Bài viết của Trí Chân
[MINH HUỆ 24-09-2020] Vận mệnh đi theo con người như hình với bóng. Tâm sinh thiện niệm sẽ định ra một cảnh giới mỹ hảo tương ứng. Tâm sinh ác niệm sẽ định ra một cảnh giới bất hảo tương ứng. Rất nhiều sách khuyến thiện thời xưa đều nhấn mạnh về tính trọng yếu của “đức” trong khoa cử. Cổ nhân cho rằng một người được chọn làm tiến sỹ không phải bởi vì tài năng và học thức của chính bản thân anh ta, mà nó là sự hồi báo cho việc tổ tiên làm việc thiện. Thần linh dõi theo hành vi đạo đức của con người và căn cứ vào đức hạnh của sĩ tử để quyết định người đó có thi đỗ khoa cử hay không. Thần linh có thể trợ giúp sĩ tử trong thi cử, lặng lẽ dõi theo hành vi của sĩ tử và quan coi thi. Rất nhiều người tham thú sắc dục, khiếm khuyết đức hạnh bị Thần linh hủy mất cơ hội trúng tuyển khoa cử. Thiện ác phân minh, đức hạnh mới là căn nguyên tối hậu của hạnh phúc.
Trong “Văn Xương Đế Quân Âm Chất Văn”, Đế Quân viết rằng: “Người tham thú sắc dục, hành vi bất chính sẽ làm tổn hại danh tiết và bản tính lương thiện của mình, đi ngược với thiên lý, kết quả sẽ bị trừng phạt. Thượng thiên giáng xuống phúc phận ân trạch, chỉ những người có đạo đức và giữ thân thuần khiết như ngọc mới có thể đắc được phúc báo. Ta thường trông coi khoa thi mùa xuân và mùa thu, quả thật có không ít người bị tước mất công danh hoặc được ban cho công danh ngay trước khi kỳ thi bắt đầu. Phàm những ai trong mệnh có công danh sự nghiệp nhưng lại bị hủy mất đa phần đều là hậu quả của việc tham luyến sắc dục, đạo đức bại hoại, những người đó sẽ có cuộc sống mờ mịt và khốn đốn cho đến cuối đời. Phàm những ai biết giữ thiện niệm thì đều đắc được phúc báo.”
Bên dưới xin nêu ra hai ví dụ về nhân quả báo ứng.
Vào thời Nam Tống, ở Giang Châu có một tú tài tên là Phan Ngộ. Phụ thân của anh tên là Phan Lãng từng giữ chức Thái thú Trường Sa nhưng đã cáo quan về ở ẩn. Phan Ngộ đỗ tiến sỹ lễ bộ, từ biệt phụ thân lên Lâm An dự thi khoa cử triều đình. Đêm hôm đó, phụ thân nằm mộng thấy trống nhạc cờ bay phấp phới rước tấm hoành phi Trạng Nguyên vào cổng, trên tấm hoành phi có đề tên Phan Ngộ. Sáng sớm, phụ thân kể cho Phan Ngộ nghe về giấc mộng, anh ta tỏ ra rất vui mừng, trong lòng cầm chắc mình sẽ đỗ Trạng Nguyên. Trên đường lên kinh ứng thí, anh ta ca hát rượu chè, tâm tình khoái lạc.
Phan Ngộ đã đến Lâm An không lâu sau đó. Anh ta tìm một lữ quán nhỏ để thuê trọ. Ông chủ quán trọ gặp mặt anh ta và nói: “Xin cho hỏi anh có phải họ Phan không?”
Phan Ngộ trả lời: “Đúng vậy. Xin hỏi làm thế nào ông biết được ta họ Phan?”
Chủ quán trọ nói: “Đêm qua lão mộng thấy Thổ địa công nói rằng: ‘Trạng Nguyên khoa cửa lần này họ Phan, ngày mai anh ta sẽ đến lữ quán, ông hãy tiếp đón chu đáo!’ Quả thật hôm nay anh đã đến. Nếu anh không chê lữ quán của lão, anh có thể trọ lại nơi này.”
Phan Ngộ đáp lời: “Nếu là như vậy thì ta sẽ trả tiền thuê phòng nhiều hơn cho ông.”
Ông chủ quán trọ sai người nhà mang hành lý của Phan Ngộ vào trong. Chủ quán trọ có một người con gái, nghe thấy phụ thân kể về giấc mộng và biết rằng Phan Ngộ sẽ đỗ Trạng Nguyên nên cô gái đã có ấn tượng tốt với anh ta. Phan Ngộ nhìn thấy con gái chủ quán trọ trẻ tuổi, dung mạo xinh đẹp nên anh ta đã bí mật sai thư đồng mang cho cô gái một đôi nhẫn cưới cùng một đôi ngọc bội để cầu hôn. Cô gái vui vẻ nhận lời, bèn cởi dây đai thêu hoa đáp lại lời cầu hôn. Hai người hẹn gặp lại nhau ở nơi thư phòng khi ông chủ quán trọ đi vắng. Nhưng vài ngày trôi qua, họ vẫn chưa có cơ hội gặp mặt nhau. Khi khoa cử kết thúc, chủ quán trọ đã sửa soạn tiệc rượu ăn mừng Phan tú tài thi cử vất vả. Mọi người say sưa uống rượu, đặc biệt là ông chủ quán trọ uống đến say mèm. Trong lúc Phan Ngộ đang ngủ, đột nhiên nghe thấy tiếng gọi cửa nhè nhẹ, liếc mắt ra xem thì thấy con gái chủ quán trọ đứng chờ bên ngoài. Thế là hai người bọn họ đã làm ra chuyện không hợp lễ tiết. Phan Ngộ còn hứa hẹn sẽ cưới cô gái làm vợ sau khi anh ta đạt được thành công.
Đêm hôm đó, Phan Lãng ở nhà lại mộng thấy khung cảnh trống nhạc cờ bay phấp phới như lần trước, nhìn thấy bức hoành phi Trạng Nguyên vừa mang đến cửa, Phan Lãng vội la lên: “Bức hoành phi đó là của nhà tôi.” Người vận chuyển nói: “Không phải!” Phan Lãng vội nhìn bức hoành phi thì thấy trên đó đề tên của người khác. Người vận chuyển nói: “Trạng Nguyên khoa cử lần này vốn là Phan Ngộ, nhưng vì anh ta đã làm việc dối lòng nên Thiên Đế ra lệnh hủy bỏ công danh của anh ta và chuyển nó cho người khác rồi!” Phan Lãng tỉnh giấc nhưng ông ấy vẫn còn bán tín bán nghi. Không lâu sau đó, kết quả khoa bảng được công bố, Phan Lãng tìm tên con mình thì thấy vị trí Trạng Nguyên quả nhiên đã thuộc về người khác. Phan Lãng chờ con trai về rồi gặng hỏi chuyện: “Rốt cuộc con đã gây ra tội lỗi gì?” Phan Ngộ không thể tiếp tục che giấu nên đành kể hết cho cha nghe. Hai cha con họ Phan cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Một đoạn thời gian sau, Phan Lãng trong lòng nhớ nhung con gái của chủ quán trọ nên anh ta đã tìm người gửi vàng và tơ lụa đến cầu hôn, nhưng lúc đó cô gái đã kết hôn với người khác rồi! Phan Ngộ vô cùng hối hận. Về sau, anh ta dự thi khoa cử mấy lần liên tiếp đều rớt, cả đời còn lại sống trong đau khổ.
Vương Dương Minh là một nhà tư tưởng học và nhà giáo dục vào triều Minh. Cả đời ông dốc lòng dạy học tuyên dương cái thiện. Bài giảng của ông đều có nội dung liên quan đến “tuân theo thiên lý”, “đạo đức” và “lương tri”. Sự nghiệp công danh học vấn của ông xưa nay đều được người đời đánh giá rất cao. Phụ thân của ông tên là Vương Hoa. Vương Hoa là một người con hiếu thuận và tràn đầy chính khí. Bên dưới xin kể lại câu chuyện nhân quả liên quan đến Vương Hoa.
Thời còn trẻ, Vương Hoa đã từng dạy học ở nhà phú hộ. Bởi vì ông có nhân phẩm tốt và học thức cao nên vị phú hộ này vô cùng khâm phục tài năng cũng như học vấn của ông. Phú hộ có rất nhiều thê thiếp và tỳ nữ nhưng lại không có con cái nối dõi.
Vào một đêm nọ, một trong số những thê thiếp trẻ của phú hộ đã lẻn vào phòng ngủ của Vương Hoa. Vương Hoa biết được nên đã một mực từ chối cô ấy. Cô gái lấy ra một mảnh giấy đưa cho Vương Hoa và nói: “Đây chính là ý nguyện của phú hộ!” Vương Hoa nhìn thấy trên mảnh giấy viết một câu như sau: “Cầu mong con cái nối dõi”. Ngay lập tức, ông lấy bút viết thêm một câu “Kính sợ thượng thiên” ở bên cạnh, đồng thời từ chối cô gái. Ngày hôm sau, ông xin từ chức và rời khỏi nhà phú hộ.
Sau này, người phú hộ đó đã thỉnh mời Đạo sĩ đến tế lễ cầu phúc. Lúc Đạo sỹ bái lễ đọc tấu chương, ông ấy đã quỳ rất lâu trên mặt đất không hề đứng dậy. Phú hộ cảm thấy rất kỳ quái nên bèn hỏi rõ nguyên nhân. Đạo sĩ trả lời: “Khi nãy tôi vừa mới dâng tấu chương lên Nam Thiên Môn thì gặp chúng Thần trên thiên thượng đang nghênh đón Trạng Nguyên, cho nên tôi đã phải chờ rất lâu mới được thông qua!” Phú hộ liền hỏi: “Vậy ai là Trạng Nguyên?” Đạo sĩ trả lời: “Tôi không rõ họ tên người đó, nhưng phía trước ngựa của Trạng Nguyên có treo một lá cờ. Trên lá cờ có ghi hai câu liễn: ‘Cầu mong con cái nối dõi. Kính sợ thượng thiên’.”
Không lâu sau đó, quả nhiên Vương Hoa thi đỗ Trạng Nguyên và làm quan đến chức Sử bộ Thượng thư. Về sau, ông kết hôn với Trịnh thị, hai vợ chồng chung sống hòa thuận với nhau. Lúc Trịnh phu nhân hạ sinh Vương Dương Minh, tổ mẫu (bà nội của Vương Dương Minh) nằm mộng thấy trên mái nhà tiên nhạc réo rắc, cờ phướn tung bay, một nhóm tiên nhân cưỡi mây ngũ sắc mang theo tiểu hài tử đến nhà, bà còn nghe thấy tiếng thiên thần tung hô: “Có qúy nhân đến”. Ngay sau đó, chúng tiên nhân cưỡi mây hồng bay đi. Tổ mẫu chợt tỉnh giấc ngay đúng lúc nghe thấy tiếng trẻ con khóc. Lúc này, người hầu gái chạy đến báo tin Trịnh phu nhân đã hạ sinh một bé trai. Đứa bé đó chính là Vương Dương Minh. Về sau, Vương Dương Minh đã lưu lại rất nhiều câu châm ngôn nổi tiếng như: “Bậc Thánh giả chất phác thuận theo thiên lý, tuyệt không nằm ở tài hoa và năng lực. Người phàm tục dốc sức học tập, dùng tâm thuần phác làm theo thiên lý tất có thể trở thành Thánh nhân”, “Trời đất tuy lớn nhưng kẻ phàm phu tục tử nếu có một niệm hướng thiện, trong tâm tồn giữ lương tri thì cũng có thể làm Thánh hiền”. Hai cha con nhà họ Vương làm việc gì cũng thuận theo “lương tri” cho nên giai thoại của họ được truyền tụng đời đời.
Có thể thấy rằng Vương Hoa làm việc thiện tích được âm đức nên về sau công danh hiển hách, Phan Ngộ vốn sẽ thi đỗ Trạng Nguyên nhưng do tư thông tình cảm với con gái của chủ quán trọ nên bị rơi xuống vực xoáy đến cuối đời. Chúng ta hãy thử nhìn xem được mất ở đây cách xa nhau đến nhường nào? Lẽ nào câu chuyện về Vương Hoa và Phan Ngộ không làm cho chúng ta tỉnh ngộ ra?
Người viết thuận tiện nói một chút, nhân duyên vợ chồng là do trời định, cổ nhân rất coi trọng luân lý và danh tiết. Họ đối đãi nghiêm khắc với mối quan hệ không phải là vợ chồng, cũng như rất xem trọng vấn đề sắc dục. Những việc làm tổn hại thiên lý và lương tâm, bại hoại đạo đức, cũng như làm loạn phép tắc thông thường sẽ gây tổn đức. Kỳ thực đây chính là quy phạm Thần định ra cho con người. Con người ai nấy đều hy vọng có một tương lai tốt đẹp, không ai mong muốn gặp nhiều tai họa, nhưng hành vi của một số người lại tương phản với điều họ hy vọng. Kết quả là họ không biết rằng tai họa sẽ liên tiếp giáng xuống, may mắn và hạnh phúc mà họ mong mỏi cứ thế vuột khỏi tầm tay. Cổ nhân nói: “Con người không thể lừa dối ông Trời. Khi con người chưa kịp nghĩ ra thì Thần linh đã biết hết rồi.” Có lẽ bạn sẽ hỏi rằng ông Trời biết được gì sau khi ý niệm của con người xuất ra. Kỳ thực, ông Trời sẽ trả lời như sau: “Người thiện tất sẽ được phúc báo, kẻ ác nhất định gặp phải tai ương.”
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2010/9/24/230067.html
Đăng ngày 05-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.