Bài viết của một học viên Trung Quốc tại Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 10-11-2004] Bài viết này được đăng lần đầu tiên vào ngày 21 tháng 11 năm 2004.
Hôm ấy là ngày thứ ba của Lễ hội Văn hóa Bang Indiana. Vào khoảng 9 giờ tối, khi tất cả mọi người gần như đã ra về, lúc tôi chuẩn bị rời đi, thì thấy có năm tình nguyện viên trẻ mặc áo phông in dòng chữ “Văn hóa Trung Hoa ở Indianapolis” tiến về phía tôi. Những người trẻ tuổi này có biểu hiện khác với những thanh niên trẻ người Trung Quốc mà tôi từng gặp trước đó. Họ nhận định nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn mà Pháp Luân Công hồng truyền là tốt. Tôi bắt đầu trò chuyện với họ. Khi tôi đề cập đến vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn, một trong những thanh niên trẻ này liền cắt ngang: “Tôi phải nói về chuyện này, vì lúc ấy tôi đã ở đó.” Dưới đây là lời thuật lại của anh ấy về những gì anh đã tận mắt chứng kiến:
“Lúc đó là khoảng 2 giờ chiều. Thời tiết rất xấu, trên quảng trường [Thiên An Môn] có rất ít khách du lịch. Cảnh sát đuổi tám người sinh viên chúng tôi sang một bên chỗ Tượng đài Anh hùng, nhưng chúng tôi không biết tại sao. Ngay sau đó, chúng tôi nghe thấy một âm thanh bất thường cách đó chưa tới 10 mét, sau đó chúng tôi thấy một quả cầu lửa. Quả cầu lửa này đang di chuyển. Chỉ trong vòng một phút, rất nhiều cảnh sát bỗng nhiên xuất hiện và dùng bình cứu hỏa và chăn để dập lửa. Có người hô khẩu hiệu, trong chốc lát các cảnh sát đã xúm lại quanh người đang bốc cháy này. Chúng tôi không biết chuyện gì đang xảy ra, chỉ rướn cổ lên xem, nhưng chúng tôi đã bị các cảnh sát đuổi ra một khoảng cách rất xa.
“Một người bạn cùng lớp tôi nói: ‘Mùi xăng nồng nặc từ đâu ra ấy nhỉ?’ Một người khác đáp: ‘Chắc chắn đó là xăng đang cháy rồi.’ Khi quay lại, chúng tôi thấy có bốn người đi ngang qua, tất cả đều ướt đẫm xăng trên người. Chúng tôi chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, thì nghe thấy có tiếng xăng bốc cháy, và cả bốn người đó đều bốc cháy. Ngay tức khắc, một đám cảnh sát lao ra từ phía sau tượng đài, mang theo bình cứu hỏa, chăn dập lửa, hoặc mấy tấm bảng. Họ nhanh chóng bắt tay vào dập lửa, cùng lúc đó, dùng mấy tấm bảng để che khuất tầm nhìn của chúng tôi. Tất cả chúng tôi đều rất kinh ngạc và thốt lên: ‘Họ đã chuẩn bị mọi thứ; họ đã chuẩn bị sẵn lửa!’ ‘Có lẽ tối nay sẽ có trên truyền hình,’ một người bạn cùng lớp của tôi nói vậy. Cảnh sát đã nhanh chóng dập lửa, nhưng chúng tôi không thấy bất kỳ chiếc xe cứu thương nào đến cả. Một số khách du lịch, gồm cả người nước ngoài, đã chụp ảnh. Cảnh sát đã nhanh chóng lao tới cướp máy ảnh của họ, bất kể họ là ai. Chúng tôi không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra và không hề liên tưởng những người đang bốc cháy đó với Pháp Luân Công.
“Một lần khác, một bạn cùng lớp với tôi có vẻ ngoài thật thà bị cảnh sát chặn lại ở đoạn đường hầm gần Quảng trường Thiên An Môn. Họ bảo anh ấy đọc một câu phỉ báng Pháp Luân Công viết sẵn trên một mẩu giấy mà họ đưa cho anh. Anh ấy hỏi: ‘Tại sao?’ ‘Họ nói, nếu cậu không đọc, chúng tôi sẽ bắt cậu vì cậu là người của Pháp Luân Công.’ Anh ấy sợ quá nên đành đọc nó rồi bỏ chạy.
‘Khi chúng tôi đến tham quan Vạn Lý Trường Thành, cảnh sát đã đặt chân dung của nhà sáng lập Pháp Luân Công trên mặt đất rồi yêu cầu khách du lịch giẫm lên. Bất cứ ai từ chối sẽ bị bắt. Họ biết rõ rằng người tu luyện Pháp Luân Công chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn nên sẽ không làm trái lương tâm của mình mà giẫm lên. Họ đã dùng biện pháp xảo quyệt như vậy để bắt các học viên Pháp Luân Công. Một người bạn cùng lớp của tôi ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, đã bị kết án đến 10 năm tù vì tu luyện Pháp Luân Công, mà đến giờ, anh ấy vẫn còn đang ở trong tù.”
Kể xong câu chuyện, anh nhắc nhở tôi: “Hãy cẩn thận, anh bạn. Đừng về Trung Quốc bây giờ vì họ sẽ bắt cậu đấy. Đó là sự thật. Cảnh sát ở đó đã không còn tốt nữa rồi. Tôi biết môn tu luyện Pháp Luân Công của cậu và đã đọc Chuyển Pháp Luân.”
Một người khác thận trọng hỏi tôi: “Một số người có quan điểm tiêu cực về Sư phụ của cậu, tôi không biết có đúng hay không. Tôi muốn nghe chia sẻ của cậu về Sư phụ của cậu.”
Tôi nói: “Thực ra không giống như những gì họ nói đâu. Sư phụ của chúng tôi dạy chúng tôi rằng:
‘Thực ra, tôi vẫn luôn dạy mọi người rằng làm người cần lấy Chân Thiện Nhẫn là tiêu chuẩn, nên tự nhiên tôi cũng làm gương.’ (Một chút cảm tưởng của tôi, Tinh Tấn Yếu Chỉ 2)
Trước khi rời đi, họ đã bảo tôi: “Chúng tôi tin cậu và ủng hộ các cậu. Những người tu luyện Pháp Luân Công các cậu là những người tốt, giống như Gandhi vậy.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2004/11/10/88826.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/25/190082.html
Đăng ngày 29-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.