điểm, thậm chí đến công ty rồi, tâm vẫn chưa bình ổn lại được. Tôi cảm thấy vô cùng có lỗi với bạn mình, nếu như tư tưởng của tôi không chuyển biến theo hướng tiêu cực, nói không chừng sẽ không gặp phải sự việc này.

Không lâu sau khi xảy ra chuyện này, gần công ty xảy ra một vụ chém người bừa bãi, tôi lập tức cảm thấy mình không ổn, tôi quá sợ hãi, mỗi ngày khi đi làm hay tan làm đều cảm thấy sợ hãi và giày vò tâm can. Kỳ thực điều tôi sợ hãi không phải lúc nào cũng là thương tích hay cái chết, điều tôi sợ là các loại cảm giác bất định trước khi những sự tình đó xảy ra. Quá trình bất định đó là điều khiến tôi sợ hãi nhất. Tôi bắt đầu hướng nội tìm, rốt cuộc tại sao tôi lại rơi vào trạng thái này.

Một hôm, tôi nghe một đồng tu nói rằng một đồng tu khác có các triệu chứng của virus Trung Cộng và thậm chí còn nhập bệnh viện. Đồng tu chia sẻ đó đi tìm hiểu nguyên nhân, phát hiện ra rằng trong nội tâm vị đồng tu nhập viện đó ít nhiều vẫn còn ẩn chứa nghi tâm “biết đâu vẫn bị nhiễm virus thì sao“, dẫn đến việc anh xuất hiện trạng thái này. Trong khoảnh khắc đó tôi đột nhiên phát hiện, không phải bản thân cũng như vậy sao? Mặc dù biết rằng đệ tử Đại Pháp đều được Sư phụ bảo hộ, hoàn toàn sẽ không gặp phải chuyện gì [nguy hiểm] cả, nhưng trong tâm tôi vẫn luôn nghĩ “Dù không bị tuỳ tiện mất đi sinh mạng, nhưng có thể bị đánh bị đấm bị quấy rối…” Trong tiềm ý thức của tôi đã truy cầu nó, nên mới chiêu mời đến những sự việc đó.

Cùng ngày, một đồng tu khác đã chia sẻ câu chuyện khi ở Trung Quốc vì không trừ bỏ tâm sắc dục, bị cựu thế lực dùi vào mà bị bắt vào trại lao động. Tại sao tôi không nghĩ đến tâm sắc dục? Ngay cả khi chỉ là chấp trước một chút thôi, cựu thế lực tóm được rồi sẽ kéo chúng ta xuống và thậm chí bức hại chúng ta! Tôi bắt đầu suy nghĩ lại, nhận thấy rằng chấp trước mà tôi từng là “không sợ kết quả mà sợ quá trình”, bản thân nó là một tâm ỷ lại mạnh mẽ, dù kết quả là tốt hay xấu, chỉ hy vọng rằng có một người có thể giúp tôi đối phó với những trở ngại này, để tôi có thể an tâm, không để tâm lý thấp tha thấp thỏm mà sống qua ngày. Mà sự việc “sợ hãi những kẻ lạ” ngay từ đầu là tôi chỉ muốn có người đi cùng tôi trên đoạn đường đó. Sau đó tôi cảm thấy yên tâm hơn khi có nam giới đi cùng, thậm chí cuối cùng nó đã hình thành một hình tượng minh xác trong tâm trí của tôi, đó là hy vọng có một nam tử cao lớn che chở cho tôi, mà hình tượng này kỳ thực giống như diễn viên nam chính trong phim truyền hình mà tôi theo dõi lúc đó.

Tôi luôn biết rằng theo dõi các bộ phim truyền hình không phải là một điều nên làm, nhưng lần này đã nhắc nhở tôi rằng tâm sắc dục hình thành từ việc theo dõi các bộ phim truyền hình đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều, nó đã thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của tôi. Nếu không nhờ sự giao lưu của các đồng tu, thì tôi không cách nào có thể nhận ra được mối quan hệ giữa sự việc này và tâm sắc dục! Chẳng trách khi tôi đọc bài thơ “Viên mãn công thành” trong “Hồng Ngâm 4” hồi tháng Tư và ngộ ra rằng phải tu khứ danh lợi tình, lúc đó cảm thấy “tình” chính là những cảm xúc sợ hãi, tức giận, khó chịu, nhưng lúc đó vẫn cảm thấy chưa tìm được đến tận gốc rễ, lần này đã cho tôi biết một cách thực tại, cái “tình” đó chính là tâm sắc dục!

Vì vậy, tôi bắt đầu bỏ xem phim truyền hình Hàn Quốc, thậm chí sau khi ý thức được tính nghiêm trọng của sự việc này, tôi bắt đầu cảm thấy chữ “tình“ này là một vũng bùn, nó là chất dính cản trở tôi, khiến tôi cảm thấy khó chịu, và tôi tự hỏi làm thế nào để dứt bỏ “tình”? Lúc đó, tôi đọc đến đoạn Pháp Sư phụ giảng trong kinh văn “Giảng Pháp vào Tết Nguyên Tiêu năm 2003”:

“Lúc tôi bảo chư vị rằng đây là chuyện gì, chư vị cứ học Pháp nhiều vào. Khi chính niệm ngày càng mạnh, lúc chư vị quả thật từ bi với chúng sinh thì sẽ không lại có ‘tình’ tới dằn vặt chư vị nữa.”

Tôi bắt đầu tăng cường học Pháp. Ngoài việc học Pháp trong nhóm và học Pháp khi ngồi xe, sau khi tan làm tôi sẽ học một bài giảng Pháp, thậm chí vào ngày nghỉ có mấy lần mỗi ngày tôi học bốn, năm bài giảng trong “Chuyển Pháp Luân”. Sau khi học Pháp nhiều như vậy, tôi thấy rằng trường không gian của tôi khác hẳn, cảm giác bám dính mà “tình” mang lại đã không còn nữa, thậm chí tư tưởng của tôi cũng trở nên rộng mở khoáng đạt hơn, uy lực của việc học Pháp thực sự rất mạnh mẽ.

4. Tu bỏ tâm an dật và nhận thức về Nhẫn

Đến tháng 10 và 11, tôi dần dần bắt đầu thư giãn, mặc dù tôi thường học Pháp luyện công đều đặn, nhưng số lượng không nhiều như trước và khi học Pháp cũng không chuyên tâm, ngay cả khi tôi muốn học Pháp như trước đó, tôi cũng sẽ nói với bản thân rằng “Úi chà! Tuần sau rồi bắt đầu phấn chấn nhé! Một tuần luôn là một sự khởi đầu mới mà.” Nhưng cuối cùng đó chỉ là sự trì hoãn, không thể tinh tấn trở lại và bắt đầu nghe nhạc pop.

Đến tháng 2 năm nay, tôi đột nhiên xuất ra một niệm đầu ý thức được rằng, cứ tiếp tục thế này không được, mấy tháng nay mình không tinh tấn, dường như đang trôi qua rất suôn sẻ, không có quan ải nào, cũng không có cơ hội hướng nội tìm trừ bỏ chấp trước. Tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng, phải chăng Sư phụ không quản tôi nữa? Tôi cảm thấy mình phải phấn chấn lên, dường như một niệm đầu thuần tịnh và thoáng chốc này đã khiến tôi thay đổi rất lớn. Sau khi niệm đầu muốn tinh tấn xuất ra, tôi quyết định thực hiện luôn vào hôm đó, không trì hoãn thêm nữa, nghĩ cách tăng cường thời gian học Pháp luyện công của bản thân, thậm chí tăng cường thời gian phát chính niệm để thanh trừ nghiệp tư tưởng của bản thân.

Cứ như thế, trong quá trình tinh tấn, tôi bắt đầu xuất hiện quan nghiệp bệnh, nửa thân trên của cơ thể, thắt lưng ê ẩm, lưng vô cùng đau đớn, không thể ngồi hay đứng bình thường, nằm xuống vẫn không thấy thoải mái, nhưng trong tâm tôi lại rất vui: “A! Sư phụ lại quản mình nữa rồi! Cảm tạ Sư phụ!” Mặc dù cả quá trình thống khổ vô cùng, bất kể là đứng ngồi hay là nằm, tư thế nào cũng đều như là tra tấn tôi, thậm chí khi luyện công bài công pháp thứ tư đến đoạn “xuống theo khí cơ”, vẻ mặt đau đớn tới mức nhe răng nhếch mép, không thể nào ngồi xổm xuống được. Tôi hiểu rằng đó là vì bản thân mấy tháng trước không học Pháp luyện công tốt mà đã tích tụ rất nhiều nghiệp lực, khiến tôi giờ đây phải chịu đựng nó, nhưng trong tâm vẫn vui vẻ, biết rằng bản thân nhất định có thể vượt qua, trong lòng tràn đầy cảm kích với Sư phụ.

Thân thể tôi tiếp tục đau đớn trong một tuần, vào lúc đó, ngày phát lương cũng sắp tới rồi, nhưng do ngày lĩnh lương trùng vào dịp Tết Nguyên Đán nên ngân hàng Đài Loan sẽ nghỉ 5, 6 ngày, nếu không nhận được tiền lương trước tết, thì phải đợi thêm 1 tuần nữa mới nhận được, nên trong lòng luôn hy vọng lương về sớm, kẻo trùng vào dịp Tết. Vì chấp trước này quá nặng nề, quả nhiên lương không về sớm, nên tôi phải đợi thêm một tuần. Bởi vì trước đó có một số khoản tiền phải trả, lúc đó tiền tiết kiệm của tôi không có nữa, cho nên khi nghe tin lương chưa về, còn phải chờ một tuần nữa, cộng thêm cơ thể còn đang tiêu nghiệp, những việc không như ý muốn khiến cảm xúc của tôi trong khoảnh khắc đó như bùng nổ, căm phẫn bất bình, thậm chí nóng giận đến mức muốn đập vỡ những thứ ở xung quanh, tư tưởng tiêu cực tuôn trào ra mãnh liệt: “Tôi chưa bao giờ truy cầu mức lương cao cả, ngay cả khi mới bắt đầu tham gia vào hạng mục truyền thông, lương không cao tôi cũng không bao giờ kêu ca, vì biết rằng chúng ta là đang cứu người, chỉ cần mức lương đủ để tôi sinh hoạt chứ không phải xin người nhà là được rồi. Nhưng tại sao! Ngay cả yêu cầu mức lương tối thiểu như vậy cũng làm không được? Tôi chỉ là muốn sống tiếp cũng không được sao? Tôi chỉ muốn sinh sống một cách chính thường cũng không được sao?”

Khi trò chuyện với các đồng tu, tôi nói: “Tôi nghĩ mọi chuyện bắt đầu từ năm ngoái, vì dịch bệnh, tiếp theo là phòng trào ‘Black Lives Matter’, rồi lại đến cuộc bầu cử ở Mỹ, chúng tôi không có ngày nào sinh sống được yên ổn cả, đến giờ sau khi tiêu nghiệp xong lại gặp phải sự việc này, tôi dường như đã kìm nén quá lâu rồi.” Đồng tu hỏi tôi một câu: “Nhưng sao bạn phản ứng gay gắt thế?” Lúc đó tôi không trả lời được, nhưng tự mình biết rằng, kỳ thực khi trong tâm không ngừng than thở, thì nhận thấy bản thân một mực không ngừng lặp lại câu nói “Tôi chỉ muốn một cuộc sống chính thường thôi không được sao?” Sau khi nghĩ kỹ mới phát hiện ra, ở phía sau đó ẩn chứa một chủng tâm an dật rất mạnh mẽ, tuy không phải là truy cầu giàu sang phú quý mà chỉ là muốn một cuộc sống bình thường, thì đó cũng là một loại tâm an dật rất lớn.

Sư phụ đã giảng trong sách Chuyển Pháp Luân:

“Hơn nữa, chư vị sau này không phải lo lắng, chư vị không có phiền phức gì nữa, thì chư vị tu luyện gì đây? Luyện công một cách quá ư thoải mái chăng? Lẽ nào có chuyện ấy? Đó [chỉ] là chư vị đứng tại góc độ người thường mà [mong] tưởng vậy thôi.”

Chẳng phải tôi đang ở trong trạng thái này sao? Chính là muốn tu luyện một cách thoải mái! Lúc đó tôi đột nhiên nhớ lại vài tháng trước, một đồng tu biết tôi là người lười biếng, khi chia sẻ với tôi, anh ấy nói rằng, khi anh ấy đọc kinh văn “Phật tính và ma tính” trong “Tinh Tấn Yếu Chỉ“ đọc đến đoạn:

“Ma tính của con người là ác, biểu hiện sát sinh, trộm cướp, tự tư, tà niệm, khuấy đảo thị phi, phiến động đồn đại, tật đố, độc ác, phát cuồng, lười biếng, loạn luân, v.v.”

Anh ấy nói: “Chị thấy đấy, ma tính biểu hiện ra rất nhiều điều nghiêm trọng như thế, mà lười biếng cũng nằm trong số đó, lười biếng cũng nghiêm trọng như thế.” Nghe vậy tôi đã rất chấn động, bản thân đã đọc kinh văn này biết bao nhiêu lần, thậm chí còn học thuộc, nhưng từ trước tới nay vẫn không ý thức được, thậm chí như thế vẫn không thể hoàn toàn minh bạch mối quan hệ tỉ mỉ giữa ma tính và lười biếng. Cho đến khi sự việc tiền lương lần này phát sinh, khiến cho cảm xúc đè nén từ năm ngoái tới giờ bộc phát tôi mới phát hiện ra, tâm an dật khiến người ta lười biếng, mà sự bộc phát của loại ma tính này lại triển hiện ra hết sức thực tại ngay trước mặt tôi, khiến tôi cuối cùng liễu giải được tại sao lười biếng là ma tính.

Sau đó, tôi bắt đầu nghi hoặc, rõ ràng là từ năm ngoái mỗi khi vượt quan, mặc dù cảm xúc nhất thời có thể là sợ hãi, lo lắng, cáu kỉnh, không vui, v.v.. Nhưng về cơ bản mà nói thì tôi thực sự rất vui, cảm thấy mình có thể nhanh chóng hoàn trả nghiệp, tâm chấp trước cũng có thể nhanh chóng trừ bỏ, mỗi lần vượt quan thực sự đều là xuất phát từ nội tâm cảm tạ an bài của Sư phụ, vậy tại sao đến cuối cùng tôi vẫn bộc phát chứ? Mỗi khi gặp phải bất kể sự việc gì, tôi đều tự nhủ với chính mình rằng: “Không sao không sao, chịu đựng qua rồi sẽ ổn thôi, chịu đựng qua rồi sẽ ổn thôi.” Nhưng kỳ thực sự “chịu đựng” này chỉ là phương thức của người thường hay dùng khi nhẫn nại mà thôi, chỉ là sự chịu đựng mù quáng, hoàn toàn không phải là “Nhẫn” của người tu luyện.

Sau đó, tôi nhớ lại mối nghi hoặc năm ngoái, “Nhẫn” chân chính đó rốt cuộc phải làm sao để làm được đến bất động tâm chứ? Lúc đó tôi đọc đến kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội San Francisco 2014”, Sư phụ giảng:

“Mọi người biết, người tu luyện ấy, vẫn luôn giảng một câu này: Chư vị có cái tâm đó, thì tâm của chư vị mới động; chư vị không có cái tâm đó, thì tựa như gió thoảng qua, chư vị căn bản không cảm giác. Có người nói rằng chư vị sắp sát nhân phóng hỏa, chư vị nghe xong cảm thấy quá thú vị rồi, (Sư phụ cười) ‘có thể vậy sao?’ Cười nhẹ một cái là xong.”

Thực ra câu trả lời chỉ đơn giản như vậy, là vì tôi có chấp trước, cần tìm ra nó và trừ bỏ nó đi, dần dần đã có thể làm được tâm bất động, nhưng tôi đã mất gần một năm mới tìm ra câu trả lời.

Không lâu sau, trong bài “Vô lậu, Tinh Tấn Yếu Chỉ” tôi thấy câu Pháp này: “Trong Nhẫn có xả, có thể xả là thăng hoa của tu luyện.”

Dường như sự lý giải về “Nhẫn” đã đột nhiên lại được đề cao nữa, việc trừ bỏ chấp trước mà trước đây tôi nhận thức giống như là trừ bỏ thứ xấu, nhưng tầng diện bao hàm của từ “xả” kia lại càng rộng lớn hơn, không chỉ là những thứ xấu phải trừ bỏ, mà thậm chí những việc nhỏ đều phải “xả“. Giống như tôi cảm thấy bản thân đối với tiền tài không có dục vọng mạnh mẽ nữa, tiền lương không nhiều cũng không sao, vậy thì để tôi xem khi tiền tiết kiệm của tôi một đồng cũng không có nữa, thì tôi có thể thật sự thản đãng bất động tâm không? Kỳ thực hồi tưởng lại, vào cái tuần bị trả lương muộn đối với tôi mà nói thì đối với cuộc sống thường ngày không có gì khác biệt cả, vì không có dục vọng nào đối với vật chất, thì có tiền hay không có tiền cũng không quan trọng. Vì để điểm ngộ cho tôi buông bỏ tâm an dật và để tôi thăng hoa nhận thức về “Nhẫn”, an bài của Sư phụ thực sự khiến tôi cảm kích không nói nên lời.

Vào đoạn thời gian đó tôi cũng học đến đoạn Pháp này:

“Thế nào gọi là người xấu chư vị biết không? Người xấu vì sao anh ta trở thành xấu? Chính là vì những thứ xấu rót vào trong đầu anh ta quá nhiều, anh ta học những thứ xấu quá nhiều, đầu óc anh ta đầy ắp những thứ xấu, dù có biểu hiện ra ngoài hay không thì anh ta vẫn là người xấu. Vậy thì những thứ xấu này đến từ đâu? Chẳng phải là nghe lọt vào hay sao?” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Đọc xong tôi mới thở phào nhẹ nhõm, tôi cứ luôn cho rằng kẻ xấu chính là không điều ác nào không làm; giết người, trộm cắp… thì gọi là người xấu, nhưng thực ra, chỉ cần trong đầu bạn rót vào những thứ xấu thì đã là người xấu rồi! Vậy thì chúng ta bình thường theo dõi các bộ phim truyền hình, nghe nhạc pop, não chúng ta chứa đầy những thứ này, chẳng phải cho thấy chúng ta ngày càng trở thành “người xấu” sao?

Không lâu sau, tôi đọc đến đoạn Pháp này Trong kinh văn “Giảng Pháp tại Pháp hội Châu Âu [1998]” rằng:

“Thế nào là người xấu? Những cơ cấu tuyên truyền, các loại báo chí, ấn bản trong xã hội đăng tải những thứ bạo lực, sắc tình kia, nhồi nhét vào trong não chư vị, [mà] mọi người còn muốn xem. Rót vào càng nhiều, vậy thì chư vị cũng giống như họ rồi.”

Vậy nên, tôi quyết định từ bỏ nhạc pop một lần nữa, không nghe không xem gì cả, khi rảnh thì tăng cường học Pháp luyện công, một lần nữa, tôi cảm thấy rằng trường không gian xung quanh mình trở nên thanh tịnh.

5. Lời kết

Từ năm ngoái đến nay, mỗi quan mà tôi vượt qua đều để tôi từ nội tâm mà cảm thụ được sự từ bi vĩ đại của Sư phụ, chỉ cần nghiêm túc học Pháp, mỗi lần vượt quan, Sư phụ đều từ trong Pháp mà triển hiện ra câu trả lời cho tôi nhìn thấy, mỗi lần đều có đề cao rất lớn và nhận thức Pháp thâm sâu thêm một tầng thứ nữa. Cũng là trong hơn một năm qua để tôi thực sự minh bạch được thế nào là “lấy khổ làm vui”, mỗi một lần đề cao nội tâm đều cảm thụ được sự biến hóa rất thâm sâu, gánh nặng bởi những tâm chấp trước ở trên thân cũng nhờ mỗi lần thể ngộ ra được mà càng ngày càng nhẹ đi.

Con thực lòng vô cùng cảm tạ Sư phụ trong bất kỳ tình huống nào cũng không buông bỏ con.

Con xin cảm tạ Sư phụ!

Xin cảm ơn mọi người!

(Bài chia sẻ trình bày tại Pháp hội Truyền thông Đại Kỷ Nguyên Tân Đường Nhân 2021)

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/8/吃苦当成乐-学法去执着-426745.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/11/193642.html

Đăng ngày 30-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share