Bài viết của Trí Chân
[MINH HUỆ 04-12-2010] Khổng Tử là nhà tư tưởng, nhà giáo dục Trung Quốc thời Xuân Thu, ông rất coi trọng giáo hóa đạo đức, giỏi phát hiện ra đạo lý ẩn chứa trong những sự việc và hiện tượng bình thường. Ông cũng giỏi giáo hóa người khác. Thông qua việc quan sát, cảm ngộ và suy nghĩ đối với vật bình thường nhất là nước, ông dùng tư tưởng đạo đức luân lý làm điểm thâm nhập để nói nên lý giải và nhận thức sâu sắc đối với nước, đem lại sự gợi mở trí tuệ cho con người.
Khổng Tử dẫn các học trò chu du các nước để hoằng dương đạo nghĩa, thường xuyên đi lại giữa những núi sông, trông thấy Hoàng Hà, ông cảm thán rằng: “Sông đẹp làm sao, mênh mông làm sao”.
Đứng bên bờ sông Nghi Thủy, ông vô cùng cảm khái, nói với học trò rằng: “Thời gian trôi qua như thế này đây, ngày đêm không ngừng nghỉ”. Ở đây vừa có cảm thán của Khổng Tử đối với thời gian trôi qua như nước chảy không ngừng nghỉ, lại có suy nghĩ truy cầu vấn đề triết lý như thời gian, sự vĩnh hằng và ý nghĩa nhân sinh. Ông khuyến khích mọi người trân quý thời gian, truy cầu chính Đạo của nhân sinh và hoằng dương Đạo là việc nghĩa không nên đắn đo.
Một lần, Khổng Tử đang tập trung tinh thần quan sát thưởng thức dòng sông đang cuồn cuộn chảy về đông, học trò của ông là Tử Lộ có hỏi: “Người quân tử thấy sông lớn thì nhất định phải quan sát tán thưởng, vì sao vậy?”
Khổng Tử nói: “Bởi vì sông lớn có thể chảy về phía trước không ngừng nghỉ, tưới mát làm lợi cho bốn phương, nuôi dưỡng vạn vật, mà lại không tự nhận có công, nơi nào nó chảy đến đều đem lại sức sống bừng bừng cho miền đất đó, đây chính là đức. Khi nó chảy thì từ nơi cao chảy xuống thấp, chậm rãi hay gấp gáp đều tuân theo lý, đây chính là nghĩa. Nó mênh mông rộng lớn, ngàn nhánh vạn dòng đổ vào đại dương, mãi mãi vô cùng vô tận, đây chính là Đạo. Nó lao vào vực cực sâu mà không hề sợ hãi, xuyên qua vách núi, đục vách đá, dũng cảm tiến lên, đây chính là dũng. Nó luôn có xu hướng bình lặng, để yên ắt sẽ bình lặng, công bình công chính, đó chính là pháp. Bỏ vào đồ cân đó, nhất định sẽ giữ bằng phẳng, đó chính là chính. Nó chu đáo không nơi nào không đến, nơi cần đến thì nó đều chảy đến, cho dù trải qua ngàn vạn trắc trở khúc khuỷu nhưng nhất định phải chảy ra hướng đông, đó chính là chí hướng. Nó có thể ra có thể vào, bất kể là đến nơi nào, đều có thể tẩy sạch vạn vật ở đó, đó chính là giỏi giáo hóa. Đó chính là nguyên nhân người quân tử thấy sông lớn thì nhất định phải quan sát tán thưởng”.
Khổng Tử liên hệ hình thái và tính năng của nước với tính cách, phẩm chất, ý chí và đạo đức của con người, hiểu được đạo lập thân xử thế của con người: Nước giỏi làm lợi cho vạn vật mà không tranh, chảy ra hướng đông đổ vào biển cả, kiên định không gì thay đổi được. Người quân tử giáo hóa, khiến người ta trở nên tốt đẹp mà không tranh với người, kiên trì không suy chuyển truy cầu đại Đạo, khiến phẩm đức bản thân càng ngày càng mới, trí huệ vô lượng vô cùng!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/12/4/【神传文化】孔子观水-233276.html
Đăng ngày 12-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.