Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-08-2021] Việc trừng phạt những cá nhân và tổ chức vi phạm nhân quyền đã trở nên phổ biến tại các quốc gia dân chủ. Sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Magnitsky vào năm 2016, Canada, Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu gồm 27 thành viên đã ban hành các luật tương tự. Úc và Nhật Bản cũng đang làm điều này.

Theo các luật này, trong nhiều năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã lập danh sách các thủ phạm liên quan đến cuộc bức hại Pháp Luân Công. Hàng năm, các học viên đã đệ trình một số danh sách lên các chính phủ dân chủ, thúc giục họ trừng phạt những thủ phạm được nêu tên.

Bắt đầu từ ngày 14 tháng 7 năm 2021, các học viên Pháp Luân Công tại hơn 30 quốc gia đang đệ trình danh sách mới nhất về những thủ phạm liên quan đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công lên chính phủ của họ, yêu cầu các biện pháp trừng phạt nhằm vào những đối tượng vi phạm nhân quyền này, trong đó gồm cả việc từ chối cho những người này nhập cảnh vào đất nước của họ và đóng băng tài sản của họ tại nước ngoài.

Một cái tên trong danh sách này là Tống Thiện Vân.

Thông tin của thủ phạm tham gia bức hại

2021-8-21-230356-2--ss.jpg

Tên đầy đủ của thủ phạm: Tống (họ) Thiện Vân (tên) (tiếng Trung: 宋善云)

Giới tính: Nam

Quốc gia: Trung Quốc

Ngày/năm sinh: Tháng 1 năm 1956

Nơi sinh: Trung Quốc

Chức vụ:

Tháng 3 năm 2003 – Năm 2006: Phó Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật của Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Liêu Ninh; Giám đốc Phòng 610 Tỉnh Liêu Ninh

Tháng 6 năm 2015 – Tháng 3 năm 2016: Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Đại Liên

Tháng 5/2013 – Tháng 9/2016: Phó Bí thư kiêm Thường vụ Thành ủy Đại Liên

Các tội ác chính:

Tỉnh Liêu Ninh là một trong những tỉnh mà Pháp Luân Công bị bức hại tàn khốc nhất và là nơi nạn mổ cướp nội tạng sống từ các học viên lần đầu tiên được phơi bày. Tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia khét tiếng, các học viên Pháp Luân Công đã bị giam cầm đã phải hứng chịu sự tra tấn và ngược đãi khủng khiếp không thể tin được.

Để buộc các học viên từ bỏ đức tin của họ, các quan chức của Trại Lao động Mã Tam Gia đã thiết kế và tiến hành hàng chục phương pháp tẩy não và tra tấn. Những phương pháp này sau đó đã được giới thiệu đến các trại lao động và các nhà tù khác trên khắp cả nước.

Theo số liệu thống kê hiện có, từ tháng 10 năm 1999 đến tháng 4 năm 2004, hơn 4.000 học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tại Mã Tam Gia, trong đó [chỉ] hơn 1.300 người là bị giam giữ tại đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Hoạt động mổ cướp nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công lần đầu tiên được phơi bày là diễn ra tại tỉnh Liêu Ninh. Hai nhà máy sản xuất “cơ thể người” lớn nhất ở Trung Quốc đều được đặt tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (những thi thể này được cho là thi thể của các học viên đã bị giết để lấy nội tạng).

Trong quá trình đàn áp, Phòng 610 và Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC), đã phối hợp với nhiều cơ quan chính phủ, văn phòng công an, viện kiểm sát, tòa án và các ban tuyên giáo của tỉnh Liêu Ninh để tạo thành một hệ thống đàn áp toàn diện, từ trên xuống dưới trải từ cấp tỉnh cho đến cấp địa phương. Hệ thống này thi hành toàn diện các chính sách được do Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, đưa ra. Chính Giang là người đã ra lệnh đàn áp: “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, và hủy hoại thân thể [của các học viên Pháp Luân Công]”. Giang còn chỉ thị rằng bất kỳ học viên Pháp Luân Công nào bị tra tấn đến chết trong khi giam cầm đều sẽ được coi là đã tự sát và chính quyền có thể hỏa táng thi thể của họ mà không cần xác minh danh tính.

Tống Thiện Vân từng là Phó Bí thư PLAC Liêu Ninh và là giám đốc Phòng 610 Liêu Ninh trong ba năm, kéo dài từ tháng 3 năm 2003 đến tháng 5 năm 2006. Trong nhiệm kỳ của ông này, 183 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết tại tỉnh Liêu Ninh.

Vào ngày 27 tháng 6 năm 2003, Phòng 610, Ủy ban Chính trị và Pháp luật (PLAC) và Ủy ban Thành phố Phủ Thuận đã cùng thành lập một trung tâm tẩy não (mang tên là Trung tâm Giáo dục Pháp luật Liêu Ninh) để “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Công tại thành phố Phủ Thuận. Tống Thiện Vân đã tham dự và có bài diễn văn chỉ đạo và hướng dẫn cho các nỗ lực tẩy não các học viên.

Vào ngày 7 tháng 9 năm 2005, một hội nghị báo cáo tiến độ bức hại của Phòng 610 đã được tổ chức tại Thẩm Dương. Tại hội nghị này, Tống Thiện Vân đã có một bài diễn văn. Ông Kiều An Sơn, một hiệu trưởng danh dự của Trung tâm Giáo dục Pháp luật Phủ Thuận, đã chia sẻ kinh nghiệm về việc làm thế nào để buộc các học viên Pháp Luân Công từ bỏ đức tin của họ.

Dưới đây là một số trường hợp bức hại xảy ra trong nhiệm kỳ của Tống Thiện Vân.

Cô Cao Dung Dung

Cô Cao Dung Dung bị kết án lao động 3 năm vào ngày 8 tháng 7 năm 2003. Tại Trung tâm Cải huấn Long Sơn ở thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, cô đã bị chích điện vào mặt trong suốt 7 giờ đồng hồ, sau đó khuôn mặt của cô đã bị biến dạng trầm trọng. Vào ngày 5 tháng 10 năm 2004, một số học viên Pháp Luân Công đã giúp cô trốn thoát và công bố những bức ảnh về khuôn mặt bị biến dạng của cô. Để trả đũa, chính quyền đã bắt cô lại vào ngày 6 tháng 3 năm 2005. Cô đã bị bức hại đến chết ba tháng sau đó, ở tuổi 37.

2021-8-21-230356-0--ss.jpg

2021-8-21-230356-1.jpg

Ảnh chụp giấy tờ tùy thân của cô Cao Dung Dung (bên trên) và ảnh cô Cao Dung Dung sau khi bị chích điện (bên dưới)

Ông Cái Xuân Lâm

Vào ngày 17 tháng 4 năm 2005, ông Cái Xuân Lâm, sống tại thành phố Phủ Thuận, đã bị bắt tại nhà và bị đưa đến đồn công an. Năm ngày sau, ông bị chuyển đến “Trung tâm Giáo dục Pháp luật” ở Phủ Thuận. Đến ngày 6 tháng 5, gia đình ông được tin rằng ông đã qua đời vì bệnh tim. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy thực quản và phần dưới cổ họng của ông đã bị bỏng nặng, phần da có thể dùng tay lột ra, phần chóp tim chuyển sang màu trắng do bị bức thực bằng nước sôi. Gia đình ông lập tức nhận ra rằng ông đã bị tra tấn đến chết.

Ông Ấn Bảo Văn

Vào ngày 26 tháng 8 năm 2003, ông Ấn Bảo Văn bị bắt và đưa đến trung tâm tẩy não. Tại đó, ông đã bị lính canh đánh đến mức đại tiện mất tự chủ. Ông đã phải cần những người xung quanh khiêng vào phòng tắm và giúp ông tắm rửa. Ông đã tuyệt thực để phản đối cuộc bức hại và đã bị bức thực.

Ông Cao Đông

Ông Cao Đông, lúc bấy giờ là một kỹ sư 38 tuổi, được sở làm đưa đến bệnh viện tâm thần vào tháng 9 năm 2005. Sau khi bị bức hại trong 13 tháng và rơi vào tình trạng yếu ớt, ông đã bị đưa đến Trung tâm Tẩy não Phủ Thuận. Tại đó, ông bị trói, còng tay và cùm vào giường. Ông đã bị bức thực trong hơn 3 tháng. Ngô Vĩ, giám đốc của lớp tẩy não này, đôi khi đã tự mình tiến hành việc bức thực ông.

2012-7-12-cmh-torture-drawing-03--ss.jpg

Tranh minh họa tra tấn: bị trói vào giường

Một số học viên bị bức hại đến chết

Vào ngày 5 tháng 9 năm 2005, các học viên Pháp Luân Công ở Đại Liên đã chèn sóng truyền hình tại Đại Liên và phát các video về việc ĐCSTQ đã vu khống và bức hại Pháp Luân Công như thế nào.

Hai ngày sau đó, Phòng 610 Liêu Ninh đã ban hành một thông báo khẩn cấp trên toàn tỉnh về “sự cố” này. Vào ngày 12 tháng 9, một cuộc họp khẩn cấp đã được tổ chức bàn về việc làm thế nào để ngăn việc các học viên tiếp cận tín hiệu truyền hình tái diễn. Tống Thiện Vân đã tham dự cuộc họp này và có một bài phát biểu.

Vào ngày 13 tháng 10, các học viên tham gia vào sự kiện chèn sóng đã bị bắt và sau đó bị kết án tù nặng.

Trong đó có: bà Dương Xuân Linh, ông Châu Bản Phú và bà Tôn Kính Mỹ, mỗi người bị kết án 7 năm tù. Bà Tào Ngọc Trân (mẹ chồng của bà Dương Xuân Linh) bị kết án 9 năm tù. Ông Lã Khai Lợi và ông Trương Vĩ bị kết án 10 năm tù. Ông Dương Bản Lượng (chồng của bà Dương Xuân Linh) bị kết án 11 năm tù.

Do bị tra tấn trong tù, bà Dương đã qua đời vào ngày 2 tháng 4 năm 2014. Bà Tôn đã bị bức hại đến chết vào ngày 16 tháng 4 năm 2017. Ông Châu đã qua đời vào ngày 28 tháng 10 năm 2019. Ông Lã đã bị tra tấn đến tàn phế.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/8/27/-429880.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/13/195047.html

Đăng ngày 09-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share