Theo một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm

Tên: Tôn Thục Phân (孙淑芬)
Giới tính: Nữ
Tuổi: 45
Địa chỉ: Thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm
Ngày mất: 13 tháng 9 năm 2009
Ngày bị bắt gần nhất: Tháng 10 năm 2003
Nơi bị giam gần nhất: Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử tại Trường Xuân (长春黑嘴子劳教所)
Thành phố: Trường Xuân
Tỉnh: Cát Lâm
Hình thức bức hại: Giam cầm, lao động cưỡng bức, tẩy não, cấm ngủ, sốc điện, đánh đập, đứng trong thời gian lâu, lục soát nhà, tống tiền.

[MINH HUỆ 29-12-2010] Bà Tôn Thục Phân, một cựu quản lý khách sạn ở Cát Lâm, từng có một tính xấu và nhiều vấn đề về sức khỏe trước khi tập luyện Pháp Luân Công vào năm 1998. Sau khi bắt đầu tập luyện, sức khỏe và tinh thần của bà đã cải thiện đáng kể.

Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu cuộc đàn áp vào tháng 7 năm 1999, các đặc vụ của Phòng 610 địa phương và người của ủy ban khu phố thường xuyên sách nhiễu bà vì niềm tin tinh thần của bà.

Bà Tôn đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện công lý cho Pháp Luân Công vào tháng 12 năm 2000, nhưng đã bị bắt giữ phi pháp vì giương một tấm biểu ngữ “Pháp Luân Đại Pháp Tốt” ở Quảng trường Thiên An Môn. Sau khi bị giam tại Đồn công an Tây Thành trong bốn ngày, Văn phòng Cát Lâm ở Bắc Kinh đã thông báo cho Đồn công an Kháo Sơn ở Cát Lâm và gia đình bà Tôn về việc bắt giữ. Sau đó, trưởng Đồn công an Kháo Sơn là Khương Bình và một người ở ủy ban khu phố địa phương có họ là Vương đã đến Bắc Kinh để đưa bà Tôn đến Trại giam số 3 của Cát Lâm. Bà bị giam ở đó 50 ngày và sau đó bị kết án hai năm lao động cưỡng bức.

Bà Tôn bị tẩy não tại Tiểu đội 3 của Đội 7 tại Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử ở Trường Xuân. Đặc vụ ĐCSTQ đã cố buộc bà viết ba tuyên bố để từ bỏ Pháp Luân Công. Do bà từ chối viết những tuyên bố này nên đã bị lính canh sốc điện bằng nhiều dùi cui điện. Một đêm, lính canh Hầu Chí Hồng đã sốc điện vào cổ bà trong ba tiếng. Tù nhân Lưu Đông Kiều được chỉ đạo cấm bà Tôn ngủ bằng cách ép bà đứng cúi đầu xuống. Tù nhân sẽ đấm bà ngay cả khi bà cử động nhẹ. Chân của bà Tôn bị sưng tấy, bà cảm thấy chóng mặt và khó thở do bị tra tấn kiểu này. Bà Tôn đã yêu cầu thủ phạm thông báo cho trưởng lính canh Vương Lệ Hoa rằng bà không muốn bị “chuyển hóa”. Sau đó Hầu Chí Hồng và Vương Lệ Hoa đã tra tấn bà bằng dùi cui điện trong ba tiếng, cho đến khi cổ, nách, lưng và những bộ phận khác trên thân bà đầy vết bầm tím. Bà Tôn cũng bị ép lao động nặng nhọc và làm sản phẩm thủ công.

Bà Tôn được thả ra khỏi Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử vào cuối năm 2002. Vào tháng 10 năm 2003, bà lại bị bắt bởi đặc vụ Phòng 610 Cát Lâm và Đồn công an Kháo Sơn là Khương Bình cùng một viên chức họ Trần. Nhà bà bị lục soát và tài sản cá nhân bị công an tịch thu. Bà bị kết án hai năm tù và tiếp tục bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Hắc Chủy Tử. Ở đó, bà bị ép lao động thêm giờ và bị tra tấn tàn bạo, sau đó bà bị bệnh u xơ tử cung và mất máu trầm trọng. Trại lao động đã tống tiền gia đình bà 3.000 nhân dân tệ trước khi đưa bà đến bệnh viện.

Vào tháng 8 năm 2006, công an Đồn công an Kháo Sơn đã sách nhiễu bà Tôn và cố bắt giữ bà. Để tránh bị bắt, bà Tôn đã rời nhà và trở thành vô gia cư.

Sức khỏe bà Tôn xấu đi do bị chảy máu liên tục từ khi ở trong trại lao động cưỡng bức. Bà qua đời vào ngày 13 tháng 9 năm 2009.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/12/29/饭店经理生前遭受的迫害-234224.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2011/1/15/122501.html
Đăng ngày: 22-1-2011. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share