[MINH HUỆ 30-08-2021] Xử phạt những kẻ vi phạm nhân quyền đã trở thành một trọng tâm ở các quốc gia dân chủ như một cách để chống lại những hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo trên toàn cầu. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Anh và 27 nước thành viên Liên minh Châu Âu đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm giống vậy.

Theo luật này, vốn để áp dụng trừng phạt với những kẻ vi phạm nhân quyền đã biết, các học viên Pháp Luân Công đã lập ra các danh sách của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Hàng năm, họ nộp nhiều danh sách lên các quốc gia dân chủ, hối thúc họ trừng phạt những thủ phạm bị nêu tên.

Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã nộp danh sách gần đây nhất của những thủ phạm tham gia bức hại Pháp Luân Công cho chính phủ của họ. Các học viên đang kêu gọi trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền này, gồm việc từ chối không cho họ được nhập cảnh và đóng băng tài sản ở nước ngoài của họ.

Một cái tên trong danh sách này là Hứa Văn Hữu.

Thông tin thủ phạm bức hại

2021-8-25-231116-0--ss.jpg

Tên đầy đủ của thủ phạm: Hứa (họ) Văn Hữu (tên) (tên tiếng Hán: 许文有)

Giới tính: Nam

Quốc tịch: Trung Quốc

Ngày / năm sinh: tháng 10 năm 1955

Nơi sinh: Thành phố Liêu Dương, tỉnh Liêu Ninh

Chức vụ:

1999-2002: Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự Công an thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh; Phó Giám đốc Công an thành phố An Sơn; Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố An Sơn

2002-2006: Trưởng phòng Điều tra hình sự Công an tỉnh Liêu Ninh

2006-2008: Phó Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh

2008 – tháng 3/2016: Giám đốc Công an thành phố Thẩm Dương kiêm lãnh đạo Văn phòng duy trì ổn định Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh

2010-2016: Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thành phố Thẩm Dương

2013-2016: Phó Bí thư Công an tỉnh Liêu Ninh

2015- tháng 1/2018: Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân thành phố Thẩm Dương lần thứ 14

Cuối năm 2002, Hứa Văn Hữu được điều chuyển từ thành phố An Sơn đến thành phố Thẩm Dương và trở thành người đứng đầu Phòng điều tra hình sự Công an tỉnh Liêu Ninh. Một trong những nhiệm vụ chính của Phòng Điều tra Hình sự là thực hiện cuộc bức hại Pháp Luân Công.

Tội ác chính

Là người được Chu Vĩnh Khang, cựu bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương đỡ đầu, Hứa Văn Hữu theo đuổi con đường của Chu và ra sức bức hại các học viên Pháp Luân Công. Với 20 năm kinh nghiệm làm cảnh sát xử lý các vụ án hình sự, Hứa khét tiếng về sự tàn nhẫn của mình. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công diễn ra vào tháng 7 năm 1999, Hứa Văn Hữu là người có công trong việc tổ chức và thực hiện cuộc bức hại ở khu vực Thẩm Dương của tỉnh Liêu Ninh. Trong vòng ba năm, ông ta được thăng chức lên lãnh đạo Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố.

Tháng 9 năm 2005, Chu Vĩnh Khang tổ chức lễ trao thưởng đặc biệt cho Hứa Văn Hữu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Hứa đã được công nhận là “Sĩ quan kiểu mẫu trong Hệ thống An ninh Quốc gia” và là tấm gương mà các sĩ quan khác nên học hỏi. Hứa đã được vinh danh vì ông ta đã truy tìm và bắt giữ học viên Pháp Luân Công, cô Cao Dung Dung sau khi hình ảnh gây sốc về khuôn mặt của cô — bị biến dạng khủng khiếp vì bị tra tấn — được biết đến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Cuối cùng cô Cao cuối đã bị sát hại trong trại giam. Năm 2006, Hứa Văn Hữu được thăng chức Phó Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh.

Trong bảy năm ông ta lãnh đạo Công an thành phố Thẩm Dương, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại. Họ bị bỏ tù, bị tra tấn và thậm chí mất mạng khiến nhiều gia đình tan vỡ. Thông tin được xác minh rằng ít nhất 97 học viên ở Thẩm Dương đã qua đời do cuộc bức hại.

Hứa Văn Hữu cũng có quan hệ mật thiết với Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân, cựu Tỉnh trưởng và Giám đốc Công an tỉnh Liêu Ninh, nơi lần đầu tiên vụ cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống bị phanh phui. Đại học Y Trung Quốc và nhiều bệnh viện quân đội ở Thẩm Dương cũng tham gia vào việc mổ cướp nội tạng sống. Hứa Văn Hữu cũng dính dáng đến tội ác này.

Mặc dù hiện ông ta đã nghỉ hưu, Hứa Văn Hữu vẫn phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà ông ta đã gây ra đối với các học viên Pháp Luân Công khi ông ta còn giữ chức vụ lãnh đạo.

Ví dụ về một số các trường hợp bị bức hại xảy ra trong thời gian Hứa Văn Hữu tại vị:

Tội ác khi Hứa là Trưởng phòng Điều tra Hình sự Công an Tỉnh Liêu Ninh

Khuôn mặt biến dạng vì bị tra tấn, cô Cao Dung Dung bị bắt và bị sát hại

gaorongrong.jpg

Hình ảnh khuôn mặt bị tra tấn đến biến dạng của cô Cao Dung Dung

Cô Cao Dung Dung làm việc tại Học viện Mỹ thuật Lỗ Tấn ở thành phố Thẩm Dương, đã bị kết án lao động cưỡng bức vì đức tin vào Pháp Luân Công.

Vào ngày 7 tháng 5 năm 2004, cô Cao bị lính canh tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn ở Thẩm Dương dùng gậy điện sốc điện trong sáu đến bảy giờ đồng hồ khiến khuôn mặt của cô bị biến dạng nghiêm trọng. Trong khi cô nằm viện, một số học viên đã đến và chụp ảnh khuôn mặt của cô. Câu chuyện của cô đã khiến giới truyền thông quốc tế xôn xao. Cô Cao cũng trốn khỏi bệnh viện và lẩn trốn.

Các thành viên đứng đầu của ĐCSTQ, bao gồm cả cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân và các đồng phạm của ông ta là La Cán và Chu Vĩnh Khang, sợ rằng cô Cao sẽ được đưa ra nước ngoài. Một đội đặc nhiệm đã được thành lập để truy tìm cô. Hứa Văn Hữu, cựu Trưởng phòng Điều tra Hình Công an tỉnh Liêu Ninh, chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc bắt giữ cô Cao. Sau gần sáu tháng, cô Cao đã bị bắt vào sáng sớm ngày 6 tháng 3 năm 2005. Một số học viên đã giúp giải cứu cô cũng bị bắt. Vào ngày 16 tháng 6 năm 2005, cô Cao với khuôn mặt đầy vết sẹo do bị sốc điện bằng dùi cui điện, đã bị sát hại trong trại giam khi mới 37 tuổi.

Tội ác khi Hứa là Giám đốc Công an thành phố Thẩm Dương

1. Bắt giữ hàng loạt trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008

Vào tháng 2 năm 2008 Hứa Văn Hữu được thăng chức làm Giám đốc Công an thành phố Thẩm Dương, ngay trước Thế vận hội Olympic Bắc Kinh. Ông ta cũng kiêm nhiệm các chức vụ khác, chẳng hạn như người đứng đầu Văn phòng Duy trì Ổn định Thẩm Dương và Phó chủ nhiệm Ủy ban Chính trị và Pháp luật.

Trước Thế vận hội, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bắt giữ với lý do “duy trì sự ổn định xã hội”. Hứa đã tổ chức một hội nghị tại Công an thành phố Thẩm Dương để sắp đặt các vụ bắt giữ các học viên. Có hạn ngạch cho các vụ bắt giữ ở mỗi quận.

Trong khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 5 đến ngày 26 tháng 5 năm 2008, cảnh sát tại hơn 10 quận và huyện ở thành phố Thẩm Dương đã bắt giữ các học viên. Chỉ riêng ở quận Đông Lăng, hơn 24 học viên đã bị bắt trong một đêm.

Hơn 100 học viên đã bị bắt và tra tấn trong khoảng thời gian đó tại thành phố Thẩm Dương. Một số bị kết án từ 6 đến 11 năm tù. Hai người đã bị tra tấn đến chết.

Trường hợp 1: Bà Trần Ngọc Mai bị đánh đập tới chết

Vào ngày 3 tháng 7 năm 2008, bà Trần Ngọc Mai ở thành phố Thẩm Dương đã bị cảnh sát đánh đập trong một vụ bắt giữ. Bà bị đánh rất mạnh vào đầu đến mức bất tỉnh. Những nỗ lực để cứu sống bà đều vô ích và bà Trần đã qua đời vào tối hôm sau ngày 4 tháng 7 trong một bệnh viện ở tuổi 48.

Trường hợp 2: Bà Trương Bội Lan bị bức hại đến chết

Bà Trương Bội Lan bị bắt tại nhà vào ngày 24 tháng 5 năm 2008. Bà bị kết án lao động cưỡng bức một năm. Vào ngày 13 tháng 8, sau hai tháng ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, gia đình được thông báo để đưa bà Trương đang hấp hối trở về nhà. Bà đã qua đời vào ngày 7 tháng 10 ở tuổi 60.

Năm 2010, Hứa Văn Hữu được thăng chức làm Phó Chủ tịch thành phố Thẩm Dương vì “thành công” trong việc “duy trì ổn định xã hội”.

2. Vụ án “F321” ở thành phố Thẩm Dương

Vào ngày 20 và 21 tháng 3 năm 2013, 13 học viên đã bị bắt tại một công viên công cộng vì họ đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công. Với tư cách là người đứng đầu Công an thành phố Thẩm Dương, Hứa Văn Hữu đã gọi vụ việc là “Vụ án F321” để được đặc biệt lưu tâm. Một đội đặc nhiệm đã được thành lập tại Trại tạm giam Thẩm Dương để xử lý vụ việc. Tất cả các học viên đều bị tra tấn nghiêm trọng và nhiều người đã bị thương nặng. Bà Triệu Thục Vân bị suy sụp tinh thần; Ông Lưu Chiêm Hải qua đời trong Nhà tù số 1 Thẩm Dương vào ngày 5 tháng 12 năm 2014; và bà Lý Ngọc Bình qua đời vào ngày 24 tháng 1 năm 2015, chỉ hai tháng sau khi bà được trả tự do.

3. Các vụ bắt giữ quy mô lớn trước Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 12 của Trung Quốc

Tuyên bố cần phải “duy trì ổn định xã hội”, Hứa Văn Hữu đã tổ chức một vụ bắt giữ quy mô lớn khác đối với các học viên Pháp Luân Công trước Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 12 ở Trung Quốc.

Vào chiều ngày 23 tháng 8 năm 2013, 12 học viên đã bị bắt tại quận Thẩm Hà. Bốn người trong số họ ngoài 70 tuổi: Bà Bàng Thục Lan, 78 tuổi; Bà Vạn Tú Lan, 74 tuổi; Bà An Tú Anh, 84 tuổi; và bà La Tú Anh, 78 tuổi.

Cô Lý Đông Húc, 45 tuổi, người làm kinh doanh tại Chi nhánh Đông Bắc của Công ty Đường ống dẫn khí và dầu khí Trung Quốc, đã bị bắt vào ngày 11 tháng 11 năm 2013. Trong khi thẩm vấn cô, một cảnh sát đã cởi bỏ quần áo của cô và nhốt cô lại. Ba người trong số họ thậm chí còn đe dọa sẽ dùng gậy điện sốc điện vào bộ phận sinh dục của cô cho đến khi một phó cảnh sát trưởng ngăn họ lại. Mặc dù họ đã trả lại quần áo cho cô nhưng một nhân viên đã liên tục tát cô Lý. Vì bị tra tấn không ngừng, cô Lý đã mất đi sự minh mẫn và luôn trong tình trạng hoang mang. Cô bị cưỡng chế ký vào “bản ghi điều tra” trong lúc mơ hồ.

4. Hơn 30 giáo viên và học sinh tại Trường Sư tử bị bắt

Nhiều giáo viên trong các lớp học văn hóa truyền thống tại Trường Sư tử là học viên Pháp Luân Công. Vào tối ngày 23 tháng 10 năm 2013, cảnh sát đã bắt giữ hơn 30 giáo viên và học sinh trong các lớp học văn hóa truyền thống của trường và giải tán các lớp học, nhiều lớp có hơn 200 học sinh. Bộ Công an và Bộ Giáo dục đã thành lập một “nhóm công tác” với một lực lượng đặc nhiệm hai cấp từ Công an tỉnh Liêu Ninh và Công an Thẩm Dương do Hứa Văn Hữu chỉ huy.

Trong số các giáo viên bị bắt, nhiều giáo viên sau đó đã bị kết án: ông Đổng Trị Vũ (3 năm), ông Vương Nghĩa Dũng (3 năm), ông Quách Bảo Thạch (5 năm), ông Từ Quân Đào (4,5 năm), và ông Trần Tú (3 năm). Dương Tĩnh (tên cũ Vương Lập Thanh) bị giam 13 tháng. Một số phụ huynh của học sinh cũng bị bắt vì họ là học viên Pháp Luân Công.

Anh Ba Quan Nam là một học sinh tại Trường Sư tử. Sau nhiều ngày bị giam giữ và bị cảnh sát đe dọa, anh đã suy sụp và qua đời vào ngày 19 tháng 3 năm 2014 khi mới 18 tuổi.

Ông Đổng Trị Vũ, một giáo viên sinh năm 1976, bị bắt vào ngày 24 tháng 10 năm 2013. Ông bị đưa ra xét xử vào tháng 7 năm 2014 và sau đó bị kết án ba năm tù. Ông bị sốc điện bằng roi điện, bị đánh đập và bị biệt giam.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/30/430057.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/17/195099.html

Đăng ngày 09-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share