Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 12-05-2020] Người mẹ 90 tuổi của tôi sống với anh trai tôi, còn em trai tôi và tôi sống ở một tỉnh khác. Vào một đêm cuối tháng 4, mẹ tôi bị ngã. Anh trai tôi phát hiện ra điều này vào sáng hôm sau, anh đã nói con trai bế bà xuống cầu thang từ tầng 7 và đưa bà tới bệnh viện.

Sau khi kiểm tra kết quả phim chụp X-quang, bác sĩ đề nghị phẫu thuật để tránh hậu quả nghiêm trọng. Có thể mẹ tôi sẽ bị liệt và phải đi lại bằng xe lăn. Do tuổi bà đã cao nên bác sĩ đã để gia đình đưa ra quyết định cuối cùng.

Tôi nói em trai đặt giúp tôi một chuyến bay để tôi có thể gặp mẹ.

Sau đó, em trai tôi gọi cho tôi và nói rằng vợ của cậu có hỏi ý kiến một người bạn học cũ là bác sĩ tại một bệnh viện thành phố trực thuộc tỉnh. Sau khi xem bản sao của phim chụp, anh đề nghị phẫu thuật, vì phát hiện ra một vết nứt ở cổ xương đùi. Tuy nhiên với độ tuổi của mẹ tôi, anh không chắc chắn bà có thể hồi phục. Nhưng nếu không phẫu thuật, bà sẽ không thể đi lại được.

Em trai tôi lo lắng về nguy cơ của việc phẫu thuật. Tôi nói rằng tạm thời chúng ta không nên đưa ra bất kỳ quyết định nào cho đến khi tôi nhìn thấy tình trạng của mẹ.

Người mẹ không biết chữ của tôi tập đọc Chuyển Pháp Luân

Cha mẹ tôi, anh trai, chị gái, cháu trai và tôi đều là những học viên Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1997, và mẹ tôi cũng bước vào tu luyện một năm sau đó. Bà nhớ lại nhiều trải nghiệm thần kỳ trong 20 năm tu luyện Đại Pháp.

Mẹ tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp khi bà đã 70 tuổi. Bà đã có một cuộc đời khó khăn và không được đi học, vì vậy bà không biết chữ.

Mẹ tôi nghe các bài giảng Pháp của Sư phụ và luyện các bài công pháp. Bà mong muốn có thể đọc được sách giống như chúng tôi. Tôi nói với bà rằng rất nhiều học viên cũng không biết chữ nhưng cuối cùng đã có thể đọc được Chuyển Pháp Luân. Tôi khích lệ bà hãy cố gắng.

Mẹ tôi bắt đầu học và ghi nhớ từng từ, rồi tới từng câu. Bà đề nghị chúng tôi giúp bà mỗi khi cần, bà không bao giờ bỏ cuộc dù cho thái độ của người khác có như thế nào.

Mẹ tôi đã học và ghi nhớ cách đọc cả ngày lẫn đêm, bà thường tìm ra cách phát âm một số từ nhất định trong khi đả toạ. Khi không có ai xung quanh có thể giúp bà, Sư phụ chỉ cho bà cách phát âm một từ cụ thể bằng cách truyền tín tức cho bà.

Sư phụ giúp bà bởi vì bà thực tâm mong muốn tu luyện. Dần dần bà đã có thể đọc được Chuyển Pháp Luân mặc dù lúc đầu rất chậm.

Mẹ tôi sống cùng tôi một khoảng thời gian cách đây 7 năm. Tôi thấy một số từ bà phát âm không chính xác, vì vậy tôi đã sắp xếp các từ đó lại và viết ra cách phát âm chính xác. Em trai tôi in ra và mẹ tôi học thuộc. Khi mẹ tôi đã phát âm đúng, bà sẽ so lại với những từ trong Chuyển Pháp Luân và ghi nhớ toàn bộ câu.

Cuối cùng, tốc độ đọc của mẹ tôi cũng được cải thiện, bà có thể đọc được cả câu hoàn chỉnh. Chị dâu tôi đã nói đùa với bà: “Mẹ trông như đang chuẩn bị thi đại học vậy”.

Việc giúp mẹ đọc cũng là cơ hội để tôi loại bỏ chấp trước vào sự thiếu kiên nhẫn và nóng nảy.

Trước khi tu luyện, tóc mẹ tôi đã hoàn toàn chuyển sang màu xám. Sau khi học đọc, 80% mái tóc của bà đã chuyển sang màu đen và chứng giãn tĩnh mạch của bà cũng biến mất. Bà đã không phải gặp bác sĩ hay uống bất kỳ loại thuốc nào trong suốt hai mươi năm qua.

Hồi phục mà không cần phẫu thuật

Ba ngày sau tôi đã bay trở về nhà.

Mẹ tôi không thể rời khỏi giường và cũng không thể ngồi dậy nếu không có ai giúp. Bà bị ho nặng, phải mặc bỉm và tinh thần suy sụp.

Tôi hỏi bà: “Mẹ có nghe thấy con nói không?” Bà đã không nhận ra.

Tôi tiếp tục nói: “Mẹ là ai? Mẹ có phải là đệ tử Đại Pháp không? Các đệ tử Đại Pháp nên nghe theo ai? Mẹ tôi chợt nhận ra điều gì đó và nói một cách chắc chắn: “Mẹ nghe theo Sư phụ”.

Tôi kể cho mẹ nghe câu chuyện mà Sư phụ giảng trong Chuyển Pháp Luân về một người phụ nữ lớn tuổi bị một chiếc ô tô kéo lê hơn mười mét và ngã xuống đất, nhưng bà đã không bị sao hết.

Sư phụ giảng:

“Chúng ta giảng rằng, tốt xấu xuất tự một niệm của người ta, sai biệt ở một niệm ấy đưa đến hậu quả khác nhau”. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi nói với mẹ tôi: “Mẹ có thể dùng bỉm, nhưng con và chị sẽ đưa mẹ vào phòng vệ sinh để đi tiểu”.

Anh rể và em trai tôi nhắc chúng tôi không được đưa mẹ ra khỏi giường hay để bà đi lại quá sớm, nên để bà nghỉ ngơi trên giường. Cháu dâu tôi cũng rất lo lắng. Cháu nói ông của cháu cũng bị chấn thương tương tự, ông không phẫu thuật, bị liệt và qua đời một năm sau đó.

Tôi đã lo lắng khi thấy tình trạng của mẹ, nhưng tôi biết bà đang gặp phải một quan lớn. Vì tuổi của bà đã cao và tôi cần giúp bà vượt qua quan này bằng chính niệm.

Mặc dù mẹ tôi vẫn coi mình như một bệnh nhân và muốn chúng tôi chăm sóc bà nhưng bà không quên lời dạy của Sư phụ. Bà ngồi trên giường đọc sách mỗi ngày và rửa tay trước khi học, vì bà luôn tôn kính Sư phụ và Đại Pháp. Mỗi ngày bà học hai tiếng buổi sáng và hai tiếng buổi chiều.

Mẹ tôi đã ngừng ho và không cần dùng tới bỉm sau mười ngày. Tôi nói với bà rằng: “Đọc sách không là không đủ, là một học viên mẹ nên luyện công”.

Lúc đó mẹ tôi không thể gập đầu gối phải lại và cũng không thể đứng lên. Chân bà phải để thẳng và không chịu được bất kỳ trọng lượng nào.

Mặc dù mẹ tôi học Pháp rất chăm chỉ nhưng bà không muốn di chuyển, chứ đừng nói tới việc luyện các bài công pháp. Bà muốn chăm chút cho vết thương của mình vì bà thấy đau chân mỗi khi di chuyển.

Tôi bình tĩnh nói với bà: “Chúng ta không thể coi mình như những người thường. Chúng ta là đệ tử Đại Pháp, vậy chúng ta cần đề cao tâm tính có phải không? Chúng ta không thể bỏ qua năm bài công pháp. Nếu mẹ cảm thấy hiện tại vẫn là quá khó để kéo chân lên thì mẹ có thể thử kéo một chân lên”.

Mẹ tôi bắt đầu ngồi đả toạ trên giường. Tôi nói: “Vài hôm nữa mẹ hãy cố gắng rời khỏi giường để luyện các bài công pháp”. Mẹ tôi trả lời: “Mẹ không thể đứng, làm sao có thể tập được đây?”

Tôi khích lệ bà và nói bà đừng lo lắng, Sư phụ luôn ở bên chúng ta. Bà nói: “Được, mẹ sẽ ra khỏi giường và luyện công”.

Tôi nói: “Sao mẹ không dựa vào cửa nhỉ, con sẽ đứng giữ mẹ từ phía trước. Mẹ hãy cố gắng đứng lâu nhất có thể”. Bà đặt tay quanh cổ tôi và tôi giữ lấy eo của bà. Tôi bế bà ra cửa, đóng cửa lại và để bà đứng dựa lưng vào cửa.

Mẹ tôi không thể đứng vì chân bà vẫn còn yếu, vì vậy bà dựa cả người vào cửa và bắt đầu luyện bài công pháp số hai. Thân thể bà run rẩy không thể kiểm soát và ướt đẫm mồ hôi chỉ trong khoảng ba phút.

Sáng hôm sau bà tiếp tục đọc sách. Tôi hỏi: “Mẹ có muốn luyện các bài công pháp sau bữa trưa không? Bà trông có vẻ sợ hãi, tôi nhắc bà về lời giảng của Sư phụ:

“…khó Nhẫn, chư vị hãy cứ Nhẫn xem sao; thấy thật khó làm, nói là khó làm, chư vị cứ làm xem cuối cùng có làm được chăng”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Mẹ tôi nói: “Mẹ sẽ tập các bài công pháp”. Thân thể bà run rẩy và đổ mồ hôi đầm đìa chỉ sau khi tập bài công pháp số hai được 6 phút. Tôi khích lệ bà cố gắng tăng thời gian lên gấp ba vào ngày hôm sau và bà đã luyện được bài công pháp số hai 16 phút.

Mười ngày sau, tôi hỏi bà: “Mẹ đã có thể tập bài công pháp số hai rồi, còn bài công pháp số ba thì sao? Mẹ có thể đứng dựa vào cửa để tập đúng không?” và mẹ tôi đã thực hiện điều đó.

Đối với một người bị thương đã 90 tuổi như mẹ tôi, nói thì dễ làm thì quả thực là quá khó. Nhưng mẹ tôi đã rất chăm chỉ học Pháp, vì vậy bà có niềm tin vững chắc vào Sư phụ và Đại Pháp.

Mẹ tôi đã luyện được các bài công pháp mỗi ngày. Mỗi lần luyện thân thể bà luôn run rẩy và ướt đẫm mồ hôi. Đây thực sự là một quá trình bước ra khỏi người thường và cũng là quá trình khảo nghiệm tín tâm vào Đại Pháp của bà.

Mặc dù mẹ tôi đã luyện được các bài công pháp bằng cách dựa vào tường nhưng bà không dám tự mình đứng. Bà thấy chân vẫn yếu và sợ bị ngã. Nhưng bà vẫn chăm chỉ đọc sách. Sự sợ hãi của bà đã dần dần giảm đi, chính niệm và tín tâm của bà cũng trở lên mạnh hơn.

Tôi khích lệ bà một tháng sau hãy luyện các bài công pháp mà không cần phải dựa vào tường. Đó là một thử thách lớn đối với bà để vượt qua tâm sợ hãi và các quan niệm người thường.

Lúc đầu, bà chỉ có thể kiên trì trong vài phút. Bà luyện một bài rồi sau đó nghỉ một chút rồi luyện bài tiếp theo. Mỗi bài tập đều khiến bà run rẩy và ướt đẫm mồ hôi, nhưng bà luôn giữ vững niềm tin của mình vào Sư phụ và Đại Pháp.

Cứ sau vài ngày, mẹ tôi lại tạo ra một bước đột phá, và tình trạng của bà tiếp tục được cải thiện. Điều này thực sự giống như những gì Sư phụ giảng: “Tu tại tự kỷ, công tại sư phụ”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Trạng thái tu luyện của mẹ tôi được đề cao lên từng chút một, bà đã có thể ngồi kết già khi đả toạ và đứng luyện các bài công pháp khác.

100 ngày sau, bà đã buông bỏ được tâm sợ hãi và tự bước đi được 6 mét. Khi bước đi ổn định hơn, bà đã có thể lên xuống cầu thang.

Pháp Luân Đại Pháp thật sự tuyệt vời! Không cần phải phẫu thuật và sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, một cụ bà 90 tuổi bị thương nặng đã có thể đứng dậy và đi lại. Tất cả là nhờ vào sự kiên tín của bà vào Đại Pháp và Sư phụ, kiên trì đọc Chuyển Pháp Luân và làm mọi việc mà một học viên cần làm.

Sau khi thấy mẹ tôi vượt qua khổ nạn nhờ sự thần kỳ của Đại Pháp, em trai, em dâu và cháu dâu tôi cũng bắt đầu bước vào tu luyện. Cũng nhờ trải nghiệm của mẹ tôi mà người cha 90 tuổi của tôi, anh trai (gần 70 tuổi) và chị gái tôi (ngoài 60 tuổi) đã có thêm tín tâm vào Đại Pháp. Gia đình tôi thực sự quá may mắn!


Bản tiếng Hán : https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/12/405008.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/21/185135.html

Đăng ngày 27-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share