Bài viết của Elaine, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 13-08-2021] Quý độc giả hãy thử tưởng tượng về khung cảnh Lễ Giáng Sinh với hơn 1.000 trẻ em tham gia. Các bạn nhỏ vui đùa náo nhiệt, chạy vòng quanh, nói chuyện rôm rả; một vài bạn nhỏ còn đang tranh luận với nhau… Bên cạnh các em là hơn 200 tình nguyện viên, phụ huynh và thầy cô đang tất bật giữ cho mọi việc diễn ra một cách trật tự, nhưng không hiệu quả cho lắm.

Vậy thì có tuyệt chiêu nào khiến cho các em ổn định lại? Ngay lúc này, mọi người nghe thấy một giọng nam trong trẻo âm vang phát ra từ chiếc loa: “Duỗi”… “Thả lỏng”… Trong nháy mắt, các bạn nhỏ đều im lặng dõi theo động tác “duỗi” và “thả lỏng” của cô gái đang đứng trên sân khấu. Các bạn nhỏ vô cùng tập trung và hào hứng.

Đây là khung cảnh diễn ra trong mùa Giáng Sinh năm 2019 ở Rwanda, châu Phi. Sau sự việc đó, toàn bộ thầy cô, phụ huynh và tình nguyện viên đều chạy đến nói với cô gái: “Đây là thời khắc đẹp nhất hôm nay!” Cô gái đó tên là Lily, là học viên Pháp Luân Công đang sống ở Kenya. Tuyệt chiêu mà cô đã giúp cho 1.000 bạn nhỏ ổn định vào hôm đó là bài công pháp thứ nhất của Pháp Luân Đại Pháp – ”Phật Triển Thiên Thủ pháp”.

2021-8-12-rwanda-falun-gong-cultivation_01--ss.jpg
Ảnh 1: Lễ Giáng Sinh ở Rwanda năm 2019. Cô Lily, học viên Pháp Luân Đại Pháp đang biểu diễn Bài công pháp thứ nhất.

Câu chuyện của cô Lily

Cô Lily sinh ra ở Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô sang Hà Lan du học và gặp chồng mình ở đó. Chồng cô là một người Hà Lan thiện lương. Thời đó, hai vợ chồng sinh sống ở Hà Lan. Về sau, cô làm việc cho Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc và được điều đi công tác ở Kenya. Gia đình bốn người của cô Lily, bao gồm hai vợ chồng và hai người con một trai một gái, hiện đang sinh sống ở thủ đô Nairobi của Kenya.

Năm 2015, cô Lily gặp phải một bước ngoặt trong cuộc đời. Lúc đó, cô Lily đối diện với áp lực rất lớn trong công việc. Nhân viên của Liên Hợp Quốc đến từ khắp nơi trên thế giới, giữa đồng nghiệp với nhau cạnh tranh gay gắt để thăng chức. Đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa sự nghiệp và kỳ vọng của bản thân, cũng như khao khát thành công, cô Lily cảm thấy không thể tự mình giải thoát khỏi khó khăn. Cô bắt đầu xuất hiện những triệu chứng như trầm cảm, chóng mặt, cùng các chứng bệnh về thận và gan. Thân thể suy sụp, cô Lily đành xin nghỉ phép dài hạn, trở về Việt Nam dưỡng sức.

Mẹ của cô Lily tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trước đây, bà đã từng giới thiệu môn công pháp này cho con gái, nhưng lần nào cô cũng viện cớ bận việc và không có thời gian để từ chối. Lần này, sau khi về nhà, mẹ cô đã bật băng hình hướng dẫn luyện công cho cô xem. Cô Lily không muốn làm mẹ mất hứng nên đã miễn cưỡng xem băng hình. Sau khi xem hết một lượt, trong lúc không hay biết, cô mới phát hiện nội tâm mình đã trở nên an tĩnh chưa từng có, thân thể nóng lên, toàn thân giống như có luồng nhiệt đang lưu chuyển. Lần này, cô Lily đã không bỏ lỡ, và chính thức bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Trước khi luyện công, do gan không khỏe nên cô đã từng làm qua xét nghiệm, phát hiện bên trong gan có năm chỗ tổn thương. Bác sỹ nghi là cô bị ung thư gan. Năm ngày sau khi luyện công, cô đi chụp ảnh NMR, kết quả lần này cho thấy là u nang lành tính. Điều này đã giúp cô an tâm quay lại Kenya tiếp tục làm việc.

Trong mấy tháng tiếp theo, do thời gian làm việc bận rộn, hàng ngày cô Lily chỉ có thể luyện công trong vòng 45 phút. Lúc đó, cô vẫn chưa bắt đầu đọc sách “Chuyển Pháp Luân”, mà chỉ xem băng hình giảng Pháp của Sư phụ Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập Pháp Luân Công) mỗi tháng một lần. Không biết từ lúc nào, những căn bệnh trước đây, bao gồm bệnh gan, đau dạ dày, đau ngực, hen suyễn v.v. đều không cánh mà bay. Cơn ho trường kỳ, thỉnh thoảng có triệu chứng ho ra máu cũng khỏi hẳn.

Cô Lily rất ấn tượng với pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp, cô đã áp dụng vào cuộc sống của mình. Thời còn nhỏ ở Việt Nam, cô thường hay bị cha và chú đánh đập la mắng, chịu khổ không ít. Những kí ức này khiến cô dưỡng thành tính khí nóng nảy. Cô dễ nổi nóng trong gia đình và trong công tác. Công việc của cô ở Liên Hợp Quốc là nhân viên huấn luyện của Chương trình Nhân cư Liên Hợp Quốc. Những người tham dự lớp huấn luyện đến từ khắp nơi trên thế giới. Trước đây, cô không thể nhẫn chịu việc người khác phạm lỗi. Có lẽ sai phạm một lần còn có thể tha thứ, nhưng nếu tái phạm sau khi đã nhắc nhở thì cô sẽ nổi cáu. Ở nhà, cô cũng thường hay nổi nóng với mẹ, chồng, con và cô giúp việc; ngày nào cũng la lối. Sau khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cô nhận ra tính khí nóng nảy của mình có thể làm tổn thương người khác, cho nên cô bắt đầu khống chế bản thân và cố gắng không tức giận.

Năm 2020, cô có cơ hội tham gia Hội giao lưu tâm đắc thể hội tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tổ chức ở Đài Loan. Biểu hiện của các đồng tu Đài Loan giúp cô nhìn thấy sai kém của bản thân. Lần đó, cô vội vã tới hội trường, tuy trễ 1 tiếng đồng hồ, nhưng đồng tu Đài Loan vẫn nhiệt tình chu đáo, nét mặt nhã nhặn đón tiếp cô. Điều này giúp cô bắt đầu nhìn lại chính mình, từ đó hạ quyết tâm thay đổi thái độ cư xử với mọi người. Hiện giờ, cô đối đãi với người nhà, đặc biệt là chồng mình, không còn hở tí là tức giận nữa. Trong công việc, cô học cách suy xét từ góc độ của người khác. Cuộc sống ở Kenya gần gũi với thiên nhiên, tính cách của con người nơi đây không có cảm giác vội vã gấp gáp, cho nên mọi người làm việc với nhịp điệu vừa phải. Hiện nay, cô càng thấu hiểu hơn về nhịp sống của mọi người, cô cũng nghĩ cách giúp đỡ họ như một người bạn, chứ không phải như một nhân viên huấn luyện.

Không chỉ như vậy, cùng lúc bản thân cô nhận được lợi ích, thì cô cũng bắt đầu giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho những người xung quanh mình. Như vậy mới có khung cảnh mở đầu dẫn dắt hơn 1 nghìn bạn nhỏ luyện công trong dịp Lễ Giáng Sinh năm 2019.

Câu chuyện của cậu bé Michel

2021-8-12-rwanda-falun-gong-cultivation_02--ss.jpg
Ảnh 2: Gia đình của cô Lily (từ trái sang: cô Lily, con trai Michel, con gái và chồng)

Cậu bé Michel là con trai của cô Lily, năm nay vừa tròn 14 tuổi. Cậu mới bắt đầu tu luyện vào tháng 2 năm nay. Tuy tuổi còn nhỏ, vừa mới bước vào tu luyện, nhưng cậu lại hết sức tinh tấn. Hàng ngày đều dậy sớm luyện công và đọc một bài giảng trong sách “Chuyển Pháp Luân”. Cậu chia sẻ hiện giờ việc học của mình trở nên rất nhẹ nhàng, ngày nào cũng tràn đầy tinh lực.

Trước đây, cậu thường hay chơi trò chơi điện tử, ngày nào cũng chơi đến khuya. Lúc học trực tuyến ở trường năm lớp 8, do ham mê chơi điện tử, nên cậu ấy đã không làm bài tập ở trường. Do ngày nào cũng tốn rất nhiều thời gian để chơi điện tử, nên cậu ấy không muốn bước chân ra khỏi nhà, ngay cả các môn thể thao mà mình yêu thích cũng không muốn chơi. Nhưng sau khi tu luyện, cậu ấy không chơi điện tử nữa. Cậu nghĩ chơi điện tử sẽ bị nghiện, nó cũng không tốt giống như hút thuốc, cho nên cậu không chơi nữa.

Cậu bé cũng bắt đầu dạy các bạn học luyện công. Một người bạn cùng chơi điện tử với Michel trước đây đã bắt đầu bước vào tu luyện, mỗi lần hai người đến chơi nhà của nhau, hai người sẽ cùng nhau luyện công và cùng nhau đọc sách “Chuyển Pháp Luân”.

Michel cố gắng chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn yêu cầu bản thân; trở nên thiện lương và hiểu chuyện trong nhà hơn. Ở trong nhà có cô giúp việc cho gia đình từ hồi Michel mới tròn một tuổi. Sau khi lớn lên, cậu hay gây sự với cô giúp việc về vấn đề thức ăn, do cậu thường xuyên ăn vặt ngoài các bữa ăn. Bây giờ đã tu luyện rồi, cậu cũng cố gắng không ăn vặt nữa. Nếu cô giúp việc nổi giận khi thấy cậu ăn vặt, thì cậu sẽ nói lời xin lỗi với cô ấy. Trước khi tu luyện, Michel thường hay tranh luận với cha mình. Hầu như bất cứ chủ đề nào cũng có thể trở thành nội dung tranh luận, ví như ăn cơm khi nào, dùng chén dĩa hay dụng cụ nào, kế hoạch tương lai của mình v.v. Cậu chia sẻ, kể từ sau khi tu luyện, cha và cậu không còn tranh luận nữa, bởi vì để phát sinh tranh luận thì cần phải có hai người. Hiện nay, Michel đã học được Nhẫn nên không còn ai tranh luận với cha nữa.

Câu chuyện của cô Phaustine

2021-8-12-rwanda-falun-gong-cultivation_03--ss.jpg
Ảnh 3: Cô Phaustine tu luyện Pháp Luân Công đã được 3 năm

Cô Phaustine là người Kenya, năm nay tròn 36 tuổi. Cô là người giúp việc cho gia đình cô Lily. Cô đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 3 năm.

Ban đầu, mẹ của cô Lily tặng cho cô Phaustine một đóa sen nhỏ có viết dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo”. Cô Phaustine đưa đóa sen cho con gái nhỏ của mình -cô bé Rebecca. Cô bé rất thích nó, và cũng rất vui mừng. Rebecca là một đứa trẻ thân thể gầy gò nhiều bệnh tật. Ngày thứ hai sau khi đến nhà cô Lily giúp việc, bé Rebecca bị ốm, nên cô Phaustine đành phải xin nghỉ làm. Ba tháng sau khi cô Phaustine tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, cô ấy tình cờ phát hiện con gái mình cũng không bị bệnh nữa, mọi người trong nhà cô cũng chung sống khỏe mạnh, hòa thuận như ý. Cô ấy bắt đầu tin vào câu chuyện “một người luyện công, cả nhà thụ ích” mà cô Lily từng kể với mình.

2021-8-12-rwanda-falun-gong-cultivation_04--ss.jpg
Ảnh 4: Con gái Rebecca của cô Phaustine

Cô Phaustine nghĩ lợi ích lớn nhất thu được từ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp chính là thay đổi tâm thái bản thân. Cô không còn phải nặng lòng, cả ngày lo lắng bất an như trước đây nữa. Mới đây, cô đã thua lỗ một khoản đầu tư lớn. Nếu là trước đây, thì tâm tình cô ấy sẽ nặng trĩu trong thời gian dài, không thể tự vực dậy nổi. Nhưng lần này, cô đã học được cách kiểm soát cảm xúc của mình. Cô tự nói với bản thân lo lắng và sầu não không giúp được gì, mình cần xem nhẹ nó, cho nên cô cảm thấy rất lạc quan. Bây giờ, cô ấy đã biết làm thế nào để đối diện với các loại khó khăn, tràn ngập tín tâm vào con đường tương lai ở phía trước.

Câu chuyện của cậu bé Kamran

Cậu bé Kamran là một bạn nhỏ người Kenya, năm nay vừa tròn 10 tuổi. Cậu là người Kenya gốc Ấn. Nhà cậu là hàng xóm của gia đình cô Lily.

2021-8-12-rwanda-falun-gong-cultivation_05--ss.jpg
Ảnh 5: Mẹ của Kamran đang luyện bài công pháp thứ hai của Pháp Luân Công – Pháp Luân Trang pháp

Một năm trước, vị trưởng bối trong nhà Kamran qua đời, khiến cho người nhà vô cùng đau lòng; đặc biệt là mẹ của Kamran ngày nào cũng mất ngủ vào ban đêm. Cô Lily và con trai Michel sang thăm gia đình, giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho nhà họ và dạy họ ngồi đả tọa. Hàng tuần, mọi người cùng nhau luyện công vài lần, như vậy tình trạng của gia đình Kamran cũng có chuyển biến tích cực rõ rệt.

Hai tuần sau khi luyện công, mẹ của Kamran ngạc nhiên phát hiện, hóa ra người thay đổi nhiều nhất chính là bé Kamran! Cậu bé mắc bệnh tim từ nhỏ, do hô hấp khó khăn nên cậu không thể đi đứng bình thường, vận động một tí sẽ khiến cậu hụt hơi. Nếu đi bộ một đoạn, thì cậu bé phải dừng lại nghỉ ngơi vài lần. Ngoài ra, thân thể cậu bé thường hay bị lạnh. Thế nhưng, chỉ làm vài động tác luyện công theo người lớn, sức khỏe của Kamran đã có cải thiện rõ rệt sau hai tuần. Mẹ của Kamran chia sẻ thân thể cậu bé cũng trở nên ấm hơn. Kamran cảm thấy thân người mình phát nhiệt. Ngoài ra, cậu bé cũng không cảm thấy mệt như trước nữa, thân thể đã có sức lực. Khi được hỏi cảm thấy thế nào về Pháp Luân Đại Pháp, cậu bé mắc cỡ cười nói: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Cả nhà Kamran cảm ơn Pháp Luân Đại Pháp đã mang đến kỳ tích cho họ.

Lời kết

Kể từ năm 1992, Pháp Luân Đại Pháp được truyền ra ở Trường Xuân, Trung Quốc; đến nay đã phổ truyền đến từng ngõ ngách trên khắp thế giới, bao gồm cả vùng đất này ở châu Phi. Các học viên Pháp Luân Công cùng lúc thân tâm thụ ích, họ cũng đưa vẻ đẹp của Đại Pháp đến với những người hữu duyên xung quanh mình, để cho Đại Pháp ban ân khắp nơi.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/8/13/429528.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/8/15/194621.html

Đăng ngày 20-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share