Bài viết của Anh Tử, phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 25-07-2021] Kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999, ĐCSTQ đã liên tục bức hại các học viên Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Nhân dịp kỷ niệm 22 năm phản bức hại ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công, giới chức chính phủ trên khắp thế giới, cùng nhiều tổ chức phi chính phủ đã ban hành các tuyên bố thúc giục ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại và trả tự do cho các học viên bị giam giữ. Họ cũng kêu gọi các thủ phạm đàn áp phải chịu trách nhiệm, đồng thời ca ngợi các học viên vì những nỗ lực ôn hòa và sự kiên trì của họ.

cb2d3f9eb296da13aa38eda5a2187dfc.jpg
Lễ thắp nến của các học viên Pháp Luân Công bên Đài tưởng niệm Washington vào ngày 16 tháng 7 năm 2021

IPAC: Hãy đứng dậy và lên tiếng

Ngày 19 tháng 7 năm 2021, Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), một nhóm gồm hàng trăm nghị sĩ từ 20 quốc gia dân chủ, đã ra tuyên bố lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ.

Tuyên bố viết: “Hai mươi hai năm trước, ĐCSTQ đã bắt đầu một chiến dịch bức hại các học viên Pháp Luân Công. Hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù trong hơn hai thập kỷ qua, tại đây nhiều người phải chịu những phương thức tra tấn khắc nghiệt nhất. Đặc biệt đáng quan ngại nhất là các báo cáo về vấn nạn cưỡng bức mổ cướp nội tạng các học viên Pháp Luân Công và tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Phân tích được thực hiện bởi Tòa án Độc lập về Trung Quốc đã kết luận rằng, những hoạt động như vậy từ lâu đã được thực hiện trên quy mô rộng, được nhà nước bảo trợ và có hệ thống.”

Tuyên bố tiếp tục: “Chúng tôi một lần nữa kêu gọi các chính phủ của chúng ta đứng lên và lên tiếng để chấm dứt tình trạng đàn áp như vậy. Các quốc gia dân chủ phải thực hiện các hành động nhằm ngăn chặn nạn buôn bán và sử dụng nội tạng bị thu hoạch cưỡng bức trên toàn cầu. Chính phủ Trung Quốc phải có trách nhiệm đảm bảo nhân quyền cho toàn bộ người dân ở Trung Quốc.”

IPAC là một liên minh chính trị phi chính phủ của các quốc gia dân chủ được thành lập nhằm kiềm chế ảnh hưởng độc tài của ĐCSTQ trên thế giới. Liên minh được thành lập vào tháng 6 năm 2020, và tính đến nay đã có hơn một trăm chính trị gia cấp cao từ 20 quốc gia tham gia.

Các quan chức dân cử Hoa Kỳ kêu gọi ngay lập tức chấm dứt cuộc đàn áp

Từ Bộ Ngoại giao đến các nhà lập pháp, nhiều quan chức dân cử Hoa Kỳ đã nhắc lại sự ủng hộ của họ đối với Pháp Luân Công. Ông Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhận xét trong cuộc họp báo ngày 19 tháng 7: “Hàng nghìn học viên Pháp Luân Công phải đối mặt với việc giam giữ, sách nhiễu, bị tra tấn và ngược đãi mỗi năm chỉ vì tìm cách được thực hành tín ngưỡng của họ một cách ôn hòa. Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt chiến dịch đàn áp các học viên Pháp Luân Công và trả tự do cho những người bị bỏ tù do đức tin của họ.”

Gần đây, 17 nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ cũng đã ban hành tuyên bố hoặc gửi thư đến các Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp trên khắp Hoa Kỳ. Bà Elise Stefanik, Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa Hạ viện đã đưa ra tuyên bố “nhằm kỷ niệm cuộc tuần hành của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington D.C. đánh dấu 22 năm kiên trì trước cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”

Ngày 20 tháng 7, ông Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã ban hành tuyên bố: “Không ai nên phải đối mặt với nhà tù, tra tấn hoặc tệ hơn, chỉ vì các hoạt động tôn giáo mà họ đã chọn. Trung Quốc (ĐCSTQ) cần ngay lập tức thả tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ và để họ thực hành tín ngưỡng của mình với phẩm giá và sự tôn trọng.”

Thượng nghị sĩ Marco Rubio của tiểu bang Florida cũng viết: “Những lời dạy về Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công khiến pháp môn này trở thành mục tiêu áp bức hàng đầu của ĐCSTQ. Chúng ta phải không ngừng lên tiếng trước cuộc đàn áp kéo dài của chế độ này đối với các học viên [Pháp Luân Công]. Tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy các chính sách trong Quốc hội để khiến ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm, và nỗ lực mang lại một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Trung Quốc.”

Dân biểu Zoe Lofgren của tiểu bang California tuyên bố: “Cần phải gây áp lực thêm nữa cho chính quyền Trung Quốc để bảo vệ quyền của các cộng đồng tôn giáo và nhóm dân tộc thiểu số.”

Trong một video chúc mừng, Dân biểu Gus Bilirakis của tiểu bang Florida nói rằng, nếu chúng ta im lặng trước cuộc đàn áp và phớt lờ các giá trị đạo đức, công chúng có thể gặp nguy hiểm.

Ngày 20 tháng 7, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nhận định, Hoa Kỳ nên dẫn đầu thế giới thúc giục ĐCSTQ chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông viết trên Twitter: “Chúng ta nên giúp chấm dứt cuộc đàn áp khủng khiếp của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, để họ có thể thực hiện quyền tự do tôn giáo.”

Bức thư chung của 35 nhà lập pháp Canada

Ba mươi lăm nghị sĩ quốc hội Canada gần đây đã ký một lá thư chung gửi tới Thủ tướng Justin Trudeau, thúc giục chính phủ nước này áp đặt các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc tiến hành đàn áp học viên Pháp Luân Công. Bức thư viết: “Căn cứ vào mức độ nghiêm trọng và quy mô của các vi phạm nhân quyền đối với Pháp Luân Công, chúng tôi tin rằng các biện pháp trừng phạt đối với thủ phạm [đàn áp] sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy hơn nữa lợi ích của công lý quốc tế và nhân quyền.”

Ông Garnett Genuis, đồng Chủ tịch Hiệp hội các Nghị sỹ Thân hữu của Pháp Luân Công, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyên trách Quan hệ Canada-Trung Quốc, kiêm Bộ trưởng Phát triển & Nhân quyền Quốc tế thuộc Đảng Đối lập gửi một video ủng hộ các học viên nhân dịp ghi dấu 22 năm cuộc bức hại. “Các học viên Pháp Luân Công, chỉ muốn sống theo Chân-Thiện-Nhẫn, nhưng ĐCSTQ lại lo sợ thông điệp thiện chí của họ và tìm cách tiêu diệt triệt để Pháp Luân Công,” ông nói. “Tôi đã cùng các học viên Pháp Luân Công, các nghị sĩ khác và nhiều người có thiện cảm từ nhiều nguồn gốc khác nhau ủng hộ việc chấm dứt cuộc bức hại này và phản ứng mạnh mẽ hơn từ chính phủ Canada… Tôi rất vui được hợp tác đoàn kết với các bạn trong những nỗ lực quan trọng này.”

Ngày 17 tháng 7, tại một sự kiện ở Edmonton, nghị sĩ liên bang Michael Cooper nhấn mạnh rằng, đã đến lúc phải đứng lên chống lại chế độ ĐCSTQ và nói: “Đủ rồi! Nó không thể tiếp tục!” Ông cho hay, Hoa Kỳ gần đây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky đối với hai quan chức Phòng 610. Một hành động tương tự ở Canada sẽ cho phép chính phủ trừng phạt những kẻ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc, đóng băng tài sản của họ ở Canada và hạn chế việc nhập cảnh của họ.

Bà Ketty Nivyabandi, Tổng thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế Canada cũng ra tuyên bố lên án cuộc đàn áp. Bà viết: “Lời kêu gọi của chúng tôi đối với chính quyền Trung Quốc ngày nay vẫn cấp thiết như cách đây 22 năm. Chính quyền Trung Quốc phải có trách nhiệm đảm bảo nhân quyền cho toàn bộ người dân ở Trung Quốc.”

Ủy viên Nghị viện Vương quốc Anh: Cuộc diệt chủng quy mô công nghiệp

Nghị sĩ Brian Lord Mackenzie của Framwellgate OBE đã viết: “Thật kinh hoàng khi trong năm 2021 này, có quá nhiều bằng chứng về những lối hành xử không khác gì tội diệt chủng, lại đang diễn ra trên quy mô công nghiệp tại một quốc gia phát triển nằm trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Những hành động tàn bạo ở quy mô như vậy đã không xảy ra kể từ giữa thế kỷ trước và thế giới đã thề rằng, điều đó sẽ không được phép xảy ra một lần nữa… Tôi rất vui khi được lên tiếng cùng nhiều người khác, kêu gọi thế giới có những hành động tích cực nhằm chấm dứt những tội ác này!”

Nghị sĩ Desmond Angus Swayne TD VR cũng gửi “thông điệp ủng hộ Pháp Luân Công và toàn bộ người dân Trung Quốc trong cuộc đấu tranh vì quyền tự do được tụ hội, được suy nghĩ riêng và theo đuổi tín ngưỡng”.

Giáo sư David Patrick Paul Alton, Nam tước Alton của Liverpool, KCSG, KCMO cũng viết: “Cộng đồng quốc tế nên ngừng quỳ gối cúi đầu [trước ĐCSTQ], hãy lên tiếng và yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại này. Chế độ ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về chiến dịch ác độc và tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công và những nạn nhân khác.”

Các nghị sĩ Pháp: “Những thảm kịch này không thuộc về thế kỷ 21”

Khá nhiều nghị sĩ Pháp đã viết thư cho các học viên Pháp Luân Công để lên án cuộc bức hại, bao gồm Phó Chủ tịch Thượng viện Nathalie Delattre, nghị sĩ Monique de Marco, dân biểu Jean-Luc Lagleize, dân biểu Alain David và dân biểu Philippe Naillet.

Đáng chú ý, dân biểu Naillet mong đợi sẽ có nhiều sự kiện hơn nữa kêu gọi chấm dứt những tội ác tàn bạo như vậy. Ông viết: ”Những thảm kịch này không thuộc về thế kỷ 21.”

Nghị sĩ Đức: Điều đó nên được đưa vào chương trình nghị sự về chính sách đối ngoại của Đức

Tám ủy viên Nghị viện Châu Âu (MEP) và các nghị sĩ Đức đã viết thư ủng hộ Pháp Luân Công. Bà Bettina M. Wiesmann, ủy viên Nghị viện Đức (Bundestag) viết: “Cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ là không thể dung thứ. Việc chấm dứt cuộc bức hại nên nằm trong chương trình nghị sự của chính sách đối ngoại của Đức. Chúng ta không được ngừng lên án các hành vi vi phạm nhân quyền [của ĐCSTQ] và vận động chấm dứt tình trạng này.”

Ông Markus Grübel, Ủy viên Tự do Tôn giáo và ủy viên Nghị viện Đức cũng kêu gọi ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, cũng như phân biệt đối xử và bức hại các nhóm dân tộc thiểu số, tôn giáo và văn hóa khác.

Ông viết: “Mỗi người đều có quyền tự do thực hành tín ngưỡng của mình. Nhân quyền là quyền cá nhân phổ biến và không được vi phạm hoặc lạm dụng nhân danh tập thể.”

Nghị sĩ Thụy Sỹ: “Chủ nghĩa cộng sản là độc tố”

Ông Niels Rosselet-Christ, Chủ tịch Đảng Nhân dân ở bang Neuchâtel nói rằng, lịch sử hơn 100 năm qua đã cho thấy chủ nghĩa cộng sản là một hệ tư tưởng chết người. Hàng chục triệu người, hoặc thậm chí nhiều hơn, đã thiệt mạng vì nó. Cụ thể hơn, ĐCSTQ đã đàn áp nhiều nhóm thiểu số bao gồm người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các học viên Pháp Luân Công. Những tội ác tàn bạo này cho thấy ý thức hệ của chủ nghĩa cộng gây hại giống như một loại độc tố.

Nicolas Walder, một thành viên của Hội đồng Quốc gia Thụy Sỹ và là thành viên của Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Hội đồng, cho biết việc theo đuổi tự do đòi hỏi lòng can đảm. Ông chúc các học viên khỏe mạnh và cam kết sẽ hỗ trợ họ hoàn toàn, bởi đây là cuộc chiến vì các giá trị phổ quát.

Bộ trưởng Ireland: “Ủng hộ mạnh mẽ cho lời kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này”

Mười hai nghị sĩ ở Ireland đã có bài phát biểu và gửi thư ủng hộ các học viên Pháp Luân Công. Trong lá thư của mình, ông Joe O’Brien, Bộ trưởng Bộ Nông thôn và Phát triển Cộng đồng, viết: “Tôi biết rất rõ về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngừng bức hại các học viên Pháp Luân Công. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại này. Chính phủ Trung Quốc nên trả tự do cho bất kỳ ai bị bắt vì các hoạt động tôn giáo và cho phép mọi người được hưởng quyền tự do tín ngưỡng.”

Ông nói thêm: “Các tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đã xác nhận cuộc bức hại của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công.”

Ủy viên Nghị viện Liên bang Bỉ: Cuộc chiến giữa thiện và ác

Bà Annick Ponthier, Ủy viên Nghị viện Liên bang Bỉ và cũng là thành viên Ủy ban Đối ngoại, đã gửi một bức thư tái khẳng định sự ủng hộ của bà đối với các học viên. Bà viết: “Vào ngày 20 tháng 7, chúng tôi tưởng nhớ tất cả những học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại, tra tấn, hành hạ, bỏ tù hoặc bị ngược đãi, thậm chí bị đối xử tàn bạo hơn thế nữa.” Bà cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với tất cả các nạn nhân và tất cả các học viên Pháp Luân Công khác.

Ngày 19 tháng 7, ông Flemish Jan Loones, cựu ủy viên Nghị viện, cũng đã viết một bức thư cho các học viên Pháp Luân Công, bày tỏ rằng ông rất vui khi được hỗ trợ các học viên trong cuộc chiến giữa thiện và ác.

Ủy viên Nghị viện châu Âu người Slovakia: Không được giữ im lặng khi đối mặt với cuộc bức hại vì nó liên quan đến chúng ta

Trong một sự kiện của các học viên Pháp Luân Công, bà Miriam Lexmann, một nghị sĩ Quốc hội Châu Âu, đã cảm ơn các học viên vì những nỗ lực ôn hòa để phản kháng và đứng ra làm chứng phản đối cuộc đàn áp. Trong một thế giới địa chính trị thống nhất như vậy, bà nói rằng người dân ở Slovakia không thể im lặng trước sự tàn bạo của ĐCSTQ, bởi điều đó liên quan đến công dân Slovakia.

Ông Peter Osusky, một thành viên của Hội đồng Quốc gia Slovakia, cũng nhấn mạnh trong một bài phát biểu rằng các nước dân chủ không nên nhượng bộ những kẻ xấu xa vì lợi ích thương mại hoặc kinh tế; nếu không, nó sẽ là một sự ô nhục.

Nghị sĩ Úc: “Sát cánh đấu tranh vì tự do cùng những người can đảm như học viên Pháp Luân Công”

Thượng nghị sỹ Úc Eric Abetz tuyên bố trong một video rằng “Quyết tâm và sự kiên trì theo đuổi tự do của các học viên Pháp Luân Đại Pháp đã khiến mọi người phải xúc động và có sức lan tỏa trong cuộc bức hại có hệ thống và tàn bạo kéo dài hơn 20 năm qua.”

Ông nói thêm: “Những người may mắn có tự do như chúng ta hãy cảm ơn họ” “Hãy kề vai sát cánh đấu tranh vì tự do cùng những con người can đảm như các học viên Pháp Luân Công.”

Thượng Nghị sỹ Hon Concetta Fierravanti-Wells viết: “Pháp Luân Đại Pháp đã làm phong phú cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới thông qua các bài công pháp nhẹ nhàng, thiền định và các bài giảng đạo đức đề cao giá trị Chân-Thiện-Nhẫn.”

Bà nói rằng trong hai thập kỷ qua, các học viên bị bức hại, giam giữ, tra tấn, thậm chí bị giết chỉ vì kiên định vào đức tin của họ, điều này đặt ra thách thức đối với chế độ độc tài và chủ nghĩa vô thần của ĐCSTQ. Sự tàn bạo vẫn tiếp diễn cho đến ngày nay. Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công là một trong những nhóm đầu tiên cảnh báo thế giới về tình trạng vi phạm nhân quyền trên diện rộng của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Bà viết: “Lòng can đảm, dũng cảm, và ý chí kiên cường của các học viên Pháp Luân Công thật đáng khen ngợi.”

Nghị sĩ New Zealand: “Các học viên Pháp Luân Công là tù nhân lương tâm ở Trung Quốc”

Ngày 6 tháng 7, bà Louisa Wall, nghị sỹ quốc hội đại diện Đảng Lao động, cho biết New Zealand là một xã hội dân chủ, là nơi các học viên Pháp Luân Công có thể tự do thực hành đức tin của họ, cũng như thực hiện quyền được sống một cuộc sống yên bình.

Bà nói: “Nhưng ở Trung Quốc Đại lục, Pháp Luân Công đã bị bức hại nghiêm trọng. Trên thực tế, các học viên Pháp Luân Công là tù nhân lương tâm ở Trung Quốc và ĐCSTQ bán nội tạng của họ ra quốc tế để thu lợi nhuận khổng lồ.”

Trong chương trình Red Line của Đài Phát thanh New Zealand, bà Wall đã chỉ trích sự tàn bạo của ĐCSTQ đối với Pháp Luân Công. Bà phát biểu: “Dựa trên một báo cáo của Ngài thẩm phán Nice từ Vương quốc Anh, giờ đây chúng ta đã biết tội ác cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra nhằm phục vụ thị trường nội tạng toàn cầu, nơi người ta mua bán tim, phổi, mắt, da.” Bà cho biết chính phủ cũng cần thông qua các luật mới nhằm ngăn công dân New Zealand cấy ghép nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào khác mà không thể xác minh được tính trung thực của chương trình hiến tặng nội tạng.

Ủy viên Nghị viện Nhật Bản: ĐCSTQ đã phạm tội diệt chủng

Dân biểu Hạ viện Nhật Bản là ông Yoshitaka Sakurada cho biết: “Cuộc đàn áp nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị Mỹ coi là ‘tội ác diệt chủng’. Trung Quốc là đất nước độc đảng. Nếu nước này không giải quyết các vấn đề vi phạm nhân quyền và không được cộng đồng quốc tế công nhận thì sẽ không thể trở thành một cường quốc hàng đầu thế giới.”

Ông nói rằng ĐCSTQ tiếp tục bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, công dân Hồng Kông và các nhóm khác. Và Nhật Bản cần phải lên tiếng để chấm dứt các hành vi vi phạm nhân quyền, ông nói. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án cuộc đàn áp nhân quyền của ĐCSTQ.

Nhà lập pháp Đài Loan: Sức mạnh của Thiện tâm

Bà Tô Trị Phân, thành viên Hội đồng Lập pháp Đài Loan cho biết, trong nhiều năm qua, mọi người đã chứng kiến các cuộc biểu tình ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công, bao gồm cả mít-tinh và tuần hành. Từ đó, người ta có thể thấy được năng lượng và sức mạnh của thiện tâm.

Bà nói rằng, thật khó có thể tưởng tượng một quốc gia sử dụng cả bộ máy nhà nước để tấn công người dân của chính nó, chưa kể đến việc giết người và bán nội tạng của họ để kiếm lời.

“Chúng ta phải ngăn chặn những hành động vô nhân tính này của ĐCSTQ ngay lập tức,” bà khẳng định.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bán tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/7/25/428673.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/7/26/194279.html

Đăng ngày 01-08-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share