Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 26-10-2020] Khi con trai tôi sắp tốt nghiệp cấp ba, cháu có mâu thuẫn với mẹ và không muốn đi học nữa. Thời điểm đó là vào tháng 10 năm 2015. Ban ngày cháu ngủ, rồi buổi tối chơi game, cả ngày chỉ ăn bữa tối, cứ như vậy cho đến tận ngày thi đại học.

Xung đột bắt đầu khi mẹ cháu quên gọi cháu dậy để đến trường, khiến cháu rất bực bội. Sau đó mẹ cháu gọi điện cho giáo viên để xin cho cháu nghỉ học, còn kể với giáo viên rằng do ở nhà cãi nhau với mẹ nên tâm trạng không tốt. Giáo viên chủ nhiệm ở ngay trên lớp đã phê bình cháu và nói rằng cháu không nên nghỉ học vào thời điểm quan trọng này chỉ vì một cuộc tranh luận với mẹ. Một bạn học của con trai tôi đã kể lại cho cháu nghe và cháu cảm thấy rất mất mặt.

Tôi nhận ra lý do đằng sau vấn đề này chính là tâm oán hận của tôi, tâm chấp trước mà tôi chưa buông được trong một thời gian dài. Sư phụ đã giảng:

“Trước đây tôi đã giảng, tôi nói rằng trên thực tế hết thảy những gì phát sinh tại xã hội người thường, hiện nay, đều là do tâm các đệ tử Đại Pháp tạo thành. Tuy rằng có sự tồn tại của cựu thế lực, nhưng chư vị không có cái tâm ấy, thì chúng cũng không có chiêu [nào cả].” (Giảng Pháp tại Pháp hội Philadenphia ở Mỹ quốc năm 2002, Giảng Pháp tại các nơi II).

Cá tính vợ tôi rất mạnh mẽ và cô ấy không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Nếu có bất cứ xung đột nào xảy ra trong gia đình, cô ấy thường là người thắng và không bao giờ nhận lỗi sai về mình. Cô ấy thường chỉ trích người khác mỗi khi mở lời. Cá tính của cô ấy không phù hợp để giải quyết những vấn đề phát sinh trong giai đoạn tuổi nổi loạn của con trai chúng tôi.

Trước đây, cô ấy rất lạnh nhạt đối với gia đình bên nội và chỉ muốn về thăm nhà ngoại hoặc mời bố mẹ đẻ tới nhà chúng tôi chơi. Khi bố tôi bị xuất huyết não, cô ấy phàn nàn rằng tôi đã dành quá nhiều thời gian để chăm sóc ông và không để tâm đến hai mẹ con. Cô ấy thậm chí còn không đến đám tang của bố tôi. Thay vào đó cô ấy đi du lịch. Tuy nhiên, sau khi mẹ cô ấy phải mổ khối u ở gan, bà đã ở nhà chúng tôi suốt gần bốn tháng. Tôi đã cố gắng hết sức để chăm sóc mẹ cô ấy.

Vào kỳ nghỉ hè, các cháu họ của vợ tôi đến nhà chúng tôi và tôi đã dạy chúng chơi bóng rổ và tập bơi. Tuy nhiên, các cháu chỉ được phép chơi ở nhà tôi khi vợ tôi đi công tác.

Do tu luyện Đại Pháp, tôi đã từng bị bức hại và bị buộc phải chuyển nghiệp, không ở trong quân đội nữa. Tôi mất đi công việc mà mọi người đều ngưỡng mộ. Vợ tôi luôn nói về yếu điểm của tôi và thường nói quá lên về chúng. Khi chúng tôi có mâu thuẫn, cô ấy đánh tôi và thậm chí đôi khi còn làm điều tồi tệ hơn. Tôi kể lại những điều trong quá khứ bởi vì tôi muốn giải thích tâm oán hận của tôi đã hình thành như thế nào.

Đặc biệt là khi cô ấy đánh hoặc nhục mạ tôi, tôi lại càng khó quên những gì đã diễn ra trước đây. Càng oán hận, rắc rối càng tăng thêm và dần dần con trai tôi đã bỏ học.

Sư phụ đã giảng rằng:

“Trong Phật giáo giảng rằng: Con người sống chính là [vì] nghiệp lực luân báo. Chư vị nợ họ [gì], họ sẽ tìm chư vị đòi nợ; nếu lấy quá đi thì sau này họ sẽ hoàn lại cho chư vị. Con không hiếu thuận với cha mẹ, [thì] sau sẽ đổi lại; nó luân chuyển qua lại như thế. Tuy nhiên chúng tôi thực sự thấy có ma đang can nhiễu, không cho chư vị luyện công; nó đều có quan hệ nhân duyên, chứ không phải vô duyên vô cớ; nếu vô duyên vô cớ thì không cho phép nó như thế”. (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Những lời giảng của Sư phụ đã khiến tôi minh bạch về nhân quả. Nếu ai đó đối xử với tôi không tốt, đó là nợ mà tôi cần phải trả. Là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, mặc dù tôi không hành xử tệ bạc, nhưng tôi đã không thể buông bỏ tâm oán hận và tâm tính của tôi chưa được đề cao.

Vài năm trước, Sư phụ đã giúp tôi buông bỏ hầu hết tâm oán hận. Nó hiếm khi xuất hiện trở lại và tôi đã có thể kiểm soát được nó. Vì vậy, môi trường gia đình tôi đã cải thiện một cách đáng kể và mối quan hệ giữa vợ và con trai tôi khá tốt. Con trai tôi đã dành một năm để chuẩn bị cho kỳ thi đại học và sau đó cháu đỗ vào một trường có chất lượng tốt.

Tôi nhận ra rằng tâm oán hận thường không tồn tại đơn lẻ. Nó thường gắn với các tâm chấp trước khác. Khi tâm oán hận của một người mạnh mẽ, nó sẽ dẫn đến cáu giận, bực bội và bất nhẫn. Khi tâm oán hận tăng lên, người ấy sẽ muốn tranh cãi, lý luận, kỳ thực đã dẫn khởi tâm tranh đấu và tâm hiếu thắng. Khi chúng ta tranh cãi, lý luận với người khác, chúng ta chỉ ra rằng người khác sai và chúng ta đúng. Đó chính là tâm hiển thị và chứng thực bản thân.

Tôi nhận ra điều quan trọng nhất là từ bi. Sư phụ đã giảng rằng:

“Nhẫn là chìa khoá của đề cao tâm tính.” (Thế nào là Nhẫn?, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Khi tâm oán hận tăng lên, chúng ta cần phải từ bi với người khác và kiềm chế sự gay gắt. Chúng ta nên bình tĩnh và đừng hành động gì cả; nếu không sẽ rất dễ dẫn đến nóng giận, mất bình tĩnh, bực bội, và dẫn đến tâm tật đố, tranh đấu, hiển thị và cố chứng thực bản thân. Nếu một người luôn hướng nội trong khi có mâu thuẫn, tự nhiên sẽ buông bỏ được tâm oán hận. Khi tâm oán hận tăng lên, một người thường có xu hướng nhìn vào người khác chứ không phải tìm lỗi ở bản thân mình.

Sư phụ giảng:

“Tâm oán hận ấy, chính là dưỡng thành [từ] việc thích nghe điều dễ nghe, thích [gặp] chuyện vừa ý, nếu không bèn oán hận. Mọi người nghĩ đi, thế là không được đâu, tu luyện không thể tu như thế.” (Giảng Pháp tại Pháp Washington DC năm 2018)

Chúng ta cần buông bỏ hoàn toàn tâm oán hận và các nhân tâm đi kèm theo nó, ví dụ, thích những lời nói dễ nghe và tin tức tốt lành. Chúng ta nên xem việc gặp chuyện không vui và nghe chuyện chẳng lành là hảo sự. Nếu có thể đạt được điều này thì tâm oán hận sẽ không còn tồn tại nữa.

Có một câu chuyện về một vị hòa thượng đến nhà một người giàu có để khất thực. Không những không được cho gì, vị ấy còn bị đuổi đi và phải chịu mưa suốt đêm hôm đó. Khi người vợ lẽ của người đàn ông giàu có đó đến chùa thắp hương, cô ấy đã ngạc nhiên khi nhìn thấy tên của chồng mình trên cột. Vị hòa thượng đã giải thích rằng nếu một hòa thượng đi khất thực nhưng không nhận được thức ăn từ một người nào đó, thì là do vị hòa thượng này đã nợ người ấy một món nợ từ kiếp trước. Vị hòa thượng cần phải cầu nguyện để trả nợ của mình. Cô vợ đã rất cảm động khi nghe câu chuyện này và hứa từ đó trở đi sẽ phó xuất cho toàn bộ chi phí sinh hoạt của nhà chùa.

Khi một đệ tử Đại Pháp gặp phải bất kì điều gì không thuận tâm, nghe phải điều gì không thuận tai, không những không nên cảm thấy oán hận, mà còn phải cảm ơn người đã gây ra rắc rối cho mình.

Trong cuốn “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta” nói rằng “Chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn không phải là một trào lưu tư tưởng, học thuyết hay một thử nghiệm thất bại nhằm tìm lối ra cho nhân loại. Nó là ma quỷ, do hận và các loại vật chất bại hoại ở tầng thấp của vũ trụ cấu thành. Mục đích cuối cùng của con tà linh này là hủy diệt nhân loại”.

Tôi nhận ra rằng “hận” bao gồm cả tâm đố kỵ và tranh đấu. Chúng ta bị đầu độc bởi học thuyết cộng sản từ khi còn trẻ, do đó tâm oán hận của người Trung Quốc rất mạnh mẽ. Nếu chúng ta không buông bỏ tâm oán hận, cảnh giới tư tưởng lúc đó sẽ phù hợp với tà linh cộng sản, dễ chiêu mời cựu thế lực bức hại.Các đệ tử Đại pháp hoàn toàn phủ nhận mọi an bài của cựu thế lực. Tuy nhiên, những an bài này vẫn tồn tại trong các không gian chưa được Pháp chính lại và cựu thế lực vẫn luôn dõi theo các đệ tử Đại Pháp. Tôi hy vọng rằng chúng ta hoàn toàn có thể buông bỏ được tâm oán hận và các tâm liên quan khác để chứng thực Pháp tốt hơn nữa và cứu độ chúng sinh.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/26/面对悍妻-修去怨恨心的体会-414216.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/13/188232.html

Đăng ngày 16-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share