Bài viết của Tịnh Liên, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-07-2021] Tôi bắt đầu làm nhân viên thu phí tại một bãi đỗ xe, với mức lương 100 Nhân dân tệ mỗi ngày vào các ngày trong tuần. Lúc đó, cả bốn nhân viên thu phí đều là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tất cả chúng tôi đều chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn trong hành xử và làm tốt công việc của mình.

Chúng tôi không bao giờ ưu ái cho bạn bè và người thân. Tất cả họ đều biết chúng tôi là học viên và chúng tôi đối xử với họ giống như bất kỳ khách hàng nào khác. Đôi khi, tôi gặp một bạn học cũ, tôi sẽ trả phí đỗ xe cho họ bằng thẻ tín dụng của mình. Tôi không bao giờ lợi dụng công ty.

Chúng tôi thường giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp cho các bảo vệ và nguyên lý một người sẽ không đắc được đức nếu không buông bỏ truy cầu về lợi ích cá nhân. Hành xử của chúng tôi tạo ra một trường chính niệm. Một số bảo vệ tôn trọng chúng tôi và cũng dừng việc ưu ái cho bạn bè của họ và tình nguyện trả tiền đỗ xe cho họ. Họ cảm thấy tự hào về bản thân vì đã có thể làm được điều đó.

“Tại sao chị vẫn muốn nộp tiền?”

Bãi đỗ xe sử dụng công tơ điện tử để thu phí. Khi đồng hồ đo không hoạt động hoặc khi mất điện, có thể xảy ra sai lệch giữa số tiền thu được và số tiền ghi nhận trên máy tính. Việc này đã xảy ra một ngày ngay sau khi tôi bắt đầu làm việc ở đó. Một bảo vệ đã nói với tôi: “Chị là người mới ở đây. Chị biết số tiền này không được ghi nhận đúng không?”

Tôi đáp: “Tôi biết nhưng tôi vẫn sẽ nộp.”

Anh ấy hỏi tôi: “Nó không được ghi nhận! Tại sao chị vẫn muốn nộp nó?”

Tôi đáp: “Nó không phải của tôi. Tôi không thể giữ nó.”

Sau đó anh ấy đã có chút phấn khích: “Hãy đưa tiền đó cho tôi nếu chị không muốn lấy. Tôi sẽ mua một bao thuốc lá.”

Tôi cười: “Nó không phải tiền của chúng ta, vì vậy chúng ta không thể lấy nó.” Người bảo vệ cúi đầu bỏ đi.

Khi bãi đỗ xe được bán cho một công ty khác, các học viên khác đã nghỉ việc, và tôi là người duy nhất còn ở lại. Công ty mới thuê nhiều nhân viên mới, vì vậy tôi đồng ý giúp họ đào tạo người mới. Những nhân viên mới đều là những công nhân đã về hưu đang ở độ tuổi 50, 60. Tôi viết lại quy trình chi tiết và cho họ xem nhiều lần để họ có thể nhanh chóng làm quen với hệ thống máy tính.

Người quản lý thường gọi cho tôi vào những ngày tôi nghỉ khi một nhân viên mới gặp trục trặc kỹ thuật. Tôi tới công ty ngay và giúp giải quyết các vấn đề. Việc này đôi khi chiếm hết cả ngày của tôi. Một lần, người quản lý đưa cho tôi 100 Nhân dân tệ để đền bù. Tôi đã từ chối: “Công ty mới vừa tiếp quản. Tôi vui vì đã giúp bắt kịp tốc độ. Không cần phải trả thêm tiền. Tôi là một học viên Đại Pháp. Sư phụ tôi muốn chúng tôi nghĩ cho người khác trước.”

Vị quản lý để tôi một mình phụ trách trạm B, là nơi rộng gấp đôi trạm A. Tôi không phàn nàn và làm việc trong hơn một tháng cho tới khi các nhân viên mới có thể tiếp quản công việc.

Cả hai trạm thu phí đều lắp camera giám sát hoạt động. Dù vậy thì một số người vẫn cố gắng ăn trộm. Tại trạm khác, một số người thu phí bị bảo vệ báo cáo, nhưng trạm của tôi chưa bao giờ có vấn đề nào. Bất cứ khi nào chúng tôi thừa tiền, tôi đều ghi lại và nộp nó cho người quản lý. Đôi khi, tiền bị thiếu, vì vậy tôi đã lấy tiền của mình ra trả.

Chứng kiến việc này, người bảo vệ đang trực nói: “Tất cả những người khác đều giữ lại tiền thừa để sau này dùng đến nếu có thiếu hụt. Chị quá là ngốc nghếch!”

Tôi đáp: “Tôi cần kết toán sổ mỗi ngày!”

Người bảo vệ đáp: “Công ty sẽ rất vui nếu mọi người đều giống chị”.

Thời gian qua đi, những người quản lý đều biết các học viên là người tốt và tin tưởng chúng tôi.

Một lần, nhân viên kế toán mới đã tính nhầm lương của tôi và trả thừa cho tôi 100 Nhân dân tệ. Tôi đã trả lại tiền cho anh ấy. Cả anh ấy và người quản lý đều nói rằng người như tôi thật hiếm có, vì vậy họ đề nghị tôi giới thiệu thêm các học viên cho công ty.

Bãi đậu xe rất nhộn nhịp, đặc biệt vào ngày lễ và ngày cuối tuần. Để đẩy nhanh tiến độ, tôi đứng cả ngày để thu phí. Đôi khi những lái xe đưa cho tôi cả cuộn hóa đơn mà không đếm chúng và có thể trả dư 5, 10, hoặc 20 Nhân dân tệ. Tôi luôn chạy ra khỏi bãi đậu xe để bắt kịp các tài xế và trả lại tiền cho họ. Hầu hết họ đều phân vân lúc ban đầu, sau đó họ rất biết ơn.

Một phụ nữ trẻ đã cười với tôi khi thanh toán tiền. Cô ấy nói với tôi: “Chị quên rồi sao? Lần trước chị đã trả lại cho tôi 20 Nhân dân tệ.” Tôi nói với cô ấy rằng tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, và tất cả các học viên đều sẽ làm như vậy. Đôi khi tôi đưa tiền có in thông điệp về Pháp Luân Đại Pháp như “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.”

Tôi đã tuyển dụng một học viên khác vào làm việc tại công ty, và chúng tôi đã phối hợp tốt với nhau để chứng thực Đại Pháp. Một ngày nọ, cô ấy đã phát hiện ra tờ 100 Nhân dân tệ giả vào cuối ca làm của mình. Người bảo vệ nói: “Chúng ta chỉ kiếm được 100 Nhân dân tệ mỗi ngày. Tại sao chị không nghĩ cách tiêu nó đi?”

Bản thân người học viên này rất nghèo nhưng vẫn nói: “Tôi là một học viên. Tôi sẽ chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi đã bị lừa, nhưng tôi không thể sử dụng tiền giả để lừa những người khác.”

Cô ấy xé tờ tiền giả và thay vào đó bằng tiền của cô ấy. Tất cả những bảo vệ đều ca ngợi hành động của cô ấy. Một số người cảm thấy không thể tin nổi, nhưng họ biết rằng các học viên đều là người tốt.

Quyết định thực sự nghĩ cho người khác trước

Bãi đỗ xe của chúng tôi tọa lạc giữa một khu chợ đầu mối lớn và một trạm xe buýt. Nhiều khách bộ hành sử dụng bãi đỗ xe như là một lối đi tắt để tới trạm xe buýt. Đôi khi, họ bị va vào cửa tự động. Tôi đề nghị công ty lắp đặt loa cảnh báo để nhắc nhở mọi người không đi tắt.

Một ngày nọ, tôi nghe thấy tiếng ồn ào khi tôi đang thu phí đỗ xe. Một thanh niên la lên: “Ai đó đã bị va chạm rồi.” Tôi nhìn qua cửa sổ phía sau mình và thấy một phụ nữ lớn tuổi đang ngồi trên mặt đất, tay ôm đầu. Bà trông tầm khoảng 80 tuổi. Con trai và con dâu bà chạy đến chỗ tôi và nói: “Cổng của chị đã đập vào mẹ chúng tôi. Chị sẽ làm gì?”

Đầu óc tôi bắt đầu quay mòng; tôi rất lo lắng, nghĩ: “Chúng ta sẽ làm gì nếu bà ấy cố gắng lừa chúng ta?” Tôi chạy ra khỏi bãi đỗ xe, đến chỗ người phụ nữ này và hỏi bà cảm thấy như thế nào. Bà nói bà thấy chóng mặt.

Con trai bà nói: “Đầu của mẹ tôi đang quay cuồng. Chị sẽ làm gì?”

Tôi đáp: “Cánh cổng là tự động. Nó được hạ xuống ngay khi một xe ô tô chạy qua. Tôi không điều khiển nó. Loa của chúng tôi liên tục nhắc nhở mọi người không đi tắt qua đây.”

Tôi khá nghèo, chỉ kiếm được 1.500 Nhân dân tệ mỗi tháng. Chồng tôi mới ra tù sau khi bị bắt vì đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp. Ông ấy đã bị liệt nửa người bên trái vì bị bức hại và không thể làm việc. Do đó tôi không thể chi trả hóa đơn y tế cho người phụ nữ cao tuổi kia.

Tôi vội chạy đến gặp người quản lý. Nghe thấy một bà cụ 81 tuổi bị thương, cô ấy cũng lo sợ và không muốn liên quan “Chị ơi, tại sao chị không đi nói chuyện với họ. Chị hãy tự xử lý đi!”

Tôi không biết phải làm gì. Đột nhiên, tôi nhớ đến lời giảng của Sư phụ Lý Hồng Chí:

“Khi tôi giảng Pháp truyền công tại Thái Nguyên, có một [nữ] học viên trên 50 tuổi, hai vợ chồng già cùng đến học. Khi họ đi đến giữa đường cái, một xe ô-tô chạy rất nhanh qua đó; chiếc gương chiếu hậu của xe đột nhiên mắc vào y phục của bà. [Nó] mắc vào và kéo bà lôi đi hơn mười mét, và làm bà ngã xuống đất “phịch” một cái, [còn] chiếc xe chạy xa hơn hai mươi mét mới dừng lại. Người lái xe nhảy vội ra khỏi xe và bực mình nói: ‘Này, bà đi đường mà không nhìn à!’ Hiện nay người ta như vậy đấy, hễ gặp vấn đề là trước tiên [họ] đẩy trách nhiệm, có tại họ hay không thì cũng đẩy cho [người khác].” (Bài giảng thứ tư-Chuyển Pháp Luân)

Suy nghĩ đầu tiên của tôi là né tránh trách nhiệm, cho dù có phải lỗi của tôi hay không; tôi không quan tâm chút nào đến cảm nhận của người phụ nữ kia.Tôi cảm thấy xấu hổ. Thấy sự lo lắng và phiền muộn của vợ chồng con trai bà, tôi gạt mọi lo lắng của mình và quyết định đưa người phụ nữ đó đến bệnh viện kiểm tra. Cho dù chuyện gì xảy ra, tôi sẽ chịu trách nhiệm.

Tôi đến gặp bà và nói: “Bây giờ bà cảm thấy ra sao? Cháu sẽ đưa bà tới bệnh viện nếu bà thấy không khỏe.”

Một đồng tu tình cờ đi qua. Cô ấy nói với họ về Pháp Luân Đại Pháp sau khi cô ấy biết vụ tai nạn. Cô ấy nói với họ việc gia đình tôi đã bị ĐCSTQ bức hại như thế nào, và một người sẽ được ban phước bằng cách niệm: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Tôi viết lại tên, số điện thoại, số chứng minh thư của tôi cho họ, và bảo con trai bà ấy rằng tôi sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Người bảo vệ kéo tay tôi và nói nhỏ: “Chị có ngớ ngẩn không? Chị đưa tất cả thông tin của mình cho họ. Chị sẽ không trốn thoát được nếu họ cố gắng lừa chị.” Tôi đáp: “Sẽ ổn thôi.”

Sự chân thành của tôi đã khiến họ cảm động. Người phụ nữ niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và sau một lúc, bà ấy nói: “Đầu của tôi không còn choáng váng nữa. Tôi ổn rồi. Tôi cũng tin vào Thần Phật. Tôi sẽ không lừa dối chị.”

Sau đó tôi gọi cho gia đình bà ấy và đề nghị đến thăm. Họ nói bà đã khỏe, do đó tôi không cần phải bận tâm.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/7/427756.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/1/194875.html

Đăng ngày 19-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share