Bài viết của Trịnh Ngữ Yên, phóng viên Minh Huệ tại Đài Loan
[MINH HUỆ 01-06-2021] Ngày 13 tháng 5 là ngày đặc biệt đối với các học viên Pháp Luân Đại Pháp, hay còn gọi là Pháp Luân Công, trên khắp thế giới. Vào ngày này năm 1992, Sư phụ Lý Hồng Chí đã truyền môn tu luyện này ra thế giới. Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới đầu tiên được tổ chức vào ngày 13 tháng 5 năm 2000. Từ đó đến nay, ngày 13 tháng 5 đã được các học viên Đại Pháp khắp nơi kỷ niệm để bày tỏ niềm hân hoan và niềm hy vọng mới nhờ môn tu luyện.
Như thường lệ, vào đầu tháng 5 năm nay, trang web Minh Huệ đã nhận được hàng chục nghìn thiệp chúc mừng, từ các học viên ở hàng chục quốc gia, bày tỏ lòng biết ơn đối với Sư phụ Lý và Pháp Luân Đại Pháp vì đã giúp họ đề cao sức khỏe và tâm tính.
Từ ngày 17 tháng 5, nhiều bài viết ghi lại những trải nghiệm phi thường của các học viên cũng đã được đăng trên Minh Huệ. Nằm trong loạt bài viết “Chúc mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới”, những bài viết này cho thấy quá trình đề cao thể chất và tinh thần của các học viên thông qua tu luyện, đặc biệt là bằng cách chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Ngoài ra, những câu chuyện của họ đã khích lệ được nhiều người, bao gồm học viên và cả những người không phải là học viên, tiếp tục đón nhận và ủng hộ môn tu luyện này để có được một tương lai tươi sáng hơn.
Dưới đây là nhận xét của các học viên Đài Loan sau khi đọc loạt bài viết này.
Học viên mới: Được khích lệ và được truyền động lực
Tháng 1 năm 2021, bà Mạnh San ở thành phố Tân Bắc bước vào tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi tham gia lớp bài giảng video 9 ngày, bà bắt đầu đọc từng cuốn sách của Pháp Luân Công và hoàn thành tất cả 48 cuốn sách chỉ trong ba tháng.
Khi đọc những bài viết gần đây nhân kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, bà Mạnh San cho biết bà rất xúc động trước tâm thái ngay chính của các học viên cũng như ảnh hưởng tích cực của họ tới những người xung quanh. Sự kiên định của họ trong suốt cuộc bức hại tà ác và những nỗ lực không ngừng trong việc nói cho mọi người biết sự thật về Pháp Luân Công cũng rất đáng ngưỡng mộ.
Bà Mạnh đặc biệt xúc động trước sự hồi phục của một cậu bé 1 tuổi như được kể trong bài viết “Bệnh da hiếm gặp của một cậu bé đã được chữa khỏi”. Cậu bé đã mắc một chứng bệnh nguy hiểm về da khi mới chỉ vài ngày tuổi, và cậu bé đã quấy khóc ngày đêm trong đau đớn. Thuốc men chỉ khiến tình trạng của cậu bé trở nên tồi tệ hơn, và các bác sỹ từ các bệnh viện và phòng khám địa phương tuyên bố rằng bệnh này không thể chữa khỏi. Bà và mẹ của cậu bé đều là học viên Pháp Luân Công và họ tin rằng Đại Pháp có thể cứu cậu bé, bởi họ đã từng chứng kiến vô số điều kỳ diệu. Họ mở các bài giảng ghi âm của Sư phụ Lý cho cậu bé. Một thần tích đã xảy ra và cậu bé đã hoàn toàn bình phục khi lên một tuổi.
Những câu chuyện đáng kinh ngạc cũng xảy ra đối với người lớn, như được mô tả trong bài viết có tiêu đề “Cơ duyên thần kỳ của người em họ bị câm điếc.” Người anh họ của tác giả bị viêm màng não khi mới một tuổi. Không có tiền điều trị y tế, sau đó ông bị câm và không thể nói suốt 59 năm. Đầu tháng 3 năm 2021, khi tác giả đến thăm ông, cô đã hướng dẫn ông các bài công pháp của Pháp Luân Công. Ông rất quan tâm đến việc học các bài công pháp và có thể thực hiện đúng hầu hết các động tác. Sau khi bắt đầu nghe một bài giảng ghi âm của Sư phụ Lý, ông đột nhiên trở nên rất nghiêm túc, thậm chí là trang nghiêm. Tác giả viết, “Khoảng nửa giờ sau, ông đột nhiên bật ra những từ, ‘Mẹ, Mẹ….’ Không từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc của tôi lúc đó. Thực sự tuyệt vời, và mọi tế bào trong cơ thể tôi đều choáng ngợp”. Cô vô cùng kinh ngạc, anh họ của cô và mẹ ông cũng vậy – lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, người anh họ cuối cùng có thể mỉm cười và nói được bình thường.
Cải thiện khiếm khuyết trí tuệ
Từ nhỏ, con gái của bà Mạnh đã bị khuyết tật thính giác và thiểu năng trí tuệ, cộng với chứng động kinh phải dùng thuốc thường xuyên. Giờ 21 tuổi, cô phát triển thể chất bình thường nhưng trí thông minh không bằng đứa trẻ một tuổi. Cô có thể đi bộ nhưng không thể chạy. Cô hoàn toàn không thể nói chuyện và chăm sóc bản thân. Trong việc ăn uống, đánh răng, mặc quần áo hay tắm rửa cô đều cần sự giúp đỡ. Cô còn phải đóng bỉm. Khi bị rỉ nước tiểu làm ướt chăn ga gối đệm, cô cũng không biết. Ngoài ra, đôi khi cô còn mở cửa và đi ra ngoài, khiến người chăm sóc cô hầu như lúc nào cũng căng thẳng.
Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và nói chuyện với các học viên khác, bà Mạnh bắt đầu bật các bài giảng ghi âm của Sư phụ cho con gái bà nghe. Bà cho biết, “Nó đã tiến bộ hơn rất nhiều kể từ đó. Nó ngừng uống thuốc và khi bỉm nặng, nó đến chỗ tôi để thay. Mấy ngày nay, nó rất trầm tĩnh mỗi khi nghe bài giảng và ngủ rất ngon vào ban đêm. Tôi rất biết ơn Sư phụ!”
“Thần tích thực sự”
Bà Thành Dao bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 1 năm 1996. Khi đọc các bài viết mừng Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm nay, bà thậm chí còn xúc động hơn bởi những câu chuyện của các tác giả và coi đó là “Thần tích thực sự”.
Ví dụ như bài “Gặp gỡ Sư phụ Lý tại Hội Sức khỏe Đông Phương năm 1993,” trong đó một học viên đã mô tả cách Sư phụ chữa khỏi bệnh tật trong sự kiện này. Bài viết kể, “Ba thành viên trong gia đình đã đẩy một người đàn ông ngồi xe lăn đến quầy [của Pháp Luân Công]. Hai người phụ nữ đỡ người đàn ông dậy. Sư phụ Lý bảo họ hãy để người đàn ông tự đứng dậy. Họ không dám, vì sợ người đàn ông có thể ngã xuống. Sư phụ nói, “Làm sao tôi có thể giúp ông ấy nếu các vị cứ giữ ông ấy thế?” Họ liền buông tay. Sư phụ bảo người bệnh bước lên phía trước. Ông ấy trả lời: ‘Đã 20 năm rồi. Tôi đã quên cách đi rồi.’ Sư phụ nói, ‘Khi ông bắt đầu đi, ông sẽ nhớ lại cách đi.’ Người bệnh nhấc chân lên và ông đã có thể đi được trở lại! Người nhà của ông đã bật khóc, quỳ xuống và rối rít cảm ơn Sư phụ”.
Bà Thành cho biết thật khó tưởng tượng khi một người đã bị liệt hơn 20 năm mà không có bác sỹ nào chữa trị được lại có thể đứng dậy và bước đi chỉ sau một vài câu nói của Sư phụ. Bà nói thêm, “Từ câu chuyện này, chúng tôi biết Pháp Luân Đại Pháp thực sự phi thường và Sư phụ đã đến đây để cứu độ thế nhân”.
Hồi phục sức khỏe chỉ là một trong những Thần tích của Đại Pháp. Có rất nhiều học viên đã trở thành những công dân tốt hơn nhờ hành xử theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Điển hình như bài “Lời thú nhận của một cán bộ thuế: Đại Pháp dạy tôi phải trung thực và ngay thẳng”. Để mưu sinh, tác giả đã trôi theo theo dòng chảy suy đồi đạo đức như bao người khác. Việc uống rượu quá mức cũng khiến sức khỏe của cô bị tổn hại và sự phản bội của chồng khiến cô càng tuyệt vọng hơn nữa. Tháng 8 năm 1998, sau khi bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tác giả đã có những chuyển biến đáng kinh ngạc, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Bà Thành cho biết bà rất ngạc nhiên khi biết các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên bại hoại đến mức nào và kinh ngạc trước sự tuyệt vời của Đại Pháp trong việc chuyển biến những quan chức như vậy thành người tốt. Tác giả viết, “Tôi đã bước ra khỏi vũng bùn và trở nên trong sạch. Theo đó, lần đầu tiên tôi biết bình tĩnh từ chối hối lộ; Lần đầu tiên tôi biết trả tiền cho bữa ăn của mình trong một nhà hàng; lần đầu tiên tôi biết thanh toán đầy đủ cho một giao dịch mua hàng mà tôi đã thực hiện (trước đây tôi đã tận hưởng lợi ích của việc mua với giá sỉ); lần đầu tiên, tôi nhận ra rằng một lần làm tóc tốn bao nhiêu tiền; Lần đầu tiên tôi đã biết đi phương tiện công cộng. Sau khi trải qua rất nhiều lần đầu tiên như vậy, tôi phát hiện ra rằng bầu trời đã trở nên trong xanh, những cơn gió thật dễ chịu! Tôi không còn cảm thấy mất phương hướng trong lòng nữa. Tôi đã tìm thấy mục đích và mục tiêu trong cuộc sống, và trong trái tim mình, tôi cảm thấy thật tuyệt biết bao khi có được sự dẫn dắt và những lời dạy chân chính của Sư phụ!”
Xã hội sẽ có thể sụp đổ nếu không có Chân-Thiện-Nhẫn
Tương tự như những thay đổi tích cực mà Đại Pháp đã mang đến cho các học viên và xã hội như đã đề cập ở trên, việc đứng lên phản đối ĐCSTQ để bảo vệ người vô tội và tự do tín ngưỡng cũng rất quan trọng.
Điều này có thể thấy rõ trong bài ”Người cha 88 tuổi của tôi không ngừng nâng cao nhận thức về Pháp Luân Đại Pháp”. Người cha của tác giả đã làm việc trong chính quyền ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ. Sau khi tác giả bị bắt giữ vì đức tin của cô vào năm 1999 và bị đánh đập trong thời gian bị giam giữ, cha cô đã nhìn thấy vết thương của cô. Sau đó, ông trực tiếp đến Sở Công an thành phố và viện kiểm sát thành phố.
Tác giả viết: “Trước sự quả quyết của cha tôi, giám đốc Sở Công an không chỉ xin lỗi cha tôi mà còn yêu cầu người cảnh sát đã đánh tôi viết bản kiểm điểm.”
Bà Thành cho biết, nếu những công dân và quan chức bình thường ở Trung Quốc dám bước ra ủng hộ các học viên vô tội nhiều hơn, tình hình sẽ nhanh chóng được cải thiện.
Tận dụng tốt nhất các cơ hội
Bà Thục Nhữ đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được hơn 20 năm và bà đã nhiều lần xúc động rơi nước mắt khi đọc những bài viết này. Bà cho biết, “Mặc dù đến từ các giai tầng khác nhau, nhưng tất cả những người này đều có thể tu luyện Đại Pháp, đề cao bản thân và mang lại lợi ích cho gia đình họ cũng như cho xã hội”.
Trong một bài viết, tác giả bị mất việc làm vì cuộc đàn áp. Nhưng anh không từ bỏ hy vọng. Anh bắt đầu việc kinh doanh nhỏ để kiếm sống và tận dụng các cơ hội để nói cho khách hàng và nhà cung cấp của mình sự thật về Pháp Luân Đại Pháp và vạch trần những tuyên truyền thù hận từ ĐCSTQ.
Bà Thục Nhữ cho biết những câu chuyện này đã truyền cảm hứng để bà làm tốt hơn nữa. Bà nói thêm, “Các học viên ở Trung Quốc đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ vì đức tin của họ, và họ đang nỗ lực rất nhiều để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại. Ngược lại, chúng ta đang sống trong một xã hội tự do và đôi khi chúng ta đã không trân quý tất cả những điều này”. Là một học viên, bà cho biết bà sẽ tinh tấn hơn nữa để có thêm nhiều người có cơ hội thấy được vẻ đẹp của Pháp Luân Đại Pháp và tâm từ bi của các học viên.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/6/1/426472.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/6/2/193492.html
Đăng ngày 10-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.