Bài viết của một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 11-06-2021] Trại tù tỉnh Sơn Đông khét tiếng trong việc ngược đãi các học viên Pháp Luân Công nhằm bắt họ từ bỏ tín ngưỡng của mình. Theo những thông tin mà Minh Huệ thu thập được, riêng trong năm 2002, khoảng 12 học viên đã chết ở đó do bị tra tấn. Một tù nhân từng nói với một học viên rằng: “Nếu bọn tao không được tra tấn chúng mày đến chết, thì bọn tao sẽ khiến cho chúng mày sống không bằng chết!”

Những thủ đoạn tra tấn về mặt thể xác mà các học viên Pháp Luân Công thường xuyên phải đối mặt và không giới hạn, bao gồm đánh đập, cấm ngủ, bị bắt đứng yên trong hơn 10 tiếng đồng hồ, còng tay và cùm chân trong 24 giờ, và tăng cường tẩy não.

c99c149e0e51382baf5bf555c750368e.jpg

Miêu tả cảnh tra tấn: Đánh đập

Các học viên bị những vết thương đe dọa đến tính mạng hoặc bị tàn phế được đưa đến bệnh viện của trại tù để hồi sức, sau đó lại phải quay trở lại để bị bức hại và tẩy não thêm nữa.

b058ed9309a4a5be5f36251473f61276.jpg

Cổng trước của trại tù tỉnh Sơn Đông

Chúng tôi xin liệt kê ra ở đây một số trường hợp tử vong.

Ông Tiền Đông Tài bị tra tấn đến chết

Từ đầu tháng 3 năm 2004, ông Tiền Đông Tài đã bị tra tấn cực hình bởi các lính gác và tù nhân ở trong trại tù tỉnh Sơn Đông. Bảy tù nhân đã thay phiên nhau tra tấn ông suốt ngày đêm, ghì ông xuống, vặn tay chân ông, đấm đá ông, lột hết quần áo của ông, cào vào mạng sườn và lưng ông bằng bàn chải đánh giầy. Họ cũng dùng bàn chải đánh răng để vặn giữa các ngón tay của ông, khiến cho da các ngón tay bị rách ra hở cả xương. Hơn nữa, họ còn dùng giầy để đánh vào người ông Tiền, giẫm lên đầu, ngực, lưng bàn chân và bàn tay ông.

Các tù nhân cũng bắt ông Tiền phải đứng và ngồi xổm trong thời gian dài, không cho ông ngủ và bức thực ông bằng nước ớt. Họ cũng bật TV cả ngày lẫn đêm, mở tiếng to hết cỡ để che đậy sự bạo lực của họ.

Vào mùa thu năm 2005, các lính gác Tề Hiểu Quang, Trương Lỗi Quan, Lý Vĩ và Trần Diễm đã ra lệnh cho một nhóm tù nhân trừng phạt ông Tiền bằng cách bắt ông ngồi xổm, cấm ngủ và đánh đập nghiêm trọng.

Do bị tra tấn thường xuyên và nghiêm trọng, ông Tiền đã mất ngày 4 tháng 2 năm 2006 ở tuổi 48.

Ông Vương Tân Bác được cho về nhà khi đã gần chết

Ông Vương Tân Bác bị bắt vào năm 2003, trong khi đang làm những tư liệu thông tin về Pháp Luân Công. Ông bị kết án 13 năm tù và bị tra tấn tàn bạo ở trại tù tỉnh Sơn Đông.

Vào tháng 10 năm 2005, hơn 10 tù nhân đã thay phiên nhau đánh đập ông Vương để bắt ông từ bỏ đức tin của mình. Để chống lại sự bức hại này, ông đã tuyệt thực trong 4 ngày. Ông được đưa đến một bệnh viện cảnh sát khi ông đã bất tỉnh và có những dấu hiệu phù nề toàn thân. Sau khi hiện tượng phù nề giảm đi và ông đã hồi phục một chút, bệnh viện đã tiêm cho ông 3 mũi thuốc không rõ tên trái với ý muốn của ông. Họ đưa ông về nhà trước Tết Nguyên Đán 2006.

Không lâu sau khi ông Vương trở về nhà, bụng và hai chân ông bị phù nề nghiêm trọng và toàn thân ông đau nhức nặng. Một chẩn đoán của bệnh viện cho thấy nội tạng bị hư hại. Máu lấy từ bụng ông có màu tím đen. Ông đã qua đời ngày 10 tháng 2 năm 2006.

Một sinh viên Đại học Trùng Khánh bị đánh đến chết

4c15050fd17f02984a15dea2bfa74f0e.jpg

Ông Lục Chấn

Ông Lục Chấn, sinh ngày 25 tháng 7 năm 1976, là một sinh viên ngành tài chính quốc tế tại Đại học Trùng Khánh. Ông bị kết án 11 năm vào tháng 12 năm 2004 và bị đưa đến trại tù tỉnh Sơn Đông. Ông bị tra tấn bằng nhiều thủ đoạn khác nhau trong khi ở trong tù. Vào sáng sớm ngày 21 tháng 6 năm 2009, ông Lục đã bị đánh đập đến chết ở tuổi 33.

Thấy thi thể của ông Lục bị thương nghiêm trọng, gia đình ông đã yêu cầu khám nghiệm tử thi chi tiết. Việc khám nghiệm được thực hiện vào ngày 30 tháng 6. Rất nhiều máu đã được tìm thấy trong lồng ngực ông. Mặc dù không có vết sẹo ở ngoài da vùng mông và đùi, các cơ ở dưới da đã hoàn toàn bị hoại tử. Được biết các lính gác thường đánh các học viên Pháp Luân Công bằng gậy cao su, vốn không gây ra những vết thương ở bên ngoài có thể nhìn thấy được mà gây ra các vết thương ở bên trong nghiêm trọng.

Ông Vương Văn Trung chết trong tù ở tuổi 42

c13a414afc2cd848eadd74b65a8f1283.jpg

Ông Vương Văn Trung

Ông Vương Văn Trung bị bắt ngày 6 tháng 11 năm 2011 và bị kết án 7,5 năm tù trong trại tù tỉnh Sơn Đông.

Ông Vương đã chết ở trong tù vào ngày 12 tháng 1 năm 2018, chưa đầy 1,5 năm trước khi ông mãn hạn tù. Khi chị ông vội đến trại tù để nhìn thi thể ông, bà nhận ra rằng ông Vương, từng có thân hình vạm vỡ, giờ chỉ còn da bọc xương.

Ông Vương đã 2 lần bị xuất huyết não và phải phẫu thuật một vài lần ở trong tù. Chị ông để ý thấy rằng ông luôn phải đeo băng ở trên đầu khi bà vào thăm ông. Việc ông bị tra tấn như thế nào ở trong tù vẫn cần phải điều tra thêm.

Cái chết đáng nghi của một đại tá về hưu

9f57a38d30e2a8f420919062c54b8c7a.jpg

Ông Cung Bì Kỳ

Ông Cung Bì Kỳ ở thành phố Thanh Đảo là một đại tá về hưu. Ông bị kết án 7,5 năm tù vì tín ngưỡng của mình.

Vào tối ngày 12 tháng 4 năm 2021, gia đình ông Cung nhận được một cuộc gọi từ một lính gác tù và được thông báo rằng vị đại tá về hưu 66 tuổi vừa mới bị đưa vào bệnh viện để cấp cứu.

Một lúc sau, lính gác tù đó lại gọi và nói rằng ông Cung đã chết vì bị đột quỵ.

Khi gia đình ông Cung đến bệnh viện vào sáng hôm sau, bác sĩ và ban quản lý trại tù từ chối cho họ xem thi thể ông. Sau khi gia đình ông phản đối mạnh mẽ, anh trai và cháu trai ông Cung cuối cùng đã được phép xem thi thể ông nhưng không được phép chụp ảnh hay quay video.

Anh trai của ông nói rằng đầu của ông Cung bị thương và sưng lên, và có máu trong hai tai ông.

Theo video giám sát do các lính gác tù cung cấp, ông Cung đã bị ốm và ở trong giường vào tối hôm ông bị chết. Một bác sĩ trại tù đã đến để đo huyết áp của ông, nhưng bác sĩ đó đã rời đi mà không điều trị gì cho ông cả. Ông Cung ngã xuống đất vào khoảng 8h32 tối và không thể cử động được, nhưng xe cứu thương đã không đến cho đến khi 9h tối.

Trong khi lính gác tù, người đã gọi điện cho gia đình ông, nói rằng việc ông Cung bị đột quỵ dẫn đến cái chết là do ông không tuân theo việc điều trị chứng huyết áp cao của mình, gia đình ông đã đặt câu hỏi là tại sao trại tù lại không thông báo cho họ sớm hơn về tình trạng của ông hoặc phóng thích ông vì lý do y tế.

Gia đình ông nói rằng có quá nhiều vấn đề nghi vấn mà không có câu trả lời, như ông Cung đã bị huyết áp cao trong bao lâu, trại tù đã điều trị gì cho ông, họ có hồ sơ gì về việc này không, tại sao bác sĩ không điều trị gì cho ông vào ngày trước khi ông chết, và tại sao phải nửa tiếng sau xe cứu thương mới đến.

Lao động nô lệ ở Khu 11

Ngoài việc tra tấn về mặt thể xác, Vương Truyền Tông, trưởng khu 11 của trại tù tỉnh Sơn Đông, cũng bắt các học viên phải lao động nặng nhọc nhiều giờ mà không trả công.

Trại tù đã nối lại việc ép buộc lao động nô lệ vào ngày 22 tháng 7 năm 2020, vốn đã bị gián đoạn bởi sự bùng phát dịch virus Trung Cộng. Vương yêu cầu các tù nhân và học viên dần dần tăng số giờ làm việc: dậy vào lúc 5 giờ sáng, không nghỉ ăn trưa và làm việc đến 7 hoặc 9 giờ tối. Khối lượng công việc lúc đầu tăng gấp đôi và sau đó là gấp 4.

Hơn 10 học viên, bao gồm ông Cung Bì Kỳ, vốn từ chối làm công việc lao động khổ sai này, đã bị tập trung vào một phòng để xem một bộ phim phỉ báng Pháp Luân Công. Khi ông Cung ngả người dựa vào tường do bị chóng mặt do huyết áp cao, tù nhân Lý Phong nói với ông: “Sao vậy? Cảm thấy không khỏe à? Đừng giả vờ. Ông không chết được đâu”.

Khi Lý đi đến các khu khác, anh ta thường nói với các tù nhân rằng: “Cung Bì Kỳ đang giả vờ (rằng ông ta sắp chết). Thật tuyệt vời nếu ông ta chết.”

Ông Trịnh Húc Phi đã bị phạt bằng cách bắt phải đứng yên trong nhiều giờ, đôi khi cho đến quá nửa đêm. Các tù nhân Từ Siêu và Lưu Hoài Liên đã giẫm đạp lên những ngón chân ông cho đến khi chúng bị sưng lên và bị thâm tím nặng.

Vào ngày 5 tháng 10 năm 2018, các lính gác đã ra lệnh cho các tù nhân báo cáo về việc tham nhũng ở trong tù. Ông Cao Hận Bạch viết rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nơi dung túng cho tham nhũng. Chỉ bằng cách giải thể ĐCSTQ thì tham nhũng mới bị nhổ tận gốc khỏi Trung Quốc.”

Ông viết tiếp: “Nhìn những kẻ phạm trọng tội ở trong tù, vốn chửi, đánh và tùy tiện trừng phạt các học viên Pháp Luân Công, họ có quyền gì để đối xử với các học viên Pháp Luân Công như vậy? Ai cho họ quyền để làm điều đó?”

Vì bức thư này mà tù nhân Lý, trưởng nhóm tù nhân được giao theo dõi các học viên Pháp Luân Công, đã đánh ông Cao vào ngày 26 tháng 2 năm 2019.

Lý cũng đã đánh ông Cao vào ngày 25 tháng 10 năm 2018 vì ông tập các bài công pháp của Pháp Luân Công, và bắt ông phải đứng trong 3 ngày. Cũng trong tháng đó, ông Cao đã bị bắt phải đứng trong 5 ngày vì ông từ chối viết tuyên bố phỉ báng Pháp Luân Công.

Vào ngày 20 tháng 11 năm 2018, ông Cao đã quên không xả nước trong nhà vệ sinh và bị phạt bằng cách bắt ngồi trong nhà vệ sinh hai lần.

Tù nhân Từ Học Quân đã cố ý đẩy ông Cao ra khỏi cửa vào khoảng 8h30 sáng ngày 5 tháng 7 năm 2020 và một tù nhân khác, Dương Hiểu Lôi, đã đấm ông Cao vào ngực. Ông Cao đã báo cáo việc này cho lính canh tù Nhậm Quảng Bác vốn vừa đi qua. Nhưng Nhậm đã quay đầu và bước đi. Những tù nhân này trở nên ngạo mạn hơn: “Thấy chưa, các lính gác không quan tâm nếu bọn tao đánh mày”.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/11/426865.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/27/193855.html

Đăng ngày 08-07-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share