Bài viết của Trung Sinh
[MINH HUỆ 22-01-2021] Trong tất cả các nhóm bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp kể từ khi nó lên nắm quyền vào năm 1949 thì Pháp Luân Công – một nhóm tu luyện thiền định dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn – là nhóm lớn nhất. Vào tháng 7 năm 1999, cựu lãnh đạo của ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động một chiến dịch trên toàn quốc chống lại Pháp Luân Công, và cuộc bức hại này vẫn không giảm xuống cho tới ngày hôm nay.
Thậm chí, sau khi huy động toàn bộ bộ máy chính quyền để bức hại các học viên Pháp Luân Công vô tội thì Giang cùng thuộc hạ cũng không thể tìm được bất cứ lý do hợp lý nào để biện minh cho cuộc bức hại. Bạo lực đối với các học viên vô tội cũng dần mất đi sự ủng hộ của công chúng.
Mặc dù vậy, chính quyền của Giang vẫn dàn dựng màn tự thiêu vào ngày 23 tháng 1 năm 2001, vào đêm Giao thừa, năm người bốc cháy trên Quảng trường Thiên An Môn. Những người tự thiêu này liền bị Giang và thuộc hạ dán nhãn là các học viên Pháp Luân Công. Sự việc này nhằm mục đích gieo rắc nỗi sợ hãi và căm ghét Pháp Luân Công trong các các quan chức chính phủ lẫn dân thường .
20 năm đã trôi qua và vô số các chứng cứ đã xác nhận rằng sự việc này do ĐCSTQ dàn dựng để chụp mũ Pháp Luân Công, khiến một số người tin vào cáo buộc rằng Pháp Luân Công đã làm người ta lạc lối và tự thiêu.
Lời nói dối của thế kỷ
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và Tân Hoa Xã đều là cơ quan phát ngôn của ĐCSTQ, đã cáo buộc rằng một số học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn, nhưng trong toàn bộ sự việc này có rất nhiều sơ hở.
Một phóng viên phỏng vấn Lưu Tư Ảnh mà báo chí đưa tin là đã bị bỏng nặng
Lưu Tư Ảnh, 12 tuổi, được đưa tin là đã bị bỏng nặng ở nhiều bộ phận thân thể. Nếu đó là sự thực thì phải có các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để tránh nhiễm trùng. Tuy nhiên, như bức ảnh phía bên trên cho thấy, Lưu đã được một phóng viên của CCTV phỏng vấn bốn ngày sau khi cháu được phẫu thuật mở khí quản.
Không chỉ có vậy, phóng viên CCTV còn không mặc trang phục cách ly, không đeo khẩu trang, hay trùm đầu, lại còn phỏng vấn Lưu bằng micro. Điều này mâu thuẫn với những kiến thức y tế thông thường.
Vẫn bình tĩnh khi xăng bốc cháy?
Vương Tiến Đông, một người nữa được tuyên bố là nạn nhân của vụ tự thiêu. Toàn thân ông ta đã cháy đen nhưng chai Spite chứa xăng của ông ta vẫn còn nguyên vẹn.
Các nhà khoa học cho biết, khi xăng cháy, nhiệt độ có thể đạt tới 500º C. Cho dù trong tay ông ta là chai nước nóng 100º C thì ông ta cũng phải lập tức thả ra bởi nhiệt độ không thể chịu nổi như vậy. Tuy nhiên, trong video do CCTV phát đi, Vương tỏ ra hết sức bình tĩnh và dường như không để ý gì đến chai Sprite chứa xăng nằm giữa hai chân ông ta.
Có người nói rằng ngay cả khi bị bắn chút dầu lên tay khi nấu nướng cũng bị đau khiến người ta phải giật nảy lên. Nếu màn tự thiêu này là thật thì Vương sẽ phản ứng mạnh theo bản năng bởi nhiệt độ cao, chứ không phải ngồi yên tại chỗ như vậy.
Một mâu thuẫn nữa là quần áo của Vương dường như bị rách tơi tả bởi “vụ cháy” nhưng chai Sprite giữa hai chân ông ta (ảnh bên trên) dường như vẫn nguyên vẹn, tóc ông ta cũng vậy, trong khi tóc vốn là thứ rất dễ bắt cháy.
Theo dữ liệu này thì khi một chai xăng cháy, nó sẽ mềm đi trong 5 giây, biến dạng trong 7 giây và co lại thành một quả bóng trong 10 giây. Xin nhắc lại lần nữa rằng thực tế chai Sprite của Vương vẫn còn nguyên vẹn là mâu thuẫn với khoa học.
Đoạn phim được dàn dựng
Chi tiết lỗi của Vương Tiến Đông rõ ràng đến mức mà phóng viên CCTV Lý Ngọc Cường đã phải thừa nhận là nó không phải là thật.
Vào đầu năm 2002, Lý tới Trung tâm Giáo dục Pháp luật Tỉnh Hà Bắc, một cơ sở tẩy não, để “trò chuyện” với các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ. Khi một học viên đặt câu hỏi tại sao chai nhựa Sprite của Vương lại không cháy dưới điều kiện nhiệt độ cao như vậy, Lý không biết phải trả lời thế nào. Cô ta nói: “Chai nhựa đó được thêm vào sau đó một thời gian để quay phim. Nếu chúng tôi biết chúng tôi bị phát hiện làm giả vụ tự thiêu thì chúng tôi đã không để chai nhựa ở đó.”
Một lỗi nữa là chất lượng của video này. Mặc dù vụ việc đang lúc khẩn cấp, nhưng máy quay dường như đang lướt ngang qua và khẩu hiệu của Vương Tiến Đông có dòng chữ to, rõ ràng tự nhận ông ta là học viên Pháp Luân Công. Mặc dù chính quyền Trung Quốc tuyên bố cảnh quay này được lấy từ camera giám sát nhưng chúng ta biết camera giám sát hồi năm 2001 không có chức năng ghi âm, không có khả năng truy tìm mục tiêu. Rõ ràng phải có một nhóm quay phim chuyên nghiệp đã ở hiện trường để quay được đoạn phim ổn định, rõ ràng, và theo sát sự việc với cảnh quay từ xa, trung, và cận cảnh như thế.
Hé lộ sự thật
Tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc vào ngày 14 tháng 8 năm 2001, Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) đã chỉ trích ĐCSTQ về vụ dàn dựng tự thiêu này, coi nó như một chính quyền khủng bố. Dựa trên những phân tích video, IED tin rằng sự việc này đã được chính quyền Trung Quốc lên kế hoạch để ám hại Pháp Luân Công. Những người đại diện Trung Quốc đã không thể bắt bẻ được chứng cứ mạnh mẽ này, và tuyên bố này đã được đưa vào hồ sơ lưu trữ của Liên Hợp Quốc.
Ngày 4 tháng 2 năm 2001, tờ Washington Post đã đăng một bài viết của Philip Pan trên trang nhất với tựa đề “Lửa tự thiêu soi tỏ bí mật đen tối của Trung Quốc – Động cơ của vụ tự thiêu ở nơi công cộng là để tăng cường đấu tranh chống Pháp Luân Công” (Human Fire Ignites Chinese Mystery – Motive for Public Burning Intensifies Fight Over Falun Gong). Ông Pan đã đến quê của Lưu Xuân Linh, một trong những người được tuyên bố là nạn nhân của vụ tự thiêu này, và hàng xóm của cô ta cho biết họ chưa từng thấy cô ta tập Pháp Luân Công.
Lửa giả: Mức độ mới thảm hại của Trung Quốc về lừa dối của nhà nước (False Fire: China’s Tragic New Standard in State Deception), một bộ phim tài liệu do NTDTV sản xuất, đã phân tích chi tiết những sơ hở của vụ việc này. Vào tháng 11 năm 2003, bộ phim này đã giành giải thưởng danh dự tại Liên hoan Phim và Video Quốc tế Columbus lần thứ 51. Lễ trao giải đã được tổ chức tại Trung tâm Kansas của Đại học Nghệ thuật Columbus, Columbus, Ohio.
Tuy nhiên, chính quyền của Giang và ĐCSTQ đã tiếp tục đầu độc nhân dân bằng những dối trá về sự việc này, những điều đã được viết vào sách giáo khoa để đầu độc học sinh và thường được các hãng truyền thông và thông tấn lớn sử dụng để đánh lừa công chúng. Hơn nữa, những nỗ lực giảng chân tướng cho công chúng của các học viên Pháp Luân Công đã bị đàn áp tàn bạo. Sau khi các học viên ở Thành phố Trường Xuân, Tỉnh Cát Lâm đã chặn mạng truyền hình cáp để phát hình những video nói lên sự thật của vụ dàn dựng tự thiêu này, khoảng 5.000 học viên đã bị bắt giữ ở thành phố này. Một số trong những học viên này, gồm cả ông Lưu Thành Quân, đã chết vì bị tra tấn trong thời gian giam giữ.
Truy cứu trách nhiệm của thủ phạm
Sau màn dàn dựng tự thiêu và phát tán những tuyên truyền phỉ báng khác, ĐCSTQ đã leo thang cuộc bức hại Pháp Luân Công, khiến hàng trăm ngàn học viên bị cầm tù hoặc đưa vào các trại lao động trong 21 năm vừa qua. Hơn 4.000 học viên đã mất mạng bởi cuộc bức hại này, và hơn 800 học viên đã bị ngược đãi trong các bệnh viên tâm thần. Sự ngược đãi này gồm có lạm dụng tình dục và cưỡng bức thu hoạch nội tạng.
Cuộc bức hại này vẫn tiếp diễn cho tới ngày hôm nay. Vào năm 2019, cảnh sát thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm đã tùy tiện bắt giữ các học viên, mỗi học viên Pháp Luân Công bị bắt, họ sẽ kiếm được 10 điểm, trong khi đó, mỗi cảnh sát chỉ kiếm được 1 điểm cho mỗi vụ bắt giữ tội phạm thực sự. Chính sách khích lệ kiểu như vậy đã xúi giục nhiều cảnh sát hơn nữa tham gia vào việc bắt giữ các học viên vô tội.
Cùng với việc các học viên ở trong và ngoài Trung Quốc đang tiếp tục phơi bày cuộc bức hại đức tin của ĐCSTQ, hơn 370 triệu người Trung Quốc đã thoái ĐCSTQ và các tổ chức cơ sở của nó. Bản thân Giang cũng trở thành mục tiêu của hơn 200.000 đơn khiếu nại hình sự đã được gửi tới Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao Trung Quốc. Giang cũng bị tòa án Tây Ban Nha truy tố vì các cáo buộc về tội diệt chủng ở Tây Tạng.
Theo dữ liệu do trang Minh Huệ (Minghui.org) đã tổng hợp, Giang không phải là thủ phạm duy nhất phải chịu hậu quả vì những tội ác đối với Pháp Luân Công. Trong hai thập kỷ qua, có ít nhất 10.000 tòng phạm tham dự vào cuộc bức hại Pháp Luân Công đã gặp quả báo dưới nhiều hình thức, giống như câu ngạn ngữ của Trung Quốc: thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Chúng tôi khẩn thiết khuyên những thủ phạm này hãy dừng bức hại Pháp Luân Công.
Cộng đồng quốc tế cũng đã bắt đầu hành động. Vào tháng 5 năm 2019, trang Minh Huệ đã xuất bản một thông tri giải thích rằng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã khuyến khích các học viên Pháp Luân Công cũng như nhiều nhóm tín ngưỡng khác đệ trình danh sách thủ phạm phải bị trừng phạt dưới hình thức như từ chối cấp thị thực. Nhiều nước trên thế giới đã thông qua hoặc có kế hoạch thực thi Đạo luật Magnitsky đối với các thủ phạm nhân quyền.
Ở ngã rẽ của lịch sử, chúng tôi hy vọng nhiều người hơn nữa sẽ minh bạch về ĐCSTQ và nói không với chế độ này, để thế giới này vẫn sẽ là nơi an toàn cho chúng ta và các thế hệ tương lai.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/1/22/399645.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/23/190054.html
Đăng ngày 01-02-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.