Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Bỉ

[MINH HUỆ 20-07-2021] Cô Thúy Hà từng sinh sống ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc Đại Lục, hiện tại cô đã di cư tới nước Bỉ. Bản thân cô đã trải qua giai đoạn khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu phát động cuộc bức hại đối với Pháp Luân Công. Nhớ lại những ngày tháng đầy kinh hoàng đó, bên tai cô vẫn văng vẳng tiếng hô lớn của các học viên trên Quảng trường Thiên An Môn: “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Giống như vô số học viên khác, cô Thúy Hà đã bị bắt và bị tra tấn dã man. Nhưng cô không hề từ bỏ đức tin của mình. Thay vào đó, cô càng thêm quyết tâm kiên định tu luyện.

292a6dd3c8658a0a9dac98142b4a7b22.jpg

Năm 2016, cô Thúy Hà đã tham gia một cuộc biểu tình ôn hòa trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Bỉ, để phản đối việc ĐCSTQ ngăn cản học viên Pháp Luân Công Vương Trì Văn ra nước ngoài đoàn tụ với con gái

Tu luyện Pháp Luân Công, thân tâm đều vui vẻ

Vào tháng 3 năm 1997, khi đó cô Thúy Hà 47 tuổi, bạn của cô đã chia sẻ với cô về Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công). Vợ chồng cô cùng con gái đã bắt đầu tu luyện. Đại Pháp đã giúp cô minh bạch được con người từ đâu đến, ý nghĩa của sinh mệnh là để phản bổn quy chân. Muốn phản bổn quy chân, cần phải trở thành một người tốt hơn. Từ đó, trong bất kể sự việc gì cô đều đối chiếu với Đại Pháp để ước thúc bản thân. Thông qua học Pháp và luyện công, chỉ sau một thời gian ngắn, chứng đau bụng đã đeo bám hơn 20 năm nay, cùng với nhịp tim nhanh và chứng thoái hóa xương cột sống cổ của cô đều đã biến mất. Cô nói rằng nhiều học viên mà cô biết cũng đã trải qua những cải biến tích cực như vậy. Họ thường xuyên chia sẻ về những trải nghiệm tuyệt vời của trạng thái vô bệnh.

Cô nói rằng sau khi bước vào tu luyện, mỗi ngày cô đều muốn tham gia học Pháp nhóm và luyện công cùng với các học viên khác. Vào đầu năm 1999, các học viên ở Vũ Hán quyết định cùng nhau học Pháp mỗi ngày. Nhóm học Pháp chung có khoảng 20 học viên, tại đây mọi người lần lượt đọc Pháp. “Phòng khách nhà tôi rất rộng và đã trở thành một điểm phân phát các bản ghi âm bài giảng của Sư phụ và cũng là nơi mọi người cùng học cuốn Chuyển Pháp Luân. Lịch của các học viên đều khác nhau, do đó chúng tôi lập ra ba khoảng thời gian khác nhau và các học viên đến nhà tôi để học Pháp theo thời gian phù hợp với mình.

Bị bắt vì khiếu nại lên chính quyền tỉnh Hồ Bắc

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công khai phát động cuộc bức hại đối với Đại Pháp. ĐCSTQ đã sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông, bao gồm cả TV và đài phát thanh để bôi nhọ, vu khống và buộc tội Sư phụ Lý Hồng Chí (nhà sáng lập môn tu luyện) và Đại Pháp. Mọi người ở tất cả các cấp của các tổ chức, xí nghiệp, cơ sở và trường học đều phải nêu rõ lập trường của mình. ĐCSTQ đã tạo ra bầu không khí thù hận đối với các học viên và thực hiện chính sách của cựu lãnh đạo ĐCSTQ là “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” của họ. Những kẻ bức hại đã không từ một thủ đoạn nào, không quan tâm đến thực tế rằng hơn một trăm triệu người sau khi tu luyện Pháp Luân Công đã có được thân tâm khỏe mạnh, luôn nỗ lực làm người tốt hơn nữa.

Vào ngày 19 tháng 7 năm 1999, vào lúc 5 giờ 30 sáng, như mọi ngày, cô Thúy Hà cùng chồng đến điểm luyện công tại công viên Trung Sơn ở Vũ Hán. Các học viên đã ngồi lại và chia sẻ về việc buổi sáng hôm đó phụ đạo viên đã bị cảnh sát bắt tại nhà. Một số học viên quyết định đến Bắc Kinh, trong khi những người khác quyết định đến gặp chính quyền tỉnh Hồ Bắc. Họ không biết rằng cuộc đàn áp và bức hại Pháp Luân Đại Pháp của ĐCSTQ đã bắt đầu được tiến hành công khai.

“Lúc 10 giờ sáng, chúng tôi đến văn phòng của chính quyền tỉnh Hồ Bắc. Vỉa hè, đường phố và các con hẻm đều chật cứng các học viên đến từ khắp nơi trong tỉnh,” cô nhớ lại. “Không có cán bộ nào ra đón chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều lặng lẽ chờ đợi. Đến 5 giờ chiều, các nhân viên cảnh sát vũ trang tới, đưa chúng tôi lên xe buýt tới các địa điểm khác nhau.”

Cùng với hơn 1.000 học viên, cô bị đưa vào hội trường lớn của trường Đại học Truyền hình của tỉnh. Các nhân viên cảnh sát ghi chép thông tin của mọi người, gồm tên, địa chỉ, tình trạng chính trị, công việc, thời điểm họ bắt đầu tu luyện và lý do họ đến văn phòng chính quyền tỉnh. Không ai được phép về nhà cho đến sáng sớm ngày 20 tháng 7.

Sau khi họ về đến nhà, cảnh sát đến lục soát nhà và tịch thu các sách Đại Pháp, thảm tập và các đồ dùng cá nhân khác của cô. Người của Sở Công an Vũ Hán và cảnh sát địa phương La Dũng đã hai lần đưa cô Thúy Hà đi thẩm vấn. Họ gây áp lực buộc cô phải từ bỏ tu luyện Đại Pháp. Cô đã từ chối. Mỗi khi cảnh sát bắt cô đi, họ giam cô cho đến sáng sớm ngày hôm sau. Kể từ đó, mỗi khi đi mua đồ tạp hóa, cô đều bị hàng xóm theo dõi và giám sát. Người hàng xóm lớn tuổi của cô sống ở tầng dưới cùng tòa nhà nói với cô Thúy Hà rằng những người từ đồn cảnh sát đã yêu cầu bà ghi lại những lần cô ra ngoài và trở về và những gì cô mang theo. Nhưng bà ấy nói sẽ không báo cô đi đâu và bà cảnh báo cô phải cẩn thận.

Bị bắt và bị đánh đập vì giương biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn

Vào ngày 30 tháng 12 năm 2000, cô Thúy Hà và các học viên khác quyết định đến Bắc Kinh để nói với thế giới rằng Pháp Luân Đại Pháp hảo. Họ thấy rằng các học viên cần lên tiếng nói lời công đạo cho Sư phụ. Để không bị cảnh sát chặn lại, 5 người trong số họ đã bắt xe buýt đường dài đến ga xe lửa thành phố Hiếu Cảm trước, sau đó đi tàu đến Thiên Tân, sau đó tiếp tục đi taxi. Khi họ đến Bắc Kinh cũng là sáng ngày hôm sau.

“Có rất nhiều xe cảnh sát đỗ xung quanh Quảng trường Thiên An Môn, và có nhiều cảnh sát đang tuần tra ở đây. Cũng có nhiều người đeo băng tay màu đỏ. Cảnh sát mặc đồng phục và thường phục đi quanh quảng trường. Tiếng hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” thỉnh thoảng lại vang lên trên quảng trường rộng lớn. Sau đó, cảnh sát, những người đeo băng tay đỏ và các sĩ quan mặc thường phục xông về phía các học viên Đại Pháp và đánh họ ngã xuống đất, gây ra nhiều náo động,” cô Thúy Hà nói. “Chúng tôi không hề sợ hãi. Ba người chúng tôi nhanh chóng lấy tấm biểu ngữ giấu trong tay áo và mở chúng ra. Chúng tôi đã hô lớn ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo!’ Chúng tôi hy vọng tất cả mọi người có thể nghe thấy tiếng của chúng tôi. Ngay lập tức, chúng tôi đã bị các nhân viên cảnh sát bao vây và kéo lên xe của họ.”

Cô Thúy Hà bị đưa đến đồn cảnh sát Thiên An Môn, nơi có hơn 200 học viên từ khắp Trung Quốc bị giam trong sân. Mọi người đồng thanh đọc “Luận Ngữ” và các bài giảng khác của Sư phụ. Họ không ăn không uống trong suốt thời gian đó. Lúc 5 giờ chiều, họ được đưa lên những chiếc xe công an được che kín và được chuyển đến nhiều nơi khác nhau. Hơn 40 học viên đã được đưa đến Trại tạm giam quận Đông Thành ở Bắc Kinh, nơi nhiều học viên khác cũng đang bị giam giữ. Khảo nghiệm đầu tiên mà cô Thúy Hà và những người khác phải trải qua là đến một căn phòng để báo cáo tên và địa chỉ của họ. Cô nhìn thấy cảnh sát đánh đập tàn nhẫn những học viên không chịu trả lời thông tin. Khuôn mặt của một học viên đã bị sưng to vì bị đánh đập.

Sau đó, họ được đưa vào các phòng giam riêng biệt. Họ cùng nhau học thuộc Pháp. Cô Thúy Hà nói: “Âm thanh học thuộc Pháp chung của chúng tôi đã vang vọng toàn bộ tòa nhà. Ngay sau đó, các lính canh đến và tại mỗi phòng giam họ lại gọi một người mà họ cho là người dẫn đầu và đưa người ấy đi. Một cảnh sát nắm tóc tôi và lôi tôi ra khỏi phòng giam đi tới hành lang. Tôi bị đẩy vào hành lang vì ở đó không ai có thể nhìn thấy họ đang làm gì. Người lính gác đã túm một nắm tóc của tôi. Một vài người trong số họ đã cầm dùi cui và đánh tôi rất dã man. Tôi liên tục nhẩm bài thơ của Sư phụ trong tâm:

“Kiên tu Đại Pháp tâm bất động
Đề cao tầng thứ thị căn bản
Khảo nghiệm diện tiền kiến chân tính
Công thành viên mãn Phật Đạo Thần” (Kiến chân tínhTinh Tấn Yếu Chỉ II)

“Tôi chỉ tập trung vào việc nhẩm bài thơ của Sư phụ, và tôi không cảm thấy đau đớn gì cả.”

“Các lính canh đã nhốt tám người chúng tôi vào một phòng biệt giam, chúng tôi đều bị đánh đập dã man. Tôi không thể nhìn thấy đầu hoặc khuôn mặt của mình trông như thế nào. Một học viên nhờ tôi chạm vào đầu cô ấy. Khi tôi chạm vào da đầu của cô ấy, tôi thấy nó mềm như bọt biển. Đêm đó, tám người chúng tôi nằm thành một vòng tròn với chân chụm vào nhau, sau đó một đồng tu cởi áo khoác của cô ấy và đắp lên chân của mọi người trong khi chúng tôi ngủ.”

Tám ngày sau, cô Thúy Hà bị đưa đến một đồn cảnh sát khác ở Bắc Kinh. Cô bị hỏi lại tên và địa chỉ nhưng cô đã không trả lời. Cô nói: “Ở đó có một vài viên cảnh sát. Một người ở độ tuổi 20 nhặt một vật cứng lên và dùng nó để đập vào mắt tôi. Tôi đột nhiên không nhìn thấy gì nữa. Sau đó, tôi nghe thấy tiếng một viên sĩ quan khác đến gặp tôi. Cậu ấy nắm lấy hai cánh tay tôi và giật chúng về phía sau, chống thẳng vào tường. Đầu tôi bị chúi xuống giữa hai chân, và cậu ấy dùng gậy chọc vào lưng tôi và dọa tôi rằng nếu cậu ấy đánh tôi thì một số bộ phận trên thân thể tôi sẽ bị tàn tật. Khi đó thị lực của tôi đột nhiên hồi phục và tôi đã có thể nhìn thấy một cách rõ ràng.

“Sau khi họ đánh tôi xong, tôi ngồi bệt xuống đất. Một cảnh sát nói hãy dội nước lên người tôi. Lúc đó là tháng 1 và ở Bắc Kinh khi đó trời rất lạnh. Lúc đó, tôi mặc một chiếc áo khoác mùa đông. Đầu tiên họ dội nước lạnh vào cổ áo tôi. Sau đó, họ nghĩ rằng làm vậy quá mất công, liền cắm hai chai nước vào cổ áo của tôi để nước chảy vào. Nước không chỉ làm ướt hết quần áo của tôi mà còn chảy ra khắp sàn nhà. Họ chế nhạo tôi. Để làm nhục tôi, họ nói rằng đệ tử Đại Pháp các người tùy ý tiểu tiện.” Cô nói: “Sau đó, một viên cảnh sát đến giả vờ tử tế và đưa tôi đến một phòng khác. Anh ấy nói điều gì tỏ vẻ thông cảm để lừa tôi. Anh ấy nói sẽ mua vé tàu để đưa tôi về. Ngay khi tôi nói với anh ấy rằng tôi đến từ thành phố Vũ Hán, anh ấy lập tức rời đi.”

Tối hôm đó, người của Văn phòng Liên lạc Vũ Hán ở Bắc Kinh đến đưa cô về văn phòng của họ. Khi cởi bỏ bộ quần áo ướt, cô nhận thấy toàn bộ cơ thể mình đầy những vết bầm tím.

Bị đưa về nhà và bị tẩy não

Tại Văn phòng Liên lạc Vũ Hán ở Bắc Kinh, cô nhìn thấy chồng mình cũng đã bị bắt. Vào ngày 10 tháng 1 năm 2001, cả hai vợ chồng họ đều bị đưa trở lại thành phố Vũ Hán trong tình trạng bị còng tay. Cô bị giam tại trại tạm giam nữ Vũ Hán số 1. Một tháng sau, vì cô không chịu chuyển hóa, người của đồn cảnh sát đã đưa cô tới giam ở một trung tâm tẩy não.

Trong hai tháng bị giam giữ, các học viên bị bắt buộc phải xem những đoạn video đầy những lời dối trá bịa đặt nhằm bôi nhọ Đại Pháp, nhưng không ai trong số họ thừa nhận điều đó. Sau khi “Đại hội lần thứ hai” của ĐCSTQ được tổ chức, cô Thúy Hà đã được trả tự do. Cô đã bị giam giữ tại trại tạm giam và trung tâm tẩy não trong vòng hơn ba tháng. Cô và chồng biết rằng họ sẽ tiếp tục bị theo dõi bởi ủy ban quản lý khu dân cư ở địa phương và cũng sẽ bị cảnh sát địa phương sách nhiễu. Họ biết rằng họ không thể trở về nhà.

Họ đã trốn ở nhiều địa điểm khác nhau. Sau một vài lần, cuối cùng họ đã rời Trung Quốc cùng gia đình của con gái và chuyển đến Bỉ sinh sống. Giờ đây, cô Thúy Hà và chồng có quyền tự do công khai tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và họ thường tham gia các hoạt động để chia sẻ với mọi người về cuộc bức hại.

“Chúng tôi không nhượng bộ trước cuộc đàn áp và bức hại của ĐCSTQ. Thay vào đó, nó khiến chúng tôi càng quyết tâm giữ vững niềm tin và vững bước trên con đường tu luyện của mình.” Quay đầu nhìn lại, cô có rất nhiều điều để chia sẻ.

Ở Bỉ, cô thường cùng các đồng tu tổ chức các hoạt động ở các thành phố khác nhau để vạch trần tội ác bức hại Đại Pháp của ĐCSTQ. Cô muốn mọi người minh bạch Pháp Luân Đại Pháp là gì, tại sao Đại Pháp chỉ có trăm điều lợi và không điều hại, tại sao ĐCSTQ bức hại Đại Pháp, và làm thế nào để giúp các học viên chấm dứt cuộc bức hại.

Hiện nay, 22 năm đã trôi qua. Tiếng hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” trên Quảng trường Thiên An Môn vẫn vang vọng trong tâm trí cô, khích lệ cô tiếp tục nói với mọi người: “Thế giới cần Chân – Thiện – Nhẫn!”

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/20/428379.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/28/194308.html

Đăng ngày 02-10-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share