Bài viết của Thanh Liên
[MINH HUỆ 29-01-2011] Sách “Thượng thư – Nghiêu điển” có thuật lại chuyện vua Nghiêu trị quốc, rất vắn tắt, chủ yếu ghi chép các sự tích của vua Nghiêu như công đức chính tích, chế định lịch pháp, tiết lệnh và lựa chọn sử dụng hiền tài, công khai lựa chọn, kiểm tra, khảo nghiệm người kế thừa ngôi vua. Ghi chép tuy đơn giản nhưng vẫn mang ý nghĩa lớn về trị quốc.
1. Tu tề trị bình, tu thân làm gốc – Giới thiệu vắn tắt công đức chính tích của vua Nghiêu
Mở đầu “Nghiêu điển” có ghi chép rằng:
“Vua Nghiêu tên là Phóng Huân. Ông trị sửa thiên hạ, nghiêm túc, cẩn thận, sáng suốt, thấu đạt, suy nghĩ chín chắn, sâu xa, thái độ nho nhã ôn hòa, dung mạo cung kính, cẩn thận, nghiêm túc, khiêm tốn lễ hiền đãi sĩ. Đạo đức của tự thân ông tỏa sáng bốn phương, thông khắp đất trời. Ông có thể hiển lộ và hiển dương phẩm đức tốt đẹp của mình, khiến các thành viên trong bộ lạc thị tộc của ông thân thiết, hòa thuận và hướng thiện. Sau khi thị tộc của ông thân thiết hướng thiện rồi, ông lại định rõ chức phận của bá quan liên minh các bộ lạc, bá quan đều tận tâm làm tròn chức trách, giữa các bộ lạc thị tộc đều thân thiết hướng thiện. Thế là toàn thể các thành viên của liên minh các bộ lạc đều trở nên hòa mục, thân thiện.”
Từ những ghi chép vắn tắt này có thể thấy, vua Nghiêu trị quốc, đầu tiên là tu bản thân, sau đó lan truyền phẩm đức tốt đẹp của mình, khiến các thành viên trong bộ tộc mình hòa thuận, thân thiện. Sau đó lại lan truyền ở phạm vi lớn hơn, đặt rõ chức phận của bá quan trong liên minh các bộ lạc, bá quan đều tận tâm làm tròn chức phận, giữa các bộ lạc cũng đã thân thiện rồi, lại mở rộng đến toàn thể thành viên trong liên minh các bộ lạc, thế là giữa các bộ lạc, giữa các thành viên trong bộ lạc, không ai là không thân thiện hòa mục. Vậy nên vạn bang đều hài hòa, muôn dân đều thân thiện, sau đó thiên hạ đại thái bình.
Nhưng tiêu chuẩn tu thân là gì? Sách “Đại học” viết: “Người muốn tu thân thì trước tiên phải quy chính cái tâm mình, người muốn quy chính cái tâm mình thì trước tiên ý nghĩ phải thành thực, người muốn ý nghĩ thành thực thì trước tiên phải đạt đến tận cùng của tri thức, đạt đến tận cùng của tri thức là ở cách vật”. Cách vật là thông qua hiện tượng bề ngoài của sự vật mà nhìn ra bản chất của nó. Bản chất của vạn vật trong thiên hạ, quy về một điểm, chính là quy luật Đạo Trời thuận theo Đạo thì hưng thịnh, ngược với Đạo thì tiêu vong, sau đó lại chiểu theo quy luật Đạo Trời khiến tâm ý của mình trở nên thuần chính, “Ý thành thật thì sau đó tâm quy chính, tâm quy chính thì sau đó thân được tu sửa quy chính”.
Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của vua Nghiêu khi trị sửa quốc gia chính là tìm hiểu Đạo Trời, tính toán lịch pháp, tôn kính Trời, tìm về với bản tính nguyên lai, tu Đạo giáo hóa dân chúng.
2. Tôn kính Trời, tìm về với bản tính nguyên lai, tu Đạo giáo hóa dân chúng – chế định lịch pháp, tiết lệnh
Sách “Nghiêu điển” có ghi chép một sự việc của vua Nghiêu như sau:
“Thế là vua Nghiêu lệnh cho Hy thị, Hòa thị tôn kính thuận theo Trời, quan sát sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và tinh tú, tính toán ra lịch pháp, thận trọng dạy bảo bách tính cày cấy trồng trọt theo mùa. Vua lệnh cho Hy Trọng trú tại Dương Cốc ở phương đông, hàng ngày cung kính nghênh đón mặt trời mọc, quan sát rõ và sắp đặt sản xuất canh nông vào mùa xuân. Ngày Xuân Phân, ngày và đêm dài bằng nhau, lúc hoàng hôn, sao Thiên Điểu xuất hiện ở trên không trung hướng chính nam, lúc này định làm tháng thứ 2 của mùa xuân. Lúc này nông dân đều phân tán ở ruộng đồng cày cấy, chim thú cũng bắt đầu giao phối sinh sôi nảy nở. Vua lệnh cho Hy Thúc cư trú tại Giao Chỉ ở phương nam, quan sát rõ và đặt ra nông sự mùa hạ, cung kính chủ trì tế tự mùa hạ. Ngày Hạ Chí là ngày mà ban ngày dài nhất, lúc hoàng hôn, sao Hỏa xuất hiện ở không trung hướng nam, lúc này đặt làm tháng thứ 2 của mùa hạ. Thời gian này, nông dân tiếp tục làm việc trên cánh đồng, lông vũ lông mao của chim thú cũng lưa thưa vì rụng. Vua lại lệnh cho Hòa Trọng cư trú tại Muội Cốc ở phương tây, cung kính tiễn đưa mặt trời lặn lúc chiều tà, quan sát rõ và sắp đặt việc thu hoạch mùa thu. Ngày Thu Phân, ngày và đêm dài bằng nhau, sao Hư xuất hiện ở không trung, lấy đó để xác định tháng thứ 2 của mùa thu. Lúc này, nông dân yên lành vui vẻ, lông mao lông vũ của loài chim thú đã mọc mới, cũng rất dễ chịu và đẹp. Vua lại lệnh cho Hòa Thúc cư trú tại U Đô ở phía bắc, phân biệt và quan sát thời khắc mặt trời vận hành về phía bắc. Ngày Đông Chí là ngày có ban ngày ngắn nhất, lúc hoàng hôn, sao Mão xuất hiện ở phương Bắc, lấy đó để xác định tháng thứ 2 của mùa Đông. Lúc này, mọi người ở trong nhà, ít ra ngoài, chim thú cũng mọc lông tơ vừa dày vừa mềm. Vua Nghiêu nói: “Này các khanh Hy thị và Hòa thị, một năm có 365 ngày, các khanh phải dùng biện pháp tháng nhuận để hiệu chỉnh tiết hậu tứ thời cấu thành một năm. Dùng nó để định rõ chức phận bá quan, các loại sự tình cũng sẽ được thực hiện tốt”.
Đoạn ghi chép này khá dài, cũng rất chi tiết. Vua Nghiêu lệnh cho Hy Trọng, Hy Thúc, Hòa Trọng, Hòa Thúc đến cư trú ở bốn phương đông nam tây bắc, xác định rõ chi tiết sự thay đổi dài ngắn của ngày và đêm các tiết Xuân Phân, Hạ Chí, Thu Phân và Đông Chí, xác định vị trí cụ thể của các ngôi sao và sự thay đổi của chim thú, sự thay đổi hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Vua Nghiêu yêu cầu họ quan sát sự thay đổi và vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao để xác định Tứ chính: Trọng Xuân, Trọng Hạ, Trọng Thu và Trọng Đông, tính toàn lịch pháp, dạy người dân canh tác nông vụ theo khí tiết, thiên thời. Vua Nghiêu tôn kính và thuận theo Thượng Thiên, hàng ngày cung kính nghênh đón mặt trời mọc, cung kính tiễn mặt trời lặn, cung kính thực hiện những việc tế tự. Vua Nghiêu vận dụng biện pháp dùng tháng nhuận để hiệu chỉnh thời lệnh thiên thời của một năm bốn mùa.
Vua Nghiêu chế định lịch pháp, tại sao tác giả sách “Thượng thư” đã đưa đoạn văn đó ở vị trí hiển hách mở đầu của “Nghiêu điển”, đồng thời đã dùng đoạn dài như thế này để ghi chép? Sự giao phó của vua Nghiêu đối với anh em họ Hy và họ Hòa tại sao lại ghi chép cụ thể chi tiết như thế này? Tại sao vua Nghiêu coi trọng lịch pháp như thế này? Phần cuối cùng của đoạn ghi chép này đã cho câu trả lời: Cần phải căn cứ theo lịch pháp để đặt định ra chức phận của bá quan, xử lý các loại sự việc của xã hội loài người.
Sự vận hành của mặt trời, mặt trăng và các vì sao, việc chế định ra lịch pháp có thực sự quan trọng như thế này không?
Sách “Trung dung” viết: “Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị Đạo, tu Đạo chi vị giáo”, ý nghĩa là: Mệnh Trời chính là bản tính con người, tuân theo bản tính tự nhiên của con người chính là Đạo, dùng Đạo Trời để quy phạm ước thúc hành vi, lời nói, cử chỉ của con người chính là giáo dục. Nhân tính kế thừa từ Trời, vốn đồng hóa với Đạo Trời. Đạo Trời hưng thịnh trường tồn, nếu con người có thể lúc nào cũng giữ được bản tính tự nhiên đồng hóa với Trời, không sai lệch, thì có thể hưng thịnh, yên vui trường tồn cùng Trời Đất.
Là Thánh vương cổ đại, vua Nghiêu biết rõ Đạo Trời khởi tác dụng quyết định đến hết thảy mọi sự việc trong xã hội nhân loại. Sự sắp đặt việc canh nông, các hoạt động sinh hoạt của bách tính và chức phận của bá quan đều phải tuân theo tiết khí bốn mùa. Tiết khí bốn mùa chính thì tất cả chính, tiết khí bốn mùa không chính thì hết thảy mọi thứ trong xã hội nhân loại đều hỗn loạn. Do đó dùng Đạo Trời giáo hóa muôn dân trong thiên hạ chính là đại pháp căn bản để vua quan trị sửa quốc ra, quản lý chính sự. Vua quan ở giữa trời đất, thì việc quan trọng nhất chính là nghe và biết Đạo Trời, sau đó nghiêm khắc tu trì bản thân theo tiêu chuẩn của Đạo Trời, rồi lại chiểu theo Đạo Trời, cũng là bản tính tự nhiên của con người để giáo hóa muôn dân trong thiên hạ. Hết thảy những việc làm của người xưa đều là trước tiên quan sát trời đất, sau là định ra việc của con người. Hết thảy những điển chương, chế độ, quy phạm đạo đức, chuẩn mực hành vi và lễ nghi của xã hội nhân loại đều là người xưa căn cứ vào thiên thời địa lợi mà chế định ra. Thời xưa, hết thảy hành vi cử chỉ của con người đều coi trọng thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thế là kính phụng thiên thời, để con người hợp với Trời đã trở thành cảnh giới đạo đức tối cao của các Thánh hiền cổ đại dốc sức thực hành và dạy bảo đời sau ắt phải đạt được. Đây chính là “Thiên – Nhân hợp nhất” mà mọi người đã biết rõ. Bởi vì quân chủ hợp theo Trời thì chính sự thông đạt, mọi người hòa thuận, có thể bảo vệ người dân, an bang định quốc. Người dân hợp theo Trời thì tu thân tề gia, có thể bảo toàn thân thể, có thể vĩnh viễn đứng ở nơi bất bại. Bá quan muôn dân đều tự giác dùng quy luật Đạo Trời để ước thúc hết thảy bản thân, thì bậc quân chủ cũng tự nhiên “chế đinh y phục mà thiên hạ thịnh trị”. Trái lại, cho dù bậc quân vương vì dân, hễ trái với Đạo Trời và bản tính tự nhiên của con người thì tất cả đều thất bại thảm hại.
Nhưng Trời Đất không nói, mệnh Trời, Đạo Trời thì con người làm thế nào biết được? Ý chỉ của Thượng Thiên là thông qua sự thay đổi của giới tự nhiên và sự vận hành của mặt trời, mặt trăng, các vì sao hiển thị cho nhân loại, để nhân loại quan sát và ngộ ra. Vua Nghiêu biết rõ điểm này, do đó ngài đã coi việc tính ra lịch pháp là việc đại sự quan trọng nhất của quốc gia. Vua đã an bài tỉ mỉ anh em họ Hy và họ Hòa cai quản lịch pháp, đồng thời bảo cho họ biết tiêu chuẩn và phương pháp cụ thể để hiệu chỉnh lịch pháp, tiết lệnh, căn dặn họ cung kính nghênh đón tiễn đưa mặt trời mặt trăng, cử hành lễ tế tự, để đảm bảo tất cả sự vận hành của nhân loại không lệch khỏi ý chỉ của Thượng Thiên, đồng thời được Thượng Thiên bảo hộ, từ đó đạt đến chính sự thông đạt, con người hòa hợp mà thiên hạ thái bình.
Đó chính là thời thịnh thế anh minh “Đại Đạo chi hành” mà Khổng Phu Tử mơ ước, đó chính là hàm nghĩa chân chính của việc người quân tử “chế định y phục mà thiên hạ thịnh trị” trong thời thịnh thế lý tưởng “Cuối xuân, y phục xuân đã làm xong, 5, 6 người mũ áo chỉnh tề, 6, 7 đứa hài đồng, tắm ở sông Nghi, hóng gió ở đài Vũ Vu (tức đài cầu mưa), ngâm vịnh rồi trở về” mà Khổng Phu Tử tán đồng.
Tác giả sách “Thượng thư” đắc được tâm ý và thuật trị quốc của vua Nghiêu, do đó đã đưa câu chuyện vua Nghiêu an bài và căn dặn việc tính lịch pháp vào vị trí hiển hách như thế này, và thuật lại chi tiết.
3. Chỉ dùng người hiền đức, thiên hạ vi công: Lựa chọn bá quan và người kế vị
Sách “Thượng thư” có ghi chép câu chuyện thứ 2 về vua Nghiêu như sau:
Đạo Trời đã hiểu rõ, lịch pháp tiết lệnh cũng đã quy chính, vậy ai dẫn dắt muôn dân theo bản tính tự nhiên và hướng Đạo? Đương nhiên là bậc quân chủ và bá quan các cấp. Vua Nghiêu biết rõ, trị sửa chính sự là ở con người, có con người thì chính sự được xử lý, không có con người thì chính sự suy bại. Một người nhân đức thì cả quốc gia hưng thịnh nhân đức, một người khiêm nhường thì cả quốc gia hưng thịnh khiêm nhường, một lời nói có thể sự việc thành công cũng có thể khiến hỏng việc, một người cũng có thể an định quốc gia. Vì vậy, sau khi an bài xong việc đại sự chế định lịch pháp, vua Nghiêu liền nắm việc quan trọng nữa là vì thiên hạ tìm người làm thiên tử. Tác giả sách “Thượng thư” cũng ghi chép chi tiết quá trình vua Nghiêu lựa chọn bổ nhiệm người hiền năng, lựa chọn người kế vị, nhất là quá trình lựa chọn người kế thừa đế vị.
Sách “Thượng thư” có ghi chép rằng: Vua Nghiêu sai thủ lĩnh bốn phương tiến cử người có thể kế thừa đế vị, có đại thần tiến cử con trai vua Nghiêu, vua Nghiêu cho rằng con trai ngài lời nói không thành thực, bản tính thích tranh giành, không thích hợp. Có đại thần tiến cử Cộng Công, vua Nghiêu chê Cộng Công ăn nói khéo léo, sắc mặt cười đón ý người, hành vi tà tịch, khinh mạn Thượng Thiên, không thích hợp. Nước lũ khắp nơi, dân sinh khốn khổ, vua Nghiêu tìm người trị thủy, mọi người tiến cử Cổn. Vua Nghiêu cho rằng Cổn trái với ý Trời, không tuân theo lời răn dạy, hủy hoại bộ tộc, không thích hợp. Có đại thần cho rằng có thể dùng thử, vua Nghiêu bèn theo ý kiến của mọi người, thử bổ nhiệm Cổn trị thủy. Sau này Cổn trị thủy 9 năm, kết thúc thất bại.
Do đó có thể thấy, nguyên tắc vua Nghiêu lựa chọn quan là chỉ bổ nhiệm người hiền, thiên hạ vi công. Bất kể người thân hay không, người xa hay gần, vua Nghiêu đều lấy tiêu chuẩn như nhau, phải là người kính thuận Thượng Thiên, hiếu đễ thuần chính, đức cao và làm lợi cho thiên hạ. Trong các tiêu chuẩn đó thì kính thuận Thượng Thiên là tiêu chuẩn thứ nhất. Con trai vua Nghiêu là Đan Chu không hiền tài, nếu truyền ngôi cho Đan Chu thì người khắp thiên hạ sẽ bị thiệt hại mà chỉ có mình Đan Chu được lợi. Vì một mình Đan Chu mà tổn hại Đại Đạo thiên hạ và người thiên hạ thì vua Nghiêu nhất quyết không làm.
Vua Nghiêu là trưng cầu ý kiến các thủ lĩnh bốn phương, vua nói: “Ta tại vị đã 70 năm rồi, các khanh ai có thể thuận theo ý Trời, tiếp nhận vị trí của ta đây?” Các thủ lĩnh nói: “Chúng thần vô đức, không xứng đáng tiếp nhận đế vị.” Vua Nghiêu nói: “Các khanh cũng có thể tra xét tỏ tường và tiến cử người hiền đang ẩn mình ở vị trí thấp.” Mọi người tấp nập tiến cử với vua Nghiêu: “Có một người độc thân ẩn cư trong dân gian, tên gọi Ngu Thuấn.” Vua Nghiêu nói: “Tốt quá! Ta cũng đã nghe đến người này. Anh ta như thế nào?” Các thủ lĩnh nói: “Anh ta là con trai của nhạc sư Cổ Tẩu. Phụ thân ngoan cố ngu xuẩn, mẫu thân ăn nói tức giận loạn ngôn, huynh đệ ngạo mạn hung dữ, Thuấn có thể dùng Đạo hiếu đễ sống hài hòa với họ, dùng mỹ đức cung kính sáng suốt xử lý việc gia đình, trong tâm không nảy sinh bất kỳ tà niệm nào.” Vua Nghiêu nói: “Ta phải thử anh ta xem sao! Gả con gái cho anh ta, xem đức hạnh anh ta sống với con gái.” Thế là vua lệnh gả con gái cho Thuấn làm vợ.
Ngu Thuấn xuất thân hèn mọn, ẩn cư ở dân gian. Vua Nghiêu nghe nói Thuấn thông minh hiền đạt, dự tính để Thuấn kế thừa đế vị của mình, bèn gả con gái cho Thuấn, kiểm tra phẩm đức và tài năng xử lý việc nhà của Thuấn. Đồng thời vua trao chức quan cho Thuấn, nhiều lần giao việc khó cho Thuấn để kiểm tra phép tắc xử lý việc chính sự bên ngoài của ông, đồng thời căn dặn ông rằng phải tận tâm làm tròn chức trách. Thuấn cày ruộng ở núi Lịch Sơn, người Lịch Sơn đều nhường địa giới ruộng cho nhau. Thuấn đánh cá ở đầm Lôi Trạch, người xung quanh đều nhường chỗ ở cho nhau. Thuấn làm gốm ở bên sông Hoàng Hà là Hà Tân, đồ gốm người Hà Tân sản xuất ra không cái nào bị vỡ hay thô xấu. Nơi Thuấn cư trú một năm trở thành thôn trang, hai năm trở thành thị trấn, ba năm trở thành đô thị. Thế là vua Nghiêu ban thưởng cho Thuấn y phục và đàn cầm, xây dựng nhà kho và ban cho Thuấn dê bò.
Cha mẹ và anh em Thuấn đều muốn sát hại Thuấn, mấy lần Thuấn đều dựa vào trí huệ thoát nạn. Sau đó Thuấn càng ngày càng hiếu thuận với cha mẹ hơn, cư xử tốt với anh em hơn nữa. Thế là vua Nghiêu bèn sai Thuấn đi thực hành ngũ giáo, lệnh cho ông hoằng dương đức nhân luân ngũ thường tốt đẹp, nghiêm khắc dùng năm loại luân lý đạo đức Phụ nghĩa, Mẫu từ, Huynh hữu, Đệ cung, Tử hiếu này để làm mẫu và dẫn dắt bách tính. Bách tính đều tuân theo quy phạm 5 loại đạo đức này rồi thì vua Nghiêu lại lệnh cho Thuấn xử lý công việc với bá quan, Thuấn đều xử lý rất tốt đẹp. Sau 3 năm, vua Nghiêu đã nhường đế vị cho Ngu Thuấn.
Khổng Tử nói: “Đại Đạo chi hành dã, thiên hạ vi công.” (Việc thi hành Đại Đạo chính là thiên hạ là của chung). Thiên hạ vốn là thiên hạ của công chúng, quyền lực của nhà vua vốn là dân chủ, công chính. Sách “Mạnh Tử” viết: “Người vì thiên hạ mà tìm người thì gọi là nhân đức.” Vua Nghiêu nhân đức thay! Toàn bộ quá trình vua Nghiêu kiểm tra lựa chọn bá quan và bồi dưỡng người kế vị thật dân chủ và công chính biết nhường nào! Quả là thận trọng và nghiêm cẩn biết bao! Thực sự chính đại vô tư biết nhường nào!
Ngoài ra, vua Nghiêu và các đại thần thương nghị đại sự trong thiên hạ, các đại thần đều thỏa lòng nói những gì mình muốn nói, dường như là đối đáp tùy ý, hỏi liền trả lời, không cần suy nghĩ. Vua tôi trên dưới không hề có chút cảnh giác đề phòng nào, quả là chí thành, chí tín. Trước ngôi vua hiển hách, các đại thần đều nói một câu: “Chúng thần vô đức, không xứng tiếp nhận đế vị” – quả là câu trả lời chất phác biết bao, chân thành biết nhường nào, và có trách nhiệm biết mấy!
Thiên tử trị sửa quốc gia, ngày xử lý hàng vạn sự việc. Nhưng tác giả sách “Thượng thư” chỉ lựa chọn hai sự việc của vua Nghiêu là tôn kính trời, dẫn dắt theo bản tính tự nhiên, và chỉ sử dụng người hiền năng để miêu tả tường tận, có thể nói tác giả đã hiểu rất sâu cương yếu căn bản và tâm pháp đạo trị quốc của vua Nghiêu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2011/1/29/帝尧的治国之道-235448.html
Đăng ngày 07-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.