Bài viết của Minh Tâm

[MINH HUỆ 24-03-2021] Sư phụ giảng:

“Bất kể là trong lịch sử có bao nhiêu Thần hạ thế độ nhân, bất kể là trong mỗi dân tộc có bao nhiêu nhân vật anh hùng, bất kể là trong lịch sử đã xuất hiện dạng thức văn hoá nào đi nữa, [tất cả] thảy đều là để cho sự triển hiện tối hậu của Đại Pháp ở nhân loại hôm nay, từ đó ở nhân loại mà đặt định ra văn hoá để nhận thức Đại Pháp, tạo thành những đặc điểm văn hoá khác nhau, đặt định ra các phương thức văn hoá khác nhau.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2004)

Cá nhân tôi nhận thấy có rất nhiều câu chuyện được lưu truyền lại, đặc biệt là những chuyện liên quan đến tu luyện ở tầng ý nông cạn có tác dụng nhằm để cảnh tỉnh và trợ giúp đối với những người tu luyện bắt đầu cất bước trong hoàn cảnh vô Thần luận, đánh mất truyền thống và không còn biết gì về tu luyện như ngày hôm nay. Ví như chuyện kể về Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Milarepa, còn có chuyện kể về Moses mà tôi mới đọc gần đây. Ở bài này, tôi muốn chia sẻ về một số khải thị sau khi đọc chuyện kể về Moses.

1. Rốt cuộc chúng ta có năng lực cứu độ chúng sinh lớn đến đâu?

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, Moses đã trở thành vương tử Ai Cập. Trước năm 40 tuổi, ông đã nhận được sự giáo dục và nuôi dưỡng tốt nhất trong thế giới trần tục. Nhưng trong 40 năm tiếp theo, vì để thoát khỏi nguy hiểm và bảo toàn tính mệnh nên ông ấy đã trải qua cuộc sống tách biệt với thế giới bên ngoài, đoạn tuyệt hết thảy những truy cầu về thế tục. Năm 80 tuổi, Moses đã gặp được Thiên Chúa trong đám cháy ở bụi gai. Thiên Chúa bảo Ngài nhìn thấy chúng sinh của Ngài đang chịu thống khổ ở Ai Cập, cho nên Ngài muốn phái Moses đi cứu vãn người Israel thoát khỏi ách nô dịch của Ai Cập. Tuy nhiên, lúc đó Moses cho rằng nhiệm vụ Chúa giao phó cho mình vượt quá phạm vi năng lực của ông, cho nên ông đã viện nhiều cớ khác nhau để thoái thác.

Moses bày tỏ lo ngại của mình: “Tôi là người thế nào mà lại có thể đi gặp Pha-ra-ông, rồi dẫn dắt người Israel thoát khỏi nô dịch?”

Thiên Chúa chỉ dẫn cho ông: “Ta nhất định sẽ ở bên cạnh Moses.”

Nhưng mà Moses vẫn không tin vào sự an bài của Thiên Chúa. Moses nói lỡ như ông nói với người Israel là Thần phái ông đến để cứu họ ra khỏi Ai Cập thì họ ắt sẽ không tin. Do vậy, Thiên Chúa đã ban cho Moses ba thần tích để ông ấy khiến người Israel tín phục.

Ngay cả khi đã có được những điều này, vẫn không tin vào chính mình, ông nói mình là người miệng lưỡi vụng về. Do vậy, Thiên Chúa bảo Moses: “Ta nhất định sẽ chỉ cho Moses nói những gì nên nói.” Dù cho Thiên Chúa đã chỉ dẫn thế nào thì Moses vẫn khẩn cầu Ngài hãy giao phó sứ mệnh này cho người khác. Thiên Chúa chỉ còn biết ra lệnh cho anh trai của Moses là Aaron làm người chuyển lời của Ngài, bất quá là Ngài nói, rồi chỉ dẫn của Ngài được truyền đạt trực tiếp cho Moses thông qua Aaron.

Ở đây đã nói rõ một vấn đề: Nếu như Thần chọn một người đi thực thi một sứ mệnh nào đó, thì nhất định sẽ ban cho người này hết thảy năng lực cần phải có, những năng lực này đến từ Thần, cho nên người được Thần chọn không cần phải nghi ngờ hay lo lắng về năng lực bản thân không đủ, bởi vì lúc cần thiết sẽ thu được năng lực cần có, thậm chí là không gì không thể làm. Người tu luyện Đại Pháp chúng ta càng là như thế, Sư phụ cũng sớm khai thị:

“Có [hiện diện] của Pháp vĩ đại nhường này, trong chính niệm chư vị là đồng tại với Đại Pháp, đó là sự bảo đảm rất to lớn.” (Giảng Pháp tại Manhattan [2006])

Tôi tin rằng đệ tử Đại Pháp chân chính đều có thể nghiệm như vậy, thật sự vào lúc cần thiết, chính niệm mạnh thì việc gì cũng làm được, đặc biệt là trong việc cứu người. Cho nên lo lắng năng lực bản thân không đủ kỳ thực là vẫn còn chưa đạt được chính tín hoàn toàn, chưa thật sự lý giải được ý nghĩa của tu luyện Chính Pháp. Đương nhiên, cũng có người tu luyện sau khi nhìn thấy năng lực của mình liền khởi tâm gì đó, cho rằng mình thật xuất sắc, từ đó mà tự tâm sinh ma, đó lại là đi sang cực đoan khác.

Trong quá trình thực thi sứ mệnh, tuy là Đấng Cứu Thế (Savior) của người Israel nhưng Moses chưa từng khoe khoang năng lực của mình bao giờ. Ông chỉ khiêm cung đồng hành cùng Chúa, lắng nghe lời chỉ dẫn của Chúa, tuân theo mệnh lệnh của Chúa. Hơn nữa, ông còn nhiều lần thành khẩn cầu xin Thiên Chúa đừng giáng tai họa xuống người Israel, cho nên về cơ bản cuối cùng ông đã hoàn thành sứ mệnh mà Chúa giao phó là dẫn dắt người Israel rời khỏi Ai Cập và để cho thế hệ con cháu của họ đặt chân đến vùng đất Canaan.

Mặc dù bản thân ông không bước chân vào vùng đất này nhưng đương nhiên đó là một quan khác mà ông cần phải vượt qua trong tu luyện. Sau đây chúng ta sẽ bàn về vấn đề này.

2. Thần tích có thể khai thị cho con người, nhưng lại không thể cứu độ con người

Với những điều Moses đã trải qua khi thực thi sứ mệnh, lúc ban đầu, Pha-ra-ông Ai Cập không cho người Israel rời đi, Thiên Chúa để cho Moses thi triển một loại tai họa như dịch ếch, dịch ruồi, mưa đá, nạn châu chấu và nạn hắc ám. Mỗi lần tai họa giáng xuống, Pha-ra-ông đều tạm thời đáp ứng theo yêu cầu của Moses; nhưng sau khi thiên tai qua đi, Pha-ra-ông lại thu hồi lời hứa. Mãi cho đến khi tai họa thứ mười xuất hiện, Pha-ra-ông mới để cho Moses và người Israel rời khỏi Ai Cập, nhưng ông ấy lại hối hận ngay sau đó và phái quân đội truy bắt, nhờ vậy Moses đã làm ra thần tích rẽ nước Biển Đỏ.

Ở đây đã nói lên một hiện thực là, thần tích đối với những người có nghiệp chướng lớn mà nói chỉ có thể khởi tác dụng gây chấn động tạm thời trên bề mặt, bởi vì con người không hiểu cũng không thể lý giải nội hàm vĩ đại phía sau thần tích. Thần tích ở tai họa thứ mười không giúp cho Pha-ra-ông Ai Cập tín phục Thiên Chúa. Người Israel cũng vậy, tận mắt chứng kiến thần tích cũng không thể khiến họ từ tận đáy lòng sinh ra tín tâm kiên định đối với Chúa. Những người Do Thái đi theo Moses rời khỏi Ai Cập ở vào tình thế nguy hiểm và tuyệt vọng, sau khi nhìn thấy Biển Đỏ tách ra, họ đã từng cảm ân và ca tụng Chúa; nhưng sau khi tiến vào hoang mạc, lúc gặp phải tình cảnh khốn khó thì họ lại mất tín tâm vào Chúa, thậm chí còn oán trách Chúa.

Chỗ này giúp tôi có lý giải sâu sắc hơn về Pháp lý mà Sư phụ giảng:

công năng bản tiểu thuật
Đại Pháp thị căn bản”

(Cầu Chính Pháp Môn, Hồng Ngâm)

Tạm dịch:

công năng là thuật nhỏ
Đại Pháp là căn bản

Tôi cũng đã minh bạch vì sao Sư phụ không bao giờ biểu diễn công năng ── bởi vì chỉ có bản thân con người phát tự nội tâm muốn làm tốt, muốn thay đổi thì mới có thể giúp người đó được cứu. Trong quần thể người tu luyện cũng giống như vậy, công năng có thể giúp người ta gia tăng tín tâm nhưng công năng không thể đảm bảo cho người ta có thể tu thành, bởi vì chỉ có tâm tính mới là tiêu chuẩn đo lường duy nhất.

3. Hậu quả của việc oán trách vô cùng nghiêm trọng

Moses đã vì người Israel chịu đủ mọi cực khổ, nhiều lần ông còn dùng sinh mạng của mình để bảo vệ họ, nhưng lại không có được sự tôn trọng và biết ơn mà ông nên phải có, ngược lại ông vẫn luôn chịu đựng oán trách và tranh cãi. Thậm chí, người Israel còn bảo nhau lấy đá ném chết Moses và Aaron. Vào thời khắc đó, Thiên Chúa đã đích thân hiện thế để ngăn việc này. Lúc đó, nếu như không phải Moses đứng ra cầu xin thay cho người Israel thì Chúa đã tiêu diệt những người này.

Thiên Chúa lại lần nữa miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu của Moses tha thứ cho người Israel, nhưng Ngài nói thêm rằng ngoại trừ những người hai tuổi trong số họ ra, còn lại đều đã oán trách Ngài, cho nên họ không được đặt chân đến vùng đất hứa. Họ cần phải phiêu bạt ở đồng hoang thêm 40 năm nữa, cho đến khi thế hệ những người đó toàn bộ chết hết thì con cái của họ mới có thể đặt chân đến vùng đất Canaan ── đây chính là nguyên nhân vì sao người Israel phải mất đến 40 năm mới hoàn thành xong lộ trình vốn chỉ có 10 ngày.

Ở cảnh giới người thường, hiện tượng oán trách có thể nhìn thấy ở khắp mọi nơi, nhưng đối với người tu luyện nó có thể là điều đại kỵ. Người Trung Quốc do bị ngâm trong chất độc của tà đảng nên vấn đề này đặc biệt nổi cộm, bởi vì nhân tố cơ bản của tà đảng chính là oán hận, tranh đấu, đố kỵ, cho nên trong những người tu luyện Đại Pháp cũng có rất nhiều người đã quen với oán trách, đố kỵ, thậm chí là thù hận.

Năm đó, oán hận đã khiến cho người Israel tự mình tăng thêm ma nạn 40 năm phiêu bạt ở nơi đồng hoang. Hiện nay, một số người tu luyện do tâm đố kỵ không bỏ nên sinh ra oán hận và trách móc, họ cũng khiến bản thân mình gặp phải bức hại nghiệp bệnh, thậm chí là mất đi nhục thân. Trong các hạng mục, bởi vì oán trách mà khiến cho hoàn cảnh tu luyện và hoàn cảnh công tác trở nên bất hảo, ảnh hưởng đến sự phối hợp và phát triển của hạng mục, thậm chí khiến cho một số hạng mục không tiến hành được, những ví dụ thế này không phải là ít. Chúng ta phải thật sự cảnh giác điểm này!

4. Người tu luyện cần phải không ngừng mở rộng dung lượng tâm mình thì cuối cùng mới có thể hoàn thành sứ mệnh Thần giao phó

Kết cục của Moses khiến cho người ta cảm thấy bất ngờ nhất. Vào lúc cuối cùng, Moses đã nổi cơn thịnh nộ và quên mất lời dạy của Thiên Chúa, vì thế mà bị trừng phạt, không thể đặt chân đến vùng đất Canaan.

Sau khi người Israel vừa ra khỏi Ai Cập, lúc cắm trại ở nơi đồng hoang, vì không có nước uống nên họ đã nói lời phẫn nộ. Thiên Chúa dặn dò Moses dùng gậy gõ vào tảng đá cho nước chảy ra, rồi mang nước đó cho họ uống. Về sau, người ta đặt tên cho vùng đồng hoang là Meribah, ý tứ là “tranh cãi”. Sau 40 năm, người Israel đã đến được biên giới của Canaan, họ lại nói lời phẫn nộ do không có nước uống. Kỳ thực việc thiếu nước lần này cũng là một lần khảo nhiệm trên con đường tu hành của Moses. Moses cần phải mở rộng dung lượng tâm mình. Lúc xảy ra tranh cãi lần thứ nhất, Moses không tức giận, nhưng sau khi trải qua 40 năm, vị lão nhân 120 tuổi dẫn dắt một nhóm người Israel đi bộ trên đồng hoang ròng rã 40 năm, bây giờ tuy đã tới gần biên giới của vùng Canaan nhưng ông vẫn phải chịu nghe người Israel chửi rủa và phàn nàn, thế là Moses đã tức giận dưới tình huống này!

Sự tức giận của ông ấy chiểu theo tư duy của người bình thường là quá hợp lý ── người Israel thậm chí còn oán trách Moses: “Ông bắt chúng tôi rời khỏi Ai Cập, dẫn chúng tôi đến nơi tệ hại thế này …” Những lời nói này của họ quả là vong ân bội nghĩa, cưỡng từ đoạt lý, không màng sự thật!

Thế nhưng, thân làm người tu luyện, nếu đối diện với chỉ trích và phàn nàn vô lý như thế này mà chúng ta vẫn có thể bất động tâm, không tức giận, thì mới là mở rộng tấm lòng và khuếch đại dung lượng tâm mình, từ đó mới có thể gánh vác sứ mệnh lớn hơn nữa.

Người tu luyện Đại Pháp chúng ta đều cần phải trải qua khảo nghiệm này: lúc đang ở trong mâu thuẫn, nếu như chúng ta có thể nhẫn chịu những việc khó nhẫn, thiện ý lý giải người khác, thì mâu thuẫn và ma nạn xem ra rất lớn đều có thể lập tức hóa giải, liễu ám hoa minh hựu nhất thôn. Khi mọi chuyện qua đi, chúng ta nhận thấy rõ Sư phụ đã khuếch đại dung lượng của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta cứ hãm mình vào trong mâu thuẫn để nói lý trong người thường, nghĩ thế nào cũng thấy bản thân mình đúng, không thể nói đạo lý để người khác minh bạch, thì mâu thuẫn dạng này lần sau lại tới, bởi vì chúng ta vẫn chưa đột phá được quan này.

Bởi vì tức giận, Moses đã không tuân theo lời dặn dò của Thiên Chúa là dùng gậy gõ đá cho nước chảy ra, mà lại vung gậy đập vào tảng đá, nhìn trên bề mặt thì ông bị phạt không được đặt chân đến vùng Canaan là bởi vì việc làm này. Cả đời của Moses là để dẫn dắt người Israel rời khỏi Ai Cập đặt chân đến vùng đất Canaan, suốt 40 năm kiên trì bền bỉ chiểu theo lời dạy của Thiên Chúa mà hành sự, trải qua vô vàn gian khổ, bôn ba khắp nơi, nhưng đến lúc cuối cùng thì công sức đổ sông đổ biển. Bài học giáo huấn của Moses khiến cho tôi có nhận thức sâu sắc hơn: Nghe lời Thần vô điều kiện là điều quan trọng nhất.

Vì sao Moses quên mất điều này vào đúng thời khắc cuối cùng? Chính là vì ông ấy đã tức giận, có thể thấy nóng giận sẽ khiến người tu luyện mất đi lý trí, thậm chí là quên mất vâng theo lời dạy của Thần. Nó cũng khiến chúng ta thấy được tính nghiêm túc của tu luyện. Xem ra không tu tốt việc nhỏ cũng sẽ dẫn đến hậu quả to lớn. Giống như Sư phụ giảng trong sách “Chuyển Pháp Luân”:

“Tu luyện là cực kỳ gian khổ, là nghiêm túc phi thường; chư vị hơi không chú ý là có thể [bị] rớt xuống ngay, huỷ [hoại] chỉ trong một sớm; do vậy tâm nhất định phải chính.” (Chuyển Pháp Luân)

Làm đệ tử Đại Pháp, chúng ta chỉ có càng thêm tinh tấn, sớm ngày đạt đến tiêu chuẩn của người tu luyện Chính Pháp, từ đó hoàn thành sứ mệnh lịch sử của bản thân mình, như vậy mới không cô phụ Sư tôn dẫn dắt chúng ta hàng triệu triệu năm đặt định lịch sử văn hóa này.

Bên trên là thể ngộ cá nhân, nếu có chỗ nào chưa thỏa đáng, mong quý đồng tu từ bi chỉ chính.

[Ghi chú của người biên tập: Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả và tác giả phải chịu trách nhiệm cá nhân về tính đúng sai. Mong độc giả tự mình cân nhắc.]

(Mọi bài viết, hình ảnh, hay nội dung khác đăng trên Minghui.org đều thuộc bản quyền của trang Minh Huệ. Khi sử dụng hoặc đăng lại nội dung vì mục đích phi thương mại, vui lòng ghi lại tiêu đề gốc và đường link URL, cũng như dẫn nguồn Minghui.org)


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2021/3/24/422423.html

Đăng ngày 30-03-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share