Bài viết của Thạch Minh, phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 28-05-2020] Ông Thẩm Trung Dương, từng là chuyên gia ghép tạng nổi tiếng ở Trung Quốc, gần đây đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc thanh trừng và bị loại khỏi Ủy ban Hội nghị Tham vấn Chính trị Quốc gia Trung Quốc.

Ông Thẩm là cựu giám đốc của Trung tâm Ghép tạng tại Bệnh viện Số 1 Trung ương Thiên Tân và Viện Ghép gan của Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang. Trên trang web chính thức của Bệnh viện Số 1 Trung ương Thiên Tân, ông Thẩm được giới thiệu là “chuyên gia ghép tạng nổi tiếng”.

Theo trang web của bệnh viện, “Năm 1998, ông thành lập viện ghép tạng đầu tiên và đào tạo nhiều nhân viên ghép tạng. Ông đã chỉ đạo nhóm này tiến hành hỗ trợ cho gần 70 đơn vị y tế trong nước thực hiện ghép gan. Trong 20 năm, ông và cộng sự đã hoàn thành hơn 10.000 ca ghép gan.”

Trên trang web của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung Quốc có nêu dưới sự dẫn dắt của ông Thẩm, Bệnh viện Số 1 Trung ương đã thực hiện 5.000 ca ghép gan vào năm 2010.

Một bài giới thiệu khác về ông Thẩm trên trang Baidu Baike (Từ điển Bách khoa Toàn thư Baidu) có nêu ông Thẩm đã hoàn thành gần 10.000 ca ghép gan vào năm 2014, chiếm 1/4 tổng số ca ghép gan của cả nước.

Sự tham gia của ông Thẩm vào số lượng lớn các ca ghép tạng như vậy đã phơi bày tội ác đen tối ở Trung Quốc do chính quyền nước này hậu thuẫn––sát hại các học viên Pháp Luân Công còn sống và các tù nhân lương tâm khác để lấy nội tạng của họ.

Lịch sử thu hoạch nội tạng

Không như nhiều quốc gia có hệ thống hiến tạng quy củ, Trung Quốc không có hệ thống nào. Do ảnh hưởng của văn hóa truyền thống, người dân Trung Quốc muốn giữ thi thể nguyên vẹn sau khi qua đời nên không mấy ai muốn hiến tạng như y học phương Tây khuyến nghị.

Được biết, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã dùng nội tạng của các tử tù để cấy ghép theo nhu cầu của các quan chức cấp cao. Nhưng do số tù nhân hữu hạn và tình trạng bệnh tật của nội tạng của họ, việc này chỉ được triển khai trên quy mô nhỏ.

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân, từ tháng 7 năm 1999, số ca ghép tạng đã tăng vọt. Tháng 4 năm 2006, vợ cũ của một bác sỹ phẫu thuật từng tham gia mổ lấy tạng của các học viên Pháp Luân Công còn sống đã bước ra phơi bày sự tàn bạo kinh hoàng ra thế giới.

Cuộc điều tra hiện tại

Kể từ đó, các nhà hoạt động nhân quyền đã điều tra tội ác thu hoạch nội tạng kinh hoàng từ những người còn sống.

Tháng 7 năm 2006, ông David Kilgour, cựu Quốc vụ khanh Canada phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương và ông David Matas, luật sư nhân quyền Canada, đã công bố báo cáo dài 45 trang, trong đó kết luận: “…Từ năm 1999, chính phủ Trung Quốc và các cơ quan ở nhiều nơi trong nước, nhất là các bệnh viện, và cả các trại tạm giam, ‘toà án nhân dân’, đã sát hại một số lượng lớn tù nhân lương tâm Pháp Luân Công, đến nay vẫn chưa rõ số lượng cụ thể. Nội tạng của họ, kể cả tim, thận, gan và giác mạc, gần như bị lấy đi cùng lúc để bán với giá cao, thường là cho người nước ngoài, thường phải chờ đợi lâu để tìm nguồn tạng tình nguyện trong nước.”

Tháng 6 năm 2016, cùng với ông Ethan Gutmann, một nhà báo điều tra của Hoa Kỳ, ba ông đã công bố báo cáo điều tra cập nhật về nạn cưỡng bức nội tạng ở Trung Quốc. Họ đã điều tra hàng trăm bệnh viện ở Trung Quốc và được biết rằng các bệnh viện này có thể thực hiện cấy ghép cho bệnh nhân trong vòng hai tuần sau khi họ “đặt hàng”. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi có một nguồn tạng khổng lồ.

Các cuộc điều tra của họ còn cho thấy số ca cấy ghép thực tế mỗi năm của một số bệnh viện Trung Quốc đã vượt quá tổng số ca cấy ghép được báo cáo chính thức trên cả nước, là từ 10.000 đến 15.000 ca mỗi năm. Theo báo cáo, số nội tạng được cấy ghép từ năm 2006 đến 2016 cao đến mức đáng kinh ngạc, chủ yếu lấy từ các học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ và bị tống giam chỉ vì từ chối từ bỏ đức tin của họ.

Ngày 13 tháng 6 năm 2016, Hạ viện Hoa Kỳ đã nhất trí thông qua Nghị quyết 343, kêu gọi Trung Quốc “lập tức chấm dứt hành vi thu hoạch nội tạng từ tất cả các tù nhân lương tâm.” Họ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công kéo dài 17 năm và trả tự do cho tất cả học viên Pháp Luân Công và các tù nhân lương tâm khác. Nghị quyết còn yêu cầu ĐCSTQ phải “cho phép tiến hành một cuộc điều tra đáng tin cậy, minh bạch và độc lập về hành vi ghép tạng phi pháp.” Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Nghị quyết kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ báo cáo hàng năm cho Quốc hội về việc thực thi cấm cấp thị thực cho người Trung Quốc và các công dân khác dính líu tới nạn cưỡng bức ghép tạng hay ghép mô cơ thể.

Ba ông Matas, Kilgour và Gutmann đã được mời tham dự phiên điều trần tại Nghị viện Châu Âu vào ngày 29 tháng 6 năm 2016 và trình bày báo cáo cập nhật của họ về nạn thu hoạch nội tạng có hệ thống của Trung Quốc. Họ kêu gọi EU hành động để chấm dứt tội ác này.

Theo ông Matas, kết luận cuối cùng rút ra từ các cuộc điều tra là ĐCSTQ đã cưỡng chế cả nước phải tham gia vào vụ giết người quy mô lớn này. Ông nói rằng các nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, cũng như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các tín đồ Cơ đốc giáo tại gia. Ông nói cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với họ là phương tiện để thu hoạch nội tạng phục vụ các ca cấy ghép.

Như ông Matas đã chỉ ra, khi xảy ra tội ác trên quy mô lớn và hàng chục ngàn người bị sát hại, thì số lượng thủ phạm cũng không ít hơn số nạn nhân. Ông nêu ra một số đối tượng: những người thực hiện các xét nghiệm máu và nội tạng của các học viên Pháp Luân Công, lính gác nhà tù đã đưa các học viên [đi mổ nội tạng], các bác sỹ và y tá thực hiện các ca cấy ghép, đặc vụ Phòng 610 phụ trách cuộc bức hại, và những người tuyên truyền thù hận đối với các học viên.

Tòa án Nhân dân Độc lập, còn được gọi là Toà án Trung Quốc, trong phán quyết cuối cùng được đưa ra tại London vào ngày 17 tháng 6 năm 2019, có nêu rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy nạn cưỡng bức nội tạng đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm qua “trên quy mô lớn.”

Trong khi chính quyền Trung Quốc vẫn tuyên bố từ năm 2015 rằng các ca ghép tạng lấy nguồn từ những người hiến tạng tự nguyện, thì tòa án cho biết họ đã kết luận hoạt động thu hoạch tạng sống vẫn đang diễn ra. Ban hội thẩm cho biết họ chắc chắn rằng nguồn nội tạng là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù, và họ “có lẽ là nguồn tạng chính”.

“Phán quyết cho thấy rất nhiều người đã chết những cái chết kinh hoàng không tả xiết mà không phải vì lý do nào cả, [và] có thể còn có nhiều người hơn nữa cũng phải chịu đựng như thế”, Ngài Geoffrey Nice QC, Chủ tọa Tòa án cho hay khi tuyên bố phán quyết vào ngày 17 tháng 6.

Ban hội thẩm quốc tế đã đi đến kết luận sau khi xem xét hàng loạt các tuyên bố bằng bằng văn bản và bằng lời, gồm cả lời khai do hơn 50 nhân chứng cung cấp trong hai phiên điều trần công khai.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/28/406904.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/10/185459.html

Đăng ngày 16-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share