Bài viết của Nhất Hồi, một học viên Pháp Luân Đại Pháp
[MINH HUỆ 18-05-2021] Tôi muốn chia sẻ với các học viên về thể ngộ của bản thân đối với vấn đề tâm oán hận và tâm bất tĩnh.
Tâm oán hận
Tôi cảm thấy tâm oán hận của bản thân rất dễ nhận diện nhưng lại thật khó để tu khứ. Tôi thường cảm thấy tức giận và oán hận. Đôi khi, những sự việc trong quá khứ đã trôi qua nhưng vẫn khiến tâm trí tôi tràn ngập sự oán hận. Tôi thậm chí còn muốn trả thù khi có suy nghĩ như vậy.
Khi tâm oán hận biểu hiện xuất lai, tôi cảm thấy rất khó chịu. Tôi đã cố gắng tu bỏ nó trong nhiều năm, nhưng vẫn chưa thành công. Tôi biết mình cần đối đãi nghiêm túc với chấp trước này. Một số học viên thậm chí đã qua đời vì tâm oán hận.
Căn nguyên của tâm oán hận là do vật chất tình cấu thành, do đó chúng ta là người tu luyện thì tất yếu phải tu bỏ nó đi.
Nó tồn tại trên thân chúng ta như thế nào? Nó bắt nguồn từ những tư tưởng vị tư vị ngã của mỗi người. Con người đều muốn duy hộ quan niệm của bản thân và sẽ oán hận bất kỳ ai động chạm tới những quan niệm đó. Những quan niệm này gắn liền với đủ loại chấp trước. Nó có thể là chấp trước vào danh, lợi, tình, v.v…
Khi chúng ta không ngừng phát sinh những niệm đầu oán hận, thì khẳng định là chúng ta đang bảo vệ một quan niệm nào đó. Tôi thường thù ghét những người đã ức hiếp tôi trong quá khứ. Bây giờ khi có ai đó ức hiếp tôi, tôi trở nên tức giận và sau đó sẽ cảm thấy hận thù. Bằng cách đó, tôi đang không cho phép mọi người đối xử không tốt với tôi.
Sư phụ giảng:
“Đã làm người luyện công thì trước hết phải làm được ‘đả bất hoàn thủ, mạ bất hoàn khẩu’, phải Nhẫn. Nếu không, thì chư vị là người luyện công [loại] gì vậy?” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã tu luyện nhiều năm như vậy, nhưng vẫn không thể ngăn bản thân phát sinh tâm oán hận.
Tại sao tôi không thể tu bỏ tâm oán hận? Đó là bởi vì tôi không muốn nhẫn chịu bất cứ điều gì đang xảy ra. Khi mọi người ức hiếp tôi, tôi trở nên tức giận và nghĩ: “Tôi không thể chấp nhận chuyện này cho dù tôi là một người tu luyện”.
Gần đây, khi tôi gặp phải loại rắc rối này, tôi nhớ lại lời Sư phụ đã giảng:
“Chân Thiện Nhẫn là Pháp!” (Nhẫn vô khả Nhẫn, Tinh tấn yếu chỉ II)
Tôi chợt nhận ra rằng sau ngần ấy năm tu luyện, tôi chưa bao giờ hoàn toàn tin rằng Chân-Thiện-Nhẫn là Pháp. Mặc dù tôi học Pháp mỗi ngày, nhưng nội tâm tôi đã không chân chính nghiêm túc chiểu theo Pháp mà thực hiện. Tôi có thể tuân theo luật giao thông, nhưng lại không tuân theo Đại Pháp – bộ Pháp lý của vũ trụ.
Nhận thức được điểm này, tôi chân thành tin tưởng: Chân- Thiện- Nhẫn là Đại Pháp của vũ trụ, và tôi phải nghiêm khắc yêu cầu bản thân tuân thủ. Tôi phải làm được nhẫn khi phát sinh xung đột, bất kể đối phương đúng hay sai. Không nhẫn là đang đi ngược lại Pháp lý của vũ trụ; khiến bản thân tổn đức, và đắc nghiệp lực.
Tôi tự nhủ mình không nên quản ai đúng ai sai trong một cuộc xung đột. Tôi chỉ cần đặt tâm vào việc chiểu theo Pháp.
Trước đây, tôi luôn chú trọng vào lỗi của người khác. Tôi càng phán xét mọi người theo cách này, thì tôi càng trở nên giận dữ và thấy họ càng không thuận mắt. Hiện tôi đã thay đổi. Tôi cảm thấy con người thật đáng thương, họ gây ra những sai lầm là bởi họ đã bị mê lạc nơi trần thế này.
Cuối cùng thì tâm oán hận chất cao như ngọn núi này đã ở bên dưới chân tôi.
Tâm bất tĩnh
Đôi khi tôi không thể tĩnh hạ tâm xuống vì tâm chấp trước quá cường thịnh hoặc khi tôi đang gặp phải một vấn đề khó khăn nào đó. Trường hợp này thì cũng dễ hiểu. Nhưng đôi khi, ngay cả khi không có chuyện gì xảy ra, tôi vẫn không thể tĩnh tâm để tiếp thụ Pháp trong khi đọc các sách Đại Pháp.
Tại sao tôi không thể tĩnh tâm? Một lý do chính là tâm tự mãn. Tâm trí tôi thích phiêu phiêu ở xung quanh. Vì vậy, việc học Pháp của tôi cũng giống như cưỡi ngựa xem hoa. Tôi chỉ lướt qua cuốn sách một cách nhanh chóng mà không thu hoạch được gì.
Tôi đặt ra hai câu hỏi cho bản thân.
Thứ nhất, tôi đã tu thành Thần hay Phật chưa? Câu trả lời là chưa. Vậy thì làm sao tôi có thể nghĩ rằng tôi tu luyện tốt?
Thứ hai, tôi có còn cảm thấy giận dữ khi gặp phải những sự việc không vừa ý không? Có. Tôi vẫn còn tức giận. Một học viên tu tốt cần có nội tâm bình hoà và không sinh oán giận. Tại sao tôi cho rằng mình tu tốt trong khi hành vi của bản thân cho thấy tôi đang hành xử sai kém như vậy?
Thanh âm gõ cá gỗ (một nhạc cụ gõ của Phật giáo) trong âm nhạc luyện tĩnh công thực sự đang gõ vào cái đầu ngốc nghếch của tôi.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/5/18/425242.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/4/193526.html
Đăng ngày 02-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.