Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 1-10-2020] Năm 16 tuổi, anh Mạnh Tường Kỳ ờ thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm đã bị tra tấn hai năm trong một trại lao động cưỡng bức và buộc phải nghỉ học. Năm 21 tuổi, anh bị cầm tù trong sáu năm. Tất cả chỉ vì anh kiên định vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần thiền định đã bị bức hại tại Trung Quốc từ năm 1999.
Lần gần đây nhất, anh Mạnh đã bị bắt vào ngày 15 tháng 8 năm 2019, khi anh 35 tuổi. Hôm đó, tám người thân của anh, bao gồm cha mẹ ruột và cha mẹ vợ, cũng bị bắt vì đức tin chung của họ. Ngày 28 tháng 9 năm 2020, anh đã bị xét xử sau một năm bị giam và hiện đang chờ phán quyết.
Sau đây là chi tiết về bức hại mà anh đã chịu đựng.
Bị đánh đập vì lên tiếng cho Pháp Luân Công
Anh Mạnh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 khi còn là một học sinh trung học 14 tuổi. Nhờ tuân theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, anh hoà đồng với các bạn cùng lớp và đạt điểm số cao. Giáo viên đã tuyên dương anh trước mặt những cha mẹ khác tại cuộc họp phụ huynh. Anh quan tâm đến mọi người và đã sửa những đồ vật bị hư và cửa sổ trong lớp.
Khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, anh Mạnh khi đó 15 tuổi đã đến văn phòng tỉnh Cát Lâm để lên tiếng cho Pháp Luân Công và giải thích tại sao cuộc bức hại là sai. Cảnh sát đã đẩy anh vào một xe tải và nhốt anh trong một trường tiểu học. Anh đã bị đánh đập và được thả vào tối hôm đó.
Ngày 20 tháng 10 năm 1999, anh cùng với cha mẹ cũng là các học viên đến Quảng trường Thiên An Môn để phản đối bức hại và bị bắt giữ. Anh và mẹ bị nhốt 12 tiếng trong một cái lồng sắt trước khi bị cảnh sát huyện Lê Thụ đến đưa đi. Cảnh sát đã đánh mẹ anh trên đường về nhà và sau đó lấy đi tiền mặt của họ như là tiền phạt và tiền bồi thường đi lại.
Anh Mạnh đã quay lại trường và trong một năm đã bị quản lý trường giám sát, họ cố ép anh giao sách Pháp Luân Công và từ bỏ tu luyện.
Tháng 2 năm 2000, nhiều cảnh sát của Đồn Công an Khang Bình đã xông vào nhà anh. Họ bắt giữ cha mẹ anh và một học viên đang đến thăm nhà là bà Lý Lệ, người đã bị tra tấn và bức thực đến chết trong tháng 2 năm 2002 tại Trại tạm giam Khang Bình. Cha anh bị giam một năm trong một trại lao động cưỡng bức và mẹ bị giam một tháng trong trại tạm giam. Trong khi cả cha mẹ đều bị giam, anh Mạnh phải chịu áp lực lớn về tài chính và tâm lý.
Bị thẩm vấn và tra tấn trong khi bị giam
Ngày 16 tháng 12 năm 2000, anh Mạnh đã đến Quảng trường Thiên An Môn với hơn 100 tờ rơi Pháp Luân Công. Anh ném các tờ rơi lên không trung và hô “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Một số cảnh sát đã lao đến và đè anh xuống trong khi những người khác tranh nhau thu lượm các tờ rơi. Anh bị giam trong một cái lồng sắt ở Phòng Công an Thiên An Môn. Anh từ chối trả lời mọi câu hỏi và bị đưa đến một nơi xa xôi nơi mà các cảnh sát thay phiên thẩm vấn anh từ 6 giờ sáng đến nửa đêm và anh không được cung cấp thức ăn nước uống. Vì không lấy được thông tin gì từ anh, một cảnh sát đã tức giận đến nỗi bắt đầu đá và tát anh.
Anh Mạnh bị chuyển đến trại tạm giam Đại Hưng lúc 2 giờ sáng. Các lính canh đã lấy tiền mặt của anh và ép anh mua ga trải giường và các nhu yếu phẩm khi anh bị giam chưa đến một ngày.
Cảnh sát tỉnh Cát Lâm đã đón anh Mạnh ở Bắc Kinh và đưa anh trở về trên một xe lửa với tay bị còng. Tại Đồn Công an Khang Bình, một người nói với anh: “Nếu tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công, chúng tôi sẽ đưa cậu đến một trại lao động cưỡng bức. Nếu ngừng thì cậu có thể quay lại trường học. Tôi cho cậu vài phút suy nghĩ.” Anh Mạnh trả lời ngay lập tức rằng anh sẽ tiếp tục tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 20 tháng 12 năm 2020, anh bị đưa đến trại tạm giam Huyện Lê Thuỵ, nơi mà anh phải làm hoa giấy mỗi ngày.
Một ngày có một lính canh lột đồ anh Mạnh và đổ nhiều xô nước lạnh lên người anh khi nhiệt độ dưới mức đóng băng. Lính canh đã lấy hết tiền mặt anh có và quần áo mà gia đình gửi cho anh.
Anh Mạnh phải ngồi yên và học thuộc lòng các nội quy mỗi ngày. Nếu anh cử động hay nói bất cứ điều gì, các lính canh sẽ đấm đá anh. Mỗi bữa ăn anh chỉ được cho một lát bánh ngô nhỏ cùng nước súp nấu trong mỗi bữa ăn. Anh luôn bị đói và các điều kiện vệ sinh rất tồi tệ.
Án một năm lao động cưỡng bức bị kéo dài tuỳ ý
Ngày 15 tháng 1 năm 2001, anh Mạnh bị kết án một năm lao động cưỡng bức ở tuổi 16 và bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Tứ Bình.
Để ép anh từ bỏ đức tin, một cộng tác viên đánh thức anh dậy vào ban đêm và cho anh xem các video và đọc những sách phỉ báng Pháp Luân Công.
Tháng 4 năm 2001, một quan chức cấp cao ở tỉnh đến trại và ra lệnh treo các học viên Pháp Luân Công lên tường nếu họ từ chối từ bỏ đức tin. Sau đó, các học viên bị đưa đến một công trường lớn để làm việc vào mùa hè năm 2001.
Cuối tháng 7, anh Mạnh bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Thành phố Liêu Nguyên. Nơi này rất mất vệ sinh và anh chỉ được cho một bát canh có cát với một lát bánh ngô nhỏ mỗi bữa.
Vào tháng 9, anh Mạnh trốn thoát khỏi trại lao động. Anh quá yếu không thể chạy xa được nên bị các lính canh bắt lại. Họ đánh vào mặt anh đến khi anh chảy máu. Áo của anh thấm đầy máu. Anh phải đi bộ ngược lại trên con đường cát dài nhiều dặm bằng chân trần.
Để trừng phạt việc anh bỏ trốn, hai cảnh sát và nhiều lính canh đã thay phiên nhau đánh đập anh. Một cảnh sát đánh anh bằng một cái cán xẻng. Họ nhốt anh vào một cái lồng ở trong một căn phòng biệt giam ở tầng 4. Bốn cái lồng trong phòng dài 1,8 m, rộng 0,6 m và cao 1 m, chỉ cho một người ngồi hoặc nằm. Anh chỉ có thể nhìn ra bên ngoài từ một phía của cái lồng. Một lính canh trông chừng anh cả ngày để anh không thể nói chuyện hoặc thiền định. Anh chỉ được cấp rất ít thức ăn hai lần một ngày, được đi đi vệ sinh một lần một ngày và không được tắm hoặc gặp mặt gia đình.
Ngày hôm sau, một lính canh đưa anh đến một phòng biệt giam và liên tục đập đầu anh xuống đất. Họ quấn chặt một sợi dây quanh hai vai, hai cánh tay, bàn tay anh sau đó nhấc hai cánh tay của anh lên cao hết mức. Dây cắt vào da thịt anh và gây ra những cơn đau đớn tột cùng.
Minh hoạ tra tấn: Trói chặt tay
Có lần một lính canh tóm lấy cổ anh đồng thời véo và đẩy thanh quản của anh. Ông ta làm điều này liên tục cho đến khi phần thịt quanh thanh quản của anh bị rách.
Bản án của anh đã bị kéo dài tuỳ tiện thêm một năm vào ngày 22 tháng 9 năm 2001.
Tháng 11 năm 2001, chính quyền đã ép anh Mạnh và 40 học viên khác kiểm tra sức khoẻ tại một bệnh viện địa phương. Họ không được cho ăn sáng và anh Mạnh đã bị ngất xỉu và đầu bầm tím sau khi bị lấy máu.
Anh Mạnh đã bị chuyển đến Trại Lao động Cưỡng bức Triều Gia Câu vào tháng 12. Một lính canh đã đá anh ngã xuống đất để đe doạ anh khi anh đến và giao cho hai tù nhân giám sát anh chặt chẽ.
Trại đã bắt đầu một chiến dịch “đấu tranh giáo dục” để ép các học viên từ bỏ tu luyện vào tháng 4 năm 2002. Trong những ngày này, các tù nhân thường xuyên nghe những tiếng la hét đau đớn từ xà lim giam của các học viên. Năm tù nhân nhảy lên người anh Mạnh và đè anh xuống. Họ lột quần anh và nhét một cái khăn vào miệng anh, sau đó đánh vào mông và lưng anh bằng các thanh kim loại. Anh không thể ngồi hay nằm xuống trong một thời gian dài sau đó.
Sau khi anh Mạnh kết thúc một năm bị kéo dài trong trại lao động, người của Đồn Công an Khang Bình đã đến đón anh vào ngày 30 tháng 10. Thay vì đưa anh về nhà, họ đã đưa anh vào một trung tâm tẩy não khác trong hai tuần. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu anh sau khi anh được thả.
Bị kết án sáu năm tù
Vài năm sau anh Mạnh lại bị bắt vào ngày 8 tháng 9 năm 2006. Cảnh sát xông vào nhà anh và tịch thu tiền mặt cùng tài sản cá nhân của anh. Anh bị đưa đến trại tạm giam Huyện Lê Thuỵ vào đêm hôm đó. Cảnh sát đã sách nhiễu cha mẹ anh và buộc họ phải ngưng công việc kinh doanh đang phát triển của mình. Cha mẹ anh phải rời khỏi quê và di chuyển liên tục để tránh bị bắt giữ.
Bà của anh Mạnh đã đến đồn công an để nói cho họ biết tại sao cuộc bức hại là sai. Một cảnh sát đã tát vào mặt bà lão 78 tuổi này và bà đã ngã xuống cầu thang. Sau đó anh ta chĩa súng vào bà và đe doạ giết bà nếu bà quay trở lại. Bà đã bị liệt giường trong nhiều ngày sau đó.
Ngày 12 tháng 10 năm 2006, anh Mạnh bị kết án sáu năm tù trong một phiên toà bí mật và bị chuyển đến Nhà tù Cát Lâm vào ngày 19 tháng 12. Trong tù, anh bị ép lấy máu và liên tục bị tẩy não. Đôi khi anh phải ngồi trên giường quay mặt vào tường trong nhiều ngày liền.
Tám người trong gia đình bị bắt và xét xử
Sáng sớm ngày 15 tháng 8 năm 2019, 12 người thuộc Đội An ninh Nội địa, đồn công an địa phương và các quan chức địa phương đã xông vào nhà anh Mạnh. Họ bắt anh và bố mẹ vợ của anh, bỏ lại người vợ và đứa trẻ sơ sinh hai tháng tuổi. Bảy người trong gia đình anh Mạnh bao gồm cha mẹ ruột, cha mẹ vợ, chị của vợ, chồng chị ấy, cha mẹ của người chồng đều bị bắt trong cùng một ngày.
Ngoại trừ mẹ ruột và cha vợ của anh Mạnh được thả 15 ngày sau đó, những người còn lại bị giam trong trại tạm giam Thành phố Tứ Bình hơn một năm. Ngày 28 tháng 9, họ bị Toà án huyện Lê Thuỵ đưa ra xét xử. Toà án đã ngăn luật sư của họ biện hộ vô tội cho họ.
Bài liên quan:
Cát Lâm: 15 cư dân vẫn đang bị giam giữ mặc dù công tố viên đã trả lại hồ sơ vụ án của họ
Nhiều gia đình bị nhắm đến trong vụ bắt giữ trên diện rộng ở tỉnh Cát Lâm
Thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm: 18 học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong một ngày
Thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm: Chín học viên Pháp Luân Công bị bắt giữ trong cùng một ngày
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/10/1/412991.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/11/6/188128.html
Đăng ngày 13-11-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.