Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi ở Úc

[MINH HUỆ 30-05-2020] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính, chào các bạn đồng tu! Tôi là một học viên trẻ tuổi và bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2011. Tôi rời Trung Quốc từ năm 2015 để học đại học. Sau khi học xong đại học ở một thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ, tôi chuyển đến một thành phố lớn ở nước Úc, nơi mà tôi đối mặt với những thay đổi lớn lao trong môi trường tu luyện và một loạt những tình huống khó khăn trong khi phối hợp với những học viên khác. Những sự thay đổi này cho phép tôi hướng nội sâu về việc tôi nhìn nhận môi trường tu luyện của mình và tương tác với những học viên khác như thế nào. Tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình với các đồng tu.

Thích nghi với môi trường tu luyện mới

Thành phố tôi chuyển đến sống có nhiều đồng tu và nhiều hạng mục để làm, đem lại cho tôi một môi trường tu luyện phức tạp. Bởi vì tôi không chịu hiểu quan điểm của những người khác và thậm chí tôi thỉnh thoảng còn coi thường họ, nên tôi bị vướng vào những mâu thuẫn khác nhau.

Điều này rất khác với môi trường sống ở thị trấn nhỏ ở Hoa Kỳ, nơi mà có ít học viên hơn và vì thế chúng tôi thân nhau hơn. Ở đó, chúng tôi phối hợp với nhau như một chỉnh thể và môi trường chúng tôi có sự thấu hiểu nhau và thậm chí trân quý nhau. Khi mới chuyển sang Úc và thấy rất khó để thích nghi với môi trường mới, tôi nhớ tới lời Sư phụ giảng:

“Nhưng sản sinh ra nhiều thể sinh mệnh rồi; thì cũng phát sinh quan hệ xã hội [trong] quần thể. Trong đó có một số người có thể tăng thêm tư tâm; tầng của họ dần dần rất chậm hạ thấp xuống; [khi] không thể ở tại tầng ấy nữa, thì họ phải rớt xuống dưới.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi cảm thấy rằng một môi trường nhiều người hơn thực sự khiến việc có thể điềm tĩnh và xử lý mọi việc được tốt trở thành một thách thức. Tôi biết đây là suy nghĩ vô lý và gây tổn thương cho các học viên địa phương ở Úc, nhưng tôi đã thực sự cảm thấy rằng các học viên ở thành phố trước kia của tôi tốt hơn.

Sau khi hướng nội, tôi đã có thể tìm thấy căn nguyên của chấp trước của mình. Khi còn là sinh viên đại học, các học viên địa phương rất chăm lo cho tôi và vài học viên trẻ ở trường đại học của tôi. Họ luôn quan tâm đến chúng tôi, khích lệ và khẳng định tất cả những điều chúng tôi làm. Các học viên lớn tuổi hơn hiếm khi đặt tiêu chuẩn rất cao cho chúng tôi, mà gần như chỉ là các học viên trẻ chúng tôi có thể kiên định trong tu luyện là đủ tốt rồi. Bất cứ khi nào chúng tôi giúp các hạng mục khác, họ đều cảm ơn và tán dương chúng tôi. Lối tư duy của tôi là tôi đã tình nguyện dành thời gian giúp các hạng mục Đại Pháp, hơn là nghĩ rằng các hạng mục giảng chân tướng đã đem lại cho tôi cơ hội để cứu chúng sinh và hoàn thành thệ ước của mình.

Tôi nhận ra rằng các học viên ở thị trấn chỗ trường đại học của tôi có sự bất đồng. Tôi ngộ ra điều này từ một khía cạnh tu luyện: nếu không có mâu thuẫn, và nếu mọi người đều hòa hợp hoàn hảo, thì sẽ không có cơ hội để loại bỏ chấp trước của chúng ta, đề cao tâm tính và thăng tiến trong tu luyện. Tuy nhiên, do tôi chưa bao giờ gặp phải những mâu thuẫn như thế này, nên tôi luôn nghĩ rằng nhóm học viên chúng tôi rất hòa hợp.

Ở môi trường mới của mình, tôi không cảm thấy sự ấm áp tương tự từ các đồng tu của tôi và đôi khi họ còn nói những điều mà khiến tôi tức giận và dẫn động nhân tâm của tôi. Khi tôi cố gắng thích nghi để gia nhập vào xã hội và cuộc sống sau tốt nghiệp, tôi cảm thấy rằng mình đã không có chính niệm và tâm thái tu luyện để tiếp cận với hoàn cảnh. Điều này giống hệt như Sư phụ đã từng giảng:

“…coi những khổ [nạn] trong cuộc đời là bất công đối với mình” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Các học viên trẻ tuổi ở thành phố mới thường bận rộn với các hạng mục truyền thông hoặc những hạng mục giảng chân tướng khác, và hiếm khi có thời gian để nói chuyện và chia sẻ về bất cứ điều gì ngoài các chủ đề liên quan đến công việc. Đây là sự khác biệt cực lớn với môi trường đại học thân mật của tôi, nơi mà các bạn cùng trường và tôi rất hợp với nhau và chúng tôi liên tục có cơ hội trao đổi với nhau.

Trước khi chuyển sang Úc, tôi rất mâu thuẫn về việc liệu có nên bắt đầu làm toàn thời gian cho truyền thông hay tiếp tục học sau đại học. Chứng kiến các học viên trẻ tuổi ở thành phố mới cống hiến toàn bộ sức lực của họ vào hạng mục truyền thông đã gây áp lực cho tôi đến mức tôi không biết nói chuyện với họ thế nào và tôi thường muốn lảng tránh tất cả bọn họ. Tôi bắt đầu phát triển cảm giác tật đố ghê gớm, thường tự hỏi tại sao tất cả các học viên trẻ tuổi xung quanh tôi đều bước vào làm truyền thông mà tôi vẫn chưa tham gia.

Tôi tự hỏi: “Tại sao làm việc toàn thời gian cho truyền thông để cứu chúng sinh không phải là một phần trên con đường tu luyện của tôi?” Một cách vô ý thức, tôi bắt đầu so sánh bản thân mình với những học viên khác để xem ai tốt hơn. Tôi đã vô thức dùng hạng mục thần thánh cứu độ chúng sinh để tranh đấu với người khác. Tôi cũng có chấp trước mạnh mẽ vào tình liên quan đến tình bạn và tình đồng tu, vì tôi tin rằng các học viên trẻ tuổi khác và tôi nên trở thành bạn bè một cách tự nhiên do cùng lứa tuổi.

Chấp trước của tôi vào cảm xúc và các mối quan hệ thường thao túng tôi bất cứ khi nào có ai đó không trả lời tin nhắn của tôi tức thì hoặc tôi cảm thấy họ thờ ơ với tôi, thậm chí dù tôi biết họ bận các hạng mục Đại Pháp và rằng tôi nên cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ và không nên làm phiền họ.

Sâu thẳm trong tâm tôi biết rằng các học viên trẻ tuổi khác thực ra đang giúp tôi tu khứ các chấp trước của mình vào sự cô đơn và sợ bị ở một mình. Không may rằng quan niệm của tôi về sự ích kỷ và lợi ích bản thân đã được chôn giấu sâu nơi tâm tôi và rất khó để loại bỏ đi. Tôi chỉ có thể cố gắng từ từ gạt dần những chấp trước này đi qua quá trình tu luyện của mình.

Sau đó tôi nhận ra rằng muốn gặp gỡ các đồng tu cũng như lảng tránh các đồng tu đều là sai. Mong mỏi muốn gặp các học viên Đại Pháp khác xuất phát từ tâm cô đơn của tôi và phụ thuộc vào tình cảm của người khác. Chấp trước mạnh mẽ của tôi muốn kết giao với bạn bè và đồng tu đến từ việc tôi hướng ngoại mong chờ người khác giúp tôi giải tỏa khổ nạn.

Thế nhưng muốn lảng tránh các học viên khác thậm chí còn tồi tệ hơn–quan niệm này do tâm tật đố, oán hận, né tránh mâu thuẫn và sự ích kỷ không thể chấp nhận người khác cấu thành. Vì những chấp trước này cứ dai dẳng nên cựu thế lực rất dễ tìm được sơ hở trong tu luyện của tôi để thực sự bắt đầu khiến tôi xa lánh các học viên khác, và khiến tôi mất đi nhiều cơ hội phối hợp với các học viên khác và cứu độ chúng sinh.

Sư phụ giảng:

“Chư vị đều là đồng tu [với nhau], [hay] chư vị là địch nhân? Chư vị là vì mục tiêu chung tại thế gian này mà cứu người, chư vị nên phải là thân thiết nhất, giúp đỡ lẫn nhau; hỏi chư vị là thấy ai không thuận mắt? Hình tượng và hành vi mà họ biểu hiện, chỉ là của [phía] con người, nhưng mà chư vị chẳng phải đều là Thần tới đây sao? Phía bên Thần sẽ như vậy chăng? Cần từ tu luyện mà xét.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York kỷ niệm 25 năm Đại Pháp hồng truyền)

Sau khi đọc những lời dạy của Sư phụ, tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ. Người tu luyện cần liên tục đề cao và không thể đình trệ ở một tầng thứ thể ngộ mãi được. Sư phụ an bài sự thay đổi trong môi trường của tôi là vì chính tôi. Sư phụ đang chờ đợi mỗi chúng ta liên tục đề cao tầng thứ tu luyện của mình. Một môi trường càng phức tạp thì sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn để khảo nghiệm tâm tính và tôi luyện ý chí của tôi, và phát triển tâm từ bi vô tư vô ngã. Sư phụ đã giảng rất rõ ràng rằng:

“Áp lực đến từ bên ngoài [cộng đồng] đệ tử Đại Pháp là khảo nghiệm, là cơ hội tinh tấn; mâu thuẫn và áp lực đến từ bên trong [cộng đồng] đệ tử Đại Pháp đồng dạng cũng là khảo nghiệm, là cơ hội tinh tấn.” (Lời chúc gửi Pháp hội Châu Âu)

Thay đổi môi trường tu luyện của mình bằng việc tu bản thân

Sau khi đến nước Úc, tôi bắt đầu tổ chức một nhóm học Pháp dành cho các học viên trẻ tuổi theo lời gợi ý của một đồng tu khác. Với trách nhiệm điều phối mới của mình, cuối cùng tôi đã được trải nghiệm và thể ngộ trực tiếp thông qua công tác điều phối. Trước kia, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc các điều phối địa phương đã nỗ lực đến thế nào để tổ chức các nhóm học Pháp lớn nhỏ cũng như các sự kiện quy mô lớn. Thậm chí kể cả những điều dường như đơn giản như các buổi học online cũng yêu cầu lên kế hoạch cẩn thận. Làm điều phối giúp tôi biết ơn và trân trọng những đóng góp của các học viên khác giúp tổ chức thành công buổi học Pháp và các cơ hội giảng chân tướng cho tất cả chúng tôi.

Khi bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hạng mục và tương tác với các điều phối địa phương mới, tôi thường thấy mình so sánh họ với các điều phối ở Hoa Kỳ một cách vô thức. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia quảng bá Shen Yun ở Úc, và tôi nhanh chóng phát hiện ra sự khác biệt to lớn như thế nào giữa hai thành phố trong cách làm mọi việc, từ việc quảng cáo đến điều phối chung.

Tôi cũng đã nghe nhiều tin đồn về việc các học viên ở Úc đã không tinh tấn bằng các học viên ở Bắc Mỹ như thế nào, và họ ít tạo thành một chỉnh thể hơn khi làm các hạng mục giảng chân tướng như thế nào. “Giảng Pháp cho học viên Úc châu” là bài giảng Pháp ở các nơi duy nhất mà Sư phụ lưu lại cho các đệ tử Đại Pháp ở dạng video. Vì các học viên ở Úc vào thời điểm đó chưa thực hiện được tốt nên giọng nói của Sư phụ khi giảng Pháp khá là nghiêm khắc, và cảm giác như đây vẫn là điều mà các học viên địa phương ở Úc không muốn mọi người biết đến rộng rãi hoặc không muốn nhắc đến.

Tất cả những điều phụ diện mà tôi đã nghe về các học viên ở Úc đã trộn với cảm giác thất vọng của tôi. Tôi đã không tiếp cận hoàn cảnh với chính niệm và bắt đầu nghĩ rằng những điều nói về họ có rất nhiều thứ là đúng. Thỉnh thoảng tôi thậm chí còn cảm thấy rằng việc tôi chuyển từ Hoa Kỳ sang Úc là một sự rớt tầng vì rất nhiều các hạng mục giảng chân tướng mới mẻ và dường như thú vị hơn đang diễn ra ở Bắc Mỹ.

Sau khi nghĩ về tình trạng này từ khía cạnh của Pháp, tôi nhận ra rằng các học viên ở Bắc Mỹ như một chỉnh thể đã làm rất tốt trong nhiều phương diện. Nhưng các học viên, không kể là họ sinh sống ở đâu thì đều là đệ tử của Sư phụ. Tất cả chúng ta đang tu luyện chiểu theo Đại Pháp và đều đang làm ba việc mà Sư phụ yêu cầu chúng ta làm–chỉ là mức độ tinh tấn của chúng ta có thể khác nhau. Thậm chí nếu trạng thái tu luyện của một nhóm chỉnh thể các học viên không đạt được tiêu chuẩn, thì kén chọn một môi trường tu luyện không phải là một lối thoát. Cách duy nhất để đề cao như một chỉnh thể là trước tiên phải tu luyện và tự mình đề cao.

Mặc dù trước kia có những trường hợp can nhiễu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng Úc vẫn là một đất nước dân chủ Tây phương, và vẫn có cơ hội cho chúng tôi làm tốt hơn trong việc giảng chân tướng cho xã hội chủ lưu. Mỗi năm chúng tôi vẫn có thể tổ chức các buổi biểu diễn Shen Yun, và chúng tôi vẫn có thể tổ chức các hoạt động luyện công tập thể ngoài trời, diễu hành và những sự kiện quy mô lớn như Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện toàn quốc. Môi trường tu luyện lâu bền này được hình thành nhờ có sự nỗ lực và làm việc chăm chỉ của các học viên lớn tuổi hơn, những người đã cẩn thận duy hộ nó trong suốt những năm qua.

Thế những nước trên thế giới mà không có nhiều học viên thì sao? Thế những học viên ở những quốc gia có chế độ độc tài thì sao? Thế những học viên ở những nước mà chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Trung Cộng và đối mặt với những khó khăn trên từng bước đi thì sao? Và những học viên ở Trung Quốc Đại Lục, những người đã duy trì chính niệm trong 20 năm qua trong khi phải luôn đối mặt với những khảo nghiệm sinh tử thì sao? Họ có từng bao giờ phàn nàn về “môi trường tu luyện không tốt” như tôi chăng?

Sau khi nhìn lại tất cả điều này tôi cảm thấy rất xấu hổ. Trong kinh văn, Sư phụ đã khen ngợi các học viên như các biên tập viên của trang Minh Huệ và những đồng tu nâng cao nhận thức về cuộc bức hại trước đại sứ quán Trung Quốc vì những nỗ lực lớn lao nhưng thầm lặng của họ trong nhiều năm qua. Ngược lại, tôi chưa một lần từng nghĩ đến việc tôi có thể làm gì để đóng góp vào chỉnh thể hoặc tạo nên những cơ hội giảng chân tướng như thế nào. Thay vào đó, tôi chỉ muốn có con đường riêng của mình và đòi hỏi một môi trường tu luyện tốt hơn. Khi tôi lựa chọn tham gia hỗ trợ, tôi không muốn có cam kết gì. Tôi chỉ muốn làm những việc mà nghe hấp dẫn mà thôi.

Trong “Giảng Pháp tại Pháp hội quốc tế New York năm 2009”, khi được hỏi về các học viên ở Úc, Sư phụ đã trả lời rằng:

“Sư phụ không hề đặt hy vọng, hy vọng của toàn thể Úc châu, đặt ký thác lên thân một cá nhân nào đó hoặc lên thân Phật Học Hội; tôi ký thác lên chư vị tất cả đệ tử Đại Pháp mỗi cá nhân đều làm sao cho tốt.”

Tôi đã trở nên minh bạch rằng cách tốt nhất để khu vực chúng ta đề cao là bắt đầu tu luyện bản thân mình.

Gần đây tôi có đọc một bài chia sẻ trên trang Web Minh Huệ, người học viên đó viết về thể ngộ của cô ấy về mục đích của Sư phụ cho phép để bài “Giảng Pháp cho học viên ở Úc châu” ở dạng video. Cô ấy nói rằng cô ấy tin một lý do có thể là để hướng những ai đã tà ngộ quay về với chính đạo, và mở ra một con đường để họ thực sự tin vào tất cả những kinh văn mà Sư phụ giảng kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu. Tác giả bài viết còn kể chi tiết về trải nghiệm của bản thân với một người bạn đã ly khai Đại Pháp trong nhiều năm. Sau khi xem video đó, cô ấy lập tức minh bạch trở lại về vấn đề tu luyện. Tôi như được mở rộng tầm mắt nhờ bài chia sẻ này. Phần giảng Pháp của Sư phụ trong băng video này là một chuông cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta, nhưng cũng là một sự khích lệ và động lực cho chúng ta làm tốt hơn trong tu luyện.

Kim cương bất phá

Trong giảng Pháp, Sư phụ dùng thuật ngữ “kim cương bất phá”. Sư phụ giảng:

“Các đệ tử Đại Pháp, sao là đệ tử Đại Pháp? Là sinh mệnh do Pháp vĩ đại nhất tạo nên vậy, (vỗ tay nhiệt liệt) là vững như bàn thạch, kim cương bền chắc không thể phá.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2003)

Nếu các học viên có thể dùng chính niệm mà không trượt ngã và thực sự như kim cương bền chắc không thể phá, thì chúng ta có thể cùng nhau tạo nên một môi trường tu luyện tốt hơn và có thể hòa tan trong Pháp.

Trên đây là vài thể ngộ hữu hạn của tôi. Xin các đồng tu từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp. Hợp thập.

(Được đọc ở Pháp hội online năm 2020 dành cho các học viên Pháp Luân Đại Pháp trẻ tuổi)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/30/407046.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/6/3/185354.html

Đăng ngày 26-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share