Phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[Minh Huệ 23-08-2021] Xử phạt những người vi phạm nhân quyền đã trở thành điều được đồng thuận giữa các quốc gia dân chủ. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Vương quốc Anh và hầu hết 27 quốc gia thành viên EU cũng đã ban hành luật tương tự. Úc và Nhật Bản hiện đang trong quá trình thông qua các luật tương tự.
Theo các luật này, những học viên Pháp Luân Công đã lập danh sách các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công trong vài năm nay. Hàng năm, những học viên này đều đệ trình lên các chính phủ dân chủ một loạt danh sách thủ phạm, từ đó kêu gọi họ trừng phạt những thủ phạm được nêu tên trong danh sách.
Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công ở hơn 30 quốc gia đã đệ trình danh sách các thủ phạm mới nhất liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công lên chính phủ nơi đó, kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với những kẻ vi phạm nhân quyền này, bao gồm cả việc từ chối nhập cảnh vào quốc gia của họ, và đóng băng tài sản của họ ở nước ngoài.
Một trong những người có tên trong danh sách là Tư Lực.
Thông tin về kẻ bức hại
Tên đầy đủ của kẻ hành ác: Tư (họ) Lực (tên) (tiếng Trung: 齐 力)
Giới tính: Nam
Quốc gia: Trung Quốc
Ngày sinh: 21/6/1963
Địa chỉ nhà:
Cộng đồng cư trú Cung Điện Hoàng Gia
Tòa nhà số 5, Khu 2, tầng 8 cửa Đông
Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm
Đơn vị công tác: Lữ Đoàn An ninh Quốc gia thuộc Cục Công An Thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm
Chức vụ:Cảnh sát viên
Hành vi Tội ác:
Tư Lực là thủ phạm của cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiến hành trong nhiều năm. Tội ác của ông ta bao gồm sách nhiễu, bắt giữ, lục soát phi pháp nhà của các học viên, bắt họ đến trại lao động hoặc trung tâm tẩy não, cũng như tra tấn họ. Vì đã phục vụ lâu hơn một số đội trưởng trong Lữ Đoàn An ninh Quốc gia thuộc Cục Công an của thành phố Trường Xuân, ông ta đã tham gia bức hại số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công, gây tổn hại lớn cho chính các học viên và gia đình của họ. Ông ta là một trong những thủ phạm chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc bức hại và gây ra cái chết cho 2 học viên: bà Lý Phụng Cần và bà Thôi Chiêm Vân.
Sau đây là một số trường hợp có sự tham gia của Tư Lực trong cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công. Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Trường hợp 1:
Ngày 11 tháng 10 năm 2005, mười hai học viên đã bị Lữ Đoàn An ninh Quốc gia thuộc Cục Công an Thành phố Trường Xuân bắt giữ. Một trong số những người bị bắt có bà Lý Phụng Cần, đã bị Tư Lực đá vào bẹn một cách tàn bạo. Bà đau đớn nằm liệt trên mặt đất và không thể cử động được. Thịt trên chân bị rã ra [khỏi xương]. Chiều hôm đó, cảnh sát viên của Lữ Đoàn An ninh Quốc gia đã đưa bà Lý vốn đã không còn đi lại được, đến trại tạm giam. Ngày 30 tháng 1 năm 2006, bà Lý Phụng Cần qua đời.
Trường hợp 2:
Chiều ngày 9 tháng 9 năm 2014, bà Thôi Chiêm Vân và một học viên khác đã bị Tư Lực cùng một vài viên chức khác bắt cóc. Ba ngày sau, nói dối rằng sẽ đưa bà về nhà nhưng Tư Lực và Phạm Hồng Khải đã đưa bà Thôi tới trung tâm tẩy não. Tại đây, bà Thôi bị bốn người cưỡng ép truyền thuốc độc. Vào ngày 16 tháng 9 bà Thôi bắt đầu cảm thấy không khỏe và được cho về nhà. Hai tháng sau, vào ngày 3 tháng 11 năm 2004, bà Thôi Chiêm Vân qua đời.
Trường hợp 3:
Ba giờ chiều ngày 15 tháng 11 năm 2010, Tư Lực và một số cảnh sát khác đã đột nhập và khám xét căn hộ của ông Mã Trường Thanh, tịch thu 33.550 Nhân dân tệ và lượng lớn sách Pháp Luân Công. Ông Mã Trường Thanh bị bắt cóc phi pháp đến trại tạm giam, sau đó bị đưa đến Trại Lao động Triều Dương Câu, thành phố Trường Xuân. Tuy nhiên, trại lao động từ chối nhận ông vì tình trạng sức khỏe của ông.
Việc ông Mã bị bắt giữ đã khiến gia đình ông vô cùng kinh hãi. Con gái ông sợ hãi đến mức lên cơn co giật bốn lần ngay sau khi ông bị bắt. Hai ngày sau, cảnh sát trở lại căn hộ của ông Mã và ra lệnh cho vợ ông, bà Mục Xuân Ba ký một văn bản. Bà Mục bối rối và sợ hãi. Bà bị ép phải ký văn bản. Không lâu sau khi cảnh sát rời đi, bà bị xuất huyết não do suy nhược tinh thần, hôn mê hơn 4 tháng và qua đời vào ngày 29 tháng 3 năm 2011.
Trường hợp 4:
Ngày 2 tháng 3 năm 2003, bà Trần Thục Kiệt bị bắt, bị Tư Lực và những người khác tra tấn. Sau đây là lời kể của bà:
“Họ còng tay tôi ra phía sau, rồi bẻ ngoặc tay tôi lên phía trước và kéo căng hết mức. Cơn đau dữ dội khiến tôi tiểu ra quần ba lần. Họ không cho tôi thay đồ.
“Cảnh sát tát vào mặt tôi. Khi bị đau tay thì họ dùng dép để đánh. Họ đá vào ngực và mặt tôi bằng mũi giày da, dùng hai lớp túi ni lông dày trùm lên đầu tôi, làm tôi bị nghẹt thở và bị ngất xỉu. Sau đó, họ dội nước lạnh lên mặt để đánh thức tôi dậy, rồi lại tiếp tục dùng túi ni lông để làm tôi nghẹt thở. Tôi ngất đi thì họ lại dội nước lạnh cho tôi tỉnh lại. Họ cứ liên tục lặp đi lặp lại như thế vô số lần…
Cảm thấy túi ni lông quá mỏng, đích thân Tư Lực đi mua cái khác dày hơn để tra tấn tôi.
“Sau đó, tôi bị còng tay vào một chiếc ghế kim loại trong 25 giờ liên tục mà không được phép ăn ngủ. Trước đó tôi đã tuyệt thực bốn ngày. Bốn người đã tra tấn tôi trong hai ca cùng một lúc. Tư Lực là một trong số họ. Trong khi tôi bị đánh bất tỉnh, Tư Lực đã cưỡng bức lấy dấu vân tay của tôi lên nhiều tài liệu không xác minh.”
Trường hợp 5:
Vào ngày 23 tháng 9 năm 2002, bà Trương Quốc Cần bị bắt cóc đến Lữ đoàn An ninh Quốc Gia. Ngay khi đến nơi, bà Trương đã bị Tư Lưc lao tới đánh đá vào mặt, đầu, lưng và bắp chân. Viên cảnh sát Trại Văn Cách đánh mạnh vào ngực trái của bà Trương bằng dùi cui. Sau đó, Tư Lực giật lấy dùi cui từ Trại Văn Cách và đánh mạnh vào đùi của bà Trương.
Vào ngày hôm sau, Tư Lực và những người khác đưa bà Trương đến trại lao động. Trại lao động từ chối nhận bà vì đùi của bà bị thương nghiêm trọng do bị tra tấn. Năm ngày sau, Tư Lực và những người khác đưa bà đến bệnh viện, ra lệnh cho bác sỹ ngụy tạo kết quả chẩn đoán. Ngày 30 tháng 9, bà Trương bị đưa đến Trại Lao động Nữ Hắc Chủy Tủy.
Trường hợp 6:
Vào tháng 8 năm 2002, ông Dương Chiêm Cửu bị bắt cóc đến Trại giam Thành phố Du Thụ. Khoảng mười giờ tối, Tư Lực và những người khác đã treo người ông Dương theo tư thế hình chữ đại (“上大挂”). Họ đá vào chân ông làm cho cơ thể đung đưa qua lại khiến cho còng tay siết chặt cắt vào da thịt. Ông đã ngất đi. Ông Dương bị kết án oan bảy năm tù và bị tàn tật do bị tra tấn trong tù.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/23/429904.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/10/195002.html
Đăng ngày 06-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.