Bài viết của Thanh Đồng 

[MINH HUỆ 05-05-2020] Trung Quốc thời xưa có chuẩn mực đạo đức cao thượng, kính úy trời đất Thần linh, đã từng có rất nhiều sử quan thanh liêm, nhân nghĩa thiện đức, góp phần viết nên giai thoại truyền thống “tùy thời hành thiện giúp người mà tu thành chính quả”.

Cũng nói là, quan viên gánh vác trọng trách tham dự trị vì đất nước cần phải vị công giống như người tu hành “ở ngoài thế tục” thì mới không cô phụ bổn phận “hành thiện giúp người”.

Tuy nhiên, rất nhiều người thời nay cho rằng “lúc có quyền lực trong tay thì hãy tranh thủ thời gian mà tận dụng, đến lúc không còn quyền lực nữa thì dù có muốn cũng không dùng được”. Ở trong một xã hội với đạo đức ngày một xuống dốc như hôm nay, loại nhận thức này gần như đã trở thành phương châm cho những kẻ nắm giữ quyền lực.

Diêu Thời không thừa nhận tội lỗi của người khác nên đắc được thiện báo

Vào thời nhà Tống có một quan cai ngục tên là Diêu Thời. Thời đó, người em họ của Tể tướng Trương Bang Xương bị bắt giữ vì tội danh kết bè phái âm mưu làm phản. Trương Mỗ và gia quyến của ông ấy bị bắt giam vào ngục với cùng tội danh.

Một hôm, Trương Mỗ phân bua với Diêu Thời: “Tôi dự liệu là mình không thoát khỏi tội chết. Lúc bình sinh tôi có cất giữ một số vàng trong một căn phòng bí mật, ông giúp tôi đi lấy số vàng đó ra. Tôi làm phiền ông một việc nữa, xin ông hãy bí mật giúp tôi mua thuốc độc. Đợi đến sáng khi lệnh phán quyết được đưa ra, tôi và gia quyến sẽ cùng nhau uống thuốc độc tự vẫn. Tôi nhờ ông lo giúp hậu sự cho gia đình chúng tôi.”

Diêu Thời bèn an ủi Trương Mỗ: “Hiện nay triều đình đang thực thi chính sách nhân nghĩa, nhiều án tù sẽ được xử lý khoan hồng. Tôi nhất định sẽ nghe ngóng tin tức giúp ông. Nếu tội danh thực sự không thể miễn thì tiên sinh lại làm theo như ông đã tính, lúc đó cũng chưa muộn.”

Sau này, Trương Mỗ được xét xử là “không tham dự vào việc mưu phản” nên cả nhà đã được thả ra. Trương Mỗ vô cùng biết ơn Diêu Thời đã giúp đỡ bảo toàn tính mạng của gia đình mình nên ông ấy gửi tặng Diêu Thời một trăm lượng vàng, nhưng Diêu Thời đã từ chối không nhận.

Lúc đó, Diêu Thời vẫn chưa có con cái nối dõi. Sau vụ án của Trương Mỗ, Diêu phu nhân liền hạ sinh tám người con trai. Tám người con này đều có tài học xuất chúng, liên tiếp thi đỗ khoa cử, sau này đều trở thành các bậc danh sĩ nổi tiếng.

Vương Tư Mẫn kháng cáo cho người bị đổ tội oan

Vương Tư Mẫn sống ở Hoàng Nham, đảm nhiệm chức vụ ở nha môn huyện. Một hôm, nha môn bắt giữ một người bị đổ tội trộm cắp. Vương Tư Mẫn biết rõ người này bị đổ tội oan nên ông ấy đã giúp người này biện bạch trước nha huyện. Sau đó, huyện lệnh đã phán quyết vô tội và thả người.

Sau này, Vương Tư Mẫn đến tham gia khoa cử tuyển chọn quan viên và được thăng chức làm phán quan ở Thái Châu. Năm đó, Thái Châu gặp phải nước lớn. Quan Ngự sử tuần tra đến vùng xảy ra tai họa. Vương Tư Mẫn bèn mang theo danh sách ghi chép những người dân chịu thiệt hại do thiên tai đến tìm quan Ngự sử thỉnh cầu cứu giúp. Quan Ngự sử không chấp nhận lời thỉnh cầu nên Vương Tư Mẫn đã ôm bảng danh sách nhảy sông tự vẫn. Quan Ngự sử nghe tin liền thấy choáng váng, nhanh chóng lệnh cho người đi cứu Vương Tư Mẫn. Sau đó, quan Ngự sử đã đồng ý mở kho cứu tế bách tính.

Sau này, Vương Tư Mẫn về quê lo tang sự cho phụ thân. Có một hôm, ông ấy gieo quẻ để chọn đất xây mộ thì nhìn thấy một nơi có địa hình phong thủy rất tốt. Ông bèn tìm đến nơi đó để xem, bỗng dưng gặp lại người đã từng bị đổ tội oan năm xưa. Người đó vội vã chạy đến trước mặt ông chào hỏi: “Đây chẳng phải là Vương ân nhân sao! Xin cho tôi hỏi khách quý thân chinh đến đây có việc gì chăng?”

Vương Tư Mẫn kể rõ câu chuyện của mình cho người kia nghe. Ông ấy nói là muốn tìm một gò đất xây mộ thật tốt để an táng phụ thân nên tìm đến nơi này. Người kia bèn nói: ”Ngọn núi đó là nhà của tôi. Tôi nợ ông ân đức cứu mạng nên làm sao tôi có thể không tặng đất cho ông chứ!” Nhờ vậy, Vương Tư Mẫn đã mai táng phụ thân mình ở ngọn núi ấy.

Sau này, con cháu của Vương Tư Mẫn đều thi đỗ tiến sĩ, làm quan tham dự vào chính sự. Cháu cố Đình Chiêm làm quan đến chức Hình bộ Thượng thư. Cháu cố Đình Đống làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ. Con cháu đời sau của Vương Tư Mẫn lần lượt thay nhau ghi tên lên bảng vàng.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2020/5/5/404635.html

Đăng ngày 11-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share