Bài viết của phóng viên Minh Huệ

[MINH HUỆ 31-12-2020] Chưa đầy một năm sau khi ông Diệp Phụng Lâm bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công, ông đã chết vào ngày 27 tháng 6 năm 2002 ở tuổi 44 trong khi đang bị giam trong trại lao động với mức án 2,5 năm. Mười chín năm đã trôi qua kể từ cái chết đầy bi kịch của ông, nhưng gia đình ông vẫn không được biết thông tin gì về điều gì đã xảy ra với ông trong những ngày cuối đời.

Hai năm trước, một người bạn của gia đình ông đã tình cờ xem được bản báo cáo khám nghiệm tử thi của ông và nhận ra rằng cư dân ở thành phố Tất Tiết, tỉnh Quý Châu này đã chết vì bị bức thực, mặc dù trại lao động nói rằng cái chết của ông là do bị lao phổi cấp và suy hô hấp.

Cái chết đầy nghi vấn

Cát Tuấn Lan, giám đốc trại lao động, và Lục Vĩnh Lượng ở Đồn cảnh sát Tam Kiều đã đến nhà ông Diệp vào khoảng 10 giờ tối ngày 27 tháng 6 năm 2002 và yêu cầu gia đình đi với họ đến Trại lao động cưỡng bức Trung Ba.

Vợ ông hỏi họ là điều gì đã xảy ra. Họ từ chối cho biết bất cứ điều gì và nói: “Chị sẽ biết sau khi đến đó”. Khi đến nơi, bà được thông báo là ông Diệp đã chết vì một căn bệnh cấp tính vào lúc 7 giờ sáng hôm đó.

Gia đình ông Diệp sau đó được đưa đến Nhà tang lễ Thanh Sơn Viên. Lúc đó, các nhân viên nhà tang lễ đã vệ sinh và mặc quần áo cho ông. Gia đình ông không thể biết là ông có vết thương nào trên thân thể hay không. Trên tường, có một tấm biển ghi “thi thể vô danh”.

Ban đầu, trại lao động không đồng ý cho khám nghiệm tử thi ông Diệp. Nhưng họ đã phải chấp nhận vì gia đình ông kiên quyết yêu cầu.

Việc khám nghiệm được thực hiện ở nhà tang lễ vào chiều ngày 29 tháng 6 bởi các bác sĩ pháp y Vương Kiệt, Vương Lỗi, và Hoàng Ứng Khang, thuộc Khoa Pháp y của Trường Đại học Y Quý Dương, và Trương Khánh Hoa và Trần Tường thuộc Phòng Công nghệ Pháp y của Sở Công an thành phố Thanh Trấn.

Trong khi khám nghiệm, người ta phát hiện ra rằng một chiếc xương sườn của ông Diệp đã bị gãy. Có một vùng lớn bị thâm tím trên bụng ông ở gần gan. Ruột của ông rất sạch và không có thức ăn sót lại.

Không có người quản lý hay bác sĩ nào của trại lao động tham dự buổi khám nghiệm hay sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Chỉ có 2 bác sĩ trẻ và một vài lính gác vốn không biết gì về trường hợp của ông Diệp được cử đến nhà tang lễ. Khi bị gia đình ông hỏi về việc chiếc xương sườn bị gãy và vết thâm tím, những người này nói rằng đó là do việc hồi sức cấp cứu ở bệnh viện.

Gia đình ông Diệp cũng yêu cầu được xem quần áo mà ông mặc khi ông chết nhưng một lính gác nói rằng quần áo của ông đã bị vứt đi và vì lý do nhân đạo mà họ đã mặc quần áo mới và vệ sinh cho ông.

Trong bản báo cáo khám nghiệm tử thi cuối cùng được đưa ra 10 ngày sau đó vào ngày 9 tháng 7, các bác sĩ pháp y này đã kết luận rằng ông Diệp bị chết vì bệnh lao lan tỏa qua đường huyết cấp tính, gây ra nhiễm độc hệ thống và suy hô hấp.

Do không có kiến thức về y học, gia đình ông Diệp đã không đọc kỹ bản báo cáo. Họ tin rằng ông đã bị đánh đập đến chết, và rằng bệnh lao chỉ là một cái cớ của chính quyền để che đậy việc đánh đập.

Bản báo cáo khám nghiệm tử thi

Vào khoảng năm 2019, một bác sĩ là bạn của gia đình có dịp đọc bản báo cáo khám nghiệm tử thi. Ông bị sốc khi đọc dòng chữ nói rằng “Trong đường phế quản chính, có đầy chất lỏng và thức ăn dư lại”. Sau khi thảo luận về trường hợp này với một số chuyên gia y học khác, ông xác định rằng ông Diệp đã bị chết do bị bức thực.

Bản báo cáo cũng viết thêm rằng “một lượng lớn đồ chứa bên trong dạ dày đã tích tụ lại ở thanh quản, nắp thanh quản và thực quản” và “thức ăn ở trong dạ dày đã được tiêu hóa một nửa và trông bình thường”.

Người bạn của ông Diệp nói rằng những dòng trên từ bản báo cáo ngụ ý rằng những chất còn lại được tìm thấy trong lòng phế quản chính, thanh quản, nắp thanh quản, thực quản và dạ dày của ông là giống nhau. Trong tình huống bình thường, nhất định là không thể có thức ăn ở trong thanh quản, nắp thanh quản và thực quản của ông được, bởi vì nó sẽ nhanh chóng làm tắc hô hấp của ông. Thực tế rằng ngay cả lòng phế quản chính của ông có chứa đầy thức ăn có nghĩa là toàn bộ hệ hô hấp của ông đã hoàn toàn bị tắc nghẽn.

Hồ sơ y tế của ông Diệp do trại lao động cung cấp nói rằng ông đã từ chối dùng thuốc vào ngày 24 tháng 6 năm 2002. Người bạn của ông cũng nghi ngờ rằng các lính gác có thể đã trộn lẫn thuốc với thức ăn và cố gắng bức thực ông. Nếu ông từ chối nuốt thức ăn, điều đó có thể giải thích lý do tại sao mà đồ ăn lại còn lại ở trong thanh quản, nắp thanh quản và thực quản của ông. Cũng có thể là các lính gác đã bức thực vào ống phế quản của ông, ở ngay thực quản, và sau đó khiến cho các ống phế quản của ông chứa đầy thức ăn.

Bản hồ sơ y tế cho thấy rằng ông Diệp đã bị toát mồ hôi nhiều, mặt xanh, hụt hơi, và môi tím xanh vào khoảng 6h30 sáng, một giờ trước khi ông chết. Tất cả những triệu chứng này cho thấy sự thiếu ô-xy, nghĩa là ông không thở được.

Mặt khác, bản hồ sơ y tế chưa từng nhắc đến việc ông Diệp được chẩn đoán là bị lao phổi. Nhưng các bác sĩ pháp y lại tuyên bố rằng ông chết vì căn bệnh đó, và người bạn của ông nói, có thể là một cách để chính quyền che đậy lý do thực sự sau cái chết của ông.

Còn về chiếc xương sườn bị gãy, bác sĩ pháp y tuyên bố rằng nó xảy ra sau khi ông chết, và người bạn của ông Diệp nghi ngờ rằng đó cũng là để che đậy sự thực rằng ông Diệp đã bị tra tấn trong khi bị giam.

Người bạn của ông cũng nhận ra rằng vết bầm tím ở trên bụng ông không được ghi chép lại trong bản báo cáo khám nghiệm tử thi, cũng không có bức ảnh nào về điều này ở trong đó, mặc dù các cơ quan thực hiện khám nghiệm đã chụp các bức ảnh thi thể của ông trong quá trình khám nghiệm.

Quá trình ông Diệp bị bức hại

Ông Diệp sinh năm 1958. Ông tốt nghiệp Trường Sư phạm Tất Tiết năm 1977. Ông là giáo viên trường tiểu học và làm hiệu trưởng trước khi ông bắt đầu công việc ở một cơ sở quân sự địa phương. Trước khi theo tập Pháp Luân Công, ông đã mắc nhiều loại bệnh, đặc biệt là bị đau nặng ở hai bàn chân. Ông cũng hút thuốc, uống rượu và đôi khi đánh bạc.

Vợ ông giới thiệu Pháp Luân Công cho ông vào năm 1995. Ông rất thích thú với những nguyên lý được giảng trong sách, và tích cực thực hành theo. Ông đã từ bỏ tất cả những thói quen xấu của mình và giới thiệu môn tập cho các cư dân địa phương khác, hy vọng rằng nhiều người hơn nữa có thể thu được lợi ích từ môn tập.

Do ông có tầm ảnh hưởng trong các học viên địa phương, nên cảnh sát đã khám nhà ông và bắt ông sau khi cuộc đàn áp bắt đầu diễn ra vào năm 1999. Khi ông từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, ông đã bị giam ở một trại lao động cưỡng bức trong một đoạn thời gian.

Không lâu sau khi được trả tự do, ông Diệp lại bị bắt ở nơi làm việc vào tháng 10 năm 2000 và bị giam ở một trại giam trong 6 tháng. Cảnh sát thường xuyên thẩm vấn ông và ra lệnh cho ông từ bỏ Pháp Luân Công. Các lính canh của trại giam cũng thường xuyên đánh đập ông vì ông tập những bài công pháp của Pháp Luân Công.

Vào ngày 17 tháng 4 năm 2001, ông Diệp bị án 2,5 năm tại Trại lao động cưỡng bức Trung Ba, nơi ông đã bị tra tấn và tẩy não vì kiên định với tín ngưỡng của mình. Bất chấp việc ông bị thương, các lính canh vẫn bắt ông lao động khổ sai mà không được trả công.

Khi vợ và con trai ông Diệp đến thăm ông vào tháng 1 năm 2002, tình hình sức khỏe của ông vẫn còn tương đối tốt. Ông đã động viên con trai chăm học và thi tốt trong kỳ thi tuyển sinh vào trung học phổ thông. Con trai ông hứa sẽ quay trở lại thăm ông sau khi thi xong. Không ai biết rằng đó là lần cuối cùng họ được gặp nhau.

Ông Diệp bị sốt vào ngày 18 tháng 6 năm 2002. Thân nhiệt của ông lên đến 41 độ C vào ngày hôm sau. Trong cuộc nói chuyện thường lệ vào giờ ăn tối, lính gác Lý Tế Minh đã mắng ông Diệp vì không báo cáo thân nhiệt của mình sớm hơn. Nhưng họ vẫn không đưa ông đến bệnh viện. Thay vào đó, các lính gác lấy cho ông một chút thuốc hạ sốt, nhưng không có điều trị nào khác. Ông Diệp nghỉ lao động cưỡng bức và tập những bài công pháp của Pháp Luân Công trong xà-lim. Những học viên khác đã chăm sóc tốt cho ông. Hai ngày sau, thân nhiệt của ông đã hạ và ông có thể đi lại được.

Các lính gác đã đưa ông đến bệnh viện của trại lao động vào ngày 23 tháng 6. Bản hồ sơ y tế được nhắc đến ở trên bắt đầu có từ đó.

Hai tù nhân trực ca đêm trong bệnh viện của trại lao động sau đó nói với các học viên Pháp Luân Công tại địa phương về tình hình của ông vào buổi tối ngày 26 tháng 6. Một trong số họ trực ca cho đến 12 giờ đêm hôm đó và ông Diệp đã nói chuyện với anh ta cho đến 11 giờ trưa, trước khi đi ngủ. Một tù nhân khác, trực ca từ 12 giờ đêm, kể lại rằng vào khoảng 1 giờ sáng, một nhóm bác sĩ chạy vội vào và cố hồi sức cấp cứu cho ông Diệp. Sáu tiếng sau, ông đã qua đời.

Vào tháng 7, sau khi các học viên bị giam trong trại lao động đó biết tin về cái chết của ông Diệp, họ đã gửi 6 yêu cầu tới ban quản lý trại: (1) giải thích lý do che đậy cái chết của ông Diệp; (2) công bố thông tin chi tiết về cái chết của ông; (3) điều tra lính gác có họ là Lý vì đã không kịp thời tìm cách chữa trị cho ông mặc dù biết ông sốt cao vào ngày 19 tháng 6; (4) tổ chức lễ tưởng niệm cho ông; (5) thông báo với gia đình ông Diệp rằng thân nhiệt của ông trên thực tế đã giảm và ông đã hồi phục vào ngày 21 tháng 6 (6 ngày trước khi ông chết); (6) ngừng việc lấy cớ cho cái chết của ông Diệp và dùng cái chết của ông để bôi nhọ Pháp Luân Công. Ban quản lý đã đồng ý với các yêu cầu (2) và (6) nhưng không có báo cáo chi tiết nào về cái chết của ông Diệp.

Những thủ phạm liên quan đến cái chết của ông Diệp:

1. Hạ Vạn Tường, trưởng đồn cảnh sát Đoàn Kết Hương: +86-857-8734004

2. Triệu Khánh Dương và Nhiếp Tông Phát, phụ trách chính trị của Sở Công an thành phố Tất Tiết: +86-857-8223041, +86-857-8221354

3. Dư Giang, Lưu Di Thụy, Cát Tuấn Lan, các lính gác của Trại lao động cưỡng bức Trung Ba

4. Lý Tể Minh, cảnh sát viên.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/31/417120.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/7/191280.html

Đăng ngày 17-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share