Bài viết của một học viên phương Tây tại Pháp
[MINH HUỆ 25-05-2020]
Kính chào Sư phụ và các bạn đồng tu,
Tôi sống ở miền Nam nước Pháp. Từ lúc còn bé, tôi thích sống biệt lập. Khi ở cùng người khác, tôi có cảm giác tự ti. Một ngày, có người nói rằng tôi giống như một con sò, hễ bị chạm vào là khép vỏ lại. Phức cảm tự ti này thường xuyên tự nó biểu hiện ra ngoài khi tôi cảm thấy bị tổn thương, khi tôi gặp khó khăn trong công việc, khi tôi làm không tốt trong hạng mục Đại Pháp hoặc khi người khác không đồng ý với tôi. Tôi không thể hòa nhập, giận dữ và khổ não trong tâm.
Hướng nội để tìm ra bản chất của tâm tật đố
Từ khi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi cố gắng hướng nội càng nhiều càng tốt. Khi những cảm xúc đó và những chấp trước bị phơi bày, tôi sẽ hướng nội và phân tích để tìm ra gốc rễ của nó. Tôi nhận ra rằng sống nội tâm là một biểu hiện bị ẩn giấu của tâm kiêu ngạo. Từ biểu hiện bên ngoài của tôi, một số người có thể cho rằng tôi thanh tĩnh và cũng rất thiện lương. Kỳ thực là tâm tôi không hề thanh tĩnh, mà thường xuyên bị náo động bởi những ý niệm bất hảo và những lời phàn nàn. Tôi gọi nó là bộ mặt ẩn núp của tâm kiêu ngạo, bởi vì sống nội tâm hay hãnh diện đều là kết quả của việc cảm thấy bất công.
Sau khi đọc Chuyển Pháp Luân nhiều lần, tôi nhận ra rằng cả hai phương diện hạ thấp bản thân và đề cao bản thân đều dẫn đến tâm tật đố.
Sư phụ giảng,
“…[nếu] tâm tranh đấu không bỏ, cũng dễ sinh ra tâm tật đố.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Tâm tranh đấu là gì? Tôi hiểu rằng đó có biểu hiện là bạn hâm mộ người khác hoặc coi thường người khác. Tâm tật đố cũng dễ dàng phát sinh khi chúng ta so sánh chính mình với người khác.
Ví dụ như, tôi sẽ quan sát xem học viên khác làm tốt như thế nào khi chúng tôi giảng chân tướng về Đại Pháp cho mọi người. Tôi sẽ so sánh bản thân với họ và xem liệu tôi có làm được tốt như họ không. Sẽ là không xấu nếu việc so sánh hiệu quả giảng chân tướng là để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau và để lần sau chúng ta làm cho tốt hơn. Nhưng tôi luôn luôn bị ảnh hưởng tiêu cực khi đi so sánh như vậy. Nếu tôi thấy học viên khác có thể giảng chân tướng cho nhiều người hơn tôi, tôi sẽ phát triển một loại cảm xúc tự ti phức tạp và cảm thấy ghen tị. Nếu tôi làm tốt hơn học viên khác, tôi sẽ kiêu ngạo và thậm chí còn coi thường họ. Phương thức suy nghĩ này đã bám chặt vào tôi suốt một thời gian dài mà tôi không nhận ra cho tới khi tự mình hướng nội và đào sâu tận gốc rễ tâm tật đố.
Sư phụ giảng,
“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không. Nếu tâm tật đố không dứt bỏ, thì hết thảy các tâm người ta tu luyện được đều biến thành yếu nhược. Có một quy định, rằng trong tu luyện nếu người ta không vứt bỏ được tâm tật đố thì không đắc chính quả, tuyệt đối không đắc chính quả.” (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)
Như vậy, loại tự ti hoặc ngạo mạn này phát sinh như thế nào? Phức cảm tự ti khiến tôi không dám biểu đạt chính mình, thiếu tự tin và đối với cái gì cũng không có cảm xúc vui sướng hay nhiệt tình phấn khởi. Tại sao tôi lại bị loại tâm tình này quấy nhiễu trong một thời gian dài như vậy?
Tôi nhận ra rằng lý do tâm tật đố có thể thao túng tôi lâu dài như vậy là do tư tưởng của tôi bị cái gọi là “tự ngã” chiếm cứ. Tự ngã này không phải là chân ngã của tôi, cũng không phải là chủ ý thức của tôi. Thuận theo thời gian, cái tự ngã này đã dựa vào trải nghiệm hạnh phúc và bất hạnh mà tự hình thành quan niệm của nó. Thời gian lâu dài, nó càng trở nên mạnh mẽ. Nó muốn thu hút sự chú ý của người khác, nó muốn được người khác chăm sóc. Nó muốn nghe người khác ca tụng nó, ngưỡng mộ nó. Nó muốn hiển thị. Nó biết cách làm cho người khác hâm mộ nó. Khi bị người khác cười cợt hoặc bị phớt lờ, tôi sẽ có cảm giác bị lấn át, tưởng như thế giới sụp đổ và sau đó tự cô lập bản thân và cảm thấy bị đánh bại.
Tự ngã này quan tâm tới việc người khác nhìn mình như thế nào. Cho nên, trên bề mặt tự nó biểu hiện ra là ngại ngùng và thiếu tự tin. Tự ngã này tràn đầy các chủng loại sợ hãi. Nó không ổn định, không thanh tĩnh và không có cái nhìn rõ ràng về tương lai.
Đương nhiên, từ khi tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp, tất cả phương diện liên quan đến tâm tật đố từng chút từng chút đều bị phơi bày và bị thanh lý. Chủ nguyên thần của tôi làm chủ lại thân thể và tôi đã nhận ra vì sao tôi đến thế gian này.
Quan tâm đến chính mình
Sư phụ giảng:
“Người ta nếu nhảy ra khỏi cái ‘tình’ này, thì không ai động đến chư vị được, tâm người thường không động đến chư vị được; thay vào đó là ‘từ bi’, vốn là điều cao thượng hơn.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Theo thời gian, trạng thái tu luyện của tôi dần dần đề cao và thể ngộ về Pháp của tôi sâu sắc hơn. Tôi bắt đầu quan tâm đến người khác. Tự ngã cũng yếu dần. Tôi minh bạch về tự ngã của bản thân là thứ được hình thành từ những quan niệm người thường. Tôi đã lấy lại được chân ngã của mình.
Vì thế tại sao chúng ta nên quan tâm đến chính bản thân chúng ta? Chúng ta quan tâm đến chúng ta là để chúng ta có thể chứng thực Pháp và cứu được nhiều chúng sinh hơn. Chúng ta quan tâm đến chúng ta như thế nào? Ví dụ như, chúng ta sắp xếp thời gian hợp lý để chúng ta có thể luyện năm bài công pháp và học Pháp.
Đối đãi với cháu ngoại bằng từ bi chứ không phải tình
Cháu ngoại tôi là một cậu bé gần ba tuổi. Tôi rất vui khi ở cùng cháu. Cháu bé hồn nhiên làm tôi rất cảm động. Cùng lúc đó, tôi nhận ra rằng tôi có thể khởi tác dụng chính diện hoặc phụ diện khi ở cùng cháu.
Điều này cũng dẫn đến chấp trước vào tình với cháu tôi. Nhiều lần tôi cảm thấy trống vắng khi không gặp cháu. Tôi phải cẩn thận để không nảy sinh ra những chấp trước mới–tôi phải ước thúc tốt bản thân. Tôi phải cảnh giác mới được.
Cách đây không lâu, tôi phải lựa chọn hoặc là chơi với cháu suốt buổi chiều hoặc là tham gia vào một hoạt động của Đại Pháp. Vì lệnh cách ly do dịch bệnh vi-rut corona mà tôi có ít cơ hội gặp cháu. Cuối cùng tôi đã quyết định tham gia sự kiện nhưng tôi rất buồn bã. Sau đó, tôi nhận ra rằng mình đang dung dưỡng một chấp trước mới. Tôi tự hỏi: “Có phải cháu bé cũng buồn khi tôi đi không?” Thực sự là cháu có vẻ buồn khi tôi bắt đầu đi. Trên bề mặt, khi tôi rời đi, cả ý nghĩ và trạng thái của tôi đều ảnh hưởng đến cháu.
Vì thế tôi có trách nhiệm là phải coi nhẹ tình, nó sẽ tốt cho cả tôi và cháu. Minh bạch điều này rồi, tôi cảm thấy mình không còn ôm giữ chấp trước này nữa, và tôi cảm thấy rất thoải mái. Toàn thể xã hội nhân loại này đều chìm sâu trong tình. Là một người tu luyện, tôi phải từ một cảnh giới cao hơn mà đối đãi với tình, đồng hóa bản thân với Pháp và tu khứ chấp trước vào tình.
Không chấp trước vào hình thức giảng chân tướng
Gần đây tôi bắt đầu lo lắng rằng liệu mình có làm tốt ba việc không, mặc dù tôi đã đề cao vững chắc trong vài năm gần đây. Nói chung, tôi luôn có Đại Pháp trong tâm và tôi dành nhiều thời gian trên máy tính mỗi ngày để làm hạng mục.
Tôi tự hỏi mình vì sao tôi có ý nghĩ này, bởi vì tôi bận rộn tham dự một vài hạng mục Đại Pháp trọng yếu.
Tôi nhận ra mình đã cảm thấy có chút mất mát khi không thể đi ra ngoài giảng chân tướng trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Phần lớn mọi người đều sẵn lòng nghe tôi nói và có phản hồi tích cực. Tôi luôn luôn trở về nhà trong trạng thái thoải mái và tràn đầy năng lượng.
Tôi lo lắng vì tôi muốn thấy kết quả nhanh chóng. Cuối cùng tôi nhận ra rằng làm hạng mục quan trọng là người tu luyện có thực sự dụng tâm vào hay không. Nó đòi hỏi sự phối hợp, sự kiên nhẫn, khiêm tốn và kiên trì bền bỉ trong khi làm hạng mục trên máy tính. Những yêu cầu này là điều quan trọng nhất nếu tôi muốn giúp Sư phụ cứu chúng sinh.
Tôi nhận ra rằng hiện tại chúng ta không thể đi ra ngoài phát tài liệu và giảng chân tướng trực diện, nhưng chúng ta vẫn còn có thể giao tiếp với mọi người bằng những cách khác, chẳng hạn như mạng xã hội, email, thư tay và điện thoại.
Tôi hiểu rằng Sư phụ không yêu cầu cụ thể chúng ta phải làm gì, nhưng Ngài sẽ cho tôi điểm hóa khi tôi chính lại bản thân, đặc biệt khi tôi làm việc mà không truy cầu kết quả hoặc không hiển thị.
Sư phụ giảng:
“Các đệ tử Đại Pháp chân chính đều có năng lượng, bản thân chính là người trừ nghiệp trừ khuẩn, là sứ giả cứu độ [thời] mạt hậu [cuối cùng], trong khi giảng chân tướng cứu người thì đều biết thực thi một cách lý trí.” (Lý tính)
Cám ơn Sư phụ và các bạn đồng tu
(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội trực tuyến năm 2020 tại Pháp)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/5/25/406816.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/5/30/185283.html
Đăng ngày 18-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.