Bài viết của đệ tử Đại Pháp tỉnh Hắc Long Giang
[MINH HUỆ 18-08-2021] Tôi học bác sỹ, nhưng ở bệnh viện cũ nơi tôi làm không có vị trí công việc khám chữa bệnh. Năm 2012, do kiên trì tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên tôi đã bị bệnh viện đuổi việc. Năm 2017, tôi vào làm việc ở viện dưỡng lão cho đến hiện nay. Vì tôi có bằng bác sỹ, đã từng theo học trường Đại học Y dược cổ truyền Trung Quốc tỉnh Hắc Long Giang trong hai năm, sau đó đi thực tập một năm, nên tôi được thuê vào viện dưỡng lão làm bác sỹ. Tôi cũng nói thật với lãnh đạo ở đây là mình không có kinh nghiệm khám chữa bệnh. Cậu ấy bảo không sao, nói tôi có thể từ từ học hỏi. Năm đó, tôi tròn 47 tuổi.
Mới đầu, tôi đi theo bác sỹ trưởng và những bác sỹ khác đến thăm phòng, chuẩn bị sổ sách, chẩn đoán, xử lý và kê đơn thuốc, ghi chép cẩn thận mọi thứ. Bác sỹ trưởng và hai bác sỹ đi cùng nhỏ tuổi hơn tôi. Tôi nghiêm túc học hỏi, chỗ nào không hiểu thì hỏi lại họ, đôi khi tôi còn thỉnh giáo cả y tá. Lúc rảnh rỗi, tôi đọc sách y hoặc lên mạng tìm hiểu những trường hợp bệnh liên quan. Đồng thời, tôi cũng làm quen với tình huống cá nhân của hơn 100 người già ở đây. Ngoài ra, tôi còn phải làm quen với quy trình công việc ── tiếp nhận người mới, phân loại, thiết lập hồ sơ. Bốn tháng sau, tôi đã có thể làm việc độc lập.
Giữ vững tâm tính, không bắt lỗi người khác
Mới đầu, các y tá hay ăn hiếp người mới, thêm nữa là tôi chưa quen với công việc, nên họ đã cố tình làm khó tôi, không chịu hợp tác với tôi. Ví như, có một ông lão buổi sáng bị sốt, tôi đã kê đơn thuốc cho ông nhưng y tá lại cố tình trì hoãn đến chiều mới đi lấy nó. Một số loại thuốc tiêm tĩnh mạch cần phải kiểm soát tốc độ của ống nhỏ giọt, nhưng y tá lại không chấp hành nghiêm khắc. Thậm chí, họ còn thông đồng với những bác sỹ thân cận để giành phần chi phí chữa trị đáng lẽ thuộc về tôi bỏ vào túi họ (vì trong chi phí chữa trị có tiền hoa hồng). Vả lại, bác sỹ trưởng sợ tôi liên lụy đến cậu ta, nên lúc nào cũng chuẩn bị trước nếu xảy ra vấn đề thì sẽ đẩy trách nhiệm cho tôi để chạy tội. Một số bác sỹ cá biệt thậm chí còn ở đó chờ xem trò cười.
Mới đầu tôi cảm thấy áp lực rất lớn, cũng thấy ngột ngạt, nhưng sau khi bình tĩnh xuống, nghĩ tới mình là người tu luyện nên không thể so đo với người thường. Cho dù họ đối với tôi thế nào, tôi vẫn chân thành thiện đãi họ, không oán hận, và nghiêm túc chịu trách nhiệm làm tốt công việc. Đôi lúc y tá làm chưa đủ tốt, thì tôi chịu khó làm nhiều việc lặt vặt hơn chút. Đối với các ông bà lão bị bệnh, tôi đi thăm khám vài lần trong ngày cũng không thấy phiền.
Trước khi cô y tá hay làm khó tôi nhất chuẩn bị nghỉ việc, hai chúng tôi có làm chung ca với nhau một lần, tôi đã gọi đồ ăn mang đi và mời cô ấy ăn cơm, rồi giảng chân tướng cho cô. Cuối cùng tôi nói: “Tôi nói với cô cái này, hy vọng cô có thể bình an trong tương lai.” Cô ấy rất cảm động, sẵn lòng làm tam thoái, cô đã nói cảm ơn tôi ba lần. Còn có một nữ bác sỹ, khi hai chúng tôi làm chung ca với nhau, một bác lớn tuổi nằm liệt giường bảo đau chân, cô ấy đã qua xem thử và bảo là không sao. Vì tôi là người trực chính ngày hôm đó, nên tôi đã khám cẩn thận cho bác ấy. Tôi phát hiện ra khớp cổ chân trái của ông không giống như bình thường, hóa ra là ông bị gãy xương. Tôi lập tức chữa trị cho ông. Tôi cũng không kể cho ai nghe về chuyện này. Cũng nhiều lần xảy ra tình huống bác sỹ chẩn đoán thiếu sót như thế, nhưng sau khi phát hiện ra, tôi chỉ lặng lẽ bù đắp thiếu sót giúp họ.
Lâu dần, mọi người đều đã thay đổi thái độ đối với tôi. Cô y tá trực ban với tôi, trước đây còn hay nói xấu sau lưng và không muốn làm chung ca với tôi, bây giờ cô ấy lại nói: “Tôi đã theo bác sỹ nào trực ban, thì tôi sẽ không đi theo người nào khác.” Hai vị bác sỹ khác cũng thấy kính trọng tôi, nhưng đôi lúc hai người họ vẫn còn làm việc lấy lệ, chứ chưa tận tâm mà làm. Một hôm, bác sỹ trưởng nói chuyện với tôi: “Có người nói xấu chị trước mặt viện trưởng, ông ấy bảo tôi đuổi việc chị. Tôi bèn nói với viện trưởng, nếu ông ấy muốn đuổi việc chị thì hãy đuổi việc tôi trước. Tôi bảo chị làm việc rất nghiêm chỉnh.”
Mọi việc đều dùng Chân-Thiện-Nhẫn chỉ đạo hành vi của mình
Bác sỹ truyền dịch tĩnh mạch sẽ được nhận tiền hoa hồng (đây là một hiện tượng khá phổ biến ở Trung Quốc Đại lục). Do vậy, mỗi khi người già bị bệnh, bác sỹ trưởng sẽ yêu cầu chúng tôi liên hệ với gia quyến, cố gắng hết mức truyền dịch và kê đơn thuốc có chia tiền hoa hồng. Tôi là người tu Chân-Thiện-Nhẫn nên không thể làm việc hại người lợi mình như thế. Đến ca trực, tôi chỉ truyền dịch khi thật sự cần thiết, và kê đơn thuốc đúng với chứng bệnh. Ví dụ, có một ông lão nằm liệt giường bị viêm phổi, cứ cách vài ngày ông lại bị sốt. Khi bác sỹ khác trực ban, nếu gặp lúc ông bị sốt thì họ sẽ kê đơn thuốc có chia tiền hoa hồng từ nhà sản xuất. Đôi lúc, tuy ông lão đã uống thuốc nhưng mấy ngày vẫn chưa hạ sốt. Đến phiên tôi trực, tôi đã kê đơn thuốc chống viêm loại tốt không có tiền hoa hồng, nên ông lão rất mau bình phục.
Hồi cuối năm nay, ông lão ấy lại bị sốt. Do dịch bệnh hoành hành nên chỉ cần người già bị sốt, thì tất cả xét nghiệm và thuốc men đều phải trình báo cho cấp trên, nói chung rất phiền toái. Những bác sỹ khác trực ban, họ chỉ kê đơn thuốc uống qua đường miệng. Nhưng đến phiên tôi trực ban, cơn sốt của ông vẫn chưa hạ. Tôi đến thăm khám cẩn thận, kết hợp với tiền sử bệnh tật trước đây của ông, tôi phán đoán ông ấy bị tràn dịch màng phổi. Tôi bèn lặng lẽ kê đơn thuốc Furosemide điều trị cho ông vài ngày, sau đó nhờ gia quyến gửi giúp thuốc chống viêm loại tốt, thế là ông lão hạ sốt rất mau. Đến phiên tôi trực ban lần nữa, người hộ lý ở đó vui vẻ nói chuyện với tôi: “Tôi bái phục chị luôn!”
Lâu dần, rất nhiều hộ lý đều tín nhiệm tôi, mỗi khi người già có chuyện gì, họ lại trông ngóng tôi vào ca trực để chữa trị, thậm chí họ hàng của người hộ lý bị ốm cũng tìm đến tôi. Gia quyến của mấy người già ở đây cũng tin tưởng tôi. Khi bác sỹ khác truyền dịch cho người già, đôi lúc gia quyến thấy tốn kém quá nên yêu cầu bác sỹ dừng lại, nhưng khi tôi vừa liên lạc trò chuyện với gia quyến thì họ lại nói: “Bác sỹ cứ tùy theo tình huống, nên dùng thuốc nào cứ dùng, tôi sẽ lập tức chi trả tiền thuốc.”
Tôi biết những điều này đều là nhờ ân trạch của Đại Pháp và lời dạy của Sư phụ, nên mới có hoàn cảnh như hôm nay, và nó cũng đặt nền tảng cho việc giảng chân tướng sau này.
Vứt bỏ tư tâm, thản đãng vị tha
Rất nhiều người già trong viện dưỡng lão qua đời đột ngột, bác sỹ trưởng yêu cầu chúng tôi, bất kể người già có dấu hiệu của sự sống hay không thì đều phải làm cấp cứu; một mặt là kiếm tiền chữa trị, mặt khác là miễn truy cứu trách nhiệm từ gia quyến.
Trong giai đoạn dịch bệnh năm ngoái, bác sỹ trưởng và một tổ bác sỹ nam khác đã làm mấy vụ cấp cứu người chết. Lâu dần, y tá và hộ lý đều có ý kiến, bởi vì nó vô cớ tăng thêm việc làm cho họ, thật khó để hộ lý thay quần áo cho người già, họ đã nói sau lưng bác sỹ trưởng: “Cậu ta kiếm tiền sắp điên rồi!”
Một buổi sáng nọ, tôi và một nữ bác sỹ cùng tổ trực ban, có một ông lão đột ngột qua đời và không còn dấu hiệu của sự sống, nữ đồng nghiệp bảo tôi nói với gia quyến là chúng tôi đã làm cấp cứu nhưng ông lão không qua khỏi. Nếu làm theo lời cô ấy, thì phải có chỉ thị của bác sỹ cấp cứu, ngoài ra còn phải kê khai rất nhiều thuốc men cấp cứu; vả lại, gia quyến phải gánh chịu khoản chi phí không nên có. Tôi là một người tu luyện, không thể vì tư lợi làm trái lương tâm, nên tôi bèn nói: “Cô yên tâm, tôi sẽ nói sự thật với gia quyến, không sao đâu.” Tôi liên lạc với gia quyến của ông, họ chỉ hỏi mấy câu rồi thôi, họ hỏi xem người nhà cần làm những gì, ngoài ra không nói gì thêm.
Còn có một ông lão khác, lúc bình thường cô con gái rất quan tâm đến ông. Một buổi sáng nọ, cha cô đột nhiên qua đời, tôi đã gọi điện thoại báo tin nhưng cô lại tắt máy. Tôi nghĩ vợ của ông cũng lớn tuổi rồi, e rằng bà ấy không thể chịu nổi cú sốc, nên tôi không nói cho bà vợ biết, tôi cũng không làm cấp cứu vô nghĩa. Bác sỹ trưởng biết chuyện, cậu ấy chỉ trích tôi vì sao không làm cấp cứu, rồi bảo tôi phải tự gánh chịu hết thảy hậu quả. Tôi cũng không để tâm chuyện này. Sau 8 giờ, tôi đã gọi được cho cô con gái của ông. Tôi nói sự thật cho cô biết, cô ấy rất bình tĩnh và không có bất cứ lời dị nghị nào.
Lâu dần, bác sỹ trưởng thấy tôi làm việc nghiêm chỉnh, rộng lượng với người khác, nên cậu ấy cũng ngày càng yên tâm và tín nhiệm tôi. Trước đây, cậu ấy vẫn luôn dạy chúng tôi đạo lý xử thế bảo vệ bản thân và đùn đẩy trách nhiệm, nhưng bây giờ cậu ấy không còn nhắc tới những chuyện đó trước mặt tôi nữa. Vả lại, tôi không bao giờ tranh giành lợi ích, tiền lương hoa hồng đều do bác sỹ trưởng thống kê báo cáo lên trên, cậu ấy cũng chưa từng công khai mình thống kê thế nào. Tiền hoa hồng của tôi rất ít, nhưng tôi không bao giờ đòi hỏi, cho bao nhiêu tôi nhận bấy nhiêu. Năm ngoái, tà đảng phát động chiến dịch “Xóa sổ”, nhân viên khu phố tìm đến tôi và tôi đã giảng chân tướng cho họ. Vì tôi từ chối ký tên, lo rằng họ sẽ đến đơn vị quấy nhiễu, ảnh hưởng chúng sinh ở đó được cứu (rất nhiều người trong họ đã làm tam thoái rồi), nên tôi đã đề nghị bác sỹ trưởng cho mình nghỉ việc. Cậu ấy biết tôi tu luyện Đại Pháp, thuyết phục tôi ở lại làm, cuối cùng cậu ấy nói: “Tôi sẽ yêu cầu viện dưỡng lão tăng lương cho chị. Chị hãy ở lại đây giúp tôi nhé, chị đừng nghỉ có được không?” Tôi đành ở lại và nhận tăng lương, bởi vì tôi đã làm việc ở đây bốn năm, chiểu theo lý cũng nên được tăng lương. Về sau, nhân viên khu phố cũng không tới tìm tôi nữa.
Không quên sứ mệnh, cứu độ chúng sinh
Bốn năm nay, tôi đã giảng chân tướng cho phần lớn nhân viên hộ lý ở đây, tặng họ lịch chân tướng để bàn. Họ rất thích và để chúng ở trong phòng. Một số hộ lý đối với người già không tốt, một số hộ lý còn kê đơn thuốc cho người già này rồi bán lại cho người khác v.v. Tôi đã vứt bỏ tâm ưa thích và không thích của mình, nhất thị đồng nhân, đều giảng chân tướng cho họ. Tôi phát hiện những người đã nghe chân tướng đều biết tiết chế hành vi bất hảo của mình.
Tôi cũng giảng chân tướng cho những người già có thần chí thanh tỉnh. Trong viện có một bà lão là giáo sư đại học, mắc chứng Alzheimer không quá nặng. Vừa gặp mặt tôi, bà liền giở giọng trịch thượng và khách sáo. Nghe nói bà ấy đã từng tu luyện Đại Pháp. Một hôm tôi đến phòng bà, tôi bèn hỏi: “Bà có biết Pháp Luân Công không?” Bà sững lại và không trả lời tôi. Tôi nói tiếp: “Mỗi khi rảnh rỗi, bà hãy niệm ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo’ cho nhiều sẽ giúp tâm tình thoải mái.” Bà gật đầu nói là bà biết rồi. Tôi lại hỏi bà: “Bà có phải là Đảng viên không?” Bà ấy nói phải. Tôi nói: “Vậy bà thoái Đảng đi! Đảng cộng sản làm quá nhiều việc xấu, bây giờ ông Trời phải diệt nó, cháu lấy hóa danh giúp bà thoái Đảng có được không?” Bà ấy nghiêm túc trả lời: “Được!”
Sau này, tôi đến phòng thăm bà lần nữa, bà không còn giở giọng trịch thượng và khách sáo, mà chỉ ngồi yên tĩnh ở đó.
Những nhân viên chăm sóc y tế mà tôi thường hay tiếp xúc, về cơ bản tôi đều đã giảng chân tướng Đại Pháp và khuyên họ làm “tam thoái”. Cũng còn vài người chưa chịu tam thoái, nhưng họ đều thừa nhận đệ tử Đại Pháp là người tốt.
Gần đây khi tĩnh tâm học Pháp và đọc bài chia sẻ trên Minh Huệ Net, tôi khá chú ý về phản ánh của “tư” và “ngã” trong ngôn hành của mình. Tôi nhận ra tu luyện chính là hướng nội tìm vô điều kiện, buông bỏ tự ngã. Rất nhiều khi, những thứ chúng ta kiên trì đều là nhân tâm, quan niệm, thói quen, là “cái tôi”. “Cái tôi” này thậm chí còn khó vứt bỏ hơn mấy thứ lợi ích vật chất và tình cảm thân quyến kia. Tôi phải tăng cường học Pháp, dẹp bỏ chướng ngại trên con đường tu luyện, làm ba việc tốt hơn nữa.
Đệ tử cảm tạ Sư phụ từ bi vĩ đại!
Cảm ơn các bạn đồng tu!
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/8/18/在從醫過程中證實法-429601.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/9/12/195038.html
Đăng ngày 20-09-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.