Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 07-09-2021] Sau khi chứng kiến một số sự việc xảy ra tại điểm luyện công và hồi tưởng lại những trải nghiệm của mình khi còn ở Trung Quốc, tôi nhận ra rằng là học viên, chúng ta nên đối chiếu nhất ngôn nhất hành của bản thân với những gì mà Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) đã truyền dạy. Có như vậy, chúng ta mới có thể đạt đến yêu cầu của Ngài là “ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết”. (Thánh giả, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Tôi đã từng ngồi cùng với một học viên khác để tìm hiểu quy trình cho hạng mục của mình. Anh ấy từng đi du học và làm việc tại Nhật Bản một thời gian trước khi đến Hoa Kỳ. Anh ấy đã hỏi tôi: “Cậu có muốn dùng một viên kẹo cao su không?” Tôi lịch sự từ chối vì tôi thường không nhai kẹo cao su. Một lúc sau anh ấy lại hỏi tôi một lần nữa và tôi vẫn từ chối. Sau đó anh ấy chỉ còn cách nói thẳng rằng: “Tôi hỏi cậu như vậy là vì hơi thở của cậu có mùi. Ở Nhật Bản, rất nhiều nhân viên nhai kẹo cao su vì họ không muốn hơi thở của mình ảnh hưởng đến người khác”. Tôi đã cảm ơn anh ấy, nhận chiếc kẹo cao su và nói với anh ấy rằng lần sau tôi sẽ lưu tâm hơn.
Vài ngày sau, tôi lại cùng ngồi trên một chuyến xe bus công cộng với anh ấy. Tôi đã trả lời điện thoại và nói chuyện qua loa với người gọi. Sau khi chúng tôi xuống xe, anh ấy nói với tôi rằng hành động vừa rồi của tôi sẽ bị coi là thô lỗ ở Nhật Bản vì mọi người luôn để ý tránh làm phiền đến người khác khi đang đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm. Tôi nghĩ rằng những học viên mới đến từ Trung Quốc Đại lục cần phải chú ý đến phương diện này.
Tôi đã rất xấu hổ khi nghe anh ấy góp ý. Việc không làm phiền người khác ở nơi công cộng là lẽ ứng xử thường tình, vậy mà tôi đã không làm tốt khi đại biểu cho học viên mới từ Trung Quốc Đại lục đến đây.
Tôi đã chia sẻ trải nghiệm này với các học viên Hoa Kỳ khác trên mạng. Có người nói: “Một học viên mới đến từ Trung Quốc thường ít lưu tâm đến văn hóa hành xử ở nơi công cộng. Còn những người ở các nước phương Tây lại rất chú ý đến hoàn cảnh xung quanh”. Trong khi tôi đang chia sẻ kinh nghiệm của mình thì vợ tôi nói: “Tại sao anh cứ rung chân khi đang chia sẻ với người khác? Anh phải ngồi với một tư thế đúng mực chứ!”. Tôi nhận ra rằng có quá nhiều chi tiết trong cuộc sống mà tôi không bao giờ để ý đến. Nếu chúng ta không chú ý để chỉnh sửa những điều này và để cho những thói quen xấu của mình trở thành tập quán thì cuối cùng chúng ta sẽ không thể nhận thức ra chúng có vấn đề.
Sư phụ giảng:
“Người ấy được phú cho thiên mệnh với thế gian và thiên thượng, mang nhiều đức mà có Thiện tâm, ôm chí lớn mà không quên tiểu tiết, đắc Pháp Lý có thể phá mê, tế thế độ nhân mà công đức tự phong phú”. (Thánh giả, Tinh Tấn Yếu Chỉ)
Thói quen không chú ý đến tiểu tiết là một biểu hiện của văn hóa đảng. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của các học viên Đại Pháp khi mọi người nhìn vào.
Có một lần tôi đi đến điểm luyện công ngoài trời muộn hơn thường lệ một chút. Bình thường thì nhạc luyện công mở khá to nhưng hôm đó tiếng nhạc khá là bé. Sau khi kết thúc các bài công pháp, tôi đã hỏi người điều phối về việc này. Người điều phối nói với tôi rằng khi họ bật nhạc luyện công thì một sĩ quan cảnh sát đã dừng lại và nói rằng tiếng ồn lớn sẽ bị cấm từ 10 giờ tối cho đến 7 giờ sáng.
Các cư dân sống ở ngay phía bên kia đường của điểm luyện công. Tôi nhớ lại rằng nhạc luyện công thường mở rất to nhưng không ai có ý kiến nên tôi cũng đã quen với điều đó. Có thể học viên bật nhạc to là để mọi người có thể nghe thấy và tìm hiểu về Đại Pháp. Tôi nhận ra rằng bất kể người nào đó có phải đến từ Trung Quốc hay không thì đều nên chú ý đến những chi tiết này, vì nếu không thì có thể vô tình tạo ra hình ảnh tiêu cực về các học viên.
Trong khi tôi đang lái xe trở về nhà thì chợt nhớ lại những sự việc đã xảy ra khi còn ở Trung Quốc. Ví dụ, một đồng tu đã thuê một căn hộ để sử dụng cho việc học Pháp của nhóm chúng tôi. Mọi người thực sự thích chia sẻ kinh nghiệm tu luyện của mình với nhóm. Nhưng vài tháng sau, cảnh sát đã đến lục soát căn hộ và lấy đi rất nhiều tài liệu Đại Pháp.
Có nhiều yếu tố đằng sau việc điểm học Pháp bị phá huỷ, nhưng một nguyên nhân trên bề mặt đó là sau khi thuê căn hộ này thì có một học viên lớn tuổi sống ở đó. Bà ấy bị khiếm thính nên đã mở nhạc luyện công rất to. Chúng tôi đã nhắc nhở bà ấy không được bật to như vậy nhưng bà ấy không nghe. Bà thường luyện công vào lúc 3 giờ sáng. Có thể ai đó đã báo cáo bà ấy với cảnh sát vì bà đã làm phiền cuộc sống của họ. Khi chứng kiến hậu quả của việc căn hộ bị lục soát, tôi nhận ra rằng ngay cả những việc nhỏ cũng có thể trở thành những việc lớn nếu các học viên không chý ý đến hành vi của họ.
Hoa Kỳ là một quốc gia tự do, vì vậy việc luyện công hồng Pháp công khai ở công viên là khả dĩ, tuy nhiên chúng ta cũng phải tuân thủ các quy tắc của xã hội. Một học viên phụ trách một hạng mục đã không thể tìm thấy một nơi thích hợp để trao đổi công việc nên mọi người đã đến nhà của học viên này. Nhiều ô tô đến đậu bên ngoài nhà đồng tu và thỉnh thoảng có cả xe đầu kéo đậu bên ngoài. Nó dần dần làm dấy lên sự nghi ngờ của hàng xóm. Người hàng xóm này thậm chí còn đi qua và hỏi tại sao có nhiều ô tô đậu ở bên ngoài đến vậy. Những người trong xã hội phương Tây coi trọng văn hóa cộng đồng và các quy tắc của họ. Ai cũng phải tuân theo các quy tắc này thì mới có thể sống hoà hợp với nhau.
Trong khi viết bài chia sẻ này, tôi đã đọc được một bài chia sẻ trên Minh Huệ về các học viên tĩnh toạ thỉnh nguyện bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ. Bài viết đã được xuất bản cách đây 19 năm. Trong đó viết: “Không làm ồn; trừ trường hợp đặc biệt (như hội thảo báo chí) thì bình thường không dùng loa lớn để phát bài luyện công. Chú ý: trước 9 giờ sáng sau 8 giờ tối (thời gian nghỉ ngơi của cư dân) thì không được phát thanh bài luyện công, nếu có phát thanh bài luyện công hoặc nói chuyện thì cũng để âm lượng nhỏ”. (Một số ý kiến thảo luận của các học viên tham dự «tĩnh toạ thỉnh nguyện» trước đại sứ quán (Bài chia sẻ có lời bình của Sư phụ))
Chúng ta đã quên mất lời khuyên của người học viên viết bài chia sẻ này rồi sao? Sư phụ đã bình luận về bài viết trên Minh Huệ rằng:
“Nếu như tất các học viên người Hoa vào những lúc bình thường đều có thể chú ý hơn một chút đến hành vi [của mình], chỉnh tề sạch sẽ hơn một chút, làm gì cũng phải nghĩ đến người khác, thì thế mới là phong thái mẫu mực của đệ tử Đại Pháp”. (Lời bình, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)
Trong một bài viết khác trên Minh Huệ có tiêu đề: “Thông tri bổ sung về việc treo quảng cáo”, Sư phụ đã bình luận:
“Người tu luyện làm các việc thì chẳng phải trước tiên nghĩ cho người khác? Tại sao làm một cách cưỡng ép? Vì sao đem những hành vi phá hoại nhân loại của tà đảng mang sang xã hội quốc tế? ” (Lời bình của Sư phụ trong bài “Thông tri bổ sung về việc treo quảng cáo”)
Chúng ta cần chú ý đến cả các chi tiết nhỏ trong tu luyện để có thể đạt được yêu cầu mà Sư phụ đặt ra cho chúng ta. Chúng ta cần làm mọi việc bằng tinh thần trách nhiệm với xã hội. Dần dần, mọi người sẽ có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa các học viên Đại Pháp và những người thường, điều này có thể khởi tác dụng chính diện khi chúng ta giảng chân tướng cho chúng sinh, và đó cũng là chứng thực Pháp.
Trước đây tôi đã không chú ý làm cho tốt những việc này nhưng bây giờ tôi đã nhận thức được tầm quan trọng của nó nên tôi hy vọng mình có thể làm tốt hơn trong tương lai. Tôi viết ra những kinh nghiệm này để cùng giao lưu chia sẻ với các đồng tu. Nếu có bất cứ điều gì chưa thoả đáng, xin quý đồng tu từ bi chỉ chính.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/9/7/430537.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/10/20/196242.html
Đăng ngày 28-11-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.