Bài viết của Vương Anh, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 27-12-2020] Trong bài báo “Phán quyết của tòa: Trung Quốc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm” (China Is Forcibly Harvesting Organs From Prisoners Of Conscience, Tribunal Rules) đăng trên trang web của Tổ chức Hòa bình Thế giới hôm 10 tháng 12 năm 2020, nhà nghiên cứu về Trung Quốc Kailey Ouellette cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đang thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm còn sống, đặc biệt là các học viên Pháp Luân Công, và cộng đồng quốc tế phải truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ về vấn nạn này và phải can thiệp vào cuộc đàn áp tôn giáo đang diễn ra.
Bài báo cho biết, kể từ năm 1999, sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công, số trung tâm ghép tạng ở Trung Quốc đã tăng 300%, và thời gian chờ nội tạng đã được rút ngắn rất nhiều, mặc dù trên thực tế Trung Quốc không có một hệ thống hiến tạng chính thức.
Mặc dù sau đó chính quyền Trung Quốc thừa nhận họ đã sử dụng nội tạng của các tử tù, đồng thời vào tháng 1 năm 2015 họ tuyên bố đã chuyển sang chương trình hiến tặng tự nguyện, nhưng số tử tù vẫn không đủ để giải thích cho số ca ghép tạng tăng theo cấp số nhân ở Trung Quốc. Mặc dù con số đó vẫn là một bí mật nhà nước của Trung Quốc, Tổ chức Ân xá Quốc tế ước tính “số lượng lên tới hàng nghìn, cao hơn toàn bộ các nước khác trên thế giới cộng lại.”
Bài báo cũng lưu ý: “Luật Tố tụng Hình sự của Trung Quốc yêu cầu việc tử hình các tử tù phải được thi hành trong vòng bảy ngày, như vậy thì không đủ thời gian để tìm đối tượng phù hợp với tạng của người hiến tiềm năng với tốc độ như hiện nay.”
Theo số liệu chính thức, Trung Quốc báo cáo có 10.000-18.000 ca ghép tạng mỗi năm. Nhưng ước tính của các tổ chức nhân quyền khác đưa ra con số cao hơn nhiều—từ 60.000 đến 100.000 ca cấy ghép trên khắp Trung Quốc.
Bà Ouellette cho biết Tiến sỹ Hoàng Khiết Phu, cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, đã đặt mua hai lá gan dự phòng cho một ca phẫu thuật vào năm 2005 và được giao vào sáng hôm sau. “Để có thể thực hiện được điều đó, cần phải có một nhóm người khỏe mạnh luôn sẵn sàng để cung cấp nội tạng phù hợp.”
Bà Ouellette đề cập rằng, để xác minh nghi vấn này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã gọi điện đến nhiều bệnh viện ở Trung Quốc và đặc biệt yêu cầu nội tạng của các học viên Pháp Luân Công ngay sau khi hành vi độc ác này được phơi bày ra thế giới vào năm 2006. Các bác sỹ trả lời điện thoại đã cam kết có thể lấy được nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công trong vài tuần hoặc vài ngày.
Vào tháng 12 năm 2018, Tòa án Trung Quốc đã đưa ra phán quyết tạm thời, tuyên bố rằng “số nội tạng chênh lệch là cưỡng bức thu hoạch từ các tù nhân lương tâm, đặc biệt là từ các học viên Pháp Luân Công.”
Sau khi điều tra sâu hơn và điều trần, tòa án đã đưa ra phán quyết cuối cùng vào năm 2019 về hành vi vi phạm nhân quyền tàn bạo này, và tuyên bố rằng “việc chính quyền Trung Quốc thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm không còn chỉ là mối nghi ngờ có cơ sở nữa.”
Tòa án cũng xác nhận rằng “việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng đã được thực hiện trong nhiều năm trên khắp Trung Quốc trên quy mô lớn, và các học viên Pháp Luân Công là một nguồn cung cấp nội tạng—và có lẽ là nguồn chính.”
Bà Ouellette cho biết trong báo cáo của mình rằng “Pháp Luân Công là một môn tu luyện tập trung vào thiền định, các đạo lý, và các bài công pháp để đề cao tinh thần và sức khỏe thể chất”. Pháp môn này do ông Lý Hồng Chí truyền xuất ra công chúng lần đầu tiên vào tháng 5 năm 1992 và đã có trên 100 triệu người thực hành, tính đến năm 1999.“
Do pháp môn này ngày càng phổ biến nên Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của chính quyền cộng sản Trung Quốc, đã ra lệnh bức hại vào năm 1999. Ông ta cũng thành lập Phòng 610, một lực lượng đặc nhiệm với “quyền lực gần như không giới hạn” để giải quyết triệt để “vấn đề Pháp Luân Công”.
Bà cho biết theo một báo cáo, trong tuần đầu tiên của cuộc bức hại, có 50.000 học viên đã bị giam giữ. Chính quyền cộng sản đã “tuyên truyền các học viên Pháp Luân Công là nguy hiểm, kỳ dị, và bất bình thường, và khởi xướng một chiến dịch trên toàn quốc để buộc các thành viên Pháp Luân Công từ bỏ tín ngưỡng của họ.”
“Các biện pháp bao gồm bắt cóc và bỏ tù, cưỡng bức lao động, sử dụng thuốc an thần, và nhiều hình thức tra tấn, kể cả bỏ đói, sốc điện, và cấm ngủ.”
Bà Ouellette nói rằng “các ước tính thận trọng cho con số hơn 1.000 học viên Pháp Luân Công bị chết trong bốn năm đầu của cuộc bức hại, có đến hàng chục nghìn người khác được cho là đã bị giết để phục vụ hoạt động buôn bán nội tạng.”
Bà nói thêm: “Những người sống sót cũng cho biết họ đã phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra y tế và được xét nghiệm nhóm máu mà mục đích có thể là để thu hoạch nội tạng. Một số ước tính đưa ra lợi nhuận hàng năm của ngành kinh doanh cấy ghép bất hợp pháp là hơn một tỷ đô la.”
Để phản đối cuộc bức hại, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức rất nhiều cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ở Trung Quốc và khắp nơi trên thế giới, phát tờ rơi, giảng chân tướng, và đề nghị mọi người ký đơn thỉnh nguyện. Bất chấp những phản ứng bạo lực của các quan chức chính phủ và quân đội, nhiều học viên ở Trung Quốc vẫn đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện ngay sau khi cuộc bức hại bắt đầu.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc về cuộc bức hại và tiếp tục tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công, nhưng “nhiều báo cáo và tổ chức nhân quyền cũng đã thu hút sự chú ý đến tình cảnh của các học viên Pháp Luân Công.”
Bà Ouellette cho biết Tòa án Trung Quốc đã “kêu gọi Liên Hợp Quốc tiếp tục điều tra để xác định việc giam giữ và thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ có đủ để cấu thành tội ác diệt chủng theo Công ước Diệt chủng hay không, đồng thời truy tố trách nhiệm của các quan chức và thủ phạm và đưa họ ra xét xử tại tòa án luật pháp quốc tế.“
“Israel, Đài Loan và Tây Ban Nha đã ban hành lệnh cấm sang Trung Quốc ‘du lịch ghép tạng’. Các quốc gia khác nên bị gây áp lực để có động thái tương tự. Liên Hợp Quốc và các cộng đồng quốc tế khác cần lên án và truy cứu trách nhiệm của Trung Quốc, đồng thời can thiệp và viện trợ nhân đạo cho các học viên của các nhóm tín ngưỡng bị bức hại này.”
Bà Ouellette trích dẫn phán quyết của Tòa án Trung Quốc ở cuối bài báo, và lưu ý rằng khi các chính phủ và các tổ chức khác hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, họ “nên nhận ra rằng” họ, trong phạm vi đã công bố [qua cuộc điều tra], đang làm việc với một chính quyền tội phạm’.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/12/27/417099.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/12/28/189050.html
Đăng ngày 03-01-2021; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.