Bài viết của một học viên Đại Pháp tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-01-2021] Kể từ khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp vào tháng 7 năm 1999, ông San bí thư Đảng ủy thôn nơi tôi sống đã hỗ trợ ĐCSTQ trong cuộc bức hại này. Các học viên không ngừng giảng chân tướng cho ông ấy nhưng ông vẫn không thay đổi.

Nhiều lần ông San báo cáo các học viên

Năm 2000, tôi ra khỏi trại giam trở về nhà sau một thời gian bị giam giữ bất hợp pháp.

Có lần, khi hai bệnh nhân đến khám tại phòng khám của gia đình tôi, ông San đã đến ủy ban thôn báo cáo chúng tôi với người quản lý ở đó.

Ông ấy báo cáo có một số học viên Pháp Luân Đại Pháp đến nhà tôi để “tham gia vào một âm mưu nhóm”. Một học viên ở làng tôi, tình cờ ghé qua ủy ban đã nghe được điều này.

Tôi đến nhà ông San. Khi trông thấy tôi, mặt ông ấy đỏ bừng lên. Tôi hỏi ông ấy: “Những người đến nhà tôi là bệnh nhân. Ông có biết ai đã báo cáo chuyến thăm của họ cho chính quyền thôn không?”

Ông ấy chỉ nhắc lại câu hỏi của tôi: “Ai đã báo cáo chuyện đó chứ?” Biết ông ấy không đủ can đảm thừa nhận nên tôi không muốn làm ông ấy khó xử hay trách cứ ông ấy về việc này.

Thay vào đó, tôi nói với ông ấy: “Nếu ông phát hiện ra ai làm vậy, xin hãy nói cho người đó biết sự thật và nhắc nhở họ đừng tiếp tục làm việc xấu và ngớ ngẩn vậy. Mọi người trong thôn đều biết các học viên Pháp Luân Đại Pháp đối xử với người khác như thế nào. Ông cũng nên bảo vệ những người tốt này”. Ông ấy nhìn tôi không nói lời nào.

Một lần khác, ông San đến nhà một học viên và nhìn thấy anh ấy đang phát một đĩa DVD giảng chân tướng Đại Pháp cho một người khác. Ông ấy đã đến đồn cảnh sát để trình báo.

Một sĩ quan cảnh sát đến chỗ người học viên hỏi: “Anh đang xem gì vậy? Đừng có cho bất kỳ ai xem đấy!”. Người học viên nhận ra hẳn là ông San đã báo cảnh sát nên đã đi giảng chân tướng cho ông ấy.

Mặc dù ông San không phản đối ra lời, nhưng sau lưng ông ấy vẫn không ngừng làm những việc tồi tệ. Khi trông thấy các biểu ngữ được các học viên treo lên, ông ấy liền kéo chúng xuống.

Khi thấy các tờ rơi Đại Pháp được dán trên các cột điện, ông ấy đã cạo và xé chúng đi, tiếp đó là đi báo cảnh sát. Khi nhìn thấy các học viên lớn tuổi phát tài liệu giảng chân tướng, ông ấy liền giật lấy tài liệu và lục túi của họ. Thậm chí ông ấy còn dẫn cảnh sát đến bắt các học viên tại nhà của họ. Ông ấy đã gây ra rất nhiều vụ việc như vậy.

Một số học viên nói với tôi: “Đừng hy vọng gì ông ta sẽ thay đổi. Không ai có thể giúp được ông ta. Bản thân ông ta cũng không xứng đáng được cứu”.

Sư phụ khai mở trí huệ giúp tôi không từ bỏ ông ấy

Tôi hiểu được cảm giác của họ. Thực tế, chính ông San cũng tham gia bức hại gia đình tôi.

Ông ấy đã hỗ trợ cảnh sát và nhân viên Phòng 610 đột nhập vào nhà tôi mà không được phép. Không chỉ lấy trộm thuốc từ phòng khám mà họ còn lấy đi hàng chục nghìn nhân dân tệ tiền mặt, đó là số vốn chúng tôi tích cóp để duy trì hoạt động phòng khám và nuôi sống gia đình. Họ bắt chồng tôi và một lần nữa đưa anh ấy vào trại lao động. Ông San tham gia tích cực vào việc bức hại này.

Suốt một thời gian, tôi thực sự thấy thất vọng về con người ông ấy. Tôi còn cho rằng ông ấy là sinh mệnh không thể giúp được nữa. Nhưng là một học viên, tôi biết mình nên làm những gì Sư phụ yêu cầu và không nên ghét bỏ ông ấy. Tôi nên giúp đỡ ông ấy.

Một hôm, ông San đến nhà tôi thông báo: “Vài ngày nữa, lãnh đạo huyện sẽ đến nhà các học viên để kiểm tra xem họ còn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp hay không. Cô nên bảo mọi người gỡ hết ảnh Sư phụ của các cô xuống, nếu không tất cả sẽ bị tịch thu”.

Khi ông ta nói thế suy nghĩ đầu tiên của tôi là “Chẳng phải ông đang cùng với ĐCSTQ tà ác làm ra thứ bất hảo đó sao?”. Nhưng nghĩ sâu hơn, tôi biết mình cần phải thực hành theo tiêu chuẩn của một học viên và không đổ lỗi cho ông ấy. Thay vào đó, tôi nên giảng chân tướng để giúp ông ấy.

Tôi nói: “Chúng tôi không thể gỡ ảnh của Sư phụ xuống được. Các học viên trong thôn đều được thọ ích từ Đại Pháp. Ví như tôi chẳng hạn. Trước đây tôi từng là người xấu tính và mắc nhiều bệnh. Nhưng khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi hành xử theo Chân-Thiện-Nhẫn và trở nên khỏe mạnh”.

“Sư phụ Lý Hồng Chí là người đã cứu mạng tôi. Tôn Sư trọng Đạo là lẽ dĩ thường. Ai có quyền can thiệp vào việc tôi thờ phụng tại nhà riêng chứ? Chính Hiến pháp còn bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng của công dân”.

Ông ấy hỏi lại: “Nếu cô không gỡ những bức ảnh xuống mà để họ thấy thì sao?”.

Tôi trả lời: “Không sao cả. Trước giờ tôi vẫn muốn gặp họ. Trong tình cảnh căng thẳng vì dịch thế này, muốn gặp họ cũng chẳng dễ dàng gì. Vậy nên, đây là cơ hội tốt để tôi nói cho họ nghe chân tướng sự thật”.

Ngay lập tức ông ta thay đổi giọng điệu: “Ai thèm đến nhà các vị chứ? Tôi đã hủy việc này rồi“.

Sau khi ông ấy rời đi, tôi nghĩ lại cuộc trò chuyện giữa tôi và ông ấy. Tôi nhận thấy chính ông ấy mới là người gây nên rắc rối. Không có gì ngạc nhiên khi các học viên khác nói ông ấy không xứng đáng được giúp.

Khi vừa mới nảy sinh ý định sẽ từ bỏ ông ấy, tôi liền có một giấc mơ. Có một trận lụt lớn xảy đến, tôi buộc phải chạy ra khỏi nhà nhưng trước mặt là biển nước mênh mông. Người duy nhất tôi thấy là ông San đang bơi trong nước một cách tuyệt vọng. Tôi khuyên ông ấy hãy mau chóng thoát thân trong khi cố kéo ông ấy lên. Sau đó tôi tỉnh giấc.

Sư phụ từ bi đã điểm hóa cho tôi qua giấc mơ rằng tôi không nên từ bỏ ông ấy.

Cuối cùng ông San đã có lựa chọn đúng đắn

Trong lúc học Pháp, tôi bừng tỉnh khi đọc đến đoạn Pháp này của Sư phụ:

“Trừ mấy tên đầu sỏ tà ác chuyển sinh [đến đây] ra, thì không coi con người là ma được; con người là bị chúng bắt cóc”. (Giảng Pháp tại Pháp hội Minh Huệ Net mười năm)

Tôi biết Sư phụ đã khai sáng để tôi ngộ ra. Tôi hướng nội tìm và nhận thấy mình có tâm vị kỷ muốn bảo vệ bản thân. Điều đó giải thích vì sao tôi có ác cảm về ông San.

Sư phụ giảng:

“Kinh tu kỳ tâm

Công luyện kỳ thân

Tha nhật viên mãn

Chân Thiện Nhẫn tồn”. (Đồng Hóa, Hồng Ngâm 1)

Diễn giải:

“Kinh sách tu cái tâm ấy

Công luyện cái thân ấy

Ngày kia viên mãn

Chân Thiện Nhẫn tồn tại”. (Đồng Hóa, Hồng Ngâm 1)

Sư phụ nhắc nhở chúng ta cần hiểu là toàn nhân loại trên thế gian này trừ mấy tên đầu sỏ tà ác trong ĐCSTQ và những kẻ từng phạm phải nhiều tội ác nhưng không chịu hối cải, họ đều đang chờ được cứu.

Chúng ta có trách nhiệm không được từ bỏ bất kỳ ai, cũng như không được trộn lẫn cảm xúc và quan niệm cá nhân vào trong sứ mệnh cứu người. Chúng ta phải cho phép họ có cơ hội để lựa chọn. Còn sau này, người đó có muốn được giúp hay không là tùy thuộc vào cá nhân họ. Từ lúc đó trở đi, tôi luôn tìm mọi cơ hội để giảng chân tướng cho ông San.

Cha mẹ tôi đều đã ngoài 80 tuổi. Vì thấy họ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, nên quan chức địa phương không cho họ vào danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí cho người có thu nhập thấp.

Cha tôi đã tức giận ông San về việc này, nhưng tôi khuyên ông: “Chúng ta là những học viên nên cần từ bi với người khác cha ạ. Có thể ông ấy không hoàn toàn là người gây nên chuyện này. Khi có cơ hội thích hợp, con sẽ hỏi ông ấy lý do tại sao và ai đã quyết định vậy”.

Có một lần trong lúc tôi đang giảng chân tướng cho ông ấy, thì ông ấy nói: “Tiền trợ cấp của cha mẹ cô không phụ thuộc vào tôi, cô hãy tới Ban Dân chính của huyện mà hỏi”. Ngay sau đó, ông ấy đã đến ban này tìm hiểu. Sau khi quay lại, ông ấy kể cho tôi nghe chuyện gì xảy ra.

Những người phụ trách của Ban Dân chính nói với ông ấy: “Vì gia đình này tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên chúng tôi không thể phê duyệt cho họ”.

Ông ấy nói thêm: “Lúc đó tôi hỏi họ, nếu các anh không đưa tôi văn bản từ chối chính thức thì tôi biết giải thích với họ thế nào? Chẳng nhẽ lại nói là do Ban Dân chính từ chối đơn. Nếu ngày mai con gái bà ấy đưa bà ấy đến văn phòng của các anh và bỏ bà ấy ở lại thì các anh sẽ gặp rắc rối đấy”.

Những điều ông ấy nói khiến họ chột dạ, nên họ bảo ông ấy: “Được rồi. Ông có thể làm thủ tục đăng ký giúp họ”.

Dù cha tôi đã mất sau đó, nhưng ông San vẫn giúp mẹ và chồng tôi được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí cho người có thu nhập thấp.

Năm 2019, tôi rời nhà lên thành phố sinh sống. Một lần tình cờ gặp lại ông San, tôi đã cho ông ấy xem băng hình Pháp Luân Đại Pháp và nói cho ông ấy biết thêm về môn tu luyện này.

Tôi nói: “Sư phụ Lý vẫn còn thương xót ông. Người đã khai sáng cho tôi để tôi giúp ông. Dù là vì lý do áp lực của chính quyền khiến ông có nhiều hành vi sai trái, nhưng ông đã trực tiếp tham gia bức hại, điều đó có nghĩa ông đã phạm tội và phải trả giá”.

Năm đó, cảnh sát thành phố đã bắt giữ nhiều học viên. Ông San có việc lên thành phố nên muốn ghé qua nhà tôi. Nhưng tôi nói với ông ấy: “Thời gian này ông đến chỗ tôi có phần bất tiện, vậy để tôi qua chỗ ông vẫn tốt hơn”. Dù đã đồng ý gặp mặt, nhưng tôi vẫn thấy do dự.

Tôi nghĩ: “Không biết ông ta đến đây làm gì. Liệu mình có nên gặp gỡ ông ấy không?”

Sau cùng, tôi vẫn quyết định đi gặp ông ấy. Tôi nói với một học viên khác về dự định của mình và đề nghị cô ấy phát chính niệm hỗ trợ tôi. Cô ấy nhắc nhở: “Dù vậy chị cũng phải cẩn thận, đặc biệt ông ta lại đến gặp chị vào đúng thời điểm nhạy cảm này”.

Khi chúng tôi gặp nhau, tôi giảng chân tướng Đại Pháp nhiều hơn cho ông ấy nghe. Ông ấy cho tôi biết lý do ông ấy đến thành phố lần này với mục đích đưa người họ hàng lên tàu hỏa về quê.

Ông ấy cho hay, trưởng phòng an ninh nội địa tại địa phương vì để trốn tránh trách nhiệm, muốn ông ấy báo cáo cho cảnh sát địa phương một trường hợp học viên Pháp Luân Đại Pháp trong thôn đang làm việc tại địa bàn quản lý của họ. Vì điều đó sẽ giúp Phòng an ninh huyện không gặp rắc rối.

Ông San không đồng ý làm theo yêu cầu này nên nói với người phụ trách đó rằng: “Nếu các anh làm thế, cảnh sát địa phương sẽ gây rắc rối cho học viên đó. Dĩ nhiên, anh ta sẽ không thể tiếp tục làm việc tại địa phương và phải đi nơi khác. Nếu anh ta đi mất thì các anh sẽ làm gì?”

Vì vậy, ông San đã ngăn cản thành công ý định của vị trưởng phòng an ninh kia. Nghe những gì ông ấy kể lại, tôi khích lệ và ủng hộ hành động của ông ấy: “Ông đã làm đúng!”

Đến giữa tháng 5 năm 2020, ông San gọi điện nói ông ấy đang đi công tác ở thành phố nên muốn đến thăm mẹ tôi. Ông ấy nói: “Đại Pháp thật tốt! Chị biết đấy, đối với tôi công việc làm ruộng ở độ tuổi này quả thực rất khó khăn nên không thể sánh được với đám thanh niên trai tráng. Nhưng tôi vẫn ghi nhớ những lời chị dặn niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo”. Hầu như ngày nào tôi cũng thầm niệm những chữ này. Chị hãy đoán thử xem. Tôi có thể làm việc trên cánh đồng cả ngày và hiệu suất công việc chẳng khác gì đám thanh niên đó cả”.

Ông ấy cũng nói cho những người cùng làm với ông ấy rằng: “Trong làng tôi có nhiều người là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Điều mà tôi hiểu rõ nhất về Pháp Luân Đại Pháp chính là những người tu luyện đó đều là những người tốt”.

Tôi giải thích thêm cho ông ấy lý do tại sao cần thoái ĐCSTQ. Sau đó, ông ấy đồng ý để tôi sử dụng tên thật của mình làm tam thoái.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/1/25/418872.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/4/2/191685.html

Đăng ngày 09-06-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share