Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 25-11-2020] Ngày 25 tháng 9 năm 2020, một phụ nữ 75 tuổi ở Trùng Khánh đã qua đời sau nhiều lần bị bắt giữ, giam giữ, kết án tù và bị tra tấn trong nhà giam vì tu luyện Pháp Luân Công.

Bà Dư Nghiệp Di là một trong số hơn 4.500 học viên Pháp Luân Công được xác nhận đã qua đời trong chiến dịch bức hại mà chính quyền cộng sản Trung Quốc phát động từ tháng 7 năm 1999.

Bà Dư sinh ngày 7 tháng 5 năm 1945, bốn năm trước khi Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên cầm quyền ở Trung Quốc. Khi còn trẻ, bà đã chứng kiến và bản thân cũng phải chịu đựng đau khổ trong các chiến dịch chính trị của Đảng nhằm loại bỏ những “người bất đồng chính kiến” và nhồi nhét tư tưởng cộng sản cho người dân Trung Quốc.

Thời thiếu niên, bà bị bắt tham gia các phong trào trí thức trẻ khác nhau trong “Phong trào xuống đồng” để các nông dân cải tạo. Chín năm làm việc đồng áng vất vả đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của bà. Bà đã phải nghĩ hưu sớm ở tuổi 45 khi đang là nhân viên kiểm soát chất lượng.

Để cải thiện sức khỏe, bà Dư đã học rất nhiều môn khí công nhưng đều không mang lại tác dụng gì nhiều đối với bà. Vào tháng 9 năm 1998, bà được biết đến Pháp Luân Công và bị lôi cuốn bởi nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn. Bà hành xử theo nguyên lý trong cuộc sống và luyện tập các bài công pháp của Pháp Luân Công, ngay sau đó sức khỏe của bà đã được hồi phục.

Bị bắt giữ vì tới Bắc Kinh thỉnh nguyện, bị tra tấn trong Trại tạm giam

Bà tu luyện chưa đầy một năm thì cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu. Bà Dư đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công và đã bị bắt giữ vào ngày 2 tháng 1 năm 2001. Tại trại tạm giam Phòng Sơn ở Bắc Kinh, cảnh sát kéo tóc bà, đập đầu bà vào tường, giẫm giày lên người bà và sử dụng dùi cui điện để sốc điện bà.

Ngày 8 tháng 1 năm 2016, bà Dư đệ đơn khiếu nại hình sự Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, kẻ ra lệnh bức hại Pháp Luân Công. Trong đơn khiếu nại bà đã kể lại những hành vi ngược đãi mà bà phải chịu đựng ở trong trại tạm giam.

Bà nói: “Tôi đã tuyệt thực để phải đối việc giam giữ tùy tiện. Bốn ngày sau, họ bắt đầu bức thực tôi trong gần một tháng. Miệng và mũi của tôi chảy máu liên tục trong khi bị bức thực. Cảnh sát Trịnh đã nhiều lần đe dọa tôi rằng ‘nếu bà không hợp tác, chúng tôi sẽ cho thú rừng ăn thịt bà.’

“Thời điểm đó, nhiều học viên đã tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện và đã bị bắt giữ. Tôi bị giam giữ trong một phòng nhỏ cùng với gần 30 học viên khác. Chúng tôi gần như không còn không gian nào để có thể ngồi xuống sàn. Vài ngày sau, một số học viên trẻ bị đưa đi và chúng tôi không bao giờ nhìn thấy họ nữa. Sau khi tội ác mổ cướp nội tạng được phơi bày, tôi bắt đầu tự hỏi liệu những học viên trẻ này có phải là nạn nhân của tội ác kinh hoàng đó không.

“Hai tù nhân phạm tội giết người, một người họ Lưu, một người họ Lại, thường đánh đập và nhục mạ tôi. Sau đó họ bắt tôi phải ở gần chiếc cửa bị hỏng trong khi ngoài trời đang có tuyết rơi. Gió thổi vào người tôi và tôi liên tục ho. Trong một tháng, tôi không thể nói chuyện và rất khó để nuốt thức ăn. Mỗi một miếng thức ăn tôi phải nhai trong hơn 30 phút rồi mới có thể nuốt. Trong bốn tháng bị giam giữ trong trại tạm giam, tôi gần như không được phép ngủ. Sức khỏe của tôi bị tổn hại đáng kể.”

Ngày 20 tháng 4 năm 2001, cảnh sát Trùng Khánh đã đưa bà Dư từ Bắc Kinh về Trùng Khánh, rồi họ đưa bà vào trại tạm giam Bạch Hạc Lĩnh và sau đó là Trung tâm Tẩy não quận Sa Bình Bá. Mỗi nơi bà bị giam giữ một tháng.

Sau đó cảnh sát và nhân viên cộng đồng thường xuyên tới sách nhiễu bà.

Những lần bắt giữ và giam giữ khác

Bà Dư bị bắt giữ thêm hai lần nữa vào tháng 4 và tháng 10 năm 2002 trong thời gian diễn ra hai hội nghị chính trị lớn ở Trùng Khánh. Cả hai lần bà đều bị giam giữ hơn 10 ngày tại trung tâm tẩy não.

Ngày 5 tháng 8 năm 2008, bà bị bắt giữ một lần nữa vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà, tịch thu sách và tài liệu Pháp Luân Công cùng một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công của bà. Sau 11 ngày bị giam giữ tại trại tạm giam Bạch Hạc Lĩnh, bà bị chuyển tới Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Trùng Khánh. Huyết áp của bà cao tới ngưỡng nguy hiểm và bà rất khó có thể ngủ được.

Ngày 19 tháng 8 năm 2012, nhân viên an ninh nhận ra bà dán thông tin Pháp Luân Công ở Đại học Trùng Khánh và đã bắt giữ bà. Cảnh sát giam bà một ngày trong nhà giam và lục soát nhà của bà. Họ tịch thu tài liệu Pháp Luân Công cùng bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công.

Bị truy tố vì nâng cao nhận thức về cuộc bức hại

Ngày 22 tháng 6 năm 2014, bà Dư bị bắt giữ một lần nữa vì tặng đĩa DVD thông tin Pháp Luân Công cho một nhân viên cửa hàng. Cảnh sát còng tay bà bằng nêm. Cả hai tay của bà đều bầm tím và nhiều tuần sau đó chúng vẫn không thể phục hồi. Cảnh sát còn đánh đập bà, gây thương tích toàn thân bà và khiến bà bị bong gân ở lưng.

Trong hai tuần bị giam giữ tại trại tạm giam Lục Điếm, bà không thể cử động do bị thương. Ngày 7 tháng 7, bà bị đưa tới trung tâm tẩy não, bị bắt phải xem video và nghe tuyên truyền tà ác về Pháp Luân Công. Do không thể tự đi lại được, lính canh đã lôi bà vào phòng để tham dự các phiên tẩy não.

Việc ngược đãi càng làm tổn hại sức khỏe của bà thêm nữa. Bà bắt đầu bị co cứng toàn thân, chân và tay tê dại. Huyết áp của bà mãi ở mức cao tới ngưỡng nguy hiểm tới tính mạng. Bác sỹ nói bà mắc bệnh tim và bệnh Parkinson.

Trong khi Vương Ngọc Lâm, giám đốc trung tâm tẩy não buộc tội bà giả vờ bị bệnh, ông ta còn đặt sách Pháp Luân Công và ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công bên cạnh bà để chụp hình với nỗ lực “chứng minh” rằng bà đang sắp chết vì tu luyện Pháp Luân Công.

Vương đe dọa bà Dư “Nếu bà không từ bỏ Pháp Luân Công, chúng tôi sẽ bắt giữ con trai của bà [đang làm việc ở nước ngoài] và đưa anh ta về Trung Quốc. Chúng tôi cũng có thể đình chỉ lương hưu của người chồng 84 tuổi của bà và đưa ông ấy tới đây ở cùng với bà. [Trung tâm tẩy não] này là một hắc ngục. Nếu có ai đó chết ở đây thì cũng sẽ không vấn đề gì cả.”

Trong thời gian bà Dư ở trong trung tâm tẩy não, một số cảnh sát đã tới lục soát nhà của bà.

Sau đó 43 ngày, bà được trả tự do vào ngày 19 tháng 8, nhưng chỉ hai ngày sau cảnh sát lại trình hồ sơ vụ án của bà lên viện kiểm sát.

Viện kiểm sát quận Du Trung đã truy tố bà Dư. Ngày 14 tháng 1 năm 2015, bà có mặt tại Tòa án quận Du Trung. Bà tự bào chữa cho bản thân và lập luận rằng ở Trung Quốc chưa từng có điều luật nào quy tội cho Pháp Luân Công và bà không vi phạm pháp luật khi tu luyện Pháp Luân Công.

Ngày 23 tháng 6 năm 2015, Tòa án quận Du Trung kết án bà ba năm tù. Cùng ngày, bà bị đưa tới nhà giam và bị giam giữ tại trại tạm giam Số 1 Thành phố Trùng Khánh. Trong đợt kiểm tra thể chất, bà được phát hiện có một số vấn đề sức khỏe và được đưa thẳng tới bệnh viện của trại tạm giam.

Trong trại tạm giam bà Dư đệ đơn kháng cáo tới Tòa án Trung cấp Số 5 Trùng Khánh. Trong khi đó, người chồng 85 tuổi cùng con trai của bà cũng viết thư cho thẩm phán và công tố viên để tìm lại công lý cho bà.

Ngày 5 tháng 11 năm 2015, tòa án kháng cáo đưa ra phán quyết giảm bản án của bà từ ba năm xuống còn sáu tháng. Án tù mới của bà bắt đầu từ ngày 23 tháng 6 tới ngày 4 tháng 12 năm 2015.

Bà Dư nói: “Đó không phải là những gì tôi muốn. Những gì tôi yêu cầu là hoàn toàn trắng án. Ngay cả khi họ giảm án cho tôi, tôi vẫn bị kết án oan sai vì đức tin của mình.”

Cuộc bức hại khiến gia đình bà Dư đau khổ tột cùng. Chồng bà đổ bệnh và phải hồi sức cấp cứu một vài lần. Con trai của bà cũng phải chịu áp lực vô cùng lớn khi đang làm việc ở nước ngoài.

Sau khi bà được trả tự do, cảnh sát vẫn tiếp tục theo dõi bà Dư và họ còn nghe lén điện thoại của bà. Trước khi bà qua đời vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, bà không thể thực hiện các cuộc gọi điện trên điện thoại cố định mà chỉ có thể nhận cuộc gọi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/11/25/415555.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/26/188446.html

Đăng ngày 04-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share