Bài viết của Khải Thanh

[MINH HUỆ 04-09-2020] Trước áp lực ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế nhằm truy cứu trách nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với đại dịch và các thảm kịch khác, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường đưa tin sai lệch trong nước.

Triệu Lập Kiên, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố rằng quan hệ giữa ĐCSTQ và nhân dân giống như cá và nước, và rằng nhân dân Trung Quốc là người bảo vệ ĐCSTQ mạnh mẽ nhất, bất kỳ nỗ lực nào nhằm chia rẽ ĐCSTQ và nhân dân sẽ kết thúc trong vô vọng.

Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng đã bác bỏ tuyên bố của ông này. Một người viết, “Khi các quan chức được hưởng các đặc quyền thì chúng tôi chẳng qua chỉ là hạt bụi. Khi sử dụng chúng tôi như bia đỡ đạn thì ông gọi chúng tôi là những người bảo vệ mạnh nhất — Toàn là nhảm nhí!”

Một người khác viết, “Lúc có cháy, các quan chức là những người đầu tiên di tản; Khi có đạn, thường dân lại là hàng phòng thủ đầu tiên chịu thiệt mạng. Đây có phải là mối quan hệ thân thiết kiểu ‘cá với nước’ không?“

Câu bình luận thứ hai ám chỉ đến vụ hỏa hoạn năm 1994 ở Khắc Lạp Mã Y thuộc tỉnh Tân Cương, trong đó các sinh viên được hướng dẫn ngồi yên để các quan chức di tản trước. Gần 300 sinh viên thiệt mạng trong khi hơn 20 quan chức Khắc Lạp Mã Y đều sống sót.

Đáng tiếc là, những bi kịch như vậy vẫn tiếp tục xảy ra dưới chế độ độc tài của ĐCSTQ. Ví dụ, trong vài tháng qua, Vũ Hán từ tâm chấn virus corona, đã bị biến thành vũ khí để Đảng tự tôn vinh, việc siết chặt được tăng cường ở Tân Cương dưới danh nghĩa chống lại virus corona với các ca nhiễm không được báo cáo, và tỉnh An Huy bị làm cho ngập lụt để bảo vệ các khu vực khác, đã được ca ngợi như một “thành công” nữa dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

Vũ Hán: Thảm họa được miêu tả thành chiến thắng

Theo Radio Free Internationale (RFI), ngày 15 tháng 8, hàng nghìn người dân Vũ Hán đã tụ tập để tham dự một buổi hòa nhạc mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Đây là một sự thay đổi mạnh mẽ so với nhiều tháng trước, khi thành phố này bị phong tỏa vì là tâm chấn của đại dịch. Không chỉ vậy, Vũ Hán giờ còn được mô tả là trung tâm giúp Trung Quốc đánh bại virus corona.

Nhưng ĐCSTQ chưa dừng lại ở đó. Ngày 27 tháng 8, khi sang thăm Na Uy, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc không có ca nhiễm nào mỗi ngày, và rằng những bình luận về virus có nguồn gốc từ Trung Quốc đều là nói dối. Theo chuyên gia người Trung Quốc, ông Hồ Bình, điều mà Vương không đề cập đến là nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn đã thừa nhận vào tháng 2 rằng virus corona bắt nguồn từ Trung Quốc; các chuyên gia y tế như Trương Văn Hoành của Đại học Phúc Đán cũng đã xác nhận điều này.

Cô Diêm Lệ Mộng đến từ Học viện Y tế Công cộng của Đại học Hồng Kông cũng nói như vậy sau khi cô trốn thoát sang Hoa Kỳ. Cô cũng kể lại thông tin bị bóp méo như thế nào khi virus corona mới bùng phát. Cô cho hay, ĐCSTQ đã biết về dịch bệnh này từ rất lâu so với thời điểm mà họ tuyên bố là họ biết đến dịch.

Sau khi nghe một người bạn nói đến tình trạng truyền bệnh từ người sang người và báo cáo với sếp về việc này vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, cô được yêu cầu giữ im lặng. Hơn nữa, những người liên lạc với cô ở Trung Quốc đại lục cũng không bàn luận về nó nữa. Cô nhớ lại, “Những người từ thành phố Vũ Hán—sau này trở thành trung tâm của đợt bùng phát—đã im lặng, còn những người khác bị cảnh báo không được hỏi họ về chi tiết.”

Áp lực này cũng lan sang Hồng Kông, nơi người giám sát của cô Diêm cảnh báo cô không được chạm đến “ranh giới đỏ” vì ông lo ngại “Chúng ta sẽ gặp rắc rối và chúng ta sẽ biến mất.”

Những cảnh báo như vậy đã được chứng minh, vì những người dám lên tiếng về dịch bệnh này đã lần lượt bị trừng phạt. Bà Ngải Phân, một bác sỹ tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, đã bị kỷ luật nhiều lần vì chia sẻ thông tin về căn bệnh này trên mạng xã hội. Một bác sỹ khác trong cùng bệnh viện là anh Lý Văn Lượng cũng chịu hình phạt tương tự, sau đó đã chết vì chính căn bệnh này.

Tân Cương: Có thể chết vì bất kỳ lý do nào, mà không được chết vì virus corona

Nếu vụ cháy ở Khắc Lạp Mã Y vào năm 1994 đã đề cập ở trên cho thấy các quan chức ĐCSTQ ức hiếp thường dân, thì tình hình đại dịch còn cho thấy điều tệ hơn.

Sau khi một ca nhiễm được xác định ở Ô Lỗ Mộc Tề vào ngày 15 tháng 7, ngay hai ngày sau, chính quyền đã phong tỏa toàn bộ thành phố. Theo bản tin của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA tiếng Trung) ngày 27 tháng 8, phong tỏa được mở rộng ra toàn bộ tỉnh Tân Cương. Một bài viết trên WeChat vào ngày 24 tháng 8 cho biết, “Ở đây, người ta có thể chết vì đói, vì ca sinh khó, trầm cảm, hay thậm chí vì nuốt một quả cầu thủy tinh. Nhưng người ta không được chết vì virus corona.” Theo VOA, bài viết này trên WeChat đã nhanh chóng bị xóa.

Chiến dịch này đã xâm phạm nghiêm trọng đến nhân quyền của cư dân ở Tân Cương. Tin tức của VOA còn trích dẫn một số bài đăng khác trên mạng xã hội nói về những khó khăn của người dân trong thời gian bị phong tỏa. Nhiều cư dân mạng là bệnh nhân vẫn chưa được điều trị vì bị phong tỏa. Có người bị còng tay vì vi phạm quy tắc phong tỏa khi đi ra ngoài. Cũng có những người bị bắt uống thuốc và ngủ vào những giờ cố định hàng ngày. Tất cả những bài đăng này đã nhanh chóng bị gỡ bỏ.

Thái Hà, một người Trung Quốc bất đồng ý kiến và là giáo sư đã nghỉ hưu từ Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho biết, ở Triều Tiên còn không có hệ thống giám sát 24/24 trên diện rộng. Vậy mà, chính quyền độc tài Trung Quốc lại dùng đến nó dưới danh nghĩa chống lại virus corona.

Cư dân An Huy: Nạn nhân hay anh hùng?

Từ mùa hè đến giờ, Trung Quốc có rất nhiều trận lụt, một số xảy ra tự nhiên, trong khi những trận khác là do con người tạo ra.

Ngày 20 tháng 7, Đập Vương Gia Bá ở tỉnh An Huy đã mở 13 cửa cống để xả nước và bảo vệ hạ lưu sông. Đây là lần thứ 16 mở cửa xả lũ kể từ khi con đập này được xây dựng vào năm 1953 và lần gần đây nhất là vào năm 2007. Truyền thông ĐCSTQ lại huênh hoang về điều này như một ví dụ về ưu điểm của xã hội cộng sản— rằng cư dân An Huy tự nguyện hy sinh lợi ích của bản thân vì lợi ích của những nơi khác.

Nhưng sự thật gần như là ngược lại. Mặc dù đất đai của gần 200.000 người đã bị phá hủy, mãi đến 12 giờ trước khi xả lũ, người dân mới được sơ tán và được cấp khoản đền bù tối thiểu. Lần xả lũ năm 2007, thiệt hại tài chính trực tiếp ước tính là 600 triệu nhân dân tệ (tương đương 90 triệu đô la) trong khi chính phủ chỉ trợ cấp khoảng 88 triệu nhân dân tệ (tương đương 13 triệu đô la).

Mặc dù các bản tin gọi những nạn nhân này là anh hùng để làm rạng danh ĐCSTQ, nhưng cư dân địa phương lại phải âm thầm chịu đựng.

Luật sư Trần Quang Thành, một người Trung Quốc bất đồng ý kiến đang ở Hoa Kỳ, đã phát biểu tại một sự kiện hồi cuối tháng 8 rằng, đứng lên chống lại chế độ chuyên chế không hề dễ dàng. Tuy nhiên, theo ông, “Hoa Kỳ phải dùng các giá trị tự do, dân chủ và pháp quyền của mình để tập hợp một liên minh các nền dân chủ nhằm ngăn chặn sự xâm lược của ĐCSTQ.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/9/4/411320.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/10/13/187798.html

Đăng ngày 16-10-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share