Bài viết của học viên trẻ ở Hoa Kỳ
[MINH HUỆ 05-06-2020] Kính chào Sư phụ và các đồng tu.
Tôi là một học viên ở bang Virginia. Tôi bắt đầu tu luyện từ nhỏ cùng với mẹ, đến nay đã được 21 năm. Trước khi đến Mỹ, tôi luôn được mẹ dìu dắt trong tu luyện. Bất cứ khi nào tôi gặp khó khăn trong cuộc sống hay trong học tập, mẹ luôn là người giúp tôi nhìn nhận mọi việc từ góc độ của Pháp và giúp tôi đề cao tâm tính.
Sau khi đến Hoa Kỳ, tôi phải dựa vào chính mình để giải quyết mọi việc. Cuối cùng tôi cũng ý thức được rằng mình là một học viên Đại Pháp, và bất cứ khi nào gặp khổ nạn, tôi cần hướng nội tìm nguyên nhân và đề cao tâm tính của mình.
Tu Chân-Thiện-Nhẫn
Sau khi đến Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ của các đồng tu, việc tu luyện và cuộc sống của tôi đều rất thuận lợi, cho đến khi một người bạn của tôi, cũng là học viên, đến Hoa Kỳ. Bởi vì mẹ của chúng tôi đều tu luyện Đại Pháp và là bạn bè của nhau, nên sau khi cô ấy đến, chúng tôi đã sống chung với nhau trong một căn hộ. Tôi đã giúp cô ấy tìm việc làm, học Pháp và luyện công cùng cô ấy, và vào những ngày nghỉ tôi đưa cô ấy đi mua nhu yếu phẩm hàng ngày.
Dần dần, tôi bắt đầu cảm thấy như mình đang nuôi một đứa trẻ vậy. Chúng tôi bằng tuổi nhau và đều là những học viên trẻ, nhưng tôi lại phải dẫn dắt cô ấy trong tu luyện. Nếu tôi không đánh thức cô ấy vào buổi sáng, cô ấy sẽ tiếp tục ngủ, bỏ qua việc học Pháp và luyện công. Vì thói quen hàng ngày và tính cách của chúng tôi khác nhau, chúng tôi bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều bất đồng hơn, và do vậy tôi đã gặp một khảo nghiệm lớn nhất trong tu luyện của bản thân từ trước đến nay.
Sau khi cô ấy đến, tôi đã nghĩ rằng, vì là đồng tu nên chúng tôi sẽ có thể chung sống và giao tiếp hòa thuận, khi gặp mâu thuẫn đều có thể hướng nội và chỉ ra những thiếu sót cho nhau. Nhưng dần dần, tôi nhận thấy chỉ có tôi chỉ ra các vấn đề và thiếu sót cho cô ấy. Thế nhưng, cô ấy cũng không thay đổi. Tôi cảm thấy rằng mình đã phó xuất quá nhiều, và ngay cả khi đã hướng nội, tôi vẫn không biết mình đã làm sai điều gì. Bất cứ khi nào gặp các học viên khác, tôi đều không thể kìm nén được và lại phàn nàn về cô ấy.
Trong một cuộc gọi video với mẹ, tôi thậm chí đã nghĩ đến việc trở về Trung Quốc. Hàng ngày hễ khi nào nhìn thấy cô ấy, bất kể là cô ấy làm gì đều khiến tôi cảm thấy khó chịu. Khảo nghiệm tâm tính này đối với tôi thật không thể chịu đựng nổi. Tôi tiếp tục hướng nội; nhắc nhở bản thân cần xem mình là người tu luyện; nhắc bản thân phải đạt được tiêu chuẩn của Chân-Thiện-Nhẫn; và cố gắng nhìn nhận mọi việc từ góc độ của cô ấy. Nhưng bất cứ khi nào cô ấy làm điều gì đó không phù hợp với tiêu chuẩn của tôi, tôi lại không thể chịu đựng được. Những cảm xúc mà tôi cố gắng kìm nén lại nổi lên, và tôi cảm thấy ngay cả khi nếu tôi là cô ấy thì tôi cũng sẽ không làm mọi việc theo cách mà cô ấy đã làm.
Trong suốt hơn một năm, tôi luôn cảm thấy nội tâm giày vò vì đã nhiều lần muốn vượt qua khảo nghiệm này mà không được. Vấn đề này tiếp diễn cho đến khi cô ấy rời khỏi thành phố tôi đang sống và chuyển đến nơi khác. Tôi bắt đầu bình tâm lại và nhận ra những thiếu sót của bản thân trong tu luyện. Khi thấy cô ấy làm điều gì đó không phù hợp với tiêu chuẩn của bản thân mình, tôi liền cảm thấy cô ấy đã làm sai, và tôi sẽ lập tức chỉ ra thiếu sót của cô ấy. Tôi nghĩ rằng thẳng thắn chỉ ra thiếu sót của cô ấy là thể hiện của chân, vì vậy khi nói về cô ấy với các học viên khác, tôi cũng không nhận ra rằng mình đang nói sau lưng cô ấy vì cho rằng mình cũng đã nói điều đó với cô ấy.
Tôi nhận ra lời nói của mình không thiện, nói gì đến nhẫn. Tôi chỉ chăm chăm nhìn vào những điểm mà cô ấy làm không phù hợp với tiêu chuẩn của mình, và tôi cho là, vì tôi sống ở Hoa Kỳ lâu hơn cô ấy nên tôi có quyền đưa ra lời khuyên cho cô ấy. Tôi đã nghĩ vì tôi học Pháp mỗi ngày nên hành xử của tôi đồng hóa với Pháp, trong khi trên thực tế tôi đã không thực tu theo Chân-Thiện-Nhẫn.
Khi nhìn thấy những vấn đề của người khác, tôi đã không tự suy ngẫm về bản thân mà lại lấy cớ muốn tu chân để đòi hỏi người khác phải tốt hơn. Khi nhận ra điều này, tôi đã chủ động liên lạc và làm bạn trở lại với cô ấy. Cô ấy đã chia sẻ với tôi chi tiết cuộc sống của cô ấy, và tôi không còn cố gắng chỉ ra bất kỳ thiếu sót nào nữa. Thay vào đó, tôi kiên nhẫn và từ bi khích lệ cô ấy. Tôi thực sự bắt đầu xem cô ấy như một đồng tu và đưa ra các đề xuất, thay vì cứ cố yêu cầu cô ấy phải hành xử theo suy nghĩ của bản thân mình. Tôi cảm thấy cuối cùng tôi đã minh bạch được bản thân cần đối đãi với việc này như thế nào. Tôi biết rằng từ giờ trở đi, tôi sẽ không bao giờ áp đặt ý kiến của bản thân lên người khác nữa. Thay vào đó, tôi sẽ cố gắng nhẫn, hướng nội, thiện ý nói ra suy nghĩ và nhận thức của mình, và thực tu Chân-Thiện-Nhẫn.
Kiên trì làm ba việc của đệ tử Đại Pháp
Tại trường học ở Hoa Kỳ, tôi cảm thấy rất nhiều áp lực trong học tập. Bởi vì tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ nên tôi đã mất nhiều thời gian hơn bình thường để nghiên cứu và tìm hiểu tài liệu của các khóa học. Dần dần, tôi trở nên không còn tinh tấn trong việc học Pháp và luyện công như trước. Những kỳ thi vấn đáp và bài kiểm tra thông thường nhất cũng bắt đầu khiến tôi căng thẳng, và tôi phải trải qua nhiều đêm mất ngủ. Nhưng càng lo lắng, thì điểm số của tôi càng tệ hơn. Thậm chí trong học kỳ đầu tiên, tôi nhớ mình đã trượt một môn và trở nên rất chán nản. Mỗi ngày tôi đều chăm chỉ làm bài tập ở trường, nhưng tôi vẫn không thể tiến bộ. Thậm chí tôi còn bắt đầu tự hỏi liệu có phải mình không có năng lực học tập ở trường đại học không.
Khi nói chuyện với một học viên khác, tôi nhận ra mình đã không đặt Pháp lên hàng đầu. Tôi có rất nhiều bài tập ở trường, nhưng ngoài việc học, tôi vẫn tham gia rất nhiều hoạt động khác, làm lãng phí rất nhiều thời gian. Tôi làm thế bởi vì tôi muốn sống cuộc sống của một sinh viên Mỹ, điều đó có nghĩa là tôi đang tìm cớ để học Pháp và luyện công ít đi, và tôi đã không chứng thực Pháp. Sau khi nhận ra điều này, tôi đã thêm việc học Pháp và luyện công vào kế hoạch hàng ngày của mình.
Dẫu bận rộn đến mấy, tôi không còn lơ là việc luyện công và phát chính niệm mỗi ngày nữa. Tôi thậm chí còn giảng chân tướng cho các bạn cùng lớp. Sau khi làm như vậy khoảng một tuần, tôi nhận ra tôi không còn cảm thấy lo lắng như trước. Hàng ngày tâm thái tôi đã trầm tĩnh và khối lượng bài vở cũng không làm tôi mất ngủ. Bởi vì tôi đã không hoàn thành tốt bài thi giữa kỳ, giáo sư nói nếu tôi làm tốt hơn trong bài kiểm tra cuối kỳ, ông sẽ hủy kết quả giữa kỳ của tôi và sử dụng điểm thi cuối kỳ làm điểm chung cho cả hai bài kiểm tra của tôi. Khi liên tục làm tốt ba việc, tất cả các bài kiểm tra cuối kỳ của tôi đều đạt kết quả rất tốt, và điểm thi cuối kỳ của tôi đã được sử dụng thay cho kết quả giữa kỳ mà tôi đã làm không tốt.
Sư phụ giảng:
“Là đệ tử Đại Pháp mà nói, tu luyện của chư vị là ở vị trí số một, vì nếu chư vị tu không tốt, [thì] chư vị không hoàn thành được những việc mà chư vị cần làm; nếu chư vị tu không tốt, thì sức cứu người cũng không lớn được như thế. Nếu tu kém hơn một chút nữa, thì phương thức nhìn vấn đề và suy xét vấn đề đều là dùng tư tưởng của người thường và cách nghĩ của người thường, thế thì càng dở.” (“Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp”, Giảng Pháp tại các nơi XI)
Kể từ khi tôi đề cao bản thân theo tiêu chuẩn của một đệ tử Đại Pháp, bất cứ khi nào gặp phải vấn đề, trước tiên tôi đều hướng nội và đo lường bản thân mình theo Pháp. Nhờ kiên trì học Pháp, luyện công, và làm tốt ba việc, tôi không còn lo lắng khi gặp phải vấn đề, mà đã có thể đối đãi mọi việc với tâm từ bi và kiên nhẫn.
Trước khi quyết định viết bài chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi cảm thấy bản thân không có nhiều điều để chia sẻ. Khi tôi ngồi xuống để suy ngẫm về quá trình tu luyện của mình, tôi nhận ra có rất nhiều phương diện mà bản thân đã làm không tốt.
Tôi không tập trung trong khi học Pháp và tôi thường xem việc học Pháp như một nhiệm vụ cần hoàn thành. Tôi không thể đạt được trạng thái tĩnh khi luyện công mà luôn nghĩ về những việc của người thường.
Khi giảng chân tướng về Đại Pháp, tôi nhận ra nhận thức của bản thân còn nông cạn và không thể trả lời các câu hỏi của mọi người. Sau đó, tôi đã không cố gắng liễu giải những vấn đề mà bản thân gặp phải. Chỉ đến khi nhìn lại những việc làm sai kém của mình, tôi mới nhận ra bản thân đã không tu luyện tinh tấn. Tôi cảm thấy vô cùng hối hận. Tôi rất cảm kích khi có thể tham dự Pháp hội này. Tôi đã có cơ hội tự suy ngẫm về chính mình, nhận ra những vấn đề của bản thân, và từ nay trở đi, tôi sẽ tiếp tục đề cao và tu luyện vững vàng.
(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Trực tuyến dành cho Đệ tử Pháp Luân Đại Pháp Trẻ năm 2020)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/6/5/407189.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/9/185444.html
Đăng ngày 27-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.