Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 07-12-2020] Một cư dân thành phố Xích Bích, tỉnh Hồ Bắc đã bị giam giữ hai năm vì đức tin vào Pháp Luân Công gần đây đã được kiểm tra sức khỏe toàn diện về gan, phổi, tim, thận và giác mạc của ông ngoài ra còn cưỡng bức lấy mẫu máu và tủy xương.

Ông Chu Quốc Cường hiện đang giam giữ riêng biệt. Các học viên Pháp Luân Công địa phương nghi ngờ rằng ông có thể đã trở thành nguồn tạng sống của hoạt động cưỡng bức mổ cướp nội tạng và đang kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý đến trường hợp của ông.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, một pháp môn tu luyện cả thân lẫn tâm cổ xưa đã bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Có tài liệu cho thấy rằng các học viên Pháp Luân Công còn sống đã bị cưỡng bức mổ cướp cơ quan nội tạng quan trọng để duy trì ngành cấy ghép nội tạng béo bở ở Trung Quốc.

Nhiều học viên Pháp Luân Công bị giam giữ cho biết họ đã bị kiểm tra sức khỏe toàn diện và lấy máu thường xuyên. Họ cũng lưu ý rằng họ là nhóm người duy nhất bị nhắm đến cho các cuộc kiểm tra như vậy, còn các tù nhân khác thì không.

Nhiều chuyên gia y tế nghi ngờ rằng việc thường xuyên thu thập mẫu máu của các học viên Pháp Luân Công là để xây dựng ngân hàng nội tạng cho các bệnh viện Trung Quốc, bởi một số bệnh viện đã quảng cáo trên trang web của họ về thời gian chờ đợi tạng ngắn, chỉ mất khoảng hai tuần để có một cơ quan tạng phù hợp.

Bắt giữ và kiểm tra sức khỏe

Ông Chu Quốc Cường, một cựu nhân viên Ngân hàng Công thương ngoài 50 tuổi, đã bị bắt vào khoảng 5 giờ chiều ngày 26 tháng 12 năm 2018, khi đang làm việc tại thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc.

Ban đầu ông bị đưa đến Đồn Công an Dư Gia Đầu. Cảnh sát đã khóa ông vào một chiếc ghế kim loại, thẩm vấn và đánh đập ông. Sau đó, họ đưa ông đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe toàn diện. Mắt, tim, thận, gan và phổi của ông đã được kiểm tra. Y tá cũng lấy vài trăm ml máu của ông, nhiều hơn so với lượng máu được sử dụng trong một cuộc khám sức khỏe thông thường. Y tá cũng thu thập một mẫu tủy xương của ông.

Sau đó ông Chu bị đưa đến Trại tạm giam Thanh Lăng trước khi bị chuyển đến trại tạm giam Hồng Miếu và sau đó quay trở lại trại tạm giam Thanh Lăng. Có thông tin cho rằng tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại trại giam Thanh Lăng đều được gán một con số. Nhiều người đã bị giam giữ trong một thời gian dài mà chưa bị kết án.

Được biết Hoàng Hiểu Quân, trưởng Phòng 610 thành phố Vũ Hán, một cơ quan ngoài pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công, là người phụ trách trường hợp của ông Chu.

Bức hại trước đó

Vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, ngày chính quyền Cộng sản Trung Quốc chính thức bắt đầu tiến hành cuộc bức hại Pháp Luân Công, ông Chu và hàng chục học viên khác đã bị bắt vì luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong một công viên và bị giam giữ 15 ngày.

Lao động cưỡng bức

Trong 15 ngày bị giam giữ, ông Chu bị đưa đến một mỏ đá để vận chuyển đá và cho đá vụn vào máy nghiền. Có thời điểm, ông bị yêu cầu phải làm sạch bụi dưới máy nghiền. Vì không có thiết bị bảo hộ phù hợp, ông gần như ngạt thở và một lớp bụi dày tích tụ trên quần áo. Các lính canh lệnh cho ông và các học viên khác làm việc liên tục mà không được nghỉ ngơi.

Sau khi mặt trời lặn, các lính canh đưa các học viên đến một ao bùn nhỏ bốc mùi để tắm rửa. Bữa cơm tối của họ chỉ được phát một bát cơm nhỏ với củ cải muối chua cay. Vừa hít phải bụi đá trong thời gian làm việc, cổ họng họ đã đau dữ dội khi phải ăn cơm khô và củ cải cay.

Bị tra tấn trong trại tạm giam thành phố Xích Bích

Sau 15 ngày bị giam giữ, các lính canh từ chối thả ông Chu và chuyển ông đến trại tạm giam thành phố Xích Bích.

Khi đến nơi, ông Chu bị các tù nhân tra tấn bằng đủ mọi thủ đoạn, gồm đấm đá vào ngực, đứng dựa vào tường với một cốc nước ở giữa.

Trong một phiên tra tấn, các tù nhân đã lột sạch quần áo của ông, ấn đầu vào tường và đổ nước từ từ lên đỉnh đầu ông. Dòng nước tràn và bịt kín mũi và miệng khiến ông không thở được. Khi ông vùng vẫy, các tù nhân đã đánh ông.

Các lính canh cũng ra lệnh cho một số học viên phải quỳ ở hành lang và sau đó dùng những que tre mỏng đánh vào họ. Ông Chu cho biết cơn đau rất buốt, giống như bị rắn hoặc ong đốt. Một số học viên lăn lộn trên mặt đất vì quá đau. Các lính canh gọi cách tra tấn này là “thịt lợn xào măng”.

Trong một lần tra tấn khác, lính canh còng tay ông Chu với một tay kéo qua sau lưng và tay kia kéo qua vai. Phương pháp tra tấn này được gọi là “mang kiếm.”

Ba năm lao động cưỡng bức

Nhiều tuần sau, cảnh sát buộc ông Chu thụ án 3 năm lao động cưỡng bức. Vào ngày 31 tháng 12 năm 1999, lúc đầu ông bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Quan Phụ Kiều ở thành phố Hàm Ninh, nơi ông bị buộc phải rèn luyện thể chất và lao động nặng nhọc như xây dựng, đào ao bùn, đóng gạch và đóng túi ni lông.

Vì ông từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, chính quyền đã chuyển ông đến Trại lao động cưỡng bức Thất Lí Hồ ở thành phố Kinh Môn vào tháng 9 năm 2000. Các lính canh ở đó tiếp tục bắt ông lao động nặng nhọc không công, bao gồm đào ao và kênh. Vào ban đêm, các lính canh bắt ông phải xem phim khiêu dâm như một phần trong nỗ lực tẩy não của họ. Nhưng ông đã kháng cự lại.

Sau đó, ông Chu từ chối lao động khổ sai và yêu cầu được tha bổng. Lính canh đã ra lệnh cho các tù nhân lôi ông vào cánh đồng và trói ông vào một cái cây, để ông chịu cái nắng như thiêu như đốt và mưa suốt cả ngày. Sau khi đưa ông trở lại trại lao động vào ban đêm, họ dùng gậy điện chích vào tai, gót chân và miệng ông để cố gắng buộc ông phải làm việc.

Tra tấn thể chất

Khi ông Chu từ chối từ bỏ đức tin của mình, ông đã được chuyển đến bộ phận kiểm soát nghiêm ngặt. Mỗi học viên ở đó đều bị giám sát bởi một tù nhân. Họ được yêu cầu dậy vào khoảng 4 giờ sáng và thay phiên nhau đi vệ sinh, mỗi người chỉ có năm phút vào buổi sáng.

Trước bình minh, các học viên sẽ bị buộc phải chạy hàng giờ trong khi hát các bài hát ca ngợi Đảng. Sau khi ăn sáng vào khoảng 8 giờ sáng, họ buộc phải đứng nghiêm, cơ thể đứng thẳng, hai chân khép lại và hai tay để ngang. Họ phải giữ thẳng chân ngay cả khi một lính canh bất ngờ đá vào chân họ từ phía sau. Một cọng rơm được đặt giữa các ngón tay và bên hông quần của họ. Nếu cọng rơm rơi xuống, họ sẽ bị trừng phạt. Các lính canh cũng bắt các học viên đứng nhìn thẳng vào mặt trời mà không được nheo mắt, nếu không họ cũng sẽ bị trừng phạt. Ông Chu đã từng bị sốc điện vì không đáp ứng yêu cầu.

Sau khi bị tra tấn bắt đứng, các học viên bị buộc phải ngồi xổm với một chân. Trong lần tra tấn này, họ phải ngồi xổm trên chân trái, đồng thời nâng gót chân phải lên để chạm vào mông và giữ cho cơ thể thẳng mà không được cử động. Nếu họ di chuyển, lính canh sẽ đá họ từ phía sau. Hầu hết các học viên bị buộc phải ngồi xổm trong hơn một giờ, và chân của họ bị sưng tấy sau đó.

Đôi khi họ buộc phải chạy cả buổi sáng hoặc thực hiện các bài huấn luyện quân sự khác, chẳng hạn như nhảy ếch, bước diễu hành và chống đẩy.

Trong bữa trưa, họ được lệnh phải lớn tiếng đọc lại nội quy nhà tù. Vào buổi chiều và buổi tối, họ bị buộc phải xem hoặc nghe những bài tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công. Nếu các học viên vi phạm bất kỳ quy tắc nào trong ngày, chẳng hạn như không gấp chăn đúng cách, hát không đủ lớn hoặc giao tiếp bằng mắt với các học viên khác, họ sẽ phải chịu tra tấn thể lực nhiều hơn trước khi được phép ngủ.

Một lính canh đã theo sát họ với dùi cui điện trong tay trong các “buổi tập” buổi tối và sẽ sốc điện bất kỳ ai không theo kịp. Khi lính canh trở nên mệt mỏi, anh ta sẽ ra lệnh cho tất cả các học viên lên giường trong vòng mười giây mà không được phép vệ sinh cá nhân.

Sau một vài giờ ngủ, một ngày tra tấn thể xác khác lại tiếp tục.

Ông Chu đã phải chịu sự tra tấn này trong hơn 200 ngày. Các lính canh đã kéo dài thời hạn của ông thêm sáu tháng vì ông từ chối từ bỏ Pháp Luân Công.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/7/416121.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/22/188946.html

Đăng ngày 03-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share