Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hà Nam, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-12-2020] Bà Diêm Vệ Tân, 54 tuổi, ở thành phố Trú Mã Điếm, tỉnh Hà Nam, đã trở thành học viên Pháp Luân Công đầu tiên được biết đến là đã bị kết án trong chiến dịch “Xóa sổ” gần đây nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một nỗ lực phối hợp hành động hòng buộc mọi học viên Pháp Luân Công nằm trong danh sách đen của chính quyền phải từ bỏ đức tin của họ.

Chiến dịch này được điều hành bởi Ủy ban Chính trị và Pháp luật, một cơ quan của ĐCSTQ nằm ngoài vòng pháp luật có nhiệm vụ bức hại Pháp Luân Công. Nhiều học viên và thành viên gia đình của họ trên khắp Trung Quốc đã bị sách nhiễu, đe dọa và bức ép trong vài tháng qua của chiến dịch. Trong khi hầu hết các học viên đã được thả vài ngày sau khi bị bắt, bà Diêm là học viên đầu tiên bị kết án tù với thời hạn 7 năm.

Bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công

Bà Diêm, một quản lý khách sạn, được chẩn đoán mắc bệnh Viêm gan B vào năm 1996. Lo lắng cho sức khỏe của bà, mẹ bà là bà Dương Tú Hà, đã giới thiệu Pháp Luân Công cho bà.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa với các tiêu chuẩn “Chân-Thiện-Nhẫn” được bổ trợ bởi năm bộ công pháp nhẹ nhàng, chậm rãi. Những lợi ích sức khỏe to lớn của Pháp Luân Công đã nhanh chóng thu hút gần 100 triệu học viên trên khắp Trung Quốc chỉ trong bảy năm sau khi được giới thiệu lần đầu ra công chúng vào tháng 5 năm 1992. Do sự phổ biến rộng rãi của pháp môn tu luyện, ĐCSTQ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999. Cuộc bức hại vẫn tiếp diễn cho đến tận ngày nay.

Ngay sau khi bà Diêm bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, bà đã lấy lại sức khỏe của mình. Bà dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc mẹ chồng già và người bố ốm liệt giường. Bà cho biết mình làm vậy là để hoàn thành nghĩa vụ gia đình và cũng là để anh chị em của mình tập trung phát triển sự nghiệp hơn.

Trong công tác, bà Diêm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bà đã giành được nhiều giải thưởng và thường xuyên được mời đến các khách sạn khác để đào tạo cho nhân viên ở đó. Bà đã quyên góp toàn bộ thu nhập từ việc giảng dạy của mình cho nơi làm việc và nói rằng chính nơi làm việc đã đem lại cơ hội cho bà.

Khi bà được thả vào năm 2001 sau khi thụ án một năm trong trại lao động cưỡng bức vì tu luyện Pháp Luân Công, người quản lý của bà đã thuê bà trở lại bất chấp áp lực rất lớn [từ phía chính quyền] mà ông phải đối mặt.

Ông ấy nói với bà: “Các học viên Pháp Luân Công thật là tuyệt vời! Cô có biết tại sao tôi nhất định để cô quay lại làm việc bất chấp mọi áp lực không? Bởi vì tôi đã tận mắt chứng kiến ​​cô đã làm tốt công việc của mình như thế nào sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Cô là người vị tha. Cô không bao giờ phàn nàn về việc làm thêm giờ hoặc cạnh tranh với người khác vì lợi ích cá nhân. Trong xã hội hiện nay, thật khó để tìm được một người thứ hai giống như cô!”

Bốn vụ bắt giữ, một án lao động và một án tù bảy năm

Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, bà Diêm đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền thực hành đức tin của mình. Kết quả là bà đã bị bắt.

Vào ngày 5 tháng 3 năm 2000, bà lại bị bắt khi một lần nữa đến Bắc Kinh và giăng một biểu ngữ mang thông điệp Pháp Luân Công trêm Quảng trường Thiên An Môn. Trong sáu tháng bà bị giam tại trại tạm giam Bắc Kinh, các lính canh đã cắt đứt mọi liên lạc của bà với gia đình. Chồng bà và các đồng nghiệp của bà nhiều lần đến Bắc Kinh để tìm bà, nhưng lần nào cũng thất vọng trở về.

Sáu tháng sau, cuối cùng họ cũng biết được rằng bà đã bị giam một năm tại Trại Lao động Cưỡng bức Đoàn Hà ở Bắc Kinh.

Bà Diêm lại bị bắt vào năm 2019 vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Mặc dù bà đã được thả sau 15 ngày ở trại tạm giam Thành phố Trú Mã Điếm, nhưng Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được lập ra với nhiệm vụ chuyên để bức hại Pháp Luân Công, đã giám sát nghiêm ngặt cuộc sống hàng ngày của bà sau đó.

Lần bắt giữ gần đây nhất của bà Diêm xảy ra vào ngày 16 tháng 7 năm 2020, sau khi bà bị báo cáo vì đã nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà của bà vào buổi chiều và tìm thấy đơn kiện Giang Trạch Dân (cựu lãnh đạo ĐCSTQ đã ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999) mà bà đã nộp vào năm 2015. Sau khi cảnh sát đưa bà Diêm đến Đồn Công an Lão Nhai, họ quay trở lại nhà và lục soát nơi ở của bà một lần nữa. Lần này, họ đã tìm thấy 1.000 tờ tài liệu thông tin Pháp Luân Công.

Bà Diêm sau đó bị đưa đến trại tạm giam Thành phố Trú Mã Điếm. Việc bắt giữ bà đã được phê duyệt vào ngày 31 tháng 7. Khi hỏi về trường hợp của bà, cảnh sát cho biết cấp trên của họ đang đặc biệt chú ý đến trường hợp của bà vì chiến dịch “Xóa sổ” đang diễn ra. Họ cảnh báo rằng bà sẽ bị kết án nặng.

Công tố viên đã nhanh chóng truy tố bà Diêm vào tháng 9 và chuyển hồ sơ của bà sang Tòa án Quận Dịch Thành. Trong khi kiểm tra sức khỏe, bà Diêm phát hiện ra rằng bệnh Viêm gan B của bà vốn đã khỏi sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công đã tái phát sau hai tháng bị giam giữ.

Trong phiên xử tại tòa vào ngày 14 tháng 10, thẩm phán đã càu nhàu rằng ông liên tục nhận được các cuộc gọi từ các học viên Pháp Luân Công, những người thúc giục ông không kết án bà Diêm. Ông ta hỏi bà Diêm: “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”

Thẩm phán đã tổ chức một phiên xét xử khác đối với bà Diêm vào tháng 11 trước khi tuyên án 7 năm tù vào ngày 9 tháng 12.

Bà Diêm hiện vẫn bị giam giữ tại trại tạm giam Thành phố Trú Mã Điếm vào thời điểm viết bài. Gia đình bà đang kháng cáo bản án.

Bản án của bà Diêm khiến gia đình bà rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Cô con dâu sắp vượt cạn, mẹ chồng 89 tuổi cũng đang rất cần bà chăm sóc. Khi bạn bà đến thăm gia đình, họ thường bật khóc khi nói chuyện về hoàn cảnh của gia đình bà.

Gia đình bị bức hại

Trong khi bà Diêm bị nhắm đến vì kiên định đức tin của mình, mẹ và hai chị gái của bà, tất cả đều là các học viên Pháp Luân Công, cũng không nằm ngoài cuộc bức hại.

Mẹ bà, bà Dương Tú Hà, đã bị bắt ba lần và bị tống tiền nhiều lần. Bà từng bị giam giữ trong ba tháng. Khi con gái thứ hai của bà Dương bị buộc phải sống xa nhà để tránh bức hại, cảnh sát đã sách nhiễu bà Dương nhiều lần. Bà không thể trấn áp được nỗi sợ hãi và áp lực tinh thần và đã qua đời vào tháng 2 năm 2015.

Chị cả của bà Diêm đã bị bắt bốn lần và mất việc làm trên cương vị kỹ sư. Cảnh sát thường xuyên sách nhiễu bà trong những ngày lễ lớn hoặc những ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công.

Người chị thứ hai của bà Diễm đã bị bắt bảy lần và bị giam trong các trại lao động tổng cộng năm năm ba tháng. Bà cũng bị giam trong các trại tạm giam hai lần, một lần trong bốn tháng và một lần trong một tháng. Cha chồng của bà đã bỏ tu luyện Pháp Luân Công do áp lực và đã qua đời ngay sau đó. Chồng bà đã ly hôn với bà vào năm 2000 khi bà vẫn đang trong thời gian thụ án lao động cưỡng bức.

Không còn nơi ở, chị thứ hai của bà Diêm bị buộc phải chuyển chỗ ở sau khi được thả. Năm 2004, khi bà đang ở nhà mẹ đẻ, cảnh sát bất ngờ ập đến và bắt bà. Bà lại bị bắt tại nơi ở của mẹ mình vào năm 2006 và bị cưỡng bức lao động hai năm. Bà tiếp tục bị bắt vào năm 2014 sau khi bị báo chính quyền vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công.

Khi mẹ bà nộp đơn xin trợ cấp mua nhà ở giá rẻ do chính phủ tài trợ, cảnh sát yêu cầu bà phải viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công, nếu không họ sẽ không chấp thuận đơn.

Bài liên quan:

Cư dân Hà Nam bị kết án bảy năm tù vì kiên định đức tin


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/27/一家人多次被关押迫害-闫卫宾女士被非法判七年-417073.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2021/1/3/189726.html

Đăng ngày 15-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share