Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 27-02-2021] Vào ngày 6 tháng 1 năm 2021, bà Lý Quế Linh ở thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm đã bị bắt vì tu luyện Pháp Luân Công và hiện đang bị giam trong Trại tạm giam Số 4 thành phố Trường Xuân.
Trước vụ bắt giữ gần đây nhất, bà Lý từng nhiều lần bị bắt và giam giữ trước đó vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công. Bà cũng đã bị bốn lần kết án lao động cưỡng bức với tổng thời gian thụ án sáu năm và bị tra tấn dã man trong khi bị giam giữ, bao gồm việc tiêm thuốc, đánh đập, sốc điện bằng dùi cui và bức thực. Bà từng bị tra tấn đến mức rối loạn tinh thần.
Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, bà Lý vốn là một nông dân với thân thể đầy rẫy bệnh tật. Bà bị bệnh viêm phế quản nặng, bệnh phụ khoa, đau đầu, bệnh dạ dày và không thể làm công việc đồng áng. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, bà đã lấy lại được sức khỏe của mình và trở thành một người tràn đầy năng lượng và tràn đầy niềm tin vào tương lai.
Bà Lý từng nói: “Pháp Luân Công đã dạy tôi hiểu được ý nghĩa con người đến thế giới này. Tôi biết làm sao để sống, làm thế nào để thành một người tốt, và làm thế nào để trở nên chân thành, khoan dung và nhẫn nhượng, và biết nghĩ cho người khác trước bản thân. Với những điều học được, tôi có thể trở thành một người tốt và việc chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công đã đem đến cho tôi một cuộc đời hoàn toàn mới, và một cuộc sống mới.“
Tuy nhiên vào ngày 20 tháng 7 năm 1999 sau khi chính quyền Trung Quốc phát động cuộc bức hại toàn diện Pháp Luân Công, giống như hàng chục triệu học viên khác, bà Lý đã liên tục rơi vào tầm ngắm của chính quyền.
Bị giam giữ ba lần trong năm 2000
Vào tháng 5 năm 2000, bà Lý đã đến Văn phòng Kháng nghị Quốc gia ở Bắc Kinh để nói với chính quyền rằng Pháp Luân Công là tốt và phản đối cuộc bức hại. Bà đã bị bắt ở cổng và bị đưa về Đồn Công an thị trấn Đại Truân. Bà bị chuyển đến trại tạm giam Đại Quảng vào ngày hôm sau và được thả sau 15 ngày bị giam giữ.
Vào cuối năm 2000, bà lại đến Bắc Kinh để kháng cáo nhưng bị cảnh sát chặn lại và đưa đến trại tạm giam Đại Quảng. Sau 15 ngày giam giữ, cảnh sát đã đưa bà đến Đồn Công an thị trấn Đại Truân, ở đây bà đã bị đánh đập và chửi rủa trước khi được thả.
Ngay sau đó, các quan chức của thôn Tống Gia, thị trấn Đa Truân đã đưa bà trở lại Đồn Công an thị trấn Đa Truân. Cảnh sát trưởng Bành Tiểu Minh đã đánh đập và mắng mỏ bà. Bà bị còng tay vào lò sưởi qua đêm và sau đó được thả.
Bị tra tấn tàn bạo trong một năm ở Trại lao động cưỡng bức
Vương Gia Nghĩa, Bí thư Đảng ủy thị trấn Đại Truân và một số cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Đại Truân đã bắt giữ bà Lý và đưa bà đến Trung tâm tẩy não Lạc Sơn vào ngày 5 tháng 2 năm 2002. Vì bà từ chối xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, cảnh sát đã bắt bà đến Trung tâm tẩy não Hưng Long Sơn, ở đây bà bị đánh đập và còng tay.
Bởi phản kháng việc tẩy não, bà đã bị đưa đến Công an thành phố Trường Xuân và bị còng tay vào ghế, đánh vào miệng và bị đấm đá vào người. Đêm hôm đó, bà bị chuyển đến trại tạm giam số 1 Thiết Bắc. Năm mươi ngày sau, bà bị kết án lao động cưỡng bức một năm và bị đưa đến Trại lao động Nữ Hắc Chủy Tử dù lúc đó bà đang bị huyết áp cao và điều kiện sức khỏe không đạt yêu cầu.
Giống như các học viên Pháp Luân Công khác, ban đầu bà Lý bị giam trong đại đội 6 của trại lao động, nơi được thiết lập để tẩy não các học viên và cưỡng bức họ từ bỏ đức tin của mình. Có bốn tiểu đội và hơn 1.000 học viên Pháp Luân Công trong đại đội này.
Vào một buổi chiều, bà bị triệu tập đến một phòng của quản giáo với cửa kính được che lại bởi một tấm vải. Ngay khi bà bước vào phòng, bảy lính canh đã lao vào đấm đá bà trước khi ghì bà xuống đất và bức thực bà bằng một loại thuốc không rõ nguồn gốc. Bà đã kháng cự và nhổ ra, nhưng họ lại tiếp tục đổ vào miệng bà. Họ cười ha hả trong khi tra tấn bà. Cuối cùng, họ lấy đi dây nịt quần để làm nhục bà. Toàn thân bà bầm tím sau màn tra tấn này.
Để buộc bà từ bỏ Pháp Luân Công, các lính canh đưa bà trở lại phòng thẩm vấn để tra tấn và đánh đập bà. Đôi khi các lính canh ra lệnh cho bà phải đọc những lời phỉ báng Pháp Luân Công. Khi bà từ chối, họ đã dùng dùi cui sốc điện bà.
Có lần bà bị cấm không được ngủ cả đêm nên đã tuyệt thực phản kháng. Lính canh và tù nhân đã cạy miệng và bức thực bà. Họ bức thực bà ba lần một ngày trong suốt hai tuần cho đến khi bà không trụ nổi nữa.
Một lính canh tên là Trương Hiểu Huy đã từng nói với bà: “Nếu bà không từ bỏ Pháp Luân Công, hàng ngày chúng tôi sẽ tra tấn bà như thế này mỗi ngày. Chúng tôi sẽ khiến bà sống không bằng chết”.
Khi tính mạng của bà Lý gặp nguy hiểm, trại lao động đã thông báo cho gia đình bà chuẩn bị tiền để đến đón bà về; nếu không họ sẽ tống bà vào bệnh viện tâm thần. Tại thời điểm đó, tinh thần bà đã trở nên thất thường do bị tra tấn và bị tiêm các loại thuốc phá hủy thần kinh.
Chồng bà đã phải nộp 2.000 nhân dân tệ để bà được trả tự do. Bà đã không thể nhận ra bất cứ ai ở nhà, ngay cả chồng hay con trai của bà. Bà đại tiểu tiện mất kiểm soát và rất yếu. Bà hầu như không nói chuyện và trốn trán mọi người. Bà liên tục khoa tay múa chân như thể có ai đó đang ghì bà xuống và tiêm cho bà.
Hai năm lao động cưỡng bức bị tăng thành ba năm
Bà Lý dần lấy lại sức khỏe sau khi tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Vì bản thân bà đã trải qua và chứng kiến sự tàn khốc của cuộc bức hại, bà đã phân phát tài liệu để vạch trần và giúp ngăn chặn cuộc bức hại.
Các nhân viên của Đồn Công an Vĩnh Xuân đã bắt bà khi bà đang phân phát tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công vào ngày 16 tháng 8 năm 2002. Bà bị đưa đến trại tạm giam Số 3 thành phố Trường Xuân, nơi bà đã bị đánh đập vô cùng tàn bạo. Bà đã tuyệt thực trong 30 ngày để phản đối bức hại. Giám đốc trại tạm giam đã ra lệnh cho các bác sĩ nam bức thực bà bằng nước muối và bột ngô. Sau hơn 40 ngày bị giam giữ, bà bị kết án lao động cưỡng bức hai năm và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử một lần nữa.
Trước Tết Dương lịch năm 2003, bà đã bị trói chân tay vào bốn góc giường để trừng phạt vì bà từ chối tham gia một cuộc họp chỉ trích Pháp Luân Công.
Minh họa tra tấn: Trói chân tay vào bốn góc giường
Khi bà sắp mãn hạn, nhà chức trách đã gia hạn thêm 27 ngày. Sau đó, bà bị đưa thẳng đến Trung tâm tẩy não Hưng Long Sơn vào ngày 12 tháng 3 năm 2004. Bà đã bị đánh đập trên đường đến đó.
21 ngày sau, Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập đặc biệt để bức hại Pháp Luân Công, đã phi pháp đưa ra quyết định giam giữ bà thêm một năm trong trại lao dộng cưỡng bức.
Thời hạn lao động cưỡng bức lần thứ tư là hai năm
Vào ngày 4 tháng 2 năm 2007, bà Lý lại bị các cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Đại Truân bắt khi bà đang trên đường đi mua hàng tạp hóa. Họ sốc điện bà bằng dùi cui điện trong khi bắt giữ và khiến bà ngã lăn trên mặt đất. Sau đó, cảnh sát lục soát nhà, tịch thu các sách và tài liệu Pháp Luân Công của bà.
Sau đó bà Lý bị đưa đến trại tạm giam số 3 thành phố Trường Xuân và sau đó đến Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử để thụ án hai năm.
Bà Lý và một số học viên bị buộc phải làm công việc dọn dẹp vào những ngày nghỉ của họ vào đầu tháng 10 năm 2007. Họ phải lau cửa sổ và các phòng, giặt tay ga trải giường cho trưởng khu Chu Đan.
Bà Lý đã kháng lệnh và bị đánh đập, sốc điện bằng gậy điện. Chu cũng ra lệnh cho một số tù nhân trói tay chân bà vào 4 góc giường.
Bà đã bị tra tấn bằng hình thức trói kéo căng tay chân trên giường trong nhiều ngày. Bà phải đại tiểu tiện rên giường và bị bức thực. Có lần bà đã nôn ra sau khi bức thực, nhưng một tù nhân đã xúc những thứ bà nôn ra và lấy nó tiếp tục bức thực bà.
Trong một lần khác, vì không mặc đồng phục của tù nhân, bà đã bị trói vào giường chết để trừng phạt. Đồng thời, các lính canh đã đánh đập, chửi bới và dùng dùi cui chích điện vào miệng bà, khiến nó bị bỏng rộp.
Một lần khác, khi bà từ chối mặc áo tù, bà đã bị đưa lên tầng ba. Một tù nhân đã đánh đập và đá bà một hồi lâu rồi lại trói bà vào giường chết. Cánh tay phải của bà đã bị thương trong đợt tra tấn đó và hiện vẫn chưa thể hồi phục.
Minh họa tra tấn: Giường chết
Khi bà Lý bị giam trong trại lao động, cậu con trai duy nhất của bà không ai chăm sóc và bị sát hại ở tuổi 25 vào ngày 30 tháng 11 năm 2007. Bà không biết về cái chết của con trai mình cho đến khi trại lao động cho phép gia đình đến thăm vào tháng 4 năm 2008.
Bà Lý được thả khỏi trại lao động vào ngày 3 tháng 2 năm 2009.
Các vụ bắt và giam giữ khác
Bốn sĩ quan mặc thường phục của Đồn Công an thị trấn Đại Truân đã bắt giữ bà Lý vào tháng 11 năm 2009. Họ đưa bà đến trung tâm tẩy não ở núi Hưng Long và giam giữ bà trong 15 ngày.
Bà Lý và sáu học viên khác ở Trường Xuân bao gồm: Trương Chí Hoa, Kinh Phượng Vĩ, Vương Túc Anh, Tống Tỉnh Hiệp, Đậu Thục Tiên và Trương Hiểu Minh, đã đến Đội An ninh Nội địa thành phố Công Chủ Lĩnh vào ngày 7 tháng 8 năm 2015, để yêu cầu thả bà Vương Kiếm Anh, một học viên Pháp Luân Công (ngoài 70 tuổi).
Tất cả bảy học viên này đã bị bắt ngay tại chỗ. Sáu người trong số họ, bao gồm bà Lý, bị giam tại trại tạm giam thành phố Công Chủ Lĩnh trong 15 ngày, trong thời gian đó họ đã bị tẩy não.
Vào ngày 21 tháng 1 năm 2016, bà Lý lại bị bắt bởi cảnh sát của Nhà máy Ô tô thuộc Công an thành phố Trường Xuân, vì đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc), bởi đã hạ lệnh bức hại Pháp Luân Công. Bà đã được thả trong ngày hôm đó.
Vào sáng ngày 3 tháng 2 năm 2019, hai cảnh sát đã gõ cửa nhà bà Lý khi bà không có ở nhà, và chồng bà đã không mở cửa cho họ.
Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2021/2/27/421412.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/3/23/191537.html
Đăng ngày 16-04-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.