Bài viết của một học viên phương Tây ở Mỹ quốc

[MINH HUỆ 17-03-2021] Tôi là một học viên phương Tây và lớn lên ở Mỹ quốc. Trước khi trở thành một học viên, tôi cảm thấy tự hào vì bản thân mình sống rất thiết thực. Trong tâm trí của tôi thì đây là một cách sống biết điều và hợp lý. Thiết thực có nghĩa là mang lại hiệu quả, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền bạc và rất thông minh.

Trên thực tế, việc sống thực dụng như vậy chính là nguyên nhân khiến tôi đưa ra quyết định rằng hai vợ chồng tôi nên tổ chức hôn lễ tại cùng địa điểm mà chúng tôi sẽ trải qua tuần trăng mật. Vào thời điểm đó, tôi đang ở giữa kỳ thực tập, đây là một năm bận rộn nhất của chương trình đào tạo y khoa. Để tiết kiệm thời gian, tiền bạc, và bớt khó khăn, tôi đã quyết định một việc hết sức thực tế là tổ chức đám cưới ở phương xa. Tôi cảm thấy khá hài lòng với quyết định thực dụng này và thậm chí còn khoe khoang điều đó với những người khác.

Khi lần đầu tiên đọc cuốn Chuyển Pháp Luân vào ba năm trước, tôi nhận thấy Sư phụ Lý (nhà sáng lập pháp môn Pháp Luân Đại Pháp) đã nhiều lần nhắc đến cụm từ thiết thực này. Khi tôi tiếp tục đọc, những nội dung này ngày càng thu hút tôi.

Sư phụ đã giảng trong Bài giảng thứ Chín cuốn Chuyển Pháp Luân:

“Có người ngồi đây nghe Sư phụ giảng thấy rất có đạo lý, [nhưng] quay về xã hội người thường, lại [thấy] lợi ích hiện thực mới là thực tại”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

“Cũng có người căn cơ rất tốt, nhưng thường hay chịu nhận sự giáo dục tri thức nhỏ bé của xã hội hiện hữu này, nhất là phương pháp giáo dục tư tưởng tuyệt đối hoá ở mấy năm trước đây, làm cho tư tưởng con người ta trở nên vô cùng chật hẹp, hết thảy những gì vượt khỏi phạm vi mà họ đã biết thì họ đều không chịu tin, nên cũng có thể làm cho ngộ tính của họ chịu can nhiễu nghiêm trọng“. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

“Có người có làm thế nào mà giảng họ cũng không tin, vẫn [chỉ tin vào] những lợi ích thiết thực nơi người thường. Họ vẫn ôm giữ những quan niệm cố hữu mà không bỏ, làm cho [họ] không thể tin [vào Pháp]”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Mặc dù từ cơ điểm của một người tu luyện, tôi biết rằng thực dụng là không tốt, nhưng tôi vẫn không thể hiểu rõ bằng cách nào và tại sao lại như thế. Rốt cuộc thì mang lại hiệu quả và làm được nhiều việc hơn mỗi ngày lại không phải là một điều tốt sao?

Sư phụ giảng:

“Có thể một số người, vì họ ở nơi người thường, nên họ cho rằng lợi ích vật chất rõ ràng thực tại kia của người thường mới là lợi ích thiết thực. Trong dòng chảy lớn người thường, họ không thể lấy tiêu chuẩn cao mà yêu cầu bản thân”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Vào một buổi sáng, sau khi đưa con trai đến trường học, tôi nhận thấy các luồng suy nghĩ của bản thân đang tranh đấu xem mình nên lái xe về nhà bằng cách nào. Sau gần năm phút suy đi tính lại trong đầu, tôi phải vật lộn để đưa ra quyết định, tôi cố gắng tính toán xem đi về đường nào sẽ mất ít thời gian hơn. Tôi cảm thấy thực sự đau đầu khi cố gắng đưa ra quyết định đơn giản này.

Cuối cùng, khi lái xe đến nơi mà lẽ ra tôi phải rẽ phải hoặc đi thẳng, thì tôi lại nghĩ: “Đi đường nào thì thiết thực hơn nhỉ?”

Đó chính là lúc có một ý nghĩ loé lên trong đầu tôi. Tôi đã ngộ ra Pháp lý Sư phụ giảng và hiểu được tại sao lợi ích thiết thực lại không phải một điều tốt.

Sư phụ giảng:

“Chúng tôi bảo họ tu luyện tâm tính như thế, nhưng họ hễ đến chốn người thường liền muốn sao làm vậy. Họ cho rằng những lợi ích rất thiết thực, động chạm đến được, đạt được nơi người thường mới là lợi ích thiết thực, còn phải đắc những thứ ấy. Pháp mà Sư phụ giảng, nghe thì thấy có đạo lý, nhưng không thực hiện nổi”. (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Thời gian chênh lệch giữa hai tuyến đường có lẽ không quá hai phút. Nhưng vấn đề là, tôi không có việc nào cần làm trong kế hoạch và cũng chẳng có nơi nào cần đến cả. Tôi chỉ phải trở về nhà để bắt đầu một ngày của mình. Vậy mà tôi lại cảm thấy phiền não về việc làm cách nào để có thể tiết kiệm được hai phút. Tôi đã bị sốc khi nhận ra bản thân mình truy cầu một chút lợi ích nhỏ nhoi đến như vậy! Tôi biết rằng nếu tôi đối đãi với một vấn đề đơn giản bằng tâm truy cầu lợi ích, thì chắc chắn với những khía cạnh khác trong cuộc sống tôi cũng đang làm điều tương tự.

Vài ngày sau, tôi đã chia sẻ trải nghiệm của mình với một học viên khác trong nhóm học Pháp. Công việc của cô ấy cũng đòi hỏi phải lái xe nhiều, giống như công việc của tôi. Khi tôi nói với cô về thể ngộ của mình, cô ấy đã rất ngạc nhiên. Ngoài ra, tôi chia sẻ rằng, khi tôi lái xe nhiều để đi làm, tôi luôn cố gắng tìm ra tuyến đường nhanh nhất, và tôi đặt rất nhiều nỗ lực tinh thần vào việc này. Cô ấy chia sẻ rằng cô ấy cũng làm điều tương tự và chỉ nghĩ rằng đây là việc mà ai cũng làm giống như thế. Tôi cũng tin rằng điều này là đúng.

Sư phụ giảng:

“Thực ra con người rất khó ngộ; bởi vì người thường chịu nhận chỗ mê của xã hội người thường, khi lợi ích hiện thực trước mắt liền không vứt bỏ cái tâm ấy được. Chư vị không tin [ư]; có người nghe xong bài giảng ra khỏi lễ đường, liền biến thành người thường; ai gây [sự] với họ, đụng phải họ, họ liền không chịu. Qua một giai đoạn thời gian, hoàn toàn không còn coi bản thân mình là người luyện công nữa”. (Bài giảng thứ tám, Chuyển Pháp Luân)

Thể ngộ của tôi là việc truy cầu một chút lợi ích hiện thực là điều người thường vẫn hay làm mà không chú ý đến. Nó được xem như một điều bình thường và được xã hội chấp nhận, thậm chí là khuyến khích. Như vậy, nó là một trong những chấp trước bị ẩn giấu dưới bề mặt và không dễ nhận diện.

Tôi cũng ngộ ra rằng, những việc như lên kế hoạch một ngày, chẳng hạn như bao gồm cả việc tuyến đường chúng ta sẽ đi, v.v… thì không sao cả. Nhưng nếu chúng ta nghĩ quá nhiều về nó thì nó sẽ trở thành chấp trước.

Chúng ta hãy thử hướng nội sâu hơn, nguyên nhân tại sao chúng ta lại nghĩ quá nhiều về những thứ loại này? Chẳng phải đó là vì muốn bảo hộ bản thân khỏi một chút rắc rối – để tiết kiệm một chút thời gian, một chút tiền bạc và tránh khỏi một chút khổ nạn hay sao? Đây chẳng phải toàn là những lợi ích thiết thực ư?

Thực ra, trong lúc lái xe tôi đã có cơ hội hướng nội khi lần đầu tiên trở thành một học viên. Sư phụ đã điểm hoá cho tôi biết tôi có tâm tranh đấu mạnh mẽ (loại tâm chấp trước mà tôi luôn chối bỏ) khi tôi không cho phép một chiếc xe nào vượt lên trước tôi. Quá thực dụng và muốn tiết kiệm thời gian – điều này chẳng phải đã dẫn đến việc tôi tranh hơn thua với người khác để dẫn đầu sao? Mặc dù tôi đã sớm nhìn thấy tâm tranh đấu của mình, nhưng gần đây tôi mới nhận ra chấp trước mạnh mẽ của mình vào lợi ích thiết thực và ý nghĩa của nó. Tôi cũng phát hiện sự gắn bó giữa chấp trước vào lợi ích thiết thực và tâm tranh đấu.

Là một học viên, tôi không nên trốn tránh khó khăn, truy cầu lợi ích thiết thực, hoặc tranh hơn thua với người khác. Đây chẳng phải là những thứ vị tư sao?

Khi nhìn lại lựa chọn của mình cho hôn lễ của chúng tôi, giờ tôi có thể nhận ra tâm truy cầu lợi ích thiết thực của bản thân, tôi đã không cân nhắc đến người khác. Thứ nhất, bởi vì chúng tôi kết hôn ở Mexican Riviera nên không có người thân nào trong gia đình của chúng tôi có thể tham dự được đám cưới. Trong sự truy cầu lợi ích thiết thực, tôi chỉ nghĩ đến bản thân và đã gây ra tổn thất cho những người khác.

Sư phụ giảng:

“… bởi vì họ khôn, họ sẽ biết lấy lòng người, họ có thể được nhiều thứ tốt, người khác do vậy sẽ phải nhận nhiều thứ xấu; bởi vì họ khôn, nên họ cũng không thể chịu thiệt, họ không dễ chịu thiệt, và người khác phải chịu thiệt. Họ ngày càng coi trọng những lợi ích thực tiễn nhỏ nhoi ấy, như vậy bụng dạ của họ ngày càng hẹp hòi, họ ngày càng cho rằng lợi ích vật chất có được ở nơi người thường mới là những thứ không thể buông bỏ được, họ cũng nhận rằng bản thân họ coi trọng hiện thực, họ cũng không chịu thiệt thòi.” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi đã luôn cho rằng bản thân mình rất thực dụng. Vì Sư phụ điểm ngộ cho tôi nên tôi đã trút bỏ được một gánh nặng tinh thần. Tâm trí tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn và tiến gần hơn đến trạng thái vô vi (không có ý niệm hoạt động).

Sư phụ giảng:

“Bản thân công pháp tu luyện không hề khó, bản thân việc đề cao tầng cũng không khó gì hết, mà chính là tâm con người không vứt xuống được, nên họ mới nói là khó. Bởi vì đang trong lợi ích hiện thực thì rất khó vứt bỏ nó được, lợi ích kia đang ở đó, chư vị nói xem cái tâm ấy vứt bỏ như thế nào đây? Họ thấy rằng khó, trên thực tế chính là khó ở chỗ này”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Trong khi viết bài chia sẻ này, tôi nhận thấy Sư phụ đã nhắc đến cụm từ lợi ích thiết thực mười lần khác nhau trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Việc này cho thấy vấn đề lợi ích thiết thực không phải là một vấn đề nhỏ.

Dưới sự từ bi chỉ dẫn của Sư phụ, tôi sẽ nỗ lực hơn để thanh lý triệt để chấp trước này và cả những nhân tâm khác, để có thể cứu nhiều chúng sinh hơn và vững bước trên con đường phản bổn quy chân.

Trên đây là thể ngộ của tôi ở tầng thứ sở tại. Xin vui lòng chỉ ra bất cứ điều gì không phù hợp với Pháp.

Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/17/191439.html

Đăng ngày 28-05-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share