Theo một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Quý Châu

[MINH HUỆ 28-01-2011] Học viên Pháp Luân Công, anh Hồ Đại Lễ ở huyện Tu Văn, tỉnh Quý Châu. Sau khi tốt nghiệp Trường Y Tuân Nghĩa, anh làm dược sĩ tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc huyện Tu Văn. Từ khi bắt đầu tập luyện Pháp Luân Công vào năm 1996 anh đã luôn sống chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn. Trong khi những dược sĩ khác luôn có được những khoản lợi nhuận béo bở từ các nhà phân phối thuốc thì anh luôn luôn từ chối những cơ hội như thế. Thậm chí dù cho nhiều đồng nhiệp đã ăn cắp thuốc đem về cho gia đình và bạn bè của họ, thì anh vẫn luôn pha chế thuốc theo đúng yêu cầu của đơn thuốc. Vì các phẩm chất cao quý này nên tất cả mọi người tại bệnh viện đều xem anh như một tấm gương sáng.

Chàng trai ngay thẳng như vậy đã bị đau khổ cùng cực, vì niềm tin của anh vào Pháp Luân Công. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu công khai đàn áp Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, công an Quý Châu trước tiên tống giam anh Hồ Đại Lễ vào một trại lao động cưỡng bức từ tháng 11 năm 1999 đến tháng 3 năm 2002 và sau đó kết án anh 10 năm tù giam vào tháng 8 năm 2003. Anh bị tra tấn và ngược đãi, sau cùng qua đời trong nhà tù vào ngày 19 tháng 1 năm 2011 ở độ tuổi 39.

Anh Hồ Đại Lễ đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công vào tháng 11 năm 1999. Anh bị bắt giữ và bị đưa về lại trại giam địa phương, nơi anh bị giam 15 ngày. Để trừng phạt anh Hồ vì anh đi thỉnh nguyện và để áp dụng các chiến thuật gây áp lực, các viên chức Chính quyền huyện Tu Văn đã rút lại các khoản tiền thưởng cuối năm đã hứa cho nhân viên tại bệnh viện của anh Hồ, bao gồm toàn bộ hệ thống y tế trong huyện.

Không lâu sau đó, các học viên địa phương khác cũng quyết định đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Nghi ngờ rằng anh Hồ Đại Lễ là người tổ chức, công an địa phương đã thẩm vấn anh suốt một đêm trong khi tay anh bị còng. Anh từ chối hợp tác với công an. Thậm chí dù cho Tết Nguyên Đán sắp đến gần, công an vẫn đưa anh đến Trại lao động Trung Bát để thi hành thời hạn giam ba năm

Gia đình anh Hồ Đại Lễ sống một cuộc sống khó khăn. Sau khi em gái tốt nghiệp đại học với sự hỗ trợ tài chính của anh, cô đã quyết định làm việc chăm chỉ để lo cho cha mẹ được tốt hơn. Nhưng cô bị sa thải vì anh trai cô tập Pháp Luân Công. Kết quả là toàn bộ gia đình gặp khó khăn về tài chính.

Vợ chưa cưới của anh Hồ Đại Lễ đến thăm anh một vài lần trong những năm đầu tiên anh ở trong trại lao động, nhưng cuối cùng vì không chịu nổi áp lực của cuộc đàn áp nên cô đã hủy bỏ hôn ước.

Khi các viên chức trại quyết định thả anh Hồ Đại Lễ vào tháng 5 năm 2002, họ ra lệnh cho anh viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công nhưng anh đã kiên quyết từ chối. Đồng thời vì không muốn những người làm việc tại bệnh viện bị liên lụy nên anh đã nghỉ việc sau khi được thả. Anh trở về quê nhà để giúp đỡ khu vực xung quanh nhà của cha mẹ.

Vào tháng 9 năm 2002 anh Hồ Đại Lễ đến thành phố Quý Dương để làm việc lặt vặt. Công an địa phương đã sách nhiễu gia đình anh tại nhà. Họ cũng gửi vài đồng nghiệp cũ của anh đến Quý Dương để tìm anh. Anh Hồ đã nhanh chóng bị bắt; từ đó không ai nghe tin gì về anh. Tháng 7 năm 2003 gia đình anh nhận được một cuộc gọi từ một người nói rằng anh ấy đã từng bị giam cùng phòng với anh Hồ, và rằng hai chân anh Hồ hầu như hoàn toàn bị liệt do bị tra tấn. Người đưa tin cũng nói rằng lính canh Liêu Sư Luân đã lên kế hoạch một lượt tra tấn khác đối với anh Hồ, bất chấp sự thật rằng anh Hồ phải dùng nạng để đi lại. Sau khi biết tin, gia đình anh Hồ đã nhanh chóng yêu cầu được gặp anh, nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối.

Tháng 8 năm 2003, Tòa án quận Ô Đương và Phòng 610 Quý Dương đã bí mật kết án anh Hồ Đại Lễ 10 năm tù mà không thông báo cho gia đình. Cha mẹ anh gần như suy sụp khi nghe được tin này. Họ yêu cầu được gặp anh Hồ tại Trại giam số 1 Quý Dương nhưng đều bị từ chối. Để đi từ nhà đến trại giam họ phải nhiều lần mượn tiền từ gia đình và bạn bè. Không những không gặp được con trai mà họ còn mắc rất nhiều nợ.

Mẹ anh Hồ Đại Lễ là bà Trương Quang Tiên, cũng là một học viên Pháp Luân Công, đã nhiều lần yêu cầu thả con trai bà ra để chữa trị nhưng không có kết quả. Cuối cùng các viên chức trại giam chuyển anh Hồ đến Nhà tù số 4 Đô Quân nơi anh bị đánh đập tàn bạo và từng được đưa đến Bệnh viện công an Quý Dương để cấp cứu.

Tất cả bệnh tật của bà Trương Quang Tiên đã biến mất sau khi bà tu luyện. Bà cũng chịu đựng sự bức hại giống như con trai. Một lần, nhiều công an cố ép bà in dấu tay vào một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công đã được viết sẵn, nhưng bà đã kiên quyết từ chối hợp tác với họ. Bà Trương qua đời tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc huyện Tu Văn vào tối ngày 22 tháng 2 năm 2004.

Nhà tù gọi cho gia đình anh Hồ Đại Lễ và bảo họ đưa anh về vào ngày 19 tháng 1 năm 2011. Khi ba anh chị em của anh đến đó thì anh Hồ đã qua đời. Lính canh cho rằng nguyên nhân cái chết là vì bệnh tật. Gia đình anh bị chính quyền ép phải đồng ý hỏa thiêu xác anh vào ngày hôm đó. Ngày hôm sau họ mang hài cốt của anh trở về.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/1/28/药房管理员被贵州都匀监狱迫害致死-235421.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/2/8/123133.html
Đăng ngày: 20-02-2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share