Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-07-2020] Tiếp theo Phần 4

Thông báo gấp trước khi xét xử

Cha mẹ của bà Lưu nhận được một cuộc gọi vào khoảng 6 giờ chiều vào ngày 26 tháng 12 năm 2011 từ Tòa án quận Trung Sơn thông báo với họ rằng phiên tòa xét xử bà Lưu đã được lên lịch vào ngày hôm sau. “Dù ông bà có mặt hay không, phiên xét xử sẽ bắt đầu vào lúc 9 giờ sáng ngày mai,” họ thông báo. Với thông báo gấp như vậy, gia đình đã không thể thuê được luật sư.

Lo lắng, huyết áp của cha bà Lưu tăng cao và ông không thể rời khỏi giường. Mẹ của bà Lưu đã gọi cho anh trai của bà Lưu ở một thành phố khác và một người họ hàng khác trước khi điện thoại cố định của bà ngừng hoạt động mặc dù bà đã thanh toán hóa đơn điện thoại đúng hạn. Hai vợ chồng không biết phải làm gì.

Sau nhiều lần thương lượng, chủ tọa phiên tòa Khương Hiểu Hồng của Tòa án quận Trung Sơn đã đồng ý cho họ vài ngày để thuê luật sư. Tuy nhiên, một lần nữa gia đình không được thông báo cho đến khoảng 2 giờ chiều chủ nhật ngày 8 tháng 1 năm 2012, rằng phiên tòa sẽ diễn ra vào 9 giờ sáng ngày hôm sau.

Hai luật sư mà gia đình thuê sống ở một thành phố khác. Giấy phép của một luật sư đã bị đình chỉ và ông chỉ có thể bào chữa cho bà Lưu với tư cách là một người bạn. Mặc dù luật sư kia đã đến Đại Liên ba tiếng rưỡi sau khi gia đình được thông báo, ông không thể gặp thẩm phán hoặc nhận bất kỳ giấy tờ nào vào ngày hôm đó vì đã sau 5 giờ chiều.

Các luật sư cùng gia đình và bạn bè của bà Lưu đã đến tòa án vào sáng hôm sau. Một nhân viên nữ và một nhân viên nam đã gây khó khăn cho luật sư trong việc lấy các hồ sơ cần thiết. Sau nhiều lập luận và sự kiên trì, luật sư đã nhận được giấy tờ cho phiên xét xử.

Phiên xét xử

Tính đến thời điểm này, bà Lưu đã tuyệt thực được gần hai tuần. Bà trở nên tiều tụy và ốm yếu. Đôi tay bị còng của bà nắm chặt lấy tay vịn khi bà leo cầu thang lên tầng ba một cách khó khăn, cứ vài bước lại phải dừng lại nghỉ ngơi.

Bạn bè và người thân của bà theo bà lên tầng ba nhưng đã bị chặn lại bên ngoài phòng xử án. Mặc dù đây là phiên xét xử công khai, nhưng chỉ cha mẹ 80 tuổi của bà mới được phép tham dự.

Bà Lưu tuyên bố trước tòa rằng việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp và tin vào Chân – Thiện – Nhẫn là không vi phạm pháp luật. Khi bà kể lại việc tra tấn mà bà đã phải chịu trong Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, thẩm phán đã ngắt lời bà. Các luật sư đã bào chữa vô tội cho bà.

Khi bà Lưu được dẫn ra khỏi phòng xử án, một người thân của bà đã hô lên: “Lưu Vinh Hoa vô tội! Hãy thả bà ngay lập tức! Khởi tố một người hai lần về cùng một tội danh là vi phạm pháp luật. Lực lượng thực thi pháp luật đang vi phạm pháp luật! ” Bạn bè và người thân khác cũng chen vào và lên án các thẩm phán và các viên chức.

Khi bà Lưu bị kéo vào xe cảnh sát, bạn bè và gia đình bà đã đồng thanh hô lên: “Lưu Vinh Hoa không phạm tội! Bà ấy vô tội! Hãy thả bà ấy ra!” Họ đã thu hút được nhiều người qua đường dừng lại và theo dõi. Bạn bè và gia đình của bà Lưu đã nói với họ rằng bà đã bị đối xử bất công như thế nào.

Mười năm trong tù

Bà Lưu bị kết án 10 năm tù vào ngày 30 tháng 3 năm 2012, bao gồm cả hai năm bà đã ở trong trại lao động. Bà Lưu và gia đình đã không thể tin nổi – chỉ hai ngày trước khi mãn hạn lao động cưỡng bức, bà đã bị kết án 10 năm tù.

Gia đình bà Lưu đã nộp đơn kháng cáo vào ngày 10 tháng 4, ngày cuối cùng để kháng cáo.

Tòa án số 2 Trung cấp Đại Liên đã ra phán quyết chống lại bà Lưu vào ngày 5 tháng 6 năm 2012. Thẩm phán Phó Khánh Duy bác bỏ đơn kháng cáo và giữ nguyên phán quyết ban đầu.

Để giải cứu con gái, cha mẹ bà Lưu đã không quản mệt nhọc trong việc khiếu nại với đồn cảnh sát địa phương, sở cảnh sát, viện kiểm sát và tòa án, nhưng tất cả đều vô ích. Trưởng Đồn cảnh sát Đào Nguyên cảnh báo họ: “Nếu các vị dám đến lần nữa, con gái các vị sẽ bị nhốt cho đến chết.”

Khu cải tạo ở Nhà tù nữ Liêu Ninh

Sau mười tháng ở Trại tạm giam Diêu Gia, bà Lưu bị chuyển đến Nhà tù nữ Liêu Ninh vào tháng 7 năm 2012. Khi mới đến bà bị đưa vào Khu số 12 – Khu cải tạo. Những người bị giam giữ gọi đây là “địa ngục trong địa ngục”, Khu cải tạo được thành lập vào năm 2010 với mục đích chuyên biệt là “chuyển hóa” các học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Các lính canh và các tội phạm mắc trọng tội được giao nhiệm vụ giám sát các học viên đã thử mọi cách mà họ có thể nghĩ ra để khiến các học viên “chuyển hóa”. Các học viên mới đến sẽ bị đưa qua khu “địa ngục” này. Để công chúng không phát hiện ra sự ngược đãi kinh khủng này, người nhà của các học viên không được phép thăm nom cho đến khi họ được xem xét lại hai tháng sau đó. Khi được chỉ định vào một khu thông thường, bất kể sức khỏe hay tuổi tác, họ phải lao động cường độ cao trong thời gian dài mỗi ngày cho đến khi mãn hạn tù.

Theo luật, phạm nhân có quyền kháng cáo khi đang thụ án. Nói cách khác, họ có thể tiếp tục kháng cáo và không nhận tội. Tuy nhiên, các lính canh trong khu cải tạo và những kẻ côn đồ của họ đã ép buộc các học viên thừa nhận rằng họ đã phạm tội. Họ buộc phải viết tuyên bố từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Đại Pháp và hứa sẽ không bao giờ tu luyện nữa.

Các lính canh không trực tiếp cố gắng “cải tạo” những học viên kiên định. Thay vào đó, họ để các tù nhân tội phạm đánh đập và tra tấn họ một cách bí mật. Khu số 1 nằm bên kia sân của Khu cải tạo. Các tù nhân ở phía bắc của tòa nhà Khu số 1 có thể nghe thấy tiếng la hét của các học viên trong Khu cải tạo vào lúc nửa đêm. Các học viên kiên định cũng bị bắt đứng quay mặt vào tường hoặc ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ mà không được di chuyển trong thời gian dài.

Các lính canh đã khóa đồ đạc cá nhân của những học viên này và không cho phép họ sử dụng. Họ không được cung cấp bất kỳ giấy vệ sinh nào trong nhà vệ sinh — một số người đã sử dụng nhà vệ sinh trong sáu tháng mà không có giấy vệ sinh — hoặc bất kỳ băng vệ sinh phụ nữ nào khi họ đang có kinh nguyệt. Các lính canh bảo các học viên: “Hãy lau khô sau khi đi tiểu và tắm rửa sạch sẽ sau khi đi cầu”, nhưng không cho họ bất cứ thứ gì để lau.

Bà Lưu được cho rất ít giấy vệ sinh và không được phép nói chuyện hay ở gần bất kỳ ai. Cửa sổ và cửa ra vào phòng giam của bà đã bị chặn hoàn toàn. Trong những tháng mùa hè của tháng 7 và tháng 8, nhiệt độ bên trong phòng giam nhỏ của bà tăng lên nhanh chóng, độ ẩm cao và thiếu không khí lưu thông. Bà Lưu bị bệnh zona và cơn đau khiến bà không yên vào ban đêm. Bà phát sốt hơn 40 độ, kéo dài một tuần trước khi được cho nhập viện nhà tù.

Ngược đãi và lao động nặng nhọc trong Khu số 1

Sau hơn hai tháng ở Khu cải tạo, bà Lưu được đưa đến Khu số 1, Đội số 4, dưới sự giám sát của lính canh Tôn Sảng. Tôn đã có một lý lịch dài về việc tra tấn và “chuyển hóa” các học viên Đại Pháp, điều mà bà ta coi là thành tích của mình và rất tự hào về điều đó.

Tôn đã sử dụng phương pháp gián tiếp để làm suy yếu ý chí của các học viên. Nếu một học viên không từ bỏ việc tu luyện vào ngày đầu tiên của việc “chuyển hóa”, thì không một tù nhân nào khác trong phòng giam của học viên đó được phép tắm rửa, đánh răng hoặc xem TV. Vào ngày thứ hai, không một tù nhân nào trong phòng giam thứ hai được phép tắm rửa hoặc xem TV. Các tù nhân trong ba phòng giam sẽ không được phép tắm rửa hoặc xem TV vào ngày thứ ba, và cứ tiếp tục như vậy cho đến khi tất cả các phòng giam bị tước bỏ những “đặc quyền” này.

Các tù nhân mong được tắm rửa sau một ngày dài làm việc, thư giãn và xem một chút TV. Nếu những thứ này bị lấy đi vì một học viên không chịu nhượng bộ và từ bỏ Đại Pháp, họ sẽ tức giận và thù ghét với học viên đó, đó chính là điều mà Tôn muốn.

Hạn mức sản xuất hàng ngày mà mỗi tù nhân phải đáp ứng là do nhà máy đưa ra. Nhưng để vượt trội hơn các đội khác, Tôn đã đặt ra một khối lượng công việc lớn hơn và hạn mức là gần như không thể đối với các tù nhân trong đội của bà ta. Những tù nhân làm việc nhanh nhẹn cũng hầu như không có thời gian sử dụng nhà vệ sinh và ăn trưa. Những người làm việc chậm chạp hơn phải làm việc không ngừng nghỉ để hoàn thành công việc trong ngày hoặc họ sẽ bị phạt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ cho đến 9:30 tối, chỉ 30 phút trước khi tắt đèn. Các tù nhân thường tránh uống bất cứ thứ gì trong ngày và cố gắng hết sức để không phải sử dụng nhà vệ sinh.

Các tù nhân luôn phải chịu nhiều áp lực và lo lắng về việc đáp ứng chỉ tiêu. Sau một thời gian, bà Lưu bắt đầu có vấn đề về sức khỏe và huyết áp của bà luôn ở mức cao.

Để đối phó với các học viên sở hữu kinh sách Đại Pháp, quản lý nhà tù và lính canh thường xuyên kiểm tra giường và đồ dùng cá nhân của các học viên mà không cần báo trước. Các tù nhân khác cũng theo dõi và báo cáo về các học viên. Bà Lưu đã bị báo cáo với quản lý nhà tù vào năm 2017 vì sở hữu các bài giảng của Pháp Luân Công.

Lính canh Lý Đình Đình cố gắng bắt bà đứng quay mặt vào tường, nhưng bà Lưu từ chối tuân thủ. Phó cảnh sát trưởng Dương Hân nói với các tù nhân đang theo dõi bà Lưu cần “theo dõi bà chặt chẽ” và đe dọa sẽ còng tay bà Lưu nếu bà không tuân thủ. Khi bà Lưu chỉ ra rằng việc còng tay bà là vi phạm pháp luật, Dương đã trả lời: “Việc sở hữu các tài liệu Pháp Luân Đại Pháp là bất hợp pháp.” Bà Lưu nói: “Pháp Luân Đại Pháp dạy mọi người hướng thiện. Làm thế nào mà lại phạm pháp? Tên tù nhân đó đã đánh cắp các tài liệu của tôi. Ông không trừng phạt những người ăn cắp, mà lại chỉ trừng phạt những người cố gắng trở thành người tốt.“

Quan tâm đến các học viên khác và biểu tình để chấm dứt sự ngược đãi

Vương Na là một trong những tù nhân hình sự mà lính canh Tôn Sảng thường sai khiến để đánh đập các học viên. Khi một học viên mới đến tên là Bùi Lệ từ chối từ bỏ Đại Pháp, Tôn đã yêu cầu Vương Na tuyển thêm hai tù nhân khác để giúp bà ta đánh đập bà Bùi Lệ cho đến khi bà không còn sức để kháng cự. Họ đưa bà Bùi đến nhà ăn ở tầng hai vào lúc 7 giờ sáng ngày 13 tháng 4 năm 2017, để đánh bà một lần nữa.

Bà Lưu đã biểu tình tại văn phòng của lính canh lúc 9 giờ sáng ngày hôm sau và yêu cầu Tôn và lính canh Khúc Tiểu Thanh ngừng đánh bà Bùi. Họ đã phớt lờ bà. Vương Na tiếp tục đánh bà Bùi trong vài ngày sau đó. Các học viên khác đã tham gia vào cuộc biểu tình và kiến ​​nghị quản lý nhà tù ngăn chặn việc ngược đãi. Tôn nói với bà Bùi: “Mỗi lần họ phản đối vì lợi ích của bà, bà sẽ lại tiếp tục bị đánh.”

Bà Lưu đã nói chuyện với Vương Na và khuyên bà ta không nên bị lính canh lợi dụng để phạm tội với các học viên Đại Pháp. Bà giải thích với Vương Na rằng bà ta sẽ phải chịu trách nhiệm cho tất cả những điều tồi tệ mà bà đã làm ngay cả khi các lính canh hứa sẽ giảm thời hạn tù cho bà. Vương không tin bà và tiếp tục giúp đỡ các lính canh.

Bà Lưu quyết định rằng bà không thể để yên như vậy và phải làm điều gì đó để vạch trần những gì họ đã làm với bà Bùi. Vào một đêm trong xưởng, bà Lưu đi đến ngay cạnh Vương Na và trước mặt hơn 200 tù nhân và lên án bà ta vì đã đánh đập bà Bùi. Bà kể về việc Vương Na đã dùng kìm và kim tiêm để gây đau đớn cho các học viên.

“Bà là một tội phạm,” bà Lưu nói với Vương Na “Ai đã cho bà quyền đánh bà Bùi và ai đứng sau việc này? Tôi sẽ đưa bà ra tòa vì những gì bà đã làm và nộp đơn kiện. Khi gia đình tôi đến thăm, tôi sẽ nói họ thuê luật sư và kiện bà ”. Vương cố gắng trốn tránh trách nhiệm.

Sau khi được thả khỏi Nhà tù nữ Liêu Ninh, một học viên khác đã đệ đơn khiếu nại lính canh Tôn Sảng và tù nhân Vương Na vì đã ngược đãi các học viên bị giam cầm. Khi hành động của họ bị phanh phui, Tôn đổ lỗi tất cả cho Vương Na và hứa sẽ “xem xét việc đó” – kẻ chủ mưu đột nhiên trở thành người điều tra. Vương Na đã không thể giải thích cho bản thân và không dám nói ra sự thật – bà ta phải nhận mọi tội lỗi và hậu quả.

Trong những lần gia đình đến thăm, Tôn đã cố gắng ngăn cản bà Lưu nói với chồng về việc bị ngược đãi và cố gắng ngăn chồng bà Lưu thuê luật sư để đệ đơn kiện. Bà ta nói dối sau lưng bà Lưu rằng bà đã xen vào việc của người khác và đã tham dự vào một cuộc ẩu đả giữa các tù nhân.

Những việc làm của Tôn cuối cùng đã bị bại lộ và bà ta bị chuyển ra khỏi Đội số 4. Tuy nhiên, bà ta vẫn không thay đổi cách thức của mình và tiếp tục đánh đập và ngược đãi các học viên Đại Pháp ở các đội khác. Tôn là một trong hai lính canh của Khu số 1 gặp tai nạn và bị thương nặng. Cằm của bà ta đã bị biến dạng.

Trở về nhà

Bà Lưu rời khỏi Nhà tù nữ Liêu Ninh vào ngày 22 tháng 9 năm 2019. Mái tóc bạc, các nếp nhăn và cánh tay bị thương của bà là bằng chứng về những tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra.

Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc trong 21 năm qua và phá hủy vô số gia đình và cuộc sống của họ, bao gồm cả bà Lưu. Hàng trăm nghìn người tốt đã mất đi những năm tháng tốt đẹp nhất trong cuộc đời họ và một số người bị tra tấn đến chết vì kiên định với nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn của Đại Pháp.

(Hết)

Bài viết liên quan:

Học viên Pháp Luân Công, cô Lưu Vinh Hoa, một giáo viên ở thành phố Đại Liên, đã bị giam giữ bất hợp pháp ở trại giam Diêu Gia, thành phố Đại Liên (Ảnh)

Cô Lưu Vinh Hoa bị kết án hai năm lao động cưỡng bức (Ảnh)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/7/28/409455.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/26/188432.html

Đăng ngày 23-12-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share